Ba mươi lăm năm đã qua đi kể từ khi tôi viết lịch sử cuộc chiến tranh của người Pháp ở Đông Dương. Là nhà báo, tôi đã theo dõi cuộc chiến, kể lại, phân tích hàng ngày; như vậy không đủ đối với tôi. Tôi còn cố tìm hiểu làm sao có thể dẫn đến thảm họa của Đội quân viễn chinh ở Điện Biên Phủ. Tôi đã muốn tháo gỡ những tình huống chằng chịt, làm sáng tỏ mớ rắc rối những sai lầm, cẩu thả, hợm hĩnh, những tính toán hớ hênh, lăn lộn, nhập nhằng, những sự phản bội và ô nhục, có thể nói tình trạng mất phẩm giá dẫn đến thảm họa không tránh được. Kỹ thuật chiến tranh lúc đó cũng hấp dẫn tôi. Phương Đông như một cơn ma túy; cuộc đấu tay đôi lôi cuốn tất cả: vũ khí và tâm hồn, sức mạnh vật chất và bản năng, đất nước, bùn lầy, đêm tối, cây xanh, thể xác và mọi góc cạnh của trí óc, việc sử dụng tiền bạc, đạo đức, hành động xấu xa, lễ nghi và tàn bạo, khủng bố và thuyết phục. Cuối cùng Đông Dương đối với tôi như mang mầm mống những thất vọng ê chề sau này ở Algéria và Châu Phi, phải thử phân tích những việc làm ở đó và bằng cách nào để giải thích lịch sử mới đây nhất của chúng ta. Xứ sở Đông Dương định mệnh, Đông Dương làm khuôn đúc cho tất cả…
Như trong cơn sốt tôi viết hàng nghìn trang. Ba cuốn sách tập hợp vào đây, những cuốn khác tôi chưa hoàn thành.
Có một thời gian tôi quan tâm đến tai họa của Mỹ nảy sinh ở Việt Nam trong sự đổ nát của tai họa Pháp, điều đó lôi kéo tôi vào những chuyến đi mới và một bản viết khác định trình bày ở Pháp, những “Hồ sơ của Lầu Năm góc” đã bị lãng quên. Mối diễm tình và những lực lượng tăm tối bám chặt vào tôi tuy cuối cùng tôi mệt mỏi. Đúng ra lòng ham thích rồi sự táo bạo đã đưa tôi đến với tiểu thuyết. Bạn tôi, nhà xuất bản Jean-Clacede Fasquelle thúc đẩy tôi. Ông nói: “Bộ ba tác phẩm về Đông Dương đã báo trước một tiểu thuyết gia”. Được tâng bốc, tôi chấp thuận.
Nhiều năm qua đi và ngày nay là tác phẩm đồ sộ này trong đó tôi thấy lại tuổi trẻ của tôi và của bao nhiêu người… Tôi đọc lại những gì đã viết và tất cả tái hiện, de Lattre mà người ta vẫn gọi là “vua Jean”, Bảo Đại, nhân vật Hamlet da vàng vừa biến mất, Hồ Chí Minh với đôi mắt sáng, tính cách một vĩ nhân, các thống chế, những kẻ bất lương, các vai phụ, những xáo động và những hành vi phức tạp của Sài Gòn. Hà Nội trầm lặng đến thế, những nhà thờ và các phe phái, sự vững tin tầm thường của những người da trắng… Tôi đọc và hình dung lại tất cả: tính lãng mạn, anh hùng ca, bi kịch, sự nổi dậy của một dân tộc bị chà đạp, cuộc chiến tranh không cảm nhận được, kéo dài vì đẫm máu, nỗi mê hoặc và ghê tởm của tôi.
Tôi biết rõ Đông Dương. Từ bé, lớn lên ở miền Nam Trung Quốc, tôi đã đến Hà Nội cùng bố mẹ tôi. Ở đây tất cả thể hiện sống động. Những hồi ức về quân Cờ đen, trung sĩ Bobillot Pavie, kẻ chinh phục hòa bình, đất nước được cứu vớt trở thành viên ngọc của hệ thống thuộc địa Pháp. Nền tài chính, lúa gạo và cao su, công việc kinh doanh và Hội đoàn, các bà và những chuyện ngồi lê đôi mách, vẻ đẹp các thành phố, trật tự xã hội, sự hủy hoại vô ý thức. Rồi đến cuộc chiến tranh, hiệp định Genevè, sự chia cắt… Tôi ở đấy tám năm cho đến lúc Diệm, tên độc tài được người Mỹ hỗ trợ, đuổi tôi ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Đấy là vào năm 1955. Tiếp đó người ta biết tính kiêu ngạo và ngây ngô của người Mỹ. Thực tế của Washington, thực tế của những người chăn dắt và con cái những người chăn dắt, thực tế của các quan chức dựa vào kỹ thuật với tính logic không hiểu nổi. Tính hãnh diện, sự hãnh diện muôn đời của phương Tây. Và rồi những ảo tưởng bị nghiền nát. Từ Kinh Thánh đến mưa bom, quyết liệt. Cuối cùng đội quân Hoa Kỳ tan rã, nước Mỹ tan rã vì đối tượng không là gì đối với họ, một nước rất nhỏ bé, một đường viền của Trung Quốc, mà họ muốn tiến hành cuộc Thập tự chinh.
Sống lâu, người ta thậm chí có thể chứng kiến điều không tưởng tượng được. Tôi cũng đã thấy người Pháp và người Mỹ trở lại Việt Nam, thấy đâm chồi và nảy nở những luyến tiếc vô cùng. Một số cũng đáng ngờ nhưng không quan trọng, thời gian sẽ sàng lọc.
Còn lại là những kỷ niệm, những thập kỷ, là hàng chục năm chiến tranh ngoại lai và lẫn lộn, sự giết chóc như một nạn dịch đen tối trên đất Việt Nam. Và lịch sử sự đam mê của Pháp bất chấp tất cả, luôn sống dai dẳng. Một câu chuyện về tình thương và căm hận rối rắm cuộn vào nhau mà những cuốn sách này kể lại trong chốc lát.
Tôi tuyệt đối không thay đổi gì hết: tôi nói trong chốc lát nhưng tôi nghĩ đó là thời điểm cơ bản.
***
Tôi nhớ mãi năm đen tối 1954! Ngày tháng năm ấy ở Hà Nội phải có một cuộc diễu hành chiến thắng kỷ niệm mười năm Đức Quốc xã đầu hàng. Những người thợ Annam đã xây dựng khán đài bằng gỗ; đang mắc những chùm cờ Pháp và Việt Nam lên cây dọc đại lộ chính của thành phố, trước mặt đài liệt sĩ, thì người ta được tin Điện Biên Phủ tan vỡ. Nhưng các tướng của Bộ Tổng tham mưu, do kiêu căng hoặc khắc kỷ, quyết định vẫn tiến hành thao diễn.
Phải ổn định tổ chức thật lâu. Người ta sắp xếp các nhân vật dân sự và quân sự vào vị trí danh dự tùy theo ngôi thứ. Xa xa đội quân nhạc đang chơi một hành khúc ảm đạm. Tướng Cogny, người phốp pháp, đôi mắt rất xanh, nặng nề dựa vào chiếc can, bước chậm rãi đến đài liệt sĩ. Ông đặt một vòng hoa cho những người Pháp bị tử trận trong những cuộc chiến tranh trước kia, một vòng khác cho những người Việt Nam. Khuôn mặt đồ sộ của ông ngang tầm với bi kịch.
Buổi lễ tiến hành theo nghi thức quân sự. Tuy nhiên, khắp nơi là sự bại trận, trên những nét mặt, trong cử chỉ và trong lòng người. Viên tướng gắn huy chương cho những người có vẻ vừa thoát nạn. Các sĩ quan tùy tùng đưa lại những giải băng trên một chiếc khay. Ông găm chúng lên những tấm ngực, ôm hôn; công việc kết thúc, ông giơ tay và cuộc diễu hành bắt đầu.
Đây là cuộc thao diễn những chiếc bóng, những người sống sót, tất cả những người lính mà tình cờ không tới Điện Biên Phủ. Họ đi qua, làm những động tác quá cứng nhắc, hầu như gượng gạo. Họ thuộc vào những lực lượng dự trữ cuối cùng của Bắc Kỳ: một tiểu đoàn quân nhảy dù nhiều “da vàng”, một số lính lê dương, những chiếc tăng. Phần lớn các sĩ quan dù, quần áo dã chiến, kéo lê chân vì những vết thương cũ. Chỉ khoảng một chục người; cách đấy vài trăm cây số, tất cả những người khác vừa đầu hàng.
Đây là khoảng một trăm lính lê dương, chân bước nặng nề và vô cảm. Họ thuộc về trung đoàn tử vì đạo của Đông Dương, trung đoàn lính đánh thuê thứ 3 ấy bị đánh bật ra khỏi Cao Bằng năm 1950. Những người tham gia diễu hành thuộc về tiểu đoàn không bị đưa lên Điện Biên Phủ nhưng mấy ngày trước đó rơi vào một cuộc phục kích khủng khiếp trên con đường Hà Nội – Hải Phòng. Cả trung đoàn chỉ còn lại họ.
Dân chúng Hà Nội, kể cả những người Pháp, không bận tâm về buổi lễ. Chỉ là những tàn dư đi qua và các nhà chức trách đứng nhìn. Trên khán đài, bên cạnh tôi, một đại tá bật khóc. Ông nói:
– Tôi không bao giờ nghĩ Việt Minh trong một đêm có thể tiêu diệt mười hai nghìn chiến binh Đông Dương giỏi nhất của chúng ta.
Nỗi đau càng lớn hơn khi hy vọng âm ỉ trong lòng. Người ta khẳng định sẽ cứu vớt được nếu còn cố thủ ít lâu. Những ảo tưởng ấy đã lan vào các ban tham mưu, bắt đầu tin vào sự tiêu hao của Việt Minh. Đêm trước xảy ra bi kịch, viên chỉ huy còn cho thả một tiểu đoàn lính dù. De Castries vốn đã yêu cầu từ nhiều tuần nay, lúc đầu người ta từ chối để không tăng thêm số người hy sinh. Rồi có quyết định, ngay trước thảm họa, như bỗng tăng thêm lòng tin.
Bây giờ trong âm thanh kèn đồng và những tiếng hô, có ai không nghĩ đến những hàng tù binh vô tận đi lên phía bắc? Ở Điện Biên Phủ mọi việc đang rộn ràng. Những chiếc xe Molotova chạy khắp vùng lòng chảo còn bốc khói để thu thập chiến lợi phẩm. Mặt đất cháy sém loang lổ với hàng nghìn chiếc dù đủ màu. Nhân công chôn vùi người chết không đếm xuể của cả hai phía. Những chỉ huy thua trận, de Castries, Bigeard, Langlais trải qua nhiều cuộc thẩm vấn có năm hoặc sáu nhân viên tốc ký ghi. Đối với họ đấy cũng là sự hạ thấp mình.
Ở Hà Nội người Pháp không biết Việt Minh có chăm sóc cho binh lính Pháp bị thương không, người ta quyết định thả thực phẩm và thuốc men xuống cho họ, mong rằng không bị tịch thu.
Người ta vẫn không hiểu vì sao Điện Biên Phủ thất thủ. Có thể quân cố thủ Pháp trong núi rừng tan vỡ như một con tim bệnh hoạn. Cuối buổi diễu hành, người bên cạnh tôi, viên đại tá sụt sùi đưa ra quan điểm:
– Một trong những bí ẩn của chiến tranh là sự tan vỡ. Người ta không bao giờ dự kiến được lúc nào một đoàn quân hoặc một đội quân đồn trú kiệt quệ đến kết thúc. Điều đó đột nhiên đổ sụp xuống.
Tang tóc và cay đắng đè nặng lên Đội quân viễn chinh. Vì đối với mọi chiến binh ở Bắc Kỳ và Đông Dương, Điện Biên Phủ là cả cuộc sống. Vào đầu trận đánh một trung sĩ già của quân thuộc địa khẩn nài tôi:
– Không nên nói tình hình trên đó xấu, sẽ là một sai lầm chết người…
Khắp Đông Dương, những người đầu bếp, làm công vặt, thư ký, tình nguyện nhảy vào lò lửa. Có những người, mười ngày nữa về nước cũng xin được nhảy dù. Khi người ta báo với họ là sẽ đi vào chỗ chết hoặc bị bắt, họ trả lời:
– Không quan trọng.
Một người lính bị thương ở mắt vào đầu trận đánh ở Điện Biên Phủ, được một trong những máy bay cứu thương cuối cùng đưa về Hà Nội, thoát khỏi địa ngục. Một tuần lễ trước thảm họa, trong lúc chưa lành bệnh, đề nghị cho nhảy xuống vùng lòng chảo bị bao vây.
– Anh tôi đang ở đó, tôi muốn đến với anh ấy.
Ở Hà Nội sau thất trận, lính dù uống rượu một cách đáng sợ. Họ là lính của một đại đội dự phòng không ra mặt trận. Xấu hổ vì còn sống và tự do, họ van xin người ta “đánh” họ xuống núi rừng Điện Biên Phủ; họ muốn từ trên trời rơi xuống để giải phóng các bạn.
Ngoài ra, trong thành phố, quân lính mặt mày khắc khổ, im lặng. Thậm chí họ cảm thấy ghê tởm phải nói, phải thú nhận nỗi khổ tâm của mình. Bên dân sự, dốt nát còn là một hạnh phúc cuối cùng. Buổi sáng tôi thấy một phụ nữ Pháp trẻ, tóc hung và gầy đi xe đạp trên đường. Để mái tóc bay theo gió, chị giữ đứa con ngồi trên khung xe. Đấy là vợ người phát thanh đài Điện Biên Phủ vừa đưa tin của Bộ Chỉ huy de Castries; trong máy anh nói đơn giản với anh bạn ở đài Hà Nội:
– Quân Việt ở cách đây hai mươi mét: vĩnh biệt cậu!
Người đàn bà còn hớn hở ấy tên là Melien. Chị đang mang thai một đứa bé khác. Không bao giờ chị biết, nhưng rồi sẽ biết…
Tin tức lan dần trong thành phố rộng. Các ông bố bà mẹ thử bắt đài Việt Nam đang thông báo danh sách tù binh. Họ xấu hổ phải nghe làn sóng Việt Minh nhưng ham muốn quá mạnh. Vả lại tin tức nghèo nàn ấy rồi cạn kiệt, người Pháp làm rối loạn làn sóng địch. Qua đài người ta chỉ còn nghe tiếng rít của kim khí.
Tuy vậy, với dân chúng bình thường, cuộc sống vẫn tiếp tục. Thương nhân buôn bán, vừa trao đổi những phán xét nghiêm khắc về cuộc chiến. Sau bữa ăn tối những rạp chiếu phim và vũ trường tràn ngập đám người ngoại kiều rất vui vẻ. Dạ hội đặc biệt náo nhiệt ở Ritz, vũ trường Trung Hoa ngoài trời, trên trần nhà cao nhất Hà Nội. Người ta giãy giụa trong tiếng nhạc của một ban nhạc Philippines. Gái nhảy mặc áo dài sẻ lườn đẹp và rất nhiều. Bỗng nhiên một loạt súng mạnh, gần và kéo dài hơn bình thường vang lên. Nỗi lo sợ bóp ngạt cử tọa, tất cả im bặt: ai cũng biết ông Giáp nói sẽ tiến về Hà Nội trong mấy ngày tới. Rồi người nhảy, đã quen với những tình huống ngẫu nhiên ấy, bình tâm lại. Cuộc vui tiếp tục.
Trong thành phố, người Việt Nam chứng tỏ nỗi thờ ơ đặc trưng của Châu Á: không một cử chỉ khiêu khích đối với người Pháp; cũng không một nụ cười hay một lời nói. Có thể nghĩ họ mù tịt về các sự kiện nhưng họ biết rõ. Sự vô cảm của Phương Đông chưa bao giờ thể hiện cao và độc ác đến thế.
Những người Pháp dân sự dần dần lo lắng. Sau nhiều năm tin tưởng tính ưu việt của người da trắng, họ phát hiện ra Việt Minh có thể thắng. Thịnh vượng của họ bị đe dọa sau chiến tranh; họ nói với nhau:
– De Lattre sẽ không làm chúng ta như thế.
Họ quên mình vốn ghét de Lattre: viên tướng này coi khinh giới lắm tiền.
Mời các bạn đón đọc Cuộc Chiến Tranh Đông Dương của tác giả Lucien Bodard & Đoàn Doãn (dịch).