Đôi Bạn Chân Tình

Đôi Bạn Chân Tình

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu Thuyết Phương Tây
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Đôi bạn chân tình (nguyên tác Narcissus and Goldmundlà một câu chuyện kể về một thanh niên tên là Goldmund. Anh đã từng theo học trong trường học của tu viện dòng Thiên Chúa giáo để tìm hiểu và nghiên cứu xem cái gì được diễn tả như là “ý nghĩa của cuộc sống”, hay cụ thể hơn, là tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của chính bản thân anh. Nhưng rồi, anh đã rời bỏ trường và đi lang thang khắp miền trung nước Đức mà không có mục đích gì cụ thể. Narcissus, một thầy giáo trẻ có năng khiếu trong trường học của tu viện đã nhanh chóng kết bạn với Goldmund, vì hai người chỉ chênh nhau có vài tuổi và Goldmund vốn là sáng dạ. Goldmund kính trọng Narcissus, còn Narcissus thì lại rất yêu mến Goldmund. Một hôm, với ý định hái lượm thảo mộc, Goldmund đã thơ thẩn trên cánh đồng quá xa và anh tình cờ gặp một phụ nữ xinh đẹp. Cô hôn anh và đề nghị anh chung giường với mình. Cuộc gặp mặt này trở thành sự kiện Chúa hiển linh đối với Goldmund, và rồi anh nhận biết được rằng anh không thể nào đi tu được. Goldmund ôm trong mình khát vọng trải nghiệm mọi thứ, học hiểu về cuộc sống, về thiên nhiên theo lối thực hành của chính anh. Với sự ủng hộ của Narcissus, anh rời tu viện và lang thang khắp các miền quê, vẽ nên một câu chuyện về sự tương phản giữa nghệ sĩ và nhà tư tưởng. Câu chuyện kéo dài nhiều năm, mô tả chi tiết những sự việc cụ thể có liên quan đến những địa điểm mà ở đó Goldmund đã học được những điều hết sức có ý nghĩa, và anh thường xuyên trầm ngâm suy tưởng đến những trải nghiệm cũng như những lối sống này. Đôi bạn chân tình của Hermann Hesse xoay quanh những cuộc đối thoại giữa Narcissus (Tri giácvà Goldmund (Trực giác: Con đường tiếp cận chân lý của tôi và anh có thể hòa hợp không? và Chúng ta bổ sung cho nhau những gì? Cuộc hành trình đi tìm bản ngã của Goldmund bắt đầu từ những lời khai minh của Narcissus. Điều này ngụ ý rằng Trực giác luôn cần sự hướng dẫn của Tri giác, đó cũng là khác biệt quyết định giữa Trực giác và Bản năng. Khi cái chết và những trải nghiệm đã bóc tách những lớp vỏ phù phiếm, họ đã gặp nhau ở cuối con đường và cùng bắt đầu một hành trình mới. *** Văn hào lỗi lạc người Đức Hermann Hesse sinh ngày 2/7/1877 tại Đức. Cha mẹ ông đều là những nhà truyền giáo từng làm nhiệm vụ ở Ấn Độ, còn ông ngoại là nhà nghiên cứu nổi tiếng về Ấn Độ, bởi vậy tư tưởng của Hesse chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo. Cảnh gia đình trí thức ngoan đạo với sự pha trộn của nhiều nền văn hoá khác nhau ảnh hưởng rất sâu đậm trong con người nhà văn Hermann Hesse. Tâm hồn ông luôn chuyển động giữa hai cực Đông – Tây để đi tìm một nhân loại thuần khiết, một nhân loại sống trong cảnh bình yên. Hermann Hesse khởi nghiệp sáng tác bằng thơ ca năm 1898, với tập thơ “Romantische Lieder” (Các bài hát lãng mạn. Tuy nhiên, tên tuổi ông được biết đến nhiều hơn qua các tiểu thuyết “Peter Camenzind”, “Demien”, “Steppenwolf” (Sói đồng hoang, “Siddhartha” và “Das Glasperlenspiel” (Trò chơi với chuỗi hạt cườm. Con đường sáng tác của Hesse đi từ tình cảm cô đơn và nỗi buồn lãng mạn của cuối thế kỷ XIX đến tầm nhìn xa trông rộng, có trách nhiệm đối với xã hội ở thế kỷ XX, ước mơ và tin chắc vào tương lai tốt đẹp hơn của con người. Hermann Hesse đã từng viết: “Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này”. Cuộc đời ông đã trải qua vô vàn những thăng trầm đau đớn, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tạo. Năm 1946 ông được tặng Giải Goethe và Giải Nobel Văn học. *** Mùa hạ đã qua, hoa ruối hoa bìm đã tàn lụi, ao chuôm nín tiếng ếch kêu, hạc tung cánh bay đi. Goldmund trở về! Y trở về vào một buổi quá trưa âm u mưa bụi, y không vào tu viện mà đến ngay xưởng họa. Y đi chân, không có ngựa. Erich trông thấy y vào thì lo sợ. Thoáng nhìn nó biết ngay và chạy vội ra đón, nhưng hình như nó gặp một người khác: một Goldmund giả, già đi đến vài năm, mặt bơ phờ, ủ rũ, đầy cát bụi, nét mặt nhăn nhúm như người đau đớn bệnh nặng; tuy nhiên y không tỏ vẻ đau đớn mà mỉm miệng cười, một cái cười quen thuộc, bình tĩnh và nhẫn nại, Hai chân kéo lê một cách nhọc nhằn, người ra bộ mệt mỏi thiểu não. Chàng Goldmund đã biến ra người lạ ấy nhìn cậu thợ bạn với cặp mắt kỳ dị. Y trở về một cách kín đáo, làm như ở phòng bên cạnh bước sang, làm như mới hồi nãy vẫn ở đấy. Y giơ tay bắt tay Erỉch, không nói gì cả, không chào hỏi, không chuyện trò. “Tôi phải ngủ một giấc,” y chỉ nói vậy, ra bộ mỏi mệt vô cùng. Y bảo Erich đi chỗ khác và bước vào phòng mình ngay cạnh xưởng. Vào đến nơi y bỏ mũ ra quăng xuống đất, tháo giầy và lại gần giường. Phía trong là tượng Đức Mẹ phủ tấm màn, y tỏ vẻ thân mật nhưng không vén màn lên chào. Trái lại, y bước tới gần cửa sổ, trông thấy Erich sốt ruột đứng đợi ở ngoài, y nói lớn: “Erich, chú đừng nói cho ai biết tôi về nhé. Tôi mệt lắm. Để đến mai hãy hay.” Rồi y để nguyên quần áo mà đi nằm. Nằm một lúc lâu không ngủ được, y trở dậy lê bước nặng nề đến cái gương soi treo tường, nhìn vào thấy một chàng Goldmund nữa nhìn lại; một khuôn mặt quen thuộc nhưng đã thành ra người lạ, hình như không có mặt đối với mình, không có liên lạc gì với mình. Người ấy chỉ làm y nghĩ đến một người mà y biết: nhang nhác thầy Niklaus, nhang nhác nhà quý tộc ngày xưa đã tặng y một bộ quần áo cậu ấm, nhang nhác Thánh Jacques ở nhà thờ, một ông thánh râu ria, đội mũ hành hương, nom già nua lụ khụ, nhưng có vẻ vui vẻ nhân từ. Y nhận kỹ khuôn mặt trong gương như để biết rõ người lạ mặt. Khi đã nhận ra, y vội tỏ dấu thân mật: phải rồi, chính là mình, khuôn mặt đúng là những nét y tưởng tượng ra là nét mặt mình. Đó là một ông già mệt mỏi, đờ đẫn, mới đi xa về, một nhân vật để chọc cười, chẳng đáng đếm xỉa đến; nhưng ông ta chẳng có gì giận y, y còn khoái ông ta là đằng khác, y khám phá ra ông ta có cái gì mà chàng Goldmund xinh trai ngày xưa không có: ông già mỏi mệt và xuống dốc này có vẻ bằng lòng, đúng hơn, vẻ trai lỳ, trơ trơ. Y khẽ mỉm cười, ông già cũng mỉm cười đáp lễ. Chà! Y đi xa về đã dẫn về nhà một người như thế đó! Sau chuyến đi này y trở về, mỏi mệt và lụn bại như vậy đó! Không những y mất cả ngựa, tay nải lẫn tiền nong, y còn mất nhiều cái khác: tuổi trẻ, sức khoẻ, lòng tự tin, cặp má hồng hào, cặp mắt sáng nảy lửa. Tuy nhiên y cũng thích chí: ông già lẩm cẩm và hết gân này lại hợp sở thích của y hơn chàng Goldmund thuở trước. Ông ta có tuổi, yếu đuối và héo hon thật, nhưng chất phác hơn, an phận hơn, người ta dễ thỏa thuận với ông. Y cười, hạ một mi mắt nhăn nheo xuống, rồi vào gường ngủ.

Nguồn: https://thuviensach.vn