Với tập sách “Dạy con làm việc nhà” sẽ là một cuốn cẩm nang thông minh, hữu ích gỡ rối những suy nghĩ và thắc mắc của các bậc cha mẹ, qua đó biết cách để nuôi dạy những đứa trẻ trở nên thông minh và hạnh phúc.
Những bà mẹ ở Nhật Bản thường nuôi con rất khoa học, họ rèn cho con những kỹ năng rất tốt từ nhỏ. Là mẹ của hai đứa trẻ, qua những trải nghiệm hằng ngày Tatsumi Nagisa thấu hiểu được việc nuôi dạy con thông qua những công việc nhà là điều rất quan trọng. Nó không chỉ giúp con tăng thêm khả năng sáng tạo, phát triển tư duy, nhận biết những sự vật mà còn giúp bé tăng tính tự lập, mạnh mẽ, quyết đoán, tạo nền tảng phát triển khả năng học tập cho con.
“Dạy con làm việc nhà” dành cho những bậc cha mẹ đang nuôi dạy con từ độ tuổi mầm non đến tuổi dậy thì. Đối với từng loại việc nhà, sách sẽ dùng cách truyền đạt khác nhau để trẻ dễ dàng tiếp thu và thực hành. Trong sách, sau mỗi bài đều có mục “gợi ý việc làm” và “khi con làm chưa tốt” nhằm giải thích cụ thể hơn và hướng dẫn cha mẹ cách dùng lời lẽ phù hợp với từng tình huống cụ thể. Chính vì vậy đây sẽ là một món quà đặc biệt dành đến các bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con. Trong những thời gian, khoảnh khắc bên nhau, hãy cùng con làm những việc nhỏ trong gia đình như: cầm chổi quét nhà, gom nhặt rác, thu dọn đồ chơi, gấp quần áo…qua những việc làm như vậy sẽ giúp con tăng tính tự giác, tự ý thức được trách nhiệm của mình, từ đó sẽ giúp bé phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần.
Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng thành công mà chúng ta chờ đợi ở con cái, thành công trong sự nghiệp mỗi người đến từ việc nhà khi còn nhỏ. Bố mẹ nên cho con bắt đầu làm việc nhà càng sớm càng tốt. Những đứa trẻ thường xuyên làm việc nhà khi còn bé sẽ học được kỹ năng hợp tác, biết đồng cảm với người khác và có thể đảm nhận nhiệm vụ một cách độc lập khi lớn lên.
Cuốn sách gồm 5 phần, với phần đầu tiên “Làm việc nhà giúp con khỏe mạnh” bạn hiểu được ý nghĩa của việc dạy con làm việc nhà, những lợi ích, phương pháp để nuôi dạy con hạnh phúc, thì những phần tiếp theo dạy con làm những công việc trong gia đình cùng những chia sẻ chân thành cả trên phương diện khoa học lẫn kinh nghiệm, tình cảm của riêng tác giả đến các ông bố bà mẹ nhằm giúp mọi người hiểu hơn về con trẻ và trách nhiệm dạy dỗ cao cả của mình. Đọc sách, các bậc phụ huynh sẽ biết được những gì nên và không nên, áp dụng hay tránh khi giúp trẻ hòa nhập với môi trường sống trong gia đình và ngoài xã hội.
Xuất phát từ những thắc mắc có thực của đông đảo các bậc cha mẹ – chẳng hạn như: Thế nào là yêu con đúng cách? Thế nào là chiều chuộng? Thế nào là rèn luyện? Đâu là mục đích cuối cùng của việc nuôi dạy con?…, tập sách “Nuôi dạy con kiểu Nhật – Dạy con làm việc nhà” được giới thiệu không nhằm mục đích giúp con trẻ trở nên thông minh, để đào tạo thiên tài mà chỉ đơn giản là hướng dẫn các phụ huynh cách thức tiếp cận những đứa con của mình một cách đúng đắn nhất, phát huy hết ưu điểm của trẻ, để cha mẹ và con cái cùng đạt đến điểm đến cuối cùng: Những con người có tâm hồn hạnh phúc!
Mỗi đứa trẻ đều mang trong mình những câu chuyện thú vị và hết sức đặc sắc. “Dạy con làm viêc nhà” cuốn sách nhỏ nhắn, dễ thương là những câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày. Với lời văn dung dị gần gũi, cùng những hình ảnh minh họa màu sắc hài hòa, tươi tắn, cuốn sách này chính là cẩm nang hữu ích để các ông bố, bà mẹ tìm ra phương pháp phù hợp để con được phát triển một cách toàn diện nhất và giúp con trở nên mạnh mẽ, thông minh và hiếu thảo.
***
Cha mẹ thường cho rằng họ ”không có thời gian hướng dẫn con làm việc nhà” hay ”thà tự mình làm còn nhanh hơn”. Nhưng nên nhớ, việc giúp đỡ làm việc nhà có rất nhiều điều hữu ích cho trẻ. Hơn nữa, thông qua việc dạy con làm việc nhà, cha mẹ cùng con tạo ra không khí gia đình đầm ấm, vui vẻ. Vì vậy, bắt đầu từ bây giờ, cha mẹ hãy cùng các con xắn tay áo lên nào!
LÀM VIỆC NHÀ CÓ RẤT NHIỀU ĐIỀU HAY
• Dạy con bằng những công việc nhà
Trong cuộc sống bận rộn ngày nay, nhiều bậc cha mẹ hiểu rõ tầm quan trọng của việc dạy con biết giúp đỡ việc nhà, nhưng thường không chú tâm đến vấn đề này.
Ngày xưa, khi chưa có đồ điện gia dụng hay các dụng cụ tiện ích như bây giờ, và những dịch vụ giúp việc nhà cũng chưa phổ biến, hầu hết trẻ con đều tích cực phụ giúp cha mẹ. Còn thời nay, mọi việc nhà hầu như đều do một tay mẹ quán xuyến.
Khi nhờ con làm một việc gì đó, dù con vẫn ”vâng, dạ” nhưng lại không thật lòng muốn giúp đỡ. Vậy là, sau khi đợi một lúc lâu cũng không thấy con nhúc nhích, các bậc cha mẹ thường nghĩ: “Trông đợi con thì thà tự mình làm còn nhanh hơn”. Tất nhiên, nghĩ như vậy không có gì sai, nhưng bạn có biết, việc dạy trẻ biết giúp đỡ làm việc nhà mang lại rất nhiều lợi ích cho cả cha mẹ và con cái không?
Tôi tin rằng giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà sẽ giúp con tăng cường thể lực, có tinh thần trách nhiệm và giúp tình cảm các thành viên trong gia đình sâu sắc hơn,…
Dù các bậc cha mẹ không đặt nặng mục tiêu tăng cường sức khỏe cho con qua các công việc nhà, thì trong cuộc sống bận rộn ngày nay, việc cha mẹ tạo cơ hội dạy con biết làm việc nhà để chia sẻ với cha mẹ vẫn là một điều đáng làm và nên làm!
3 hiệu quả phát huy năng lực khi trẻ biết giúp việc nhà:
1. Trẻ biết làm việc nhà có ý thức tự lập tốt hơn
“Làm việc nhà” có nghĩa là có thể đảm đương công việc xung quanh mình. Một khi có thể làm được những công việc quanh mình, con người sẽ tràn đầy tự tin: “tôi sống một mình cũng được” hoặc “tự tôi có thể làm được, chuyện nhỏ”,…
Đối với con trẻ, tự mình làm được những công việc nhà, như dọn vệ sinh hoặc nhà bếp là một niềm vui. Vậy nên, dù mẹ có muốn giúp đỡ, trẻ cũng sẽ đẩy tay mẹ ra và nói: “Con tự làm được mà”. Sau đó, trẻ sẽ cười rạng rỡ gọi: “Mẹ ơi, nhìn kìa. Con đã làm xong rồi!”.
Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng thích tự mình làm những việc xung quanh như giặt khăn, sắp xếp giường ngủ,… Đôi khi, họ còn nổi giận khi người giúp việc giành làm thay. Phải chăng họ cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương khi bị xem là người chưa trưởng thành!?
Đối với tôi, tiêu chuẩn của một người trưởng thành là:
1. Biết tự mình làm những việc xung quanh
2. Biết tự chăm sóc bản thân
3. Biết xây dựng mối quan hệ tốt với những người xung quanh
Và làm việc nhà có liên quan tới cả 3 tiêu chí trên, trong đó tiêu chí “Biết tự mình làm những việc xung quanh” cũng chính là điều kiện để rèn luyện tính tự lập cho con.
Mỗi người đều có giá trị riêng. Cách nghĩ “Không sao đâu, mình có thể làm được” là cách nghĩ của một người tự tin, tự lập và tự trọng. Một người có lòng tự tôn và tự tin sẽ luôn quyết tâm, cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành công việc đến cùng.
2. Khi cơ thể trẻ vận động, trí não cũng được kích hoạt
Không chỉ trẻ con mà con người nói chung, đều vận động trí não và tâm hồn khi cơ thể vận động. Có câu chuyện của một nhà nghiên cứu khoa học kể rằng ông thường nghĩ ra nhiều ý tưởng mới khi đi bách bộ. Bởi, khi cơ thể vận động, trí óc cũng được kích hoạt làm việc.
Ngày nay, chúng ta thường nghe thấy những ý kiến như “cuộc sống hiện đại suốt ngày dính với tivi và game online khiến trẻ lười vận động và thiếu trải nghiệm thực tế cuộc sống”, “hãy tạo cơ hội cho trẻ vận động cơ thể nhiều hơn”,… Và rồi, có rất nhiều chương trình được thiết kế như: các trò chơi với bùn, leo cây, phòng học mạo hiểm, cắm trại,… giúp trẻ vận động và trải nghiệm nhiều hơn. Tuy nhiên, theo tôi, những vận động của tay chân và cơ thể khi làm các công việc xung quanh cuộc sống hàng ngày mới là những vận động cơ bản cần thiết. Bởi vì, so với vận động cơ thể khi vui chơi, vận động cơ thể khi làm việc nhà sẽ giúp tâm hồn và khối óc trẻ hoạt động có chiều sâu hơn.
Tiền đề căn bản để phát triển học lực nằm ở tính tò mò, khả năng tập trung và thái độ dám nghĩ, dám làm. Và quan trọng nhất là rèn luyện sao cho những đặc điểm tích cực đó trở thành thói quen cho con.
Tuy dạy trẻ biết làm việc nhà là một cách tốt để rèn luyện phát triển những đặc điểm tính cách tích cực trên cho trẻ, song lại ít có bậc cha mẹ nhận ra.
3. Khi làm việc nhà, trẻ sẽ vui hơn vì thấy mình có ích cho gia đình
Khi được hỏi “Biết làm việc nhà thì có gì hay?”, con sẽ không ngần ngại trả lời rằng: “Để có thể giúp ích cho gia đình”, “Để giúp đỡ mẹ” hoặc “Cảm thấy vui vì được người khác nói CẢM ƠN”.
Đối với con cái, không có gì ý nghĩa hơn niềm vui khi được chia sẻ, giúp đỡ cha mẹ; niềm vui cảm thấy có ích đối với gia đình. Gia đình không chỉ là những người cùng chung huyết thống mà còn là nơi mọi thành viên chia sẻ và giúp đỡ nhau. Vì vậy, việc có tên trên cùng một phiếu đăng ký tạm trú, sổ hộ khẩu hay cùng chung sống dưới một mái nhà vẫn chưa mang nghĩa là “người một gia đình”. Gia đình có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều.
Do đó, theo tôi, để trở thành “người trong gia đình” thì các thành viên, ngoài quan hệ huyết thống còn có mối quan hệ khác, đó là “cùng nhau làm những công việc chung trong ngôi nhà họ đang ở”. Thế nên, để mối dây gia đình bền chặt, các thành viên đều quan trọng và hữu ích như nhau và tự bản thân mỗi người phải biết dốc sức vì nhau và vì những mục tiêu chung trong cuộc sống.
• Người vô dụng trong gia đình cũng sẽ vô dụng ngoài xã hội.
Đối với trẻ em, khi được hỏi “Lớn lên con muốn làm gì?”, chắc chắn sẽ có em nhanh nhảu trả lời: “Con muốn làm việc có ích cho xã hội!”. Nếu tuổi nhỏ mà đã trả lời được như vậy thì thật là đáng khen.
Con người luôn khao khát trở nên hữu ích với người khác. Khát khao đó khiến họ càng ý thức giá trị của bản thân. Khi được công nhận, con người sẽ tự tin vào năng lực của mình.
Tất nhiên khi trưởng thành, ngoài mong muốn “được công nhận”, “được giúp ích cho xã hội” thì công việc còn liên quan đến tiền bạc và địa vị xã hội. Nhưng nếu họ trở về lại với tâm hồn ngây thơ lúc nhỏ, trở lại với mong muốn sâu thẳm trong mỗi người, thì ước mong “được làm người có ích” rất quan trọng.
Song, việc có ích là việc gì? Phải chăng là công việc tình nguyện viên trong các tổ chức phi lợi nhuận, nhân viên công vụ hay chính trị gia? Còn nếu trở thành một nhân viên công ty bình thường thì liệu có đóng góp gì được cho xã hội không?
Với suy nghĩ non nớt, đơn giản của trẻ, ta sẽ không khó lý giải khi trẻ nghĩ rằng những công việc có ích là những nghề nghiệp có tiêu chí phục vụ con người và xã hội. Nhưng nếu nói rằng tôi đi làm vì muốn trở thành người có ích thì có vẻ không mấy thuyết phục. Vì suy cho cùng, dù là công việc gì cũng đều vì mục đích phục vụ con người. Bởi lẽ, những công việc không lấy mục tiêu vì lợi ích của con người chính là công việc vô nghĩa! Vậy nên, trở thành người có ích hay vô dụng là tùy thuộc vào chính bản thân mỗi người.
Vì mục đích quan trọng nhất là giúp đỡ cha mẹ, giúp đỡ gia đình, nên đối với con, làm việc nhà có ý nghĩa rất đặc biệt. Bởi lẽ, đối với những người quan trọng nhất của mình, bạn còn không giúp ích được gì thì sự tồn tại của bạn cũng sẽ không có ích gì cho xã hội. Nhờ tích lũy kinh nghiệm làm việc giúp đỡ gia đình, con sẽ hiểu được công việc có ích cho người khác là như thế nào, rồi sau này khi trưởng thành, bước vào môi trường làm việc, con mới có thể đóng góp cho xã hội.
• Có ích cho mình, có ích cho người khác tức là có ích cho xã hội
Cách nói: “Con hãy tự làm việc của con đi” không phải là một nhận thức đúng đắn. Nếu chúng ta phân biệt rạch ròi giữa “việc của bản thân” và “việc làm giúp” thì khi làm những “việc làm giúp”, con sẽ hành xử với tâm lý tự cao.
Ví dụ, khi con xếp đôi giày của mình nơi hành lang và tiện tay xếp luôn đôi giày của đứa em cho thẳng, đó là một hành động đẹp. Sau khi cả nhà uống trà xong, trẻ dọn ly của mình đồng thời cũng dọn dẹp phần người khác, đó là một việc làm đáng khen.
Những trường hợp khác trong sinh hoạt gia đình, dù ý thức được “việc này mình làm cũng được, người khác làm cũng được” nhưng trẻ vẫn không câu nệ mà tự mình làm lấy thì sau này lớn lên, sống trong hoàn cảnh nào trẻ cũng có thể trở thành người hữu ích cho xã hội.
• Niềm vui của gia đình là niềm vui của cuộc sống
Khi nói đến việc “nuôi dạy trẻ sống biết giúp đỡ”, nội dung chính tôi muốn đề cập là “Làm việc nhà sẽ giúp tăng cường sức khỏe cho con”. Nhưng vì ích lợi đó mà ép buộc con làm việc nhà bằng mọi giá thì có thể sẽ phản tác dụng. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần dạy bảo con từng bước bằng từng công việc nhỏ cho đến khi thành thói quen.
Việc nhà tiềm ẩn nhiều điều thú vị. Ví dụ như khi giặt giũ, việc con được thấy áo quần dơ bẩn trở nên sạch sẽ, thơm tho sẽ là một niềm vui nho nhỏ đối với con. Cảm giác mát lạnh khi chạm tay vào tấm vải ướt cũng khiến con thích thú. Hay khi phơi đồ, quần áo phất phới trong gió, từng tia nắng mặt trời rực rỡ xuyên qua lớp vải cũng làm con vui thích. Khi lấy áo quần vào, cảm nhận được mùi hương sạch sẽ, thơm mát lan tỏa khắp phòng rồi cảm giác kết thúc bằng việc xếp lại gọn gàng quần áo vô tủ cũng là những cảm giác rất tuyệt vời đối với con!
Sống biết giúp làm việc nhà có nhiều lợi ích cho cả con và cha mẹ, nhưng không phải vì vậy mà các bạn ép buộc con phải làm việc này việc kia khi con không muốn.
Mọi công việc xung quanh ta đều ẩn chứa niềm vui. Không giống niềm vui sôi động của ánh đèn sân khấu lấp lánh, những niềm vui đến từ công việc sẽ từ từ len lỏi vào các ngõ ngách tâm hồn, tạo ra một cảm giác sâu sắc, ấm áp. Sự bình an của tâm hồn đến từ chính những công việc hàng ngày trong cuộc sống chứ không ở đâu xa.
Nhờ phụ giúp công việc nhà, các con sẽ tìm thấy niềm vui. Có thể bạn không biết nhưng trong khi làm việc nhà, tâm hồn và cơ thể của con sẽ có sự hòa nhịp, và theo thời gian, sự hòa nhịp đó sẽ tạo thành một năng lượng sống tích cực cho con.
• CÓ THỂ GIÚP ĐƯỢC VIỆC NHÀ KHÔNG CHỈ LÀ MỘT NIỀM VUI
Niềm vui không chỉ đến từ việc giúp việc nhà một cách đơn thuần mà khi con biết giúp việc nhà, mọi người trong gia đình sẽ thấy vui, chính niềm vui của gia đình này sẽ càng khiến con vui hơn nữa.
Khi phụ giúp làm việc này việc kia cho gia đình, con nhìn thấy mẹ vui mừng tự hào, nghe cha cười khen ngợi, còn đứa em thì hớn hở cảm ơn, bản thân trẻ cũng thấy vui lây, thấy tâm trạng lâng lâng khó tả. Một mình trẻ làm việc mà đem lại niềm vui cho nhiều người như vậy không phải là kỳ diệu sao? Niềm vui của gia đình trở thành niềm vui của chính mình là động cơ thúc đầy trẻ năng động, nhiệt tình và thích làm việc nhà hơn. Tư duy của con thay đổi theo logic như vậy đấy.
• Mang niềm vui cuộc sống đến cho con
Dạy trẻ biết làm việc nhà đồng nghĩa với việc dạy trẻ sống có niềm vui và biết tìm niềm vui, niềm hạnh phúc từ những hoạt động bình dị trong cuộc sống.
Hầu như ai cũng ngưỡng mộ những người giàu có hay người nổi tiếng. Nhưng không ai có thể khẳng định chắc chắn rằng giàu có và nổi tiếng là niềm hạnh phúc chân thật!
Bậc cha mẹ nào cũng mong con cái mình được hạnh phúc, mạnh mẽ và thành công. Nhưng đừng nên khuyên dạy con trẻ những lời sáo rỗng như các câu châm ngôn màu mè trên lịch về những điều như “hạnh phúc không phải là tiền bạc”. Không nên lý giải và cảm nhận niềm vui cuộc sống bằng lý thuyết suông mà phải bằng những việc làm hàng ngày khiến trẻ có thể cảm nhận được niềm vui bằng cả cơ thể và tâm hồn. Đó là công việc cao cả mà chỉ có cha mẹ mới có thể dạy bảo con cái trong môi trường gia đình!
Mời các bạn đón đọc Dạy Con Làm Việc Nhà của tác giả Tatsumi Nagisa.