Bộ ba tự truyện nổi tiếng của Dave Pelzer – câu chuyện khó tin và có giá trị truyền cảm hứng về cuộc đời của chính tác giả – đã thu hút sự quan tâm theo dõi của hàng triệu độc giả trên toàn thế giới.
Đi Ra Từ Bóng Tối là phần kết thúc được chờ đợi từ rất lâu trong bộ ba tác phẩm: Không Nơi Nương Tựa (A Child Called “It”), Đứa Trẻ Lạc Loài (The Lost Boy) và Đi Ra Từ Bóng Tối (A Man Named Dave). Câu chuyện là hồi kết cho cuộc đấu tranh sinh tồn không ngừng của cậu bé David đáng thương qua bao năm tháng sống trong sự bạo hành về thể xác lẫn tinh thần do chính người mẹ ruột gây ra. Câu chuyện đưa người đọc đi cùng chàng trai tên Dave qua những khúc quanh cuộc đời để trở thành một người đàn ông trưởng thành, đầy khát vọng sống. Giấc mơ cuộc đời, thất bại đắng cay, vinh quang ngọt ngào và hạnh phúc vẹn tròn là những gì người đọc sẽ cảm nhận được bằng những rung cảm chân thật nhất, sâu sắc nhất đằng sau những trang sách sống động của Đi Ra Từ Bóng Tối.
Chàng thanh niên tên Dave sẽ phải đối diện như thế nào trước sự thật rằng cha mình – vị anh hùng trong những giấc mơ thuở bé của cậu – sẽ không còn sống được bao lâu nữa? Cậu sẽ làm gì với tâm nguyện một lần được trò chuyện với cha như bao đứa con trai bình thường khác khi ông thậm chí còn không đủ sức để siết nhẹ bàn tay cậu? Cậu sẽ đối xử như thế nào với người mẹ nghiện ngập, tàn bạo người đã chối bỏ sự tồn tại của con trai mình và đem đến bao nỗi kinh hoàng cho tuổi thơ của nó? Và cuối cùng, liệu có ai đó để cậu yêu thương, tin tưởng và giúp cậu lấy lại niềm tin vào tình cảm thiêng liêng của gia đình hay không? Đi Ra Từ Bóng Tối sẽ lần lượt giúp người đọc tháo gỡ tất cả những nút thắt ấy, dẫn dắt chúng ta tìm ra câu trả lời cho số phận của Dave, của từng nhân vật trong tác phẩm tự truyện. Và, có thể ở đâu đó trong tác phẩm, người đọc cũng sẽ tìm thấy câu trả lời cho cuộc đời của chính mình như những ai đã có may mắn được là người đầu tiên đọc và làm công việc chuyển ngữ cho bộ ba tác phẩm này vậy.
Với sự bao dung vô biên và lòng can đảm tuyệt vời, Dave Pelzer đã làm nên một kết thúc hoàn hảo cho bộ ba tự truyện của mình cũng như cho chính cuộc đời của ông. Bằng kết thúc ấy, Dave Pelzer đã minh chứng một cách hùng hồn rằng: Không một thế lực, một xiềng xích nào có thể trói buộc được ý chí của con người. Ý nghĩa lớn lao này thật quý giá biết bao đối với những ai đang trên con đường đi tìm hạnh phúc đích thực trong cuộc sống.
David James Pelzer sinh ngày 29/12/1960, là con trai thứ hai trong gia đình có năm người con trai. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên vô cùng tồi tệ khi David bắt đầu bị mẹ ruột của mình hành hạ từ năm lên 4 tuổi. Sự ngược đãi mà David Pelzer phải chịu đựng nghiêm trọng đến mức nó đã trở thành một trong những trường hợp ngược đãi trẻ em tồi tệ nhất được biết đến ở Mỹ. Bộ ba tác phẩm Không Nơi Nương Tựa(1995), Đứa Trẻ Lạc Loài (1997) và Đi Ra Từ Bóng Tối (1999) tái hiện câu chuyện tuổi ngây thơ rúng động dư luận của ông.
Dave Pelzer được xem là một trong những phát ngôn viên quốc gia làm việc hiệu quả nhất và đáng tin cậy nhất, chuyên hoạt động trong các nhóm hội, tổ chức chuyên nghiệp về dịch vụ nhân quyền. Dave đã nhận được những lời khen tặng từ đích thân cựu Tổng thống Ronald Reagan và George Bussh. Năm 1993, Dave được vinh danh là một trong mười Đại diện tiêu biểu nhất của Thanh niên Hoa Kỳ và năm 1994, Dave là công dân duy nhất của nước Mỹ vinh dự được trao tặng giải thưởng Thanh niên tiêu biểu nhất của thế giới. Dave còn được chọn làm người rước đuốc trong Thế Vận hội năm 1996. Dave đã cống hiến cả cuộc đời mình để giúp nhiều người khác thoát khỏi nghịch cảnh.
Vượt qua một tuổi thơ u tối và nghiệt ngã, Dave trở thành một sĩ quan Không quân Hoa Kỳ. Trước khi về hưu, ông từng đóng vai trò quan trọng trong một số hoạt động mang tên Just Cause, Desert Shield và Desert Storm. Trong thời gian phục vụ trong không quân, Dave còn hoạt động trong Hội Trẻ vị thành niên và những chương trình khác về “Tuổi trẻ với những nguy cơ” trên toàn bang California.
Những thành tựu đáng kể của Dave đã được thừa nhận bằng nhiều giải thưởng cũng như những nhận xét cá nhân của các cựu Tổng thống Ronald Reagan, George Bush và Bill Clinton. Năm 1990, ông là người được nhận giải thưởng J.C. Penney Golden Rule. Tháng 1 năm 1993, Dave vinh dự được bầu chọn là một trong mười thanh niên xuất sắc của Hoa Kỳ. Tháng 11 năm 1994, Dave là công dân Mỹ duy nhất được trao tặng giải thưởng Thanh niên tiêu biểu nhất của Thế giới ở Kobe, Nhật, vì những cống hiến của anh trong lĩnh vực thông tin và ngăn ngừa nạn bạo hành trẻ em cũng như cổ vũ tinh thần và truyền cảm hứng để người khác có được ý chí kiên cường. Dave còn vinh dự được rước đuốc trong Thế vận hội năm 1996.
Dave hiện sống một cuộc sống hạnh phúc ở Rancho Mirage, California, với vợ, con trai Stephen và chú rùa cưng tên Chuck. Những hoạt động vì thanh thiếu niên của Dave Pelzer có thể được tìm hiểu thêm tại website: www.davepelzer.com
***
Ngày 4 tháng 3 năm 1973
Thành phố Daly, California
Tôi sợ hãi. Chân tôi lạnh buốt và bụng kêu gào vì đói. Trong bóng tối của cái ga-ra, tôi chăm chú căng tai lắng nghe từng tiếng động nhỏ nhất từ phía phòng của mẹ ở trên lầu, từng tiếng cót két mỗi khi bà trở mình. Tôi thậm chí còn có thể biết được bà đang ngủ hay chuẩn bị tỉnh giấc qua những tiếng ho khan của bà. Tôi mong bà không bị tỉnh giấc bởi chính những tiếng ho của mình. Tôi ước mình có thêm một chút thời gian. Chỉ còn vài phút là một ngày tồi tệ nữa lại bắt đầu. Tôi nhắm mắt lại và lẩm bẩm nhanh một lời cầu nguyện, mặc dù tôi biết rõ Chúa chẳng mấy yêu quý mình.
Bởi tôi chẳng xứng đáng làm một thành viên của “Gia đình”, nên tôi phải ngủ trên một cái cũi cũ kỹ, xấu xí và thậm chí chẳng có lấy một cái chăn. Tôi cuộn tròn như một quả bóng để cố giữ cho cơ thể càng ấm càng tốt. Tôi lấy áo sơ mi trùm kín đầu, hy vọng hơi thở của mình sẽ giúp mặt và tai ấm hơn một chút. Tôi kẹp hai tay vào giữa hai chân, có khi kẹp vào nách để bớt lạnh. Bất kỳ lúc nào đủ dũng khí và biết chắc rằng mẹ đã ngủ rất say, tôi mới dám trộm một cái giẻ rách từ đống đồ dơ quấn chặt quanh chân để giữ ấm. Tôi làm mọi thứ để có thể ấm hơn một chút.
Giữ ấm được nghĩa là sống sót.
Cả tinh thần lẫn thể chất của tôi đều rã rời. Phải mất hàng mấy tháng trời tôi mới có thể thoát khỏi những cơn ác mộng. Dù có cố thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn không tài nào ngủ lại được. Toàn thân tôi tê cóng. Đầu gối tôi rung lên bần bật. Tôi khẽ cọ hai bàn chân vào nhau, lòng vẫn nơm nớp lo sợ nếu gây ra bất cứ tiếng động nào thì mẹ cũng sẽ nghe thấy. Tôi không được phép làm bất kỳ điều gì nếu không có lệnh trực tiếp của bà. Thậm chí ngay cả khi tôi biết bà đã chìm lại vào giấc ngủ, tôi vẫn có cảm giác bà đang kiểm soát tôi.
Mẹ vẫn luôn như vậy.
Đầu óc tôi bắt đầu quay cuồng khi cố nhớ lại quá khứ. Tôi biết rằng để sống sót, tôi phải tìm những lời giải đáp ngay trong quá khứ của mình. Ngoài giải pháp để có cái ăn, để được sưởi ấm, để được sống sót, việc tìm hiểu lý do vì sao mẹ lại đối xử với tôi như vậy cũng sẽ chi phối rất nhiều đến cuộc sống của tôi.
Những ký ức đầu tiên của tôi về mẹ chỉ là những lời chửi mắng và nỗi khiếp đảm. Năm tôi lên bốn, chỉ cần nghe giọng nói của bà thế nào là tôi có thể biết ngày hôm ấy của tôi sẽ ra sao. Bất cứ khi nào bà tỏ ra kiên nhẫn và độ lượng, bà chính là “Người mẹ hiền”; nhưng mỗi khi bà nổi giận và điên tiết với mọi thứ, thì bà chính là “Mẹ” – một người mẹ lạnh lùng, vô cảm, sẵn sàng hành hạ tôi bằng những cách không ai có thể ngờ được. Tôi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ sẽ làm bà phật lòng, thậm chí tôi còn chẳng dám vào nhà vệ sinh nếu không xin phép bà trước.
Dù còn rất bé, nhưng tôi cũng nhận ra rằng càng uống rượu nhiều, mẹ càng thay đổi nhanh và để con người thứ hai kiểm soát mình hoàn toàn. Một buổi chiều Chủ nhật nọ, lúc đó tôi mới năm tuổi, trong lúc say khướt, bà đã tấn công và vô tình làm gãy tay tôi. Ngay khi nhận ra mọi chuyện, mắt bà mở thao láo như hai đồng đô-la bạc. Mẹ biết bà đã đi quá đà. Bà biết bản thân mình đã mất kiểm soát. Sự việc đó không còn đơn giản như những cái tát, những cú đấm hay những lần tôi bị ném xuống cầu thang trước đây.
Mời các bạn đón đọc Đi Ra Từ Bóng Tối của tác giả Dave Pelzer….