Cuộc Đời Kỳ Lạ Của Nikola Tesla

Cuộc Đời Kỳ Lạ Của Nikola Tesla

Tác giả:
Thể Loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Cuộc Đời Kỳ Lạ Của Nikola Tesla là quyển sách có nội dụng về cuộc đời đầy thăng trầm nhưng vô cùng ý nghĩa của tác giả, một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất của nhân loại, người đã góp phần thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thế giới Thế kỹ XX. Ông được mệnh danh là “nhà khoa học điên” của thé giới vật lý, Tesla là người đi tiên phong đưa kỹ thuật điện, điện từ vào đời sống. Với cách tư duy kỳ lạ của mình, ông đã có đến khoảng 300 bằng phát minh, tiêu biểu như động cơ điện không đồng bộ hay lõi Tesla. Rất nhiều phát minh của ông đang được ứng dụng trong các thiết bị điện xung quanh ta ngày nay. *** Nikola Tesla (1856-1943, nhà khoa học kiệt xuất người Mỹ gốc Serbia. Trong cuộc đời mình, Tesla đã có đến khoảng 300 bằng phát minh, trong đó, đóng góp quan trọng nhất cho nhân loại của Tesla là việc góp phần đưa dòng điện xoay chiều vào đời sống. Tuy cuộc đời Tesla không bằng phẳng, phải chịu nhiều đợt bệnh thập tử nhất sinh, bị cộng sự chơi xấu, và cuối đời phải sống trong thiếu thốn và mất đi không một người thân thích bên cạnh, nhưng ông đã để lại một di sản khổng lồ cho nhân loại. Để tri ân, giới khoa học đã đặt tên đơn vị đo cường độ cảm ứng từ là tesla. *** Lời Nói Đầu Quyển sách các bạn đang xem là câu chuyện về cuộc đời đầy thăng trầm nhưng vô cùng ý nghĩa của Nikola Tesla, một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất của nhân loại, người đã góp phần thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới Thế kỷ XX-được viết bởi chính Tesla. Được mệnh danh là “nhà khoa học điên” của giới vật lý, Tesla là người đi tiên phong đưa kỹ thuật điện, điện từ vào đời sống. Với cách tư duy kỳ lạ của mình, ông đã có đến khoảng 300 bằng phát minh, tiêu biểu như động cơ điện không đồng bộ hay lõi Tesla. Rất nhiều phát minh của Tesla đang được ứng dụng trong các thiết bị điện xung quanh ta ngày nay. Thật không dễ để hiểu thấu hết những gì đang diễn ra trong đầu Tesla, một thiên tài với trí nhớ hình ảnh, biết 8 thứ tiếng* có tầm nhìn vượt thời đại. Những gì ông đã viết trong quyển sách này có thể kỳ lạ và khó tin, nhưng hãy nhớ rằng, người ta đã mất gần một thế kỷ để biết những gì Tesla đề xuất là chính xác và khả thi! Larry Page – đồng sáng lập Google – đã được truyền cảm hứng sau khi đọc tự truyện của Tesla vào năm 12 tuổi.* Hy vọng quý bạn đọc có thể nhìn ra được điều gì đó mới mẻ trong những câu chữ của Tesla, bởi đó có thể là những hiểu biết giúp ta thay đổi cả thế giới này. Thành phố Hồ Chí Minh, 2016 Ecoblader *** Sự phát triển không ngừng của con người phụ thuộc sống còn vào các phát minh. Nó là sản phẩm quan trọng nhất của bộ não sáng tạo. Mục đích cuối cùng của việc phát minh là để trí tuệ làm chủ hoàn toàn thế giới vật chất, khai thác các lực lượng thiên nhiên phục vụ nhu cầu của con người. Các nhà phát minh phải thực hiện nhiệm vụ khó khăn ấy, nhưng lại thường bị hiểu lầm và không được tưởng thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, họ lại cảm thấy được bù đắp trong quá trình luyện tập phát triển quyền uy của mình. Họ biết rằng mình là một thành viên của một tầng lớp đặc biệt: Nếu không có các nhà phát minh, nhân loại có lẽ đã tiêu tùng từ lâu trong cuộc đấu tranh gay gắt chống lại các tác nhân bạo tàn của Mẹ Tự Nhiên. Riêng tôi mà nói, tôi cũng đã hưởng quá nhiều niềm vui tinh tế như vậy. Nhiều lắm, nhiều năm qua cuộc sống của tôi ít khi thiếu vắng niềm vui. Tôi được ghi nhận là một trong những người làm việc tích cực nhất. Nếu nói suy nghĩ là lao động thì có lẽ đúng vậy thật, bởi hầu như mỗi thời khắc còn thức, tôi đều tập trung tư duy hết mình. Nhưng nếu xem lao động là một hoạt động rõ ràng trong một thời gian nhất định theo một quy tắc cứng nhắc, thì có lẽ tôi phải tự xếp mình vào danh sách những kẻ lười nhất trong những kẻ lười. Khi làm việc dưới sức ép, vì bắt buộc, ta luôn phải hy sinh một lượng năng lượng sống. Tôi chưa bao giờ phải trả giá như vậy. Ngược lại, cuộc sống của tôi ngày càng tràn đầy năng lượng trong quá trình tư duy. Trong quá trình cố gắng liên kết và kể lại một cách trung thực chuyện đời mình, dù miễn cưỡng thì tôi vẫn phải nói rằng những trải nghiệm thời trẻ chính là những thứ đóng vai trò chủ chốt trong sự nghiệp của tôi sau này. Những nỗ lực đầu tiên của con người khi còn nhỏ hoàn toàn mang tính bản năng, tạo nên trí tưởng tượng sống động và không bị gò bó trong khuôn khổ. Khi lớn lên, lý trí khẳng định địa vị của mình, dần dần ta trở nên hệ thống và tư duy có kế hoạch hơn. Tuy vậy, những xung động ban đầu, dù không cho ngay kết quả, lại chứa đựng những khoảnh khắc tuyệt vời nhất tạo nên định mệnh cả cuộc đời. Thật vậy, bây giờ tôi thấy hơi tiếc: Nếu hồi đó tôi hiểu và nuôi dưỡng trí tưởng tượng trẻ thơ thay vì cố gắng đàn áp nó, thì chắc tôi đã gia tăng đáng kể đóng góp của mình cho nhân loại. Dù là thế, nhưng cho đến tuổi trưởng thành tôi mới nhận ra mình là một nhà phát minh. Điều này là do một số nguyên nhân. Trước tiên, tôi có một người anh tài năng xuất chúng, một trong những hiện tượng tâm lý hiếm hoi mà sinh học không thể giải thích được. Anh mất sớm khiến cha mẹ tôi buồn lắm. Hồi đó, nhà tôi có một con ngựa do bạn thân của cha mẹ tôi tặng. Con ngựa giống Ả Rập, đẹp tuyệt, khôn như người. Cả nhà cưng nó lắm, vì có một dịp nó đã cứu sống cha tôi. Lần đó, cha tôi được triệu tập vào một đêm đông để thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp. Khi băng qua núi, cha bị đàn sói bu lại. Con ngựa sợ hãi bỏ chạy, quăng mạnh ông xuống đất. Nó chạy về đến nhà, máu me đầy người và gần như kiệt sức. Thế nhưng, sau khi chuông báo động vang lên, ngay lập tức nó lại lao đi quay lại chỗ cha tôi. Đoàn tìm kiếm chưa đi được bao xa thì đã gặp cha. Lúc này, ông đã tỉnh và ngồi lại trên lưng ngựa. Ông không biết rằng mình đã nằm vùi trong tuyết nhiều giờ. Thế nhưng, chính con ngựa này đã làm anh Dane* bị thương rồi mất. Tôi đã phải tận mắt chứng kiến cảnh tượng bi thảm đó. Mặc dù nhiều năm đã trôi qua, mọi chuyện ngày hôm ấy vẫn rõ mồn một trong đầu tôi. Những hồi ức về thành tựu của anh Dane khiến mọi thứ tôi làm trở nên mờ nhạt. Mọi thành tựu của tôi không làm cha mẹ hãnh diện, mà trái lại, càng khiến họ cảm thấy mất mát và buồn khổ hơn. Vì lý do đó, trong cả quãng đời thơ ấu, tôi không hề tự tin chút nào. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tôi cũng không phải là đần độn. Ít ra là không đần trong những câu chuyện mà tôi vẫn còn nhớ về thuở nhỏ của mình. Ngày nọ, khi tôi và mấy đứa bạn đang chơi trên đường thì mấy người có chức có quyền đi ngang qua. Quý ông đáng kính nhất…một công dân giàu có… cho mỗi đứa một đồng bạc. Đến chỗ tôi, ông ấy đột nhiên dừng lại và ra lệnh, “Nhìn vào mắt ta đây.” Tôi gặp cái nhìn của ông, định đưa tay ra nhận đồng bạc quý giá, thì mấy lời sau của ông làm tôi thất vọng não nề: “Không, không được. Nhóc không được lấy tiền của ta. Nhóc quá thông minh.” Người ta cũng hay kể một câu chuyện vui về tôi. Chả là tôi có hai người cô già mặt mày nhăn nheo. Một người còn có mấy cây răng chìa ra như ngà voi. Mỗi khi cô ấy hôn là răng cỏ nó đâm vô má. Không gì làm tôi ớn hơn là việc được những người họ hàng không mấy xinh đẹp này âu yếm. Lần đó, khi đang được mẹ bồng trên tay, tôi bị hai cô hỏi ai đẹp hơn. Sau khi chăm chú nghiên cứu, ngắm nghía khuôn mặt của họ, tôi trả lời một cách đầy thông minh: Tôi chỉ vào một cô, bảo: “Cô này không xấu bằng cô kia.” Lại nói một chuyện khác. Ngay từ khi sinh ra tôi đã được định sau này làm giáo sĩ. Ý nghĩ này ám tôi suốt. Tôi muốn trở thành kỹ sư, nhưng cha tôi tính cứng nhắc lắm. Ông là con trai một sĩ quan phục vụ trong quân đội của Napoleon Đại đế. Cha và bác tôi (một giáo sư toán học tại một trường nổi tiếngđã được giáo dục theo kiểu quân đội từ nhỏ. Nhưng thật lạ, sau đó cha tôi lại chuyển qua làm giáo sĩ. Dù vậy, ông vẫn rất thành công với nghề này. Cha tôi là một người rất uyên bác, một nhà triết học tự nhiên, nhà thơ và nhà văn thực sự. Bài giảng của ông được đánh giá ngang ngửa với tu sĩ nổi tiếng Abraham a-Sancta-Clara. Cha có một trí nhớ phi thường và thường xuyên trích dẫn những đoạn rất dài từ các tác phẩm bằng nhiều ngôn ngữ. Ông thường nói vui rằng nếu lỡ như có mất vài cuốn sách kinh điển, ông vẫn có thể nhớ và viết lại dễ dàng. Phong cách viết của ông rất được ngưỡng mộ. Ông viết ngắn gọn nhưng dí dỏm và đầy tính châm biếm. Các nhận xét hài hước của ông luôn luôn độc đáo và đặc trưng. Để minh họa, tôi sẽ kể vài chuyện. Trong số những người giúp việc, có một người lé mắt tên là Mane, được thuê làm việc lặt vặt quanh trang trại. Ngày nọ, ông ta chẻ củi. Khi ông vung rìu, cha tôi đứng gần đó và cảm thấy không êm. Cha cảnh báo một cách hài hước: “Vì Chúa, Mane à, đừng có bửa vào những gì anh đang nhìn mà hãy bửa vào những gì anh định bửa ấy nhé.” Một lần khác, khi đang đi xe, một người bạn vô ý để cái áo lông thú đắt tiền của mình chà trên bánh xe. Cha tôi nhắc: “Kéo áo khoác lên, anh đang làm hư bánh xe của tôi đấy!” Cha tôi có một thói quen kỳ lạ: Ông thường nói chuyện với chính mình, nói rất hăng say và tranh luận rất sôi nổi. Những lúc như thế ông thường đổi giọng nói. Ai đó mà tình cờ nghe được chắc tưởng rằng nhiều người đang ở trong phòng.