Điệu Ru Nước Mắt

Điệu Ru Nước Mắt

Tác giả:
Thể Loại: Trinh Thám - Hình Sự
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Đến loại tiểu thuyết gọi là du đãng, Duyên Anh đã cẩn thận nhấn mạnh: “Tuổi trẻ bơ vơ, thèm xả thân cứu giúp đời, mà rốt cuộc tinh thần hào hiệp đó biến thành tinh thần du đãng”. Đã hơn một lần, cũng trong Điệu Ru Nước Mắt, Duyên Anh nói về những người trẻ tuổi này là “những thằng trong sạch nhất trong xã hội”, “du đãng nhiều thằng lương thiện gấp bội những thằng to tiếng đòi giáo dục du đãng” hay “xã hội du đãng cũng ăn đứt xã hội đạo đức giả”. Chúng nổi loạn vì cô đơn, “nổi loạn tâm hồn” vì “bất mãn gia đình, học đường, tổ quốc”, hoặc thù đời, “khinh miệt cuộc đời, vì cuộc đời cứ coi nó là du đãng ” Trong bài nói chuyện với nhà văn Đỗ Tiến Đức, Duyên Anh cho biết khi viết “cuốn tiểu thuyết du đãng đầu tiên là cuốn Điệu Ru Nước Mắt là lúc các tướng lãnh mình đảo chánh nhau, ông tướng này bắt ông tướng kia, nay là tướng anh hùng mai là tướng gian, lung tung hết. Dưới mắt một nhà văn thì tình trạng đó nản quá, chẳng còn gì đáng ca ngợi nữa. Với phản ứng đó, tôi mới đem du đãng ra ca ngợi, thế thôi”. Duyên Anh đã viết về tuổi trẻ du đãng với cái nhìn âu yếm, hiểu biết, có khi ông đã phẫn nộ như trong Ảo Vọng Tuổi Trẻ: “Hình phạt nào mới xứng đáng cho một tên lừa gạt tuổi trẻ, cho những tên làm ung thối một thế hệ mới vươn lên để tìm chỗ đứng cho dân tộc dưới ánh mặt trời” Xã hội này có luật lệ của nó nhưng cũng có những phẩm tính tốt như yêu thương nhau, biết đùm bọc nhau. Có tuổi trẻ vì hoàn cảnh mà đi du đãng như Trần Đại, Nguyễn Đạm, Trần Long, Trần Thị Diễm Châu, Lê Hùng, v.v. đã học xong trung học, có người đậu cả tú tài Pháp. Họ cũng hào hoa phong nhã và “rất nghệ sĩ”. Một đính chính cho cảm thông. Vì tuổi trẻ đường xá này sẽ chấp nhận hoàn lương, vào trường các nữ tu như trong Trần Thị Diễm Châu “xã hội không cải thiện cuộc đời của du đãng thì nội trú Hòa Hưng sẽ cải thiện họ”. Và tuổi trẻ du đãng cũng sẽ nhập ngũ làm bổn phận công dân thời chiến. Một nhân vật của Sa mạc tuổi trẻ: “quân đội là nơi lý tưởng nhất để nó làm lại cuộc đời” và “kỷ luật quân đội dạy người lính trở nên chín chắn, biết yêu biết ghét đúng đắn”. Trần Đại của Điệu Ru Nước Mắt được đàn em James Dean Hùng khen “Anh Trần Đại được làm tướng đi đánh nhau với cộng sản, chắc chắn anh ấy thương lính của anh ấy như thương chúng mình, anh ấy lại ‘cừ” nữa, cộng sản cứ gọi là hết ngáp…” GIA ĐỊNH 6-1-1965 ĐIỆU RU NƯỚC MẮT – Truyện dài của Duyên Anh *** NHÀ VĂN DUYÊN ANH: ĐỜI LƯU VONG BI KỊCH Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại làng Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông học tiểu học và trung học ở Thái Bình và Hà Nội. Là một trong những nhà văn nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975, Duyên Anh được biết đến như một con người nhiều tài, lắm tật, miệng làm hại thân! Duyên Anh thích “tháu cáy” và khích tướng đối thủ, nhưng lại rất cay cú khi bị người khách “tháu cáy”. Năm 1954, Duyên Anh di cư vào Nam. Để kiếm sống, ông đã làm mọi công việc của một thanh niên hè phố, chẳng có nghề ngỗng nào nhất định. Khi thì theo một nhóm sơn đông mãi võ, khi tháp tùng đoàn cải lương lưu diễn đây, mai đó. Lại có lúc quảng cáo cho gánh xiếc rong, rồi giữ xe đạp hội chợ… Sang trọng nhất là làm gia sư, dạy kèm cho trẻ con và dạy đàn ghita, sáo trúc cho những người theo học vỡ lòng nghệ thuật. Duyên Anh làm thơ rất sớm, đến những năm cuối của thập niên 50, ông bắt đầu viết văn xuôi. Viết để thỏa mãn giấc mơ cầm bút, chẳng đăng đâu cả. Mãi đến năm 1960, ông được nhà văn Trúc Sĩ dẫn tới diện kiến nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, lúc đó đang làm chủ bút tờ Chỉ Đạo. Bài thơ “Bà mẹ Tây Ninh” – sáng tác đầu tiên của ông được đăng trên tờ báo này. Một tháng sau, thêm truyện ngắn “Hoa Thiên Lý”, rồi “Con sáo của em tôi” tiếp tục có mặt trên tờ Chỉ Đạo, với lời giới thiệu bốc tới mây xanh của Nguyễn Mạnh Côn. Ngay lập tức, ông được người đọc đón nhận nồng nhiệt. Mỗi truyện được trả nhuận bút 5.000 đồng, thời đó mua được hơn một cây vàng. Nguyễn Mạnh Côn tỏ ra rất ưu ái, tận tình nâng đỡ Duyên Anh để sáng tác của ông thường xuyên xuất hiện trên văn đàn. Và đây cũng là đầu mối oan nghiệt cho cả hai sau này. Đến năm 1961, khi ông Nguyễn Mạnh Côn rời tạp chí Chỉ Đạo thì Duyên Anh đã thành danh. Ông bắt đầu tung hoành làng báo Sài Gòn với nhiều bút danh khác nhau: Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Vạn Tóc Mai, Nã Cẩu, Lệnh Hồ Xung, Độc Ngữ… bằng một giọng văn châm chọc, hết sức cay độc. Thời đó, có hai nhà văn làm báo mà người ta sợ nhất, đó là Chu Tử với bút hiệu Kha Trấn Ác, trong mục Ao Thả Vịt và Duyên Anh. Nạn nhân của Duyên Anh không phải chỉ toàn là người xấu, mà nhiều khi chỉ là một ai đó bị ông ghét, cũng bị ông lôi lên mặt báo, “đánh” không thương tiếc! Sự kiêu căng, miệng lưỡi cay độc của ông đã gây dị ứng cho không ít người. Một nhân vật lãnh đạo chóp bu của VNCH, khi lưu vong ở Mỹ đã bắn tiếng với ông Tô Văn Lai của chương trình Thúy Nga Paris rằng: “Bảo thằng Duyên Anh câm mồm nó lại”. Duyên Anh được xem như tay tổ trong loại sách “xúi con nít đập lộn”, với những cuốn tiểu thuyết viết về giới du đãng rất ăn khách như “Điệu ru nước mắt”, “Sa mạc tuổi trẻ”, “Vết thù trên lưng ngựa hoang”. Tác phẩm của ông từng ngợi ca tay anh chị Trần Đại (Đại Ca-Thaynhư một kẻ giang hồ mã thượng. Trong một bài phỏng vấn, tuần báo Đời hỏi ông: Tại sao trong thời buổi nhiễu nhương lại tôn vinh một tay du đãng, sống ngoài vòng pháp luật lên tận mây xanh? Duyên Anh trả lời: “Chính vì thời buổi nhiễu nhương, không có thần tượng cho tuổi trẻ, nên phải đi tìm cho họ một mẫu thần tượng. Xem ra, Trần Đại là xứng đáng hơn cả”. Duyên Anh là người thẳng thắn, yêu, ghét rạch ròi. Đã quý mến ai rồi thì ông sống trọn tình, trọn nghĩa với người đó. Năm 1978, Duyên Anh gặp lại Nguyễn Mạnh Côn trong trại cải tạo. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn có thâm niên hơn 40 năm là đệ tử của ả phù dung nên sức khỏe rất yếu. Biến chứng tâm, sinh lý của một con người có quá trình “phi yến thu lâm” (đọc trại cho… sang chữ “phiện, thú lắm”quá dài nên khi bị bắt buộc phải cai, cơ thể ông bị hành hạ liên tục. Do đó, sinh hoạt của ông rất bê bối, khiến đa số trại viên khác, dù có thông cảm đến mấy cũng không muốn gần gũi, chia sẻ, trong đó có Duyên Anh. Người khác chẳng sao, nhưng với Duyên Anh, Nguyễn Mạnh Côn cho rằng đó là bội bạc. Nhiều lần ông Côn nói với mọi người: “Không có tôi thì đã không có Duyên Anh! Tôi mà không biên tập nát ra thì truyện của nó ai mà thèm đọc”. Và Duyên Anh đã phản ứng theo đúng tính cách kiêu ngạo của ông: “Không có “Côn Hít” thì Duyên Anh vẫn là Duyên Anh. Ông Côn giỏi sao không biến một thằng cha căng chú kiết nào đó thành một văn tài mà phải đợi đến Duyên Anh?” Từ đó, cả hai nhìn nhau tuy bằng mặt, mà không bằng lòng. Cũng chỉ có thế, ngoài ra Duyên Anh không có bất kỳ hành vi, thủ đoạn nào ác ý với Nguyễn Mạnh Côn, như lời đồn đại đầy ác ý của những kẻ thù ghét Duyên Anh sau này. Năm 1981, Duyên Anh được trở về với gia đình khi vợ và các con đã định cư tại nước ngoài. Năm 1983, ông vượt biên sang Malaysia, rồi sinh sống tại Pháp, tiếp tục viết. Cùng phận lưu vong nhưng ông không tiếc lời thóa mạ những đảng phái, phe nhóm chính trị lưu manh đang hoạt động tại hải ngoại. Duyên Anh gọi bọn họ là những kẻ giả hình, những tay lừa bịp, mộng du, chiến đấu trong chiêm bao. Ông cũng lên án đám lãnh đạo, chính khách, tướng tá của VNCH toàn là một lũ vô tài, bất tướng, giàu của cải nhờ bóc lột, nhưng quá nghèo nàn liêm sỉ và nhân cách. Nhưng cho dù Duyên Anh có thế nào đi nữa, thì ông cũng là một người cầm bút, không có lấy một tấc sắc trong tay để tự vệ. Ngày 6/2/1997 ông qua đời vì bệnh xơ gan.