Tôi nôn nao một cảm giác khó tả. Cảm giác hai bàn chân nhanh hơn một thời tuổi trẻ… Tìm một góc yên tĩnh với cuốn truyện kiếm hiệp trên tay. Ngày xưa những tác giả nổi tiếng của Trung Quốc như: Kim Dung, Huỳnh Dị, Cổ Long… với thế giới tưởng tượng phong phú trong tác phẩm đã hút hồn tôi say mê… Nhân vật chính là những trang tuấn kiệt và giai nhân, những anh hùng cái thế… Với thiện, ác đấu đá tranh giành, tạo nên kịch tính hấp dẫn… Hiện tại tôi được đọc một bộ truyện kiếm hiệp không kém phần hấp dẫn của tác giả MacDung. Người Việt Nam. Thật sự bái phục tác giả. Tình yêu văn học, say mê tìm tòi hiểu biết về nhiều lĩnh vực… Với một cây bút có tâm, cho dù tác phẫm là một thể loại kiếm hiệp hư cấu vẫn đầy tính nhân văn… Tôi cảm nhận: Một khi đã đặt bút, từng chữ như là tâm huyết tác giả gởi gắm cho đọc giả… Với một tâm tưởng phong phú tác giả đã có nhiều tác phẩm hay…! Đoạt Hồn Tam Tuyệt xứng đáng được trân quý trên kệ sách của những người yêu văn học…!
Xuyên suốt Đoạt Hồn Tam Tuyệt. Tác phẩm có tính giải trí cao. Xa rời đời sống thực tại nhưng vô hình chung, trong thế giới tưởng tượng đầy hư cấu đó: Đất trời vẫn bạt ngàn xanh ngắt. Trời, mây, non nước hữu tình… Có tình yêu, tình bạn. Cái xấu được che đậy dưới nhiều danh xưng, mặt nạ để rồi tội ác hiện hữu… Và cuối cùng cái thiện cũng thắng cái ác.
Anh hùng xem cái chết nhẹ tựa lông hồng nhưng ân tình và lời hứa nặng tựa Thái sơn… Cao phong (Nhân vật nam chính) dù tánh mạng như ngàn cân treo sợi tóc vì trúng kịch độc mà ngất đi quá một tuần trăng, nhưng khi tỉnh dậy trăn trở đầu tiên vẫn là đi kiếm Lâm Gia Hân. Người con gái đã in bóng hình trong tâm trí chàng trai. Trong lòng đau như cắt, lệ khô thấm ngược vào trong: “Ai bảo anh hùng không rơi lệ? Thật ra giọt lệ của anh hùng đôi khi bi thảm hơn kẻ khác. Nó không chảy ra theo thói thường tình mà lại chảy vào một nơi sâu kín không lời bày tỏ…”
Tình bạn chí cốt giữa ba chàng trai: Cao Phong, Lý Bằng,Trương Chí. Mỗi người một cá tánh, nhưng có một điểm chung đều hào hiệp, trượng nghĩa sống chết có nhau khiến ta ngưỡng mộ… Giang hồ hiểm ác, tìm đâu ra tri âm, tri kỷ… Những mẫu đối thoại như: “Con người căn bản, có thiện tâm. Chẳng qua họ bị dục vọng làm mờ mắt…” hay là: “Phải hòa mình vào cuộc sống mới hiểu hết nỗi thống khổ của bàn dân thiên hạ… Chỗ đứng của người nghèo và kẻ yếu thật sự không tồn tại…” Tác giả muốn gì đây? Muốn đi tìm sự công bằng ư…! Muôn đời trong nhân gian, kẽ mạnh hiếp kẻ yếu, người gian manh đầy mưu ma, chước quỷ luôn hại người… Bã hư danh làm mờ con mắt thiện. Sự nhạy cảm như tơ đàn rung lên xa xót khiến tự do không còn, khi trong tâm còn bao nhiêu ràng buộc, phiền não… Một trang hào kiệt với thuật khinh công tuyệt đỉnh, nhún mình một cái là vút đi như cơn gió không chạm ngọn cây… Vậy mà tâm tư nặng trĩu … Phải chăng vì hai chữ nghĩa tình…!
Qua bốn mươi chương của Đoạt Hồn Tam Tuyệt. Trải dài xuyên suốt, mỗi một chương đều có sự gay cấn, hấp dẫn giữa những tranh giành, đúng sai xuyên suốt. Bên cạnh đó không thiếu ân tình, nghĩa hiệp giữa sáng tối đan xen… Sự đan xen đó như một lực hút dẫn ta luôn dõi theo từng nhân vật, từng câu chuyện và mong một cái kết đẹp.
MacDung là một nhà văn đa tài. Nghiệp văn chương như là máu thịt không xa rời. Ông từng là một nhà báo, trong ban biên tập của tòa soạn báo Tuổi Trẻ Cửu Long khi xưa. Ông đã sáng tác nhiều thể loại: Truyện ngắn, truyện dài, truyện ma liêu trai. Truyện tình cảm tuổi mới lớn… Thơ và bình luận văn học.
Không phải ai cũng được cuộc đời đãi ngộ… Con đường mưu sinh của ông cũng gập ghềnh khiến ông bỏ bút hơn hai mươi năm…! Nhưng con chữ cứ mãi thôi thúc, tràn đầy trong tâm tưởng ông, như nợ phải trả với đời… Ông đã trở lại và cây bút vẫn đầy nội lực… Chúng ta đã có Đoạt Hồn Tam Tuyệt II trên tay. Hãy cùng tôi bạn nhé! Khám phá thế giới kiếm hiệp hư ảo như một trải nghiệm nhân, tình, thế, thái trong một thế giới không có thực… Tại sao tác giả phải mượn sự hư cấu đó? Phải chăng niềm khát mơ: chân, thiện, mỹ… giữa thế giới thật, đôi lần trong cuộc đời tác giả đã khóc cười bên ly rượu cay… Để rồi thoát thai vào tác phẩm góp mặt cho đời.
Cám ơn nhà văn MacDung với cả tâm huyết dành cho văn học. Để cho ra đời từng đứa con tinh thần, sẽ ở lại với văn học những tác phẩm hay. Tôi tin rằng không phải bây giờ truyện của ông lưu hành trên các trang mạng và được đọc trong những chuyện ma hấp dẫn người nghe, mà còn lưu truyền mãi với thời gian.
Mời độc giả hãy đến với tác phẩm Đoạt Hồn Tam Tuyệt. Mong rằng món ăn tinh thần này thỏa niềm đam mê văn học của bạn. Đó cũng là sự trân quý chúng ta dành cho nhà văn MacDung. Cám ơn ông rất nhiều.
Sài Gòn. 26/6/19
Lê Yên
Anh đèn héo hắt soi lên gương mặt già nua của vị sư già. Gương mặt hiền từ của bậc hiền giả, thấu hiểu được diệu đế nhân sinh. Đã từ lâu ba vị thần tăng trong Giác Ngạn Thiền Lâm đã lánh xa chuyện võ lâm, lui về thiền tu tại khu rừng trúc thanh vắng. Vui với cuộc sống thanh tịnh, các vị ít khi tiếp khách của giới võ lâm. Hôm nay, cuộc sống ba người bị khuấy động bởi một chàng trai lạ, từ xa đến. Cuộc sống bình lặng phút chốc bị phá vỡ, cuốn vào lịch sử thăng trầm của võ lâm châu thổ.
Chàng trai ngồi trước mặt Giác Tham đại sư có gương mặt trung hậu, mình mặc áo chẽn xanh. Trước mặt hắn đặt một thanh cổ kiếm màu đen nhánh. Người có kinh nghiệm giang hồ, thoạt trông vào thanh kiếm đã biết đó là một bảo vật. Nhìn thanh kiếm, đại sư chợt nhớ lại lịch sử của nó. Hơn năm mươi năm về trước, một kiếm khách đã từng nổi tiếng cùng thanh kiếm. Với mười tám thế kiếm mà người giang hồ thường gọi là Thanh Bình kiếm pháp, đã oai trấn giang bắc. Trận chiến ở Long giang, nhất kiếm đả tam hung. Ba cao thủ của miền quan ngoại với ngoại hiệu Tam Hung Ác Sát, từng liên thủ đánh bại nhiều danh thủ vùng hạ lưu Tân Độ. Ba tên đại ác này thường lạm sát người vô tội, cưỡng bức kẻ cô sức yếu, hãm hiếp đàn bà phụ nữ, làm nhiều việc trời đất không dung. Lúc bấy giờ ở phía bắc Long giang có một cao thủ tên gọi là Lý Hồng Quân, kiếm pháp cực kỳ cao minh, thấy việc bất bình liền tìm đến khiêu chiến. Trận chiến diễn ra trên trên một vùng đầm lầy gọi là Dạ Trạch. Với kiếm pháp cao cường, thuật di hình siêu việt, Lý Hồng Quân với thanh Hắc Phong kiếm đã tiễn ba tên đại ác về thế giới A tì.
Nhìn vị cao tăng đang thả mình trong những hồi tưởng, hồi lâu chàng thanh niên chợt lên tiếng, phá tan sự tĩnh mịch của màn đêm:
– Ân sư vãn sinh thường dặn dò, nếu có dịp tham kiến đại sư, xin người chỉ dạy thêm về kiếm đạo. Người nói, kiếm pháp võ lâm châu thổ mặc dù tiếp thu từ nhiều nguồn gốc, nhưng hào sĩ mỗi đời đều chọn lọc những tinh tuý võ học mà phát huy. Tuy chúng ta không có những người khai môn lập phái như Đạt Ma Thiền Sư trên đỉnh Thiếu Thất, Trương Tam Phong sáng lập Võ Đang môn. Nhưng trải bao thăng trầm, lịch sử võ học châu thổ bao giờ cũng xuất hiện nhiều tay kiếm lỗi lạc, kiếm pháp tinh kỳ. Mấy trăm năm nay liên tục xảy ra nhiều cuộc tranh chấp với người phương bắc ở trung nguyên. Họ cho rằng nền võ học của chúng ta là học lóm từ trung nguyên, khiêu khích nhiều kiếm khách so tài. Làm mất hoà khí giữa hai nước và hao tổn nhiều tài năng của võ lâm song phương.
Giác Tham mỉm cười nhìn chàng trai trẻ:
– Thiếu hiệp là truyền nhân của Tích Linh Chân Nhân, lão tăng đâu dám cho mình là người hiểu biết nhiều. Kỳ thực nếu nói về kiếm học, hiện tại trong võ lâm chỉ có ba danh gia kiếm thuật kiệt xuất. Thiếu hiệp là đại diện cho một trong ba số ấy. Lý hồng Quân tiền bối sau trận chiến Dạ Trạch, chán ngán chuyện thế sự đã xuất gia cầu đạo, đạo hiệu là Tích Linh Chân Nhân. Từ đó giang hồ vắng đi một tay kiếm lừng danh. Nhưng nói không chừng nơi hoang sơn dã lĩnh, chân nhân lại ngộ ra nguyên lý sâu xa của võ học. Lão tăng là thế hệ thứ hai, so với chân nhân chỉ là hậu bối, nếu được đề cao thật không dám nhận. Nhưng nể tình cố nhân và thiếu hiệp đã đường xa đến đây, lão tăng có đôi lời mạn đàm:
– Võ học châu thổ nếu nói từ nguyên sơ thì khó ai nắm rõ. Nhưng cách đây hơn bảy mươi năm đã xảy ra một việc làm chấn động bốn phương. Mọi việc được bắt đầu từ những tư tưởng triết học cổ đại. Lý luận của Mặc gia và Pháp gia, đã cuốn hút nhiều danh gia tài giỏi về kiếm đạo, bỏ công sức ra nghiên cứu, tìm cách sáng tạo ra một loại kiếm pháp đặc thù của võ lâm châu thổ. Người đầu tiên chính là sư phụ thiếu hiệp. Với sự đam mê Mặc gia tư tưởng, cả đời Lý hồng Quân đã tĩnh tâm nghiên cứu, cuối cùng đã sáng tạo ra Thanh bình thập bát thức trên cơ sở thuyết kiêm ái. Kiếm pháp thanh bình lấy nhân hoà làm trọng, thủ nhiều hơn công. Sự biến hoá của chiêu thức thật đa dạng khó phân. Thanh Bình là loại kiếm pháp hiền hoà, tuỳ theo kiếm chiêu của địch nhân mà kháng cự. Cho dù địch nhân có trăm ngàn tiểu xảo, kiếm chiêu đa đoan, tàn độc khôn cùng. Thanh bình thập bát thức vẫn có thể lấy tĩnh chế động. Tuỳ theo chiêu số của địch mà đắc tâm ứng thủ. Loại kiếm pháp này rất phù hợp với đạo gia, không bá đạo hại người làm tổn hại đến chúng sanh bá tánh. Nếu nói về kiếm học, nhiều danh gia cho rằng thanh bình kiếm pháp chưa đạt tới cảnh giới tối cao của kiếm đạo. Khi lâm địch không có nhiều cơ hội thủ thắng. Chiêu số tuy nhiều nhưng khắc địch chế thắng lại thiếu quyết đoán. Về việc này ba huynh đệ của lão tăng cũng nhiều lần tranh luận. Là đệ tử của phật gia lấy từ bi làm trọng. Luyện võ là để tăng cường sức khoẻ, giữ cho tinh thần minh mẫn mà hướng pháp rèn tâm. Nếu cùng người tương đấu chỉ là vạn bất đắc dĩ. Đành rằng tru diệt tả đạo là công việc của người cầm kiếm, nhưng hàng phục tà ma mới là việc làm công đức vô lượng. Thanh bình kiếm pháp chủ yếu khống chế đối thủ, làm họ thấy khó mà rút lui, không tổn hại sinh linh một cách vô ích. Đó chính là điều tốt và là cái phước của võ lâm châu thổ…
Người thanh niên lặng nhìn Giác Tham đại sư một cách ngưỡng mộ. Thần thái uy nghi của một hiền giả khiến người đối diện phải tôn kính, lắng nghe. Những điều đại sư nói ra là những kiến thức uyên bác về võ học, không phải ai cũng có duyên tiếp nhận. Người luyện kiếm có mơ ước cả đời là đạt được cảnh giới cao nhất của võ học. Nếu được vậy, ngoài việc khổ luyện ra còn phải học hỏi đạo lý của kiếm pháp thượng thừa. Đôi khi luyện tập cả đời cũng không bằng một phút ngộ ra đạo lý võ học. Hắn cảm thấy hứng thú vì cuộc hạnh ngộ này. Và thật sự hài lòng cho cuộc hành trình mình vừa trải qua…
Giác Tham đại sư thong thả uống một ngụm trà, rồi lặng lẽ nhìn lên những rặng trúc lắc lay trong gió. Trong ánh sáng dịu nhẹ của trăng thượng tuần, giọng nói trầm ấm của đại sư lại vang lên:
– Hắc phong lĩnh nằm ở phía tây nam, có một người mà tố chất và tài năng thật bất phàm. Từ thuở nhỏ, mới lên bảy đã tập kiếm, mười tuổi đã thuần thục thập bát binh khí. Say mê lý luận Pháp gia đã bỏ ra hai mươi năm nghiên cứu, cuối cùng sáng tạo ra Bách biến vô ảnh thập nhị thức. Người này họ Mạc tên gọi là Tiếu Thiên. Người giang hồ hay gọi là Bách biến vô ảnh thủ. Bất luận xét về phương diện nào, từ kiếm pháp đến quyền chưởng, Mạc Tiếu Thiên đều thăng hoa một cách nhanh chóng và trở thành cao thủ bậc nhất trong võ lâm. Tên tuổi và danh tiếng của Mạc Tiếu Thiên làm cho cao thủ bốn phương phải ganh tỵ. Họ tìm cách thách đấu và bôi nhọ thanh danh vị tiền bối này. Nhưng bất cứ người đời có dùng thủ đoạn nào, Bách biến vô ảnh kiếm vẫn là kiệt tác của võ học châu thổ. Lý luận pháp gia cho rằng: Bản chất của con người là tham lam, tư lợi. Ngày xưa đất rộng người thưa, sao không có chiến tranh. Bởi vì lúc ấy người ít của nhiều. Sau này người nhiều của ít nên chiến tranh liên miên. Con người vốn không cưởng chế được ham muốn và dục vọng chiếm đoạt. Vì vậy, muốn thiên hạ thái bình cần phải có pháp luật để trị chúng. Trên cơ sở lý luận ấy, Mạc Tiếu Thiên sáng tạo ra Bách biến vô ảnh thập nhị thức. Loại kiếm pháp này chuyên đánh vào tham vọng của kiếm thủ: Như tính hiếu thắng, hám danh, ít kỷ và sự đố kỵ. Tất cả những điều này luôn thể hiện trên chiêu thức của người cầm kiếm. Vì vậy vô ảnh kiếm như là khắc tinh của kiếm học. Nó luôn luôn công phá những yếu điểm chí mạng của đối phương. Bất kể kẻ địch di chuyển về phương vị nào đều bị khắc chế, đoạt thắng…
Mời các bạn đón đọc Đoạt Hồn Tam Tuyệt Tập 1 của tác giả Mạc Dung.