Việt Nam là một trong những nước trên thế giới có mức độ đa dạng sinh học cao, có nhiều hệ sinh thái khác nhau, từ rừng ẩm nhiệt đới đất liền, rừng núi cao, rừng thông, rừng rụng lá theo mùa, rừng tre nứa đến rừng ngập mặn ven biển, nhiều kiểu vùng đất ngập nước (ĐNN), hải đảo, các rạn san hô phong phú… Đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên là cơ sở của sự sống còn và phát triển của đất nước. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quý giá này đã và đang bị suy thoái nghiêm trọng, thậm chí đã ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái của cả nước.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng để bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các hệ sinh thái và các loài hoang dã. Chúng ta cũng đã thành lập được một hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên bao gồm nhiều kiểu hệ sinh thái điển hình và phần lớn các loài động vật và thực vật quý hiếm. Để quản lí bền vững các khu bảo tồn thiên nhiên, cần phải hiểu biết đầy đủ các loài sinh vật, nhất là các loài quý hiếm, các loài chính có trong khu bảo tồn, tình trạng hiện nay và xu thế diễn biến của các loài đó, từ đó xây dựng kế hoạch bảo tồn một cách hợp lí để không những ngăn chặn được sự suy thoái của khu bảo tồn mà còn làm cho khu bảo tồn ngày càng phong phú hơn. Một số Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên đã nghiên cứu khá đầy đủ thành phần loài và các hệ sinh thái, và xây dựng được kế hoạch quản lí khá tốt. Tuy nhiên, còn nhiều khu bảo tồn chưa thực hiện được công việc cơ bản này.
Cuốn giáo trình “Đa dạng sinh học đất ngập nước – Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long” của nhóm cán bộ khoa học thuộc khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là thể nghiệm mới về cách viết kết hợp giữa li thuyết và minh họa trường hợp cụ thể. Nội dung cuốn sách bao gồm những kiến thức, khái niệm cơ bản về ĐNN nói chung, ĐNN ở Việt Nam nói riêng. Đồng thời cuốn sách đã cung cấp thông tin khả đầy đủ về đa dạng sinh học của một khu bảo tổn ĐNN ngọt điển hình ở Việt Nam – Khu bảo tồn thiên nhiên ĐNN Vân Long, Ninh Bình.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com