Qua những số liệu ghi nhận được từ các giải Cờ Tướng Trung Quốc và quốc tế, thông thường một ván đấu sẽ kết thúc sau khi các kì thủ đã sử dụng từ 40 đến 60 nước đi cho mỗi bên. Có những trận đấu rất gay go, (do sự cân bằng về trình độ) phải kéo dài đến 70,80 nước đi hoặc thậm chí có khi đến hơn 100 nước. Ngược lại, cũng có nhiều ván đấu mà sự thắng thua đã thể hiện rõ chỉ sau một số nước: dưới 30 và cũng có khi ít hơn 20 nước.
Diễn biến của những ván đấu quá dài thường là do sự giằng co của giai đoạn tàn cuộc, mà trong đó thế trận đã trở thành đơn giản do lực lượng không còn đầy đủ, tính phức tạp, sự gây cấn, căng thẳng cũng sẽ giảm hẳn làm mất đi tính hấp dẫn. Trái lại, nếu sự kết thúc một ván đấu nhanh chóng lại xuất phát từ những sai lầm hoặc chủ quan thì những ván đấu ấy trở nên kém chất lượng về chuyên môn. Tuy nhiên, nếu những sai sót tương đối nhỏ, nhất là các danh thủ, thì sự phát hiện cũng như tận dụng khai thác cần đòi hỏi ở đối thủ sự nhạy bén để chộp thời cơ, đồng thời cũng phải có trình độ cao để vận dụng các đoàn tấn công, phản công một cách chuẩn xác và sắc sảo mới có khả năng giành được thắng lợi nhanh chóng. Do đó, diễn biến các gián đấu thuộc thể loại này thường mang nhiều kịch tính, vừa quyết liệt lại vừa đẹp mắt. Tác giả gọi đấy là “Những ván cờ kết thúc chớp nhoáng”. Tuy có hơi cường điệu, nhưng nếu đem so sánh với các trận đấu khác của cùng các danh thủ này (đặc biệt là sự tương quan trình độ hết sức ngang bằng) thì cũng không phải là thái quá.