Kỷ niệm lần thứ 50 Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà xuất bản Thông Tấn ra mắt bạn đọc cuốn “Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp” được dịch từ bản Pháp văn “Lee hommes de Dien Bien Phu” (Những con người của Điện Biên Phủdo Nhà xuất bản Perrin (Parisấn hành năm 1999. Sinh năm 1926, gia nhập quân đội và đã từng tham chiến ở Đông Dương, trở về Pháp làm báo và viết sách chuyện về đề tài chiến tranh, tác giả Rô giê Bruýtgiơ (Roger Brugeđã vận dụng thủ pháp điều tra, tiếp cận và mô tả trận Điện Biên Phủ bằng cách nhìn nhận, phân tích, đánh giá của chính người trong cuộc. Tận dụng các nguồn tư liệu có thể khai thác, những thông tin thu thập qua thư từ, lời kể, bản đồ tác chiến, biên bản ghi chép của Ủy ban điều tra về Điện Biên Phủ, tìm tới những nhân chứng quan trọng, trong đó có các tướng lĩnh, chính khách Pháp như Nava (Hen ri Navarre, người vạch kế hoạch “bình định Đông Dương trong vòng 18 tháng – cha đẻ của tập đoàn cứ điểm; Đờ Caxtơri (De Castries, tư lệnh trực tiếp chỉ huy mặt trận và nhiều tướng tá, binh sĩ khác cùng thân nhân của họ, tác giả đã tái hiện sinh động và chân thực những sự kiện đã từng xảy ra tại Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm, các trạm cứu thương, tiểu đoàn chiến đấu và cả trên máy bay thả dù tiếp tế…, kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Có thể coi cuốn sách là một ký sự chiến trường, với sự ra đời và thất thủ của lần lượt các cứ điểm Him Lam (Béatrice, đồi Độc Lập (Gabrielle, Bản Kéo (Anne Marie, đồi A1 (Éliane 2, C1 (Éliane 1… cho đến ngày 7-5-1954, tướng Đờ Caxtơri phải ra hàng, Nava bị triệu hồi vội vàng về nước thực hiện việc rút quân. Bộ đội ta hoàn toàn làm chủ chiến trường. Điều hấp dẫn và thú vị của cuốn sách còn được thể hiện ở những chất liệu sống mà tác giả đã chắt lọc qua thư trao đổi, hồi ức, tâm sự, phản ảnh cách xử sự, phản ứng, sự bất đồng, trong đó có cả những lời cáo buộc, chỉ trích lẫn nhau giữa những sĩ quan quân đội và chính khách, làm rõ tiến trình, ý đồ chiến lược, chiến thuật từ phía quân đội Pháp, giúp người đọc không chỉ thấy rõ sự thất bại nặng nề cả về quân sự và chính trị của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ tại Đông Dương sau sự kiện Điện Biên Phủ, mà còn hiểu biết, cảm thông hơn về nỗi bất hạnh của những quân nhân Pháp bị đẩy tới Điện Biên, vì mưu đồ thực dân xâm lược. Lợi ích bất chính của giới cầm quyền đã biến họ thành thủ phạm, mà cũng là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa. Thiết nghĩ, những trang sách tự nó đã gián tiếp chỉ ra nguyên nhân thất bại của quân đội Pháp và thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam.. Tất nhiên, do tác giả và các nhân vật trong sách là những người bên kia chiến tuyến, khó tránh khỏi những hạn chế trong cách nghĩ, tầm nhìn, chưa thể lý giải sâu xa nguồn gốc thắng lợi của quân và dân ta là nhờ đường lối đúng đắn, độc lập tự chủ và sáng tạo của Đảng, sự kết hợp chặt chẽ giữa Trí và Dũng của cả dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp, đánh thắng mọi kẻ thù, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Về mặt biên dịch, hiệu đính và in ấn, dẫu đã cố gắng ở mức cao nhất mà khả năng có thể vẫn khó tránh khỏi thiếu sót, mong được sự thông cảm, góp ý và hy vọng cuốn sách sẽ phần nào đáp ứng nhu cầu bạn đọc muốn tìm hiểu sâu và toàn diện về Điện Biên Phủ – chiến sử vàng bất hủ của dân tộc. NHÀ XUẤT BẢN THÔNG TẤN *** Là học sinh cũ của trường Thiếu sinh quân, Alanh Gămbiê, tính đến tháng 7-1954 thì 23 tuổi, đã chọn đội quân lê dương, nơi rèn đúc tính cách con người tốt nhất. Alanh là con trai của tướng Phécnăng Gămbiê, Tham mưu trưởng của tướng Na va, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Anh thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh ngoại quốc. Khi tiểu đoàn rời vùng châu thổ sông Hồng ngày 3-1-1954 để được không vận lên Điện Biên Phủ, không một người sĩ quan nào có thể hình dung rằng trang sử cuối của chiến tranh Đông Dương sẽ viết ở đây trong cái thung lũng nhỏ bé của xứ Thái mà dòng sông Nậm Rốm uốn quanh đã cắt làm đôi. Từ cuộc tiến công của Việt Minh ngày thứ bảy, 13-3-1954, đánh vào tập đoàn cứ điểm, ván bài đã thay đổi, Alanh Gămbiê tin rằng anh đang ở một nơi lý tưởng với một sự kiện đặc biệt. Nhưng anh không phải là người duy nhất. Ở cụm cứ điểm Isaben phía nam Điện Biên Phủ, trung úy bác sĩ Êminlơ Pông thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn Angiêri, viết thư cho vợ là Giôgiét: “Anh muốn già thêm vài ngày để biết rốt cuộc mọi việc sẽ diễn ra như thế nào, kết thúc ra sao. Anh nghĩ mình đã đến đúng lúc, đúng chỗ (18-3. Tuy nhiên, trận đánh đã mở đầu không hay ho gì và vào tối ngày 13-3, kẻ thù đã chiếm Bêatơrít và loại tiểu đoàn lê dương phòng ngự cụm điểm tựa ra khỏi vòng chiến. Đêm sau, Gabrien và những người lính Angiêri bảo vệ cứ điểm lại biến mất. Alanh Gămbiê là trung đội trưởng ở đại đội 12 của đại úy Mi sô. Mỗi buổi sáng, từ Isaben, một hoặc hai đại đội xuất phát đi mở đường còn một đơn vị khác rời Điện Biên Phủ. Hai đội tuần tiễu gặp nhau ở giữa đoạn đường đi đến An nơ Mari. Ngày thứ bảy 20-3, đại đội 11 của đại úy Phuốcniê và đại đội 12 của đại úy Mi sô lại đi tuần tra về phía bắc. Đại đội 12 đã bị ghìm chân, chỉ thoát được khi có sự can thiệp của xe tăng. Tuy nhiên, kết quả thật nặng nề: năm người bị giết, năm người bị thương và hai người mất tích. Alanh Gămbiê bị thương lúc 17 giờ 15: một viên đạn xuyên vào đầu gối của anh. Vào buổi tối, trung tá Lalăng đến thăm người sĩ quan trẻ và hứa sẽ đưa anh rời khỏi nơi này nhanh chóng. Những chiếc trực thăng ở Lào đã đợi, sẵn sàng chờ lệnh. Tuy vẫn nuôi hy vọng đó, Alanh từ chối mọi sự thiên vị; dẫu là con tướng anh cũng chỉ đi khi đến lượt. Thiên hạ cũng đã xì xào khá nhiều khi Gia nhin, cô vợ trẻ của anh, đã sang Đông Dương gặp anh, và được bổ nhiệm làm thư ký y tế tại Bệnh viện Lanetxăng ở Hà Nội. Alanh ít viết thư cho vợ, vì lấy tin ở những người bị thương sơ tán về, cô còn hiểu tình hình mặt trận nhiều hơn anh. Dẫu sao thì ngày 14-3, sau hôm Việt Minh tấn công, anh cũng đã viết vội cho cô một bức thư. Chắc em sợ hãi vì thấy những người bị thương trở về. Việt Minh có quấy rối chút ít và vài kẻ khinh suất, thường đó lại là những kẻ mạnh hơn người, đã bị quở mắng gay gắt. Hiện nay chẳng có gì trầm trọng cả đâu, em hãy yên tâm. Tinh thần là điều tuyệt vời và là cái chủ yếu nhất. Một lần nữa, anh xin em đừng nghe những điều thiên hạ kể lại. Nói chung, việc định vị là không chính xác và về thiệt hại thì ít ra họ cũng nói tăng gấp mười. Con người cũng dã man lắm. Có lúc anh hơi sợ và anh đã cảm ơn Chúa. Sau này người ta sẽ hiểu hơn…” Hai tháng trước, vào ngày 13-1, Alanh đi đến Gabrien thăm trung úy Giăng Phốc, con trai của đại tá Phốc đã từng là phó chỉ huy của tướng Gãmbiê ở trường Xanh Mai xen. Hai chàng trai thân nhau và trong bức thư ngày 15-1 Phốc kể lại với cha anh, chỉ huy trưởng trung đoàn 4 lính Tuynidi, về cuộc gặp Alanh: “Anh ấy đến để tự giới thiệu. Rất đáng mến! Bà Gămbiê (Chú thích: Mẹ của Alanh Gămbiê (BT. đã đến Sài Gòn ở với chồng. Vợ Alanh làm thư ký ở Hà Nội. Cả gia đình sẽ sum họp ở đây trừ đám con gái. Con gặp Alanh có vài phút, anh ở binh đoàn lê dương. Con nghĩ sẽ có dịp gặp lại anh ấy”. Bận công việc, hai sĩ quan không được gặp lại nhau. Ngày 15-3, hai ngày sau cuộc tấn công của quân địch, Gianhin nhận được bức thư nhỏ của Alanh: “Tối nay anh không viết thư cho em vì anh muốn tranh thủ ngủ một lát trước khi đi trực. Ngày mai anh sẽ viết sớm cho em. Hôn em triệu lần và chúc em ngủ ngon”.. Nhưng anh đã báo một tin buồn cho bố mẹ mà anh muốn giấu Gianhin: “… Mẹ hỏi con tin tức về Giăng Phốc. Buồn thay, anh ấy đã bị giết sáng nay trong lúc đi sang phòng tuyến của quân ta. Con đã gặp đại đội trưởng của anh ấy. Theo lời ông ấy, Phốc đã bị hai viên đạn trung liên, một ở bụng, một ở ngực, có lẽ trúng tim. Chúng con cũng biết tin về cái chết của đại tá Gô sê, của trung úy Đờ Bréttờvin và của trung úy Bayi (người lái xe Jeep đưa cha về hôm mồng 3-1 đấy mẹ ạ…”.