…..Thầy hay tin ấy thì thầy ngẩn-ngơ, bỏ ăn bỏ ngủ. Thầy nghĩ cô Ðằng phạm tội giết chồng thì cô phải chịu hình phạt mà đền cái tội đại ác ấy, bởi vì theo lẽ Trời cũng như theo luật người, hễ có vay thì phải trả, không trốn đâu cho khỏi được. Mà cái tội ác của cô Ðằng phạm đây gốc ở nơi mình mà ra.
Tuy mình không xúi cô làm như vậy, nhưng mà mình nhen nhúm bếp lửa tình trong lòng cô, mình làm cho cô cuồng tâm loạn trí, chẳng còn phân biệt tội phước dữ lành được nữa, nên cô mới dùng thuốc độc mà giết chồng. Ấy vậy tội của cô làm cũng là tội của mình, cô là cái tay làm, còn mình là cái óc khiến, bây giờ ra trả nợ oan-trái ấy, há mình đành trốn lánh hay sao.
Ðã biết cô tự quyết gánh vác một mình, đã biết việc mình tư tình với cô không ai hiểu thấu, nhưng mà dầu người ta không hiểu, chớ Trời Ðất há không biết hay sao? Cái nợ oan trái nầy mình không thể trốn đâu cho khỏi, trước sau gì mình cũng phải trả phứt cho rồi, dầu bị khổ hình mà lương tâm được bình an, mình hủy cái kiếp lao đao nầy thì hoặc may kiếp sau mình mới được hoan lạc….
Hồ Biểu Chánh là một nhà văn lớn của Nam Bộ, người có công mở đường cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Người đương thời và nhiều thế hệ về sau đã đón nhận tác phẩm Hồ Biểu Chánh với tất cả sự nồng nhiệt, trân trọng. Lịch sử văn học Việt Nam không thể phủ nhận đóng góp to lớn của Hồ Biểu Chánh. Một trong những yếu tố làm nên sự thành công ấy chính là tác phẩm của ông có được một hình thức ngôn ngữ đầy ấn tượng, thể hiện phong cách ngôn ngữ văn xuôi Nam bộ những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
Hồ Biểu Chánh sinh năm 1884 (trong giấy khai sinh ghi ngày 1 tháng 10 năm 1885) tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).
Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ Nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn.
Năm 1905, sau khi đậu Thành chung, ông thi vào ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ; làm ký lục, thông ngôn, thăng dần đến đốc phủ sứ (1936), từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi. Ông vốn có tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ.
Tháng 8 năm 1941, sau khi ông về hưu, được Pháp mời làm cố vấn với danh hiệu Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương và Phó Đốc lý thành phố Sài Gòn, đồng thời làm giám đốc những tờ báo tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp-Việt.
Sau khi tái chiếm Nam Bộ năm 1946, Cộng hòa tự trị Nam Kỳ được thành lập, ông được mời làm cố vấn cho chính phủ Nguyễn Văn Thinh. Nhưng chỉ được mấy tháng, khi chính phủ Nguyễn Văn Thinh sụp đổ, ông lui về quê ở ẩn và giành trọn những năm tháng còn lại cho sự nghiệp văn chương.
Ông mất ngày 4 tháng 9 năm 1958 tại Phú Nhuận, Gia Định; thọ 74 tuổi.
Lăng mộ ông hiện nay được đặt ở đường Thống Nhất, phường 11 quận Gò Vấp.
Tác phẩm:
Mời các bạn đón đọc Dây Oan của tác giả Hồ Biểu Chánh.