Cứ Đi Để Lối Thành Đường

Cứ Đi Để Lối Thành Đường

Tác giả:
Thể Loại: Tâm Lý - Kỹ Năng Sống
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

TRÊN HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM CON – NGƯỜI – TÔI – MUỐN – TRỞ – THÀNH Cứ đi – để lối thành đường” là những thao thức, những trải nghiệm sống động, là những chia sẻ chân tình, tâm huyết của một người chọn nghề tư vấn hướng nghiệp như là tình yêu, như là lẽ sống của đời mình. Cuốn sách gồm 4 phần chính: (1Hướng nghiệp là một hành trình; (2Nối liền hai thế hệ; (3Hướng nghiệp và tâm an; (4Những nghĩ suy. Ngoài ra, còn có phần phụ lục phân tích về tác dụng hai mặt của phương pháp trắc nghiệm, được minh họa bằng những ca tư vấn cụ thể trong thực tiễn; những chỉ dẫn cần thiết về các bước chọn ngành và chọn trường; về mục tiêu nghề nghiệp và đặt thành câu hỏi: Di dân có nên là mục tiêu nghề nghiệp? Qua lối viết mang màu sắc “đối thoại”, qua ý kiến phản hồi của các đối tượng được tư vấn, cùng những lời tự sự của chính tác giả được viết như trải lòng, người đọc có thể cảm nhận rất rõ: tác giả là người nhiệt thành, tâm huyết, tự tin, am hiểu tâm lý đối tượng, có tâm và có tầm nhìn về chuyện hướng nghiệp. Độc giả cũng có thể dễ dàng cảm nhận được “tình yêu tiếng Việt” rất đáng trân trọng qua cách viết của một người vốn quen tư duy bằng Anh ngữ. Chính vì thế, đọc “Cứ đi – để lối thành đường”, độc giả có thể thu nhặt nhiều nhận xét bổ ích, có dịp suy nghĩ thêm về nhiều vấn đề thú vị được gợi nêu từ kinh nghiệm tư vấn hướng nghiệp cụ thể của tác giả, chẳng hạn như những ám ảnh về “giấc mơ của cha”, những khác biệt về tâm lý, về bối cảnh hướng nghiệp giữa các thế hệ mà tác giả mong muốn đóng vai trò hòa giải, kết nối bằng “nhịp cầu tư vấn hướng nghiệp”. Nhưng có lẽ điều khiến cho cuốn sách có sức hấp dẫn riêng và có khả năng truyền cảm hứng cho người đọc, trước hết nằm ở chính thái độ dấn thân nhiệt thành, ở cách xem công việc tư vấn hướng nghiệp như lẽ sống hay niềm vui sống của tác giả. Đó là sức hấp dẫn, là nét đẹp của một con chim lửa tự đốt mình lên để không chỉ hồi sinh, không chỉ tỏa sáng cho chính mình, mà còn tỏa sáng và sưởi ấm cho những người đang dấn bước trên hành trình khám phá những năng lực, những khát vọng tiềm ẩn của bản thân. Trong hành trình đó, tác giả tỏ ra rất tự tin khi đồng hành cùng với những bạn trẻ được chị tư vấn. Chị tự tin không phải vì cho rằng mình đã sở hữu được “kho đáp án có sẵn” cho những băn khoăn liên quan đến việc chọn ngành, chọn nghề; cũng không phải vì chị đã rèn được “chiếc chìa khóa vạn năng” cho vấn đề hướng nghiệp, mà vì trong sâu thẳm, chị đã nhận ra: hướng nghiệp là một hành trình tìm kiếm, chọn lựa không ngừng, không phải chỉ chọn lựa một lần, và cũng không có chọn lựa duy nhất đúng. Từ góc độ tâm lý cá nhân, chị đề cao, khuyến khích những chọn lựa phù hợp với nguyện vọng, hứng thú, năng lực, khí chất, tính cách, giúp phát triển nhân cách, giúp mỗi người tự phát hiện được con người mình muốn trở thành, con người biết thích ứng và biết thỏa mãn khi thấy tâm an. Chị tự biết mình không phải là người gieo hạt vì mỗi người phải tự gieo hạt giống nhân cách mà mình muốn trở thành, nhưng chị tự thấy mình có sứ mệnh hỗ trợ cho các bạn trẻ cách chọn hạt giống. Dõi theo mạch suy tư mang cảm hứng khơi nguồn cho một “dòng chảy thiện” của Phoenix Ho, tôi rất đồng cảm với những ngữ đoạn vừa mang âm điệu của một người tư vấn lại vừa như lời tự nhủ dành cho bản thân mình: “Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý ta muốn. Sự công bằng không hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc. Tình yêu thương ta nhận được không phải lúc nào cũng thật sự là tình yêu thương, hoặc không phải lúc nào cũng lành mạnh cho ta. Điều tốt nhất, đó là cả cuộc đời này sẽ chẳng ai có thể bắt ta không thể là ta, không ai bẻ gãy được đôi cánh ước mơ, nghị lực, giá trị sống và bản thể của ta. Và nếu có những lúc ta phải rơi xuống vực thẳm, hãy kiên nhẫn liếm láp vết thương để từ từ đứng dậy tìm lối ra. Và nếu có những lúc ta phải mất hết tất cả, thì hãy bình tĩnh vì ta vẫn còn bản thân để tiếp tục cất bước. Như chim phụng hoàng lao vào đống lửa để hồi sinh rực rỡ, ta luôn có thể hồi sinh từ những nghịch cảnh trong cuộc sống. Vì ta mãi mãi còn có chính mình.” Hình như qua cuốn sách của mình, Phoenix Ho còn ngầm chia sẻ một thông điệp khác: Tôi đã sống như cách tôi nghĩ, và tôi đã nghĩ theo cách tôi sống. Và hơn thế, tôi đã thấy tâm an. Thế còn bạn? Nhà báo NGUYỄN THANH BÌNH