Khi viết Lịch triều hiến chương loại chí, nhà bách khoa Phan Huy Chú (1762-1840) có lời án trong phần Nhân vật chí mục Nhà nho có đức nghiệp, quyển XI – như sau: “Các danh nho xưa nay rất nhiều, dường như không thể kể xiết. Nhưng những người đọc sách, đỗ đạt, mà đức vọng văn chương không rõ rệt để kê cứu, đều không chép. Chỉ nhặt lấy những người hơn cả, trước sau vài chục ông. Hoặc đạo đức nổi tiếng, hoặc khí tiết rõ rệt, hoặc giỏi về trước thuật, hoặc chuyên về văn chương, tuy tài giỏi không như nhau, nhưng đều có tiếng trên đời. Tóm lại, những người ấy không hổ là bậc danh nho cho nên chép rõ hành trạng các bậc đó”.
Nay chúng tôi ngồi trước án sách, trang nghiêm lật lại trang sách của người xưa, tưởng chừng như còn nghe lời nói ấy vang vọng bên tai. Học tập người xưa, chúng tôi cũng viết về những bậc danh nhân văn hóa của nước nhà. Mạo muội làm điều này cũng không ngoài mục đích giúp cho độc giả – nhất là bạn đọc thanh thiếu niên – hiểu rõ hơn công đức của các bậc tiền nhân. Với một tập sách mỏng, chúng tôi chưa thể viết được hết các bậc “có tiếng trên đời” trong lãnh vực văn hóa. Xin sẽ trở lại với những tập sau.
Trong Bình Ngô đại cáo, mà người đời đã đánh giá là “Thiên cổ hùng văn”, nhà văn hóa lỗi lạc Nguyễn Trãi có viết:
Nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Điều này khẳng định, nước ta vốn có truyền thống văn hóa lâu đời. Dù các thế lực ngoại xâm từ hàng ngàn năm nay đã thực hiện chính sách đồng hóa về mọi mặt nhưng cuối cùng chỉ chuốc lại sự bại vong. Sức mạnh văn hóa của dân tộc ta bền bỉ, trường tồn như sức sống của một dân tộc. Những giá trị vật chất và tinh thần do tiền nhân sáng tạo ra trong quá trình lịch sử mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ sau.
Trong tập sách này chúng tôi cố gắng nêu bật công đức của các danh nhân như anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Khi đánh giặc, ông đã cùng Lê Lợi đã vận dụng sức mạnh của văn hóa dân tộc:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
để đạt mục đích cuối cùng là “Xã tắc từ đây bền vững”. Trong số các nhân vật được UNESCO công nhận Danh nhân văn hóa thế giới, ngoài Nguyễn Trãi chúng tôi còn đề cập đến thi hào Nguyễn Du – người đã để lại một tác phẩm có giá trị là viên ngọc quý Truyện Kiều, không chỉ làm rạng rỡ nền văn hóa nước nhà mà còn có tiếng vang trên thế giới; Chủ tịch Hồ Chí Minh – một vĩ nhân lỗi lạc của thế kỷ XX mà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã phát biểu: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Trong nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử, chúng tôi đề cập đến danh nhân Phạm Đình Hổ – tác giả của nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về lịch sử, ngôn ngữ, đại lý, thơ ca… mà lâu nay chúng ta chỉ mới biết qua Vũ trung tùy bút. Tiếp theo, chúng tôi đề cập đến Nguyễn Khuyến – thi sĩ số một của làng quê, của mùa thu Việt Nam và cũng là cây bút trào phúng xuất sắc nhất thời đại mà ông đã sống. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giới thiệu những đóng góp của các danh nhân khác như nhà thơ Phan Văn Trị, nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi, nhà văn Nam Cao, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh… với những công trình có giá trị lâu bền trong kho tàng văn hóa của nước nhà.
Chúng tôi cũng không quên đến nhà thơ trào phúng Tú Xương – người đã để lại một sự nghiệp văn học để tạo nên cốt cách trào phúng và trữ tình mà ít nhà thơ nào sánh kịp. Trong số các “môn đệ” của Tú Xương, chúng tôi giới thiệu nhà thơ Tú Mỡ – một cây bút trào phúng rất nổi tiếng trên văn đàn những năm 1930 của thế kỷ XX. Tiếng cười độc đáo của ông là biết kế thừa cái hay của các thi sĩ đàn anh và vận dụng ca dao, tục ngữ. Điều làm nên tên tuổi Tú Mỡ là ông đã cười rất ác vào cái ông nghị… gật mà trước và sau ông chưa có ai vượt qua nổi!
Trong tập sách này, chúng tôi còn viết về bác Ba Phi. Năm 2002, một hội thảo khoa học “Chuyện kể bác Ba Phi” được tổ chức tại Cà Mau với 36 tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu trong cả nước. “Tựu trung mọi người đều nhất trí đánh giá chuyện kể của bác Ba Phi là một di sản văn hóa phi vật thể của Nam Bộ cần được trân trọng gìn giữ cho muôn đời sau như ta đã gìn giữ chuyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn… trước đây. Các chuyện kể của bác Ba Phi bắt nguồn từ sự phong phú, giàu có của sản vật tự nhiên vùng U Minh những ngày đầu được người dân khai phá và bác Ba Phi chỉ là một người nâng bức tranh sản vật vô cùng phong phú ấy lên tầm thẩm mỹ văn học” (Báo Tuổi trẻ chủ nhật số ra ngày 8.12.2002). Tương tự, làm sao ta có thể quên được Vũ Trọng Phụng, nhà văn của nhiều tác phẩm hiện thực phê phán như Số đỏ, Giông tố... và nhiều tập phóng sự có giá trị hiện thực được phong tặng “Ông vua phóng sự đất Bắc”. Ngoài ra, khi viết tiếp những nhân vật lừng danh của thế kỷ XX, chúng tôi còn đề cập đến nhà triết học Trần Đức Thảo, người đã từng tranh luận thắng thế với nhà văn, nhà tư tưởng J.P. Sartre tại Paris và để lại nhiều tác phẩm triết học có giá trị. Là nghệ sĩ đa tài Văn Cao, người đã viết ca khúc bất hủ Tiến quân ca, được Quốc hội nước ta chọn làm Quốc ca. Là nhà dân tộc học Từ Chi, người đã dành tâm huyết một đời để nghiên cứu về văn hóa Mường, về làng xã Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn mà học giả người Pháp là GS. Georges Condomimas đã đánh giá là “một nhà bác học lớn” của Việt Nam.
Có thể khẳng định các nhân vật trên đều có những nỗ lực đáng quý, đáng trân trọng trong việc bảo vệ, phát huy di sản văn hóa của nước nhà bằng nhiều việc làm thiết thực, nghiêm túc và có giá trị lâu bền. Điều này có ý nghĩa không nhỏ khi chúng ta đang phấn đấu xây dựng một nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Do khuôn khổ tập sách có hạn nên chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập đến nhiều danh nhân văn hóa khác trong những tập sau.
Nhân đây chúng tôi xin được nhắc lại, bộ sách KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM do nhà thơ Lê Minh Quốc thực hiện đã phát hành các tập: Danh nhân quân sự Việt Nam, Danh nhân khoa học Việt Nam, Các vị Tổ ngành nghề Việt Nam, Danh nhân Sư phạm Việt Nam, Danh nhân văn hóa Việt Nam, Nam, Các vị nữ danh nhân Việt Nam, Những nhà cải cách Việt Nam, Danh nhân cách mạng Việt Nam, Những người Việt Nam đi tiên phong, Những nhà chính trị Việt Nam và sẽ còn phát hành các tập tiếp theo, mời các bạn tìm đọc. Để bộ sách thật sự hữu ích cho bạn đọc – nhất là các bạn thanh thiếu niên- chúng tôi rất mong được sự chỉ giáo, giúp đỡ chân tình của các học giả uyên bác, của các nhà sử học và của các bạn đọc xa gần để tập sách ngày một hoàn hảo hơn. Trước hết xin bạn đọc ghi nhận ở đây sự biết ơn sâu xa của chúng tôi.
Kể Chuyện Danh Nhân Việt Nam gồm có:
Mời các bạn đón đọc Kể Chuyện Danh Nhân Việt Nam: Danh Nhân Văn Hóa Việt Nam của tác giả Lê Minh Quốc.