Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam; trong đó các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Cách mạng công nghiệp 4.0 với việc ứng dụng các công nghệ số hóa như Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) hay điện toán đám mây (Cloud Computing)…. đang tạo ra sự thay đổi đáng kể trong doanh nghiệp và là động lực để doanh nghiệp phải ý thức trong việc thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới tư duy về sản xuất và tư duy thị trường phù hợp nhằm giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động trong sản xuất. Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang có đầy đủ cơ hội để tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0, tuy nhiên chúng ta cần tiếp tục xây dựng và triển khai mạnh mẽ cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá tạo tiền đề cho các doanh nghiệp từng bước thực hiện thành công việc chuyển đổi số, góp phần đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới.
Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có tài liệu nào đề cập đến vấn đề này một cách toàn diện, cụ thể và đầy đủ. Nhằm góp phần giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, có tài liệu tham khảo để xây dựng lộ trình thích hợp nhằm tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời mang đến cho các nhà lãnh đạo cấp Trung ương, địa phương, các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, các chuyên gia và độc giả có thêm tài liệu tham khảo về vấn đề này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Doanh nghiệp với lộ trình tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 của TS. Hà Minh Hiệp đang công tác tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Trong 5 chương của cuốn sách, tác giả trình bày các vấn đề xoay quanh doanh nghiệp với Cách mạng công nghiệp 4.0: tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0; chỉ số sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường mức độ tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng lộ trình tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0; nhà máy thông minh – phương thức sản xuất mới của doanh nghiệp trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài 5 chương chính của cuốn sách, tác giả bổ sung phần phụ lục về chỉ số đánh giá năng suất iBench 4.0 của Đài Loan và chỉ số đổi mới kỹ thuật số của Đức; về hành trình của nhà máy đến trạng thái thông minh; và khảo sát hiện trạng và khả năng ứng dụng sản xuất thông minh tại Việt Nam làm tài liệu tham khảo, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các nội dung chính.
Mặc dù tác giả và Ban biên tập đã hết sức cố gắng trong quá trình biên soạn, biên tập, song đây là vấn đề mới nên khó tránh khỏi còn hạn chế, thiếu sót, tác giả và Nhà xuất bản rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để hoàn thiện nội dung cuốn sách trong lần xuất bản sau.
Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 01 năm 2020
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT