Biển đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta.
Thế giới đang bước vào “kỷ nguyên đại dương”, “vươn ra biển” đã trở thành xu thế chủ đạo của các quốc gia có biển, thậm chí một số quốc gia không có biển cũng đang tìm mọi cách để tiếp cận với biển, để được hưởng nguồn lợi từ biển. Đối với Việt Nam, biển đóng một vai trò quan trọng trong quá trình mở cửa để hội nhập cùng thế giới. Lòng biển, đáy biển và mặt biển chứa đựng những nguồn tài nguyên lớn và hết sức đa dạng, cung cấp cho nước ta nguồn thực phẩm, nguyên, nhiên liệu, năng lượng phong phú và ngày càng trở nên thiết yếu cho sự phát triển của đất nước trong cả hiện tại và tương lai.
Bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cả trên đất liền, trên biển, trên không, ngăn ngừa mọi nguy cơ xâm lăng từ bên ngoài, là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam, của Nhà nước Việt Nam, nó cũng liên quan đến các quốc gia khác mà trước hết là các quốc gia láng giềng hoặc các quốc gia trong khu vực. Từ bao đời nay, ông cha ta đã đổ bao công sức và cả máu xương để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày nay, chúng ta cần vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Với những lý do đó, Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông xuất bản cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” do TS. Trần Công Trục chủ biên. Cuốn sách khẳng định những chứng tích của Việt Nam trên Biển Đông, góp phần tuyên truyền sâu rộng những thông tin chính xác đến với mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời cũng là một cách khẳng định với thế giới về lập trường vững vàng cũng như quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đất nước của nhân dân Việt Nam. Nội dung sách gồm 4 chương
– Chương 1: Vị trí và vai trò của biển, đảo Việt Nam trong Biển Đông. – Chương 2: Việc xác lập các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.
Chương 3: Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Chương 4: Tranh chấp Biển Đông. Thực trạng và giải pháp.
Ngoài ra, cuốn sách còn có phần Phụ lục giới thiệu các văn bản chính thức của Nhà nước Việt Nam về các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam và một số bài nghiên cứu về Biển Đông.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com