Thiếu tá hải quân Heinz Schaeffer nguyên là sĩ quan trong quân đội Đức Quốc xã, nhưng ông chỉ là một quân nhân thuần túy. Sau một sự nghiệp rực rỡ, năm 1945, khi Đức Quốc xã đầu hàng Đồng minh, ông tìm cách đưa chiếc tàu ngầm U-977 do ông làm Chỉ huy trưởng sang Cộng hòa Argentina, tận Nam Mỹ. Vì có tin cho rằng ông đưa Adolf Hitler, Quốc trưởng và là thủ lĩnh đảng Quốc xã đi trốn, nên ông bị điều tra nhưng cuối cùng được thả. Trở về đời sống dân sự, ít lâu sau ông qua định cư ở Argentina. Và tại đây ông viết lại hồi ký này. Ngày nay, các cường quốc đều xem tàu ngầm (tức: tiềm thủy đỉnhlà một phương tiện vô cùng lợi hại trong chiến tranh, nên cố gắng hoàn thiện nó, và một số lớn chạy bằng nguyên tử lực, được trang bị hỏa tiễn tầm xa, có khả năng lặn sâu và lâu hơn những tàu ngầm trong Thế chiến thứ hai rất nhiều. Tuy nhiên, những vấn đề căn bản mà các tàu ngầm và các thủy thủ có thể gặp phải, nhất là lúc có chiến tranh, thì nói chung cũng như nhau. Giá trị của hồi ký này là ở chỗ trung thực – dĩ nhiên tương đối – của tác giả, tính chính xác trong khi miêu tả, và sức hấp dẫn của câu chuyện rất “đàn ông.” Bản dịch được dựa theo bản tiếng Pháp Adventures d’un sous-marin a allemand của nhà xuất bản J’ai lu – Ditis, 1962. *** Một ngày kia, sau Thế chiến thứ hai, tôi có mặt tại Dusseldorf. Thành phố này, hồi trước sống động bao nhiêu, thì lúc bấy giờ trở nên tiêu điều khó nhận ra nổi. Tôi đi một vòng trong thành phố. Chỉ thấy toàn người ốm yếu, quần áo tồi tàn. Khắp nơi, các sườn nhà, các bộ đồng phục xa lạ của quân đội chiếm đóng. Tôi bước thơ thẩn trên con đường Konigsstrasse và nghĩ tới những gì bắt buộc phải quen, cùng những gì phải chịu đựng thêm nữa. Bỗng nhiên, thính giác tôi ghi nhận một con số, một công thức ngắn ngủn mà tôi sẽ nhớ cho đến ngày chết. Bởi con số ấy đưa tôi trở về vị trí chiến đấu cũ. Ở một nơi nào đó, không xa nơi tôi đứng, có tiếng la với giọng hổn hển: “977-977-977!” Chiếc tàu ngầm do tôi chỉ huy mang số hiệu U-977 và các bạn có thể đoán là con số ấy có ý nghĩa ra sao với tôi. Sau nhiều tháng dài bị giam giữ ở nước ngoài, kế đó ngay tại tổ quốc, giờ đây tôi lại nghe nó. Tôi cố lắng nghe, không chắc là mình nghe thật. Không, có lẽ tôi lầm… Tôi tạt ngang một quán báo. Một ông cụ, trong bộ quần áo rách rưới, đưa tờ báo ra rao bằng giọng khàn khàn: “Hitler còn sống! Hitler còn sống.” Mắt tôi định quay đi thì gặp hàng chữ lớn trên tờ báo. Tôi đọc: “U-977… Hitler còn sống!” Và bên dưới, chữ nhỏ hơn: “Hắn trốn qua Argentina trên tàu U-977.” Tôi đứng sững giữa đường Konigsstrasse, giống như mọc rễ và bật cười lên như điên, khiến mấy cô bé từ trường học ra, và các người đi ngang nhìn tôi lo ngại, vòng ngã khác để tránh. Chắc họ nghĩ: “Lại thêm một kẻ quá đói phát điên!”. Mời các bạn đón đọc Cuộc Phiêu Lưu Của Tàu Ngầm U-977 của tác giả Heinz Schaeffer.