Đêm Hồng Hoang

Đêm Hồng Hoang

Tác giả:
Thể Loại: Huyền bí - Giả Tưởng
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Khi đoàn thám hiểm Pháp ở Nam cực thông báo về dấu tích của một nền văn minh 900,000 năm, các nhà khoa học trên khắp thế giới họp nhau lại cùng khám phá và hướng dẫn đoàn. Toàn bộ hành tinh nhìn qua truyền hình vệ tinh toàn cầu, hiện ra thật đẹp đẽ, rồi các nhà thám hiểm phát hiện ra một căn phòng có một người đàn ông và phụ nữ đang trong tình trạng thực vật. Người phụ nữ Éléa tỉnh giấc và thông qua chiếc máy phiên dịch cô kể về thế giới của mình, về mình và về Païkan chồng cô, và rằng chiến tranh đã hủy hoại nền văn minh của họ như thế nào. Cô cũng cho hay mình và đồng sự đang trong tình trạng thực vật có nguồn kiến thức vô cùng tiên tiến (không phải Païkan, mà là khoa học gia Coban cô không ưa chút nào, nguồn kiến thức đem đến năng lượng và thức phẩm cho toàn nhân loại không phải trả tiền mua. Tuy nhiên, các siêu cường quốc chưa sẵn sàng công bố bí mật của Éléa, tác phẩm cho thấy 900,000 năm và ngày tận thế sau đó, nhân loại vẫn chưa trưởng thành và đang sắp sửa phạm phải sai lầm một lần nữa.*** Tới thời điểm này thì “Đêm hồng hoang” vẫn là cuốn sách hay nhất tôi đọc năm 2019. Một tác phẩm mang tính thời đại không chỉ hấp dẫn tuyệt đối mà còn mang đến bao cảm xúc, khiến trái tim tôi rung động sâu sắc. Câu chuyện kể về một đoàn thám hiểm đã khai quật được hai con người đóng băng từ 900.000 năm trước. Bằng mọi biện pháp khoa học họ đã làm sống dậy người phụ nữ cổ đại, để nghe cô kể về một nền văn minh xa xưa đã sụp đổ thế nào. Tác phẩm mang giả tưởng về thời quá khứ song lại dự cảm về tương lai, cảnh báo loài người trước họa diệt vong do chính mình gây nên. Bởi chiến tranh, bởi lòng tham, sự ngu dốt và ích kỷ. Tác giả đã phê phán, đã lên án những điều đó một cách mạnh mẽ, ông mở ra cho chúng ta cái nhìn sống động, dữ dội, tràn đầy đau xót để chúng ta hiểu được và trân trọng cuộc sống mình đang có. Câu chuyện viễn tưởng còn đan xen chút lãng mạn, một tình yêu thật đẹp, đi qua tận cùng thế giới và vượt qua thời gian đằng đẵng. Đi qua những bi kịch của một thời đại, ám ảnh và buồn thương biết mấy. Đặc biệt là cao trào cuối cùng, không thể không khiến người đọc lặng đi. Tôi đánh giá cao tác phẩm có lẽ vì yêu thích chủ đề về nhân loại, tương lai Trái đất, tận thế, hậu tận thế, thích những yếu tố sáng tạo, giàu trí tưởng tượng… song “Đêm hồng hoang” thuyết phục tôi, đi vào lòng tôi và để lại ấn tượng khó phai đến thế còn bởi tính nhân văn và bao cung bậc xúc cảm. *** Chúng ta luôn xem xét lịch sử nhân loại theo cái cách mà chúng ta quan sát sự trưởng thành của một con người, xuất phát điểm từ một đứa bé không biết gì rồi thu thập kiến thức, phát triển, hoàn thiện hơn. Chúng ta luôn nghĩ lịch sử nhân loại cũng như thế, xuất phát từ thuở hỗn mang rồi từ từ phát triển đến sự văn minh hiện tại, thế nhưng có thể nào là ngược lại, có khi nào nhân loại từ thuở xa xưa đã phát triển vượt bậc hơn chúng ta hiện tại và vì một lý do gì đó mà nền văn minh ấy bị chôn vùi? Đó chính là giả thiết mà René Barjavel đặt ra cho cuốn tiểu thuyết “Đêm Hồng Hoang” của ông khi kể về cuộc phiêu lưu đến tận cùng nguồn gốc của con người. Các nhà thám hiểm Pháp phát hiện ra một nền văn minh hơn 900,000 năm bị chôn vùi dưới những lớp băng sâu thẳm của Nam Cực. Và điều này lập tức gây ra một sự chấn động, vì nó đi ngược lại hoàn toàn với sự hiểu biết của con người trước đó (hay là ta tưởng rằng mình đã biết. Trong cái kén thu hút sự chú ý của các nhà khoa học hàng đầu trên toàn thế giới người ta tìm thấy một người phụ nữ – Éléa – nàng là ai, nàng đã nằm ở đó bao lâu và liệu nàng có phải là chìa khóa để khám phá nền văn mình kỳ lạ dường ấy. Với những kỹ thuật tân tiến, người ta đã thành công trong việc đánh thức nàng thế nhưng nàng thuộc về một thế giới hoàn toàn khác với ngôn ngữ hoàn toàn khác, thậm chí người ta còn không tìm được cách đưa chất dinh dưỡng để nuôi sống nàng vì nàng không ăn uống như con người hiện đại. Các nhà ngôn ngữ tìm cách hiểu được ngôn ngữ của Éléa, để từ nàng mở ra cái thế giới kỳ bí mà chưa ai từng khám phá ra. Chi tiết các nhà phiên dịch phân tích tìm đủ mọi phương pháp để nói chuyện được với Éléa làm gợi nhớ đến bộ phim “Arrival” của đạo diễn Denis Villeneuve được phát hành vào năm 2016, quả thật ngôn ngữ và chữ viết chính là cầu nối duy nhất gắn kết được mọi người và thậm chí các nền văn minh khác nhau, ngôn ngữ là chìa khóa để dẫn đến sự thấu hiểu (và đi kèm với nó dĩ nhiên là sự hiểu lầm, nếu như trong “Arrival” là một nền văn mình ở ngoài trái đất thì trong “Đêm hồng hoang” là nền văn minh cổ xưa thế nhưng dường như có những bước phát triển vượt bậc bất ngờ. Điều gì khiến con người có sự cuốn hút với những nền văn minh khác một cách mạnh mẽ đến vậy, đó có phải là do sự khao khát kiến thức: “Chúng ta có chung một thứ to tát hơn những gì chúng ta khác biệt nhau: đó là nhu cầu được hiểu biết. Những người làm văn chương gọi đó là tình yêu khoa học, còn tôi, tôi gọi đó là sự hiếu kỳ. Khi tính hiếu kỳ được thôi thúc bởi trí tuệ thì đó là giá trị cao đẹp nhất của con người.” Người ta thở phào nhẹ nhõm khi máy phiên dịch của thể diễn đạt những lời Éléa thành ngôn ngữ hiện đại mà mọi người có thể hiểu được và chăm chú nghe cô kể lại câu chuyện của thời đại mình. Éléa dẫn dắt những con người hiện đại (và cả độc giảvề với thế giới kỳ lạ khi con người dường như đã phát triển về mặt cảm xúc và thể chất đến mức hoàn hảo, ngay từ khi sinh ra người ta đã hiểu rõ vị trí của mình trong xã hội và thậm chí cả bạn đời của mình đến mãi mãi về sau. Mỗi người được phân công một công việc cụ thể và họ hài lòng với những việc mình được giao. Cái thế giới tưởng chừng vững chắc, văn minh đến thế nhưng lại bị đe dọa bị sụp đổ bởi một điều, mà có lẽ cũng chẳng bất ngờ, đó chính là chiến tranh. Có lẽ bản chất nhân loại thực sự là tham lam, đố kị và hiếu chiến nên ở đâu có con người thì ở đó sẽ có chiến tranh, ngay từ thuở ban sơ khi con người mới vừa xuất hiện? Ngay từ những xã hội tưởng chừng được gắn kết mạnh mẽ nhất? Ngay từ những con người cứ ngỡ hiền lành, lương thiện nhất? Song song với câu chuyện của Éléa là cuộc tranh giành của các đế quốc để được sở hữu bí mật của nền văn minh kỳ lạ kia. Họ đã không từ các thủ đoạn để đạt được mục đích của mình, họ sẵn sàng chém giết nhau để có được vũ khí tối thượng từ nền văn minh cổ xưa. Trải qua giấc ngủ 900,000 năm, Éléa liệu có giật mình khi bản chất con người vẫn không thay đổi, nhân loại vẫn tìm cách hãm hại nhau để tranh giành quyền lực như thuở hồng hoang? René Barjavel có một câu chuyện hấp dẫn và gợi mở thế nhưng đáng tiếc lại được viết quá dài dòng và rối rắm. Những đoạn tình yêu đơn phương của nhà khoa học Pháp dành cho Éléa khá sến sẩm và rời rạc, có thể hoàn toàn cắt bỏ những đoạn độc thoại ấy ra khỏi cuốn sách mà không ảnh hưởng đến cốt truyện, thậm chí câu chuyện tình của Éléa và Paikan – chồng cô – cũng quá dư thừa, dù mục đích để thể hiện mối liên kết mạnh mẽ về thể xác và tinh thần của hai con người trong nền văn minh cổ xưa nhưng có nhiều đoạn không cần thiết. Cuộc xung đột giữa các sắc tộc trong cuốn sách chưa được đẩy lên đến cao trào với một kết thúc kịch tính và đơn giản so với cốt truyện khá rối rắm mà René Barjavel xây dựng, dường như ở đoạn cuối cùng ông trở nên bối rối vì chính những thứ mình bày biện ra và không biết phải dọn dẹp thế nào cho gọn ghẽ. “Đêm hồng hoang” là một cuốn sách phù hợp dành cho những bạn đọc hâm mộ thể loại khoa học giả tưởng với một cốt truyện gợi mở và đặt ra nhiều vấn đề khiến ta suy ngẫm. Còn với riêng tôi, cuốn sách vẫn chưa khiến tôi thật sự hài lòng bởi cái kết như thể đang xem một bộ phim hành động hạng hai thiếu kinh phí nên đành đắp vào bằng một kết thúc quá nhanh chóng và có phần ủy mị.