Cuốn sách này nhằm cung cấp những tư liệu và gợi ý về phương pháp dạy học phần Khí quyển và Thủy quyển trong môn học Địa lí tự nhiên đại cương cho GV và SV trường Cao đẳng Sư phạm Việt Nam theo tinh thần đổi mới PPDH đã được xác định rõ trong Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa VII (1/1993), lần thứ 2 (khóa VIII (12/1996) và được thể chế hóa trong Luật giáo dục (12/1998). Mục tiêu trên là đúng nhưng chúng ta, cả người viết, người dạy cũng như người học còn lúng túng là làm thế nào để hiểu đúng và hành động đúng theo tinh thần của các nghị quyết trên.
Về lí luận đổi mới PPDH hiện nay đã được các nhà khoa học, các nhà sư phạm đề cập đến nhiều trong các sách báo, qua các phương tiện truyền thông trong cả nước, chúng ta nên thực hành theo lí luận đổi mới đó. Để thực hành có kết quả tốt, theo chúng tôi, bản thân chúng ta hãy mạnh dạn tự đổi mới mình.
Về phía chúng tôi (những người viết) tự đổi mới như thế nào đã được thể hiện trong cuốn sách này qua
– Về nội dung kiến thức: Được cấu tạo phù hợp với hoạt động dạy học theo phương pháp mới và được tăng cường bằng những bài đọc thêm, sách tham khảo, câu hỏi, bài tập, bảng số, hình vẽ… không phải để minh họa mà phải biến chúng thành đồ dùng, phương tiện dạy học.
– Về kĩ năng: Tăng cường quan sát tự nhiên, phân tích, dự đoán, giải thích các hiện tượng, quan sát bảng số, hình vẽ, bản đồ địa lí và biết khai thác chúng.
– Về thái độ tình cảm: Gây hứng thú học tập phần Khí quyển, Thủy quyển để sau này dạy tốt các bài về Thủy quyển, Khí quyển ở THCS. Củng cố tính trung thực, không ngại khó, suy nghĩ lôgic, tinh thần hợp tác đồng đội; bảo vệ gìn giữ môi trường, cải thiện điều kiện sống cho gia đình và cộng đồng.
Về phía người dạy phải đổi mới bằng cách không thỏa mãn với kiến thức đã có, phải tự đào tạo nhằm nâng cao và mở rộng kiến thức để trở thành người tổ chức, người đạo diễn thực thụ hòa mình vào các hiện tượng, các quá trình diễn biến trong bài học.
Về phía người học phải đổi mới bằng cách không thụ động, luôn luôn đặt ra các câu hỏi tại sao, vì sao, từ đâu, làm thế nào… tìm ra được đó là chức năng của một nhà thám hiểm trong sách, chuẩn bị trở thành nhà thám hiểm ngoài tự nhiên trong tương lai.
Cấu trúc của cuốn sách gồm 3 chương: Chương I – Khí quyển. Chương II – Thủy quyển. Chương III – Thực hành thiết kế tiến trình hoạt động dạy học. Trong mỗi chương gồm nhiều mục nhỏ được thể hiện qua các bước: nêu vấn đề, giải quyết vấn đề, kết luận.
Cuốn sách này dùng cho 2 chương trình nhưng có những yêu cầu khác nhau:
Đối với môn I: Phải dạy học tất cả nội dung kiến thức có trong sách, tự đọc các bài đọc thêm và làm các bài tập khó, riêng đối với SV giỏi phải biết vận dụng bài đọc thêm để nghiên cứu khoa học theo hình thức niên luận hay khóa luận.
Đối với môn 2: Vì ít thời gian nên có thể bỏ bớt một số công việc như: không phân công SV chuẩn bị đồ dùng dạy học mà chỉ dùng những đồ dùng của GV đã có sẵn. Không bắt buộc phải nghiên cứu các bài đọc thêm, yêu cầu trả lời được các câu hỏi nhằm củng cố kiến thức, không yêu cầu làm các câu hỏi và bài tập khó, không bắt buộc phải giải thích cặn kẽ các quy luật mà chỉ cần công nhận một cách chính xác.
Người viết hi vọng cuốn sách này sẽ giúp ích cho các bạn dạy và học theo tinh thần đổi mới. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp phê bình của các nhà khoa học, các nhà sư phạm, các bạn đọc để hoàn thiện cuốn sách đúng với yêu cầu đổi mới PPDH của ngành Giáo dục và Đào tạo.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com