Sách Đại Nam quốc ngữ do Văn Đa cư sĩ biên soạn, được nhà thư mục học Trần Văn Giáp xếp vào mục ngôn ngữ văn tự trong sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 2. Văn Đa cư sĩ là biệt hiệu của Tú tài Nguyễn Văn San, chỉ rõ ông là người làng Đa Ngưu huyện Văn Giang. Sinh ra trong một gia đình gia giáo, thân phụ ông là Thanh Nhã tiên sinh từng làm quan Án sát, nên Nguyễn Văn San được giáo dưỡng nghiêm túc, học lực thăng tiến rất nhanh. Song do gia cảnh ông phải chịu tang cha mẹ liền tục, nên mãi đến khoa thi năm Nhâm Dần (1842) niên hiệu Thiệu Trị thứ 2, ông đã 34 tuổi mới mang lều chõng đến dự thi ở trường Hà Nội. Trường thi Hà Nội ngoài thí sinh của tỉnh Hà Nội ra còn có thí sinh các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh, Ninh Bình, Cao Bằng Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn đến dự thi. Khoa này ở trường Hà Nội triều đình cử Thị lang bộ Lễ Trương Quốc Dụng làm chủ khảo, trường Hà Nội có 3000 thí sinh dự tuyển, triều đình lấy đỗ 16 vị Cử nhân, còn Nguyễn Văn San chỉ đỗ Tam trường đành ngậm ngùi nhận học vị Tú tài. Người xưa từng bảo học tài thi phận, có lẽ là chỉ vào cuộc đời khoa cử lận đận của các danh sĩ tài hoa thời xưa, trước ông có Tú tài Phan Huy Chú ở Sài Sơn Quốc Oai, sau trở thành tác giả sách Lịch triều hiến chương loại chí nổi tiếng, và sau ông có Tú tài Trần Tế Xương ở Vị Thành, còn để lại tập thơ Vị thành giai củ tập biên được người đời truyền tụng. Liên tục sau 5 khoa thi sau đó 1843 (ân khoa), 1846, 1847 (ân khoa), 1848, 1850 Nguyễn Văn San cũng chỉ đỗ đến Tam trường trong các kì thi Hương đó.