Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả Lê Thị Hiệu (Hiệu Constant).
Côn Trùng – một lối viết độc đáo về nhân tình cuộc sống và những mảng đời thực ngoài xã hội. Truyện giãi bày một cách xót xa và nuối tiếc, một cách dũng cảm và day dứt về một mối tình không bao giờ tàn lụi. Vẻ đẹp của mối tình không bao giờ được xã hội công nhận này vừa như ánh sáng lung linh soi rọi, vừa như loài côn trùng rỉ rả gặm nhấm; vừa làm hồi sinh cõi sống tinh thần, vừa làm héo úa vẻ đẹp của hạnh phúc.
Truyện được chia làm 2 mảng: kể chuyện và tự sự.
Tuy là tác phẩm đầu tay, nhưng tác giả đã chứng tỏ bút lực của mình tương đối rộng và hấp dẫn người đọc. Có lẽ có được bút lực này một phần là nhờ tác giả đã là một dịch giả trẻ, môi trường sống xê dịch từ Việt Nam sang Pháp và từ Pháp theo đường bay thường xuyên về quê nhà Việt Nam. Gia tài dịch của Lê Thị Hiệu với bút danh Hiệu Constant là chị đã dịch được một số những tác phẩm thời thượng, được bạn đọc trong nước đón nhận.
Tôi phải kể ra đây với bà, bởi câu chuyện mà tôi sắp kể thì không thể không kể ra được bà ạ. Từ lâu rồi nó cứ gậm nhấm tâm hồn tôi, nó cứ rỉ rả suốt đêm ngày. Tôi day dứt. Tôi bối rối. Đôi lúc tôi còn cảm thấy cả sự ân hận, hối lỗi đối với những người xung quanh. Nhất là đối với mẹ tôi giờ đang ở cõi vĩnh hằng, nhưng tôi biết, đêm đêm, bà vẫn về bên tôi, vẫn chăm sóc tôi như ngày xưa. Vì tôi vốn là đứa con cưng nhất của- bà. Thưa bác sĩ, nhưng tôi không biết bắt đầu câu chuyện này từ đâu? Nhìn ánh mắt khuyến khích của bà, tôi thấy an tâm hơn. Tôi chắc bà sẽ hiểu tôi, vì đây là nghề của bà. Tôi đã đọc rất nhiều sách và nghe rất nhiều những câu chuyện nói về ngành nghề của bà. Ngày xưa đôi lúc tôi còn chế giễu những người phải tìm đến các bác sĩ tâm lý, là vì dạo ấy tôi không bao giờ có ý nghĩ rằng một ngày nào đó tôi lại phải tìm đến những phòng mạch như của bà đây để điều trị. Đúng là ở đời, nói trước bước không qua. Trong đầu tôi hiện giờ đang bùng nhùng biết bao ý nghĩ. Những ý nghĩ đó cứ đan xen, hòa trộn lẫn nhau. Vâng, chuyện quan trọng nhất tôi sẽ kể cho bà nghe ngay đây. Đấy, bà lại có điện thoại rồi, và tiếng chuông điện thoại đã làm tôi hoảng loạn và câu dạo đầu đầu tiên mà tôi muốn bắt đầu đã lại tan biến đi mất. Tôi phải nói cho bà biết ngay rằng, chuyện tôi sắp kể là một câu chuyện tình. Bà làm ơn có thể tắt điện thoại đi được không, vì điện thoại sẽ làm ngắt mạch câu chuyện của tôi và tôi sẽ lại khó bắt đầu lại từ đầu. Vâng, đây là một câu chuyện tình chẳng giống như bất kỳ một câu chuyện tình nào khác. Và chính nó đã làm tôi trở nên trầm cảm từ bấy lâu nay. Chuyện của tôi đã bắt đầu từ nhiều năm rồi. Chuyện của tôi và người ấy ấy mà. Tôi có buộc phải nói tên người ta ra không? Có à? Có nói ra thì lòng tôi sẽ thanh thản hơn để giãi bày à? Đúng thế, đúng là nghề nghiệp của bà có khác. Mới bắt đầu thì đã thấy có hiệu nghiệm rồi, bởi tôi cứ lấy kinh nghiệm từ mình mà ra. Nếu một ngày tôi cố gắng gọi dù chỉ là gọi thầm tên của người ta thì cả ngày hôm đó tôi sẽ cảm thấy thanh thản và chịu hơn, còn nếu như tôi cứ bắt mình phải quên đi và sống trong sự kìm nén thì tôi sẽ cảm thấy rất ngột ngạt, khó thở. Vâng, anh ấy tên N.V . Nhưng chỉ có điều, bà biết không, khi gọi tên anh ấy ra như vậy thì tim tôi lại thổn thức, cả người tôi như có một luồng điện chạy qua vậy, các mạch máu dường như lưu thông nhanh hơn, hơi thở của tôi gấp gáp, các tế bào trên cơ thể tôi lại căng ra, chúng như muốn đón nhận nơi anh từng cử chỉ, vuốt ve, từng ánh mắt, thậm chí chúng còn muốn hít thở hơi thở của anh. Đã bao đêm tôi tập ngồi thiền. Tôi không dám nghĩ về anh bất kỳ lúc nào. Thì tôi đã nói với bà lúc nãy, khi bà đang tra những bệnh án của tôi. Tôi yêu anh ấy, yêu say mê, cuồng nhiệt. Tôi yêu anh bằng con tim run rẩy trắng trong của mình. Khoảng cách xa xôi càng làm cho tình yêu của tôi tăng dần lên theo năm tháng. Mỗi mùa đến rồi lại qua. Mỗi năm đến rồi lại đi. Mỗi mùa đem đến cho tôi những thứ tình cảm khác nhau dành cho anh. Bản chất anh trầm ngâm, chắc anh thích mùa thu. Bây giờ Paris đang là mùa thu, bà thấy đó. Cảnh tượng đẹp thiên thần ngoài kia. Ban nãy, trước khi đến phòng khám của bà, tôi đã đạp xe trên kè sông Seine. Anh sáng vàng xộm, xiên qua những kẽ lá đâm thẳng xuống mặt dường nhựa, chiếu lên những chiếc lá rụng lao xao chạy dọc theo những ngọn gió. Tôi còn thấy những con tàu mousse chạy lờ lững trên dòng sông nổi tiếng toàn cầu, chạy xuyên qua thành phố trái tim của thế giới. Khách du lịch đến từ khắp nơi đều thích dạo dọc sông Seine trên những con tàu mang tầm lịch sử. Dạo sông Seine và ngắm những tòa nhà chọc trời đổ bóng xuống lòng sông! Còn gì đẹp và lãng mạn hơn. Khi đi qua công viên Luxembourg cũng thế, tôi nhìn vào và thấy rất nhiều người đi dạo. Đầu thu rồi nhưng những đám cỏ vẫn xinh xắn, vẫn xanh ngắt. Chúng mới đẹp làm sao khi điểm những chiếc lá vàng vừa rơi từ những cây dẻ xuống đậu là là trên bề mặt. Cuộc đời con người cũng vậy, cũng mong manh quá, cũng như chiếc lá đang rơi kia. Tôi giơ tay ra và bắt được một chiếc. Trên đó cũng có những đường gân chạy ngang dọc như những đường chỉ trong tay tôi đây, hay như trong tay bà vậy. Hai chiếc lá là hai bộ gân khác nhau, cũng như tay tôi khác tay bà. Chiếc lá tôi đang cầm là màu vàng nâu, và đã khô đi. Vậy là nó kết thúc cuộc đời một cách tốt đẹp. Nó đã sản sinh ra bao lượng ô-xi cho chúng ta và đã hút đi bao lượng các-bon-nic để cho trái đất xanh này bớt đi ô nhiễm? Và kia kìa, xa chỗ tôi đứng một chút, có một chiếc lá xanh vừa rụng xuống. Đúng thế, nó còn xanh lắm vậy mà đã phải lìa khỏi cành. Bà thấy cảm cảnh à? Tôi cũng vậy, nhưng trong cuộc đời này còn biết bao điều hệ trọng hơn như thế xảy ra mỗi ngày. Đối với chính loài người chúng ta. Nào tai nạn giao thông. Nào thiên tai. Nào bệnh tật… Và còn chiến tranh nữa. Nhiều vô cùng. Nhưng tôi lan man rồi. Không đi vào câu chuyện chính của mình. Không sao à? Bà ở đây là để nghe tôi nói sao? Và tôi có quyền được kể ra, được nói ra tất cả những gì ẩn chứa trong lòng? Ngay cả những điều mà tôi không dám thổ lộ với ai, kể cả những người thân của mình? Ngày xưa, nếu mẹ tôi còn sống, có lẽ bà sẽ cho tôi những lời khuyên bổ ích. Hay cả người anh trai lớn nhất của tôi nữa. Anh ấy đã ra đi khi còn quá trẻ và đã có những lúc tôi oán thán anh ấy. Rằng nếu anh còn sống, cuộc sống của tôi có lẽ sẽ thanh thản hơn. Anh cũng sẽ cho tôi rất nhiều lời khuyên. Anh ấy thông minh, kiên nhẫn và hình như chưa tạt tai tôi bao giờ. Bà thấy đấy, khi còn bé, dù là con gái đi nữa, nhưng ai mà chẳng có lúc làm những điều bậy bạ, nghịch ngợm, nhưng anh ấy đã ân cần giảng giải cho tôi. Tôi nhớ rất rõ những lần anh giúp tôi làm bài tập hóa. Trong tất cả các môn, tôi dốt môn này nhất. Khi phải cân bằng những phương trình hóa học là tôi chết tắp lự. Đấy là tôi nói những phương trình khó thôi, còn nếu không thì điểm trung bình môn hóa của tôi cũng đạt được trên trung bình khá kia đấy. Hôm đó, hồi tôi học lớp mười một bà ạ, anh đang say sưa giảng cho tôi về các hợp chất a-xit, hợp chất khí, hay các loại muối, kiềm thì tôi bất chợt hỏi tại sao con người lại cứ gây chiến tranh để tạo ra những cái chết vô nghĩa lý… Anh trai tôi nhìn xuống, lúc ấy tôi chắc phải kinh khủng lắm, như thoát thiền vậy. Ánh mắt tôi xa xăm, nhìn ra ngoài sân lúc ấy cũng đang là mùa thu, ánh nắng cũng lao xao, vài tia nắng len lỏi qua các kẽ ngói chiếu thẳng xuống mặt bàn tôi đang ngồi làm bài tập. Những hạt bụi nhỏ li ti chạy nhảy huyên náo trong đám nắng dệt lên tấm lưới vô hình giăng giăng. Ngày đó trong đầu tôi đã nảy sinh ý nghĩ về sống chết vô thường. Con người sinh ra để yêu thương nhau nhưng rồi cũng để chém giết lẫn nhau. Hồi đó, anh trai cả tôi vừa xuất ngũ. Anh đi làm nghĩa vụ quân sự đúng vào thời kỳ quân Tàu giở mặt tấn công vào biên giới phía bắc Việt Nam. Chắc anh hiểu được nỗi niềm của tôi, bởi những lần anh về phép, tôi hay bắt anh kể cho nghe chuyện binh đao, khói lửa. Anh toàn kể chuyện vui, nhưng có một lần tôi nghe lỏm được, khi đang ngồi học bài sau tấm liếp. Tôi vốn không tò mò, nhưng khi nghe anh đang nói chuyện với mẹ mà lại khóc ấm ức. Anh mà lại khóc ư, chuyện thật lạ! Giỏng tai nghe ngóng, tôi nghe thấy anh kể cho mẹ nghe về chuyện một người bạn thân của anh tháng trước đã tử trận. Anh ấy mới hai mươi tuổi. Chưa một lần có bạn gái, chưa được cầm tay người phụ nữ nào. Trong cuốn nhật ký của anh chỉ có những dòng anh gửi cho một người tên Liên, mà anh tôi vừa đi gặp chiều nay. Buồn quá phải không bà, khi chúng ta đang sổng trong thời đại Internet, hòa mạng chỉ trong giây lát là có thể nói chuyện với người ở bên nửa kia của trái đất. Con gái con trai mới mười hai, mười ba tuổi đầu đã có bạn khác giới xí xa xí xớn rồi đấy. Còn tôi, mấy ngày trước đó, trong giờ học, bọn tôi, hay đúng ra là mấy thằng Hùng, Tiến, Cần, Trường… chúng nó chẳng chịu học, sau đó lại còn vẽ bậy hết lên mặt, viết những câu không thể nghe nổi như mẹ ơi con muốn chết, hận đời và khát máu, khiến thầy giận quá. Chúng nó thì làm gì mà đã biết những dư vị đó, trẻ con, vớ vẩn, tự nhiên tôi thấy ghét chúng nó thế, mặc dù thằng Hùng vốn cũng rất tử tế và học giỏi. Hôm đó, thầy đã không dạy mà nói chuyện thâm tình với chúng tôi, như những người bạn, người em. Thầy kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện cũng đại loại như của anh trai tôi. Ngày trước, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thầy cũng có một người bạn chết trận như vậy, rằng người con trai ấy tên là Tâm, chết ngay trên cánh tay của thầy tôi. Trước khi chết chỉ nói được mỗi câu “Cậu mang về cho mẹ tớ cái khăn có thêu con chim hòa bình nhé”. Tất cả những câu chuyện như vậy gieo rắc trong tâm hồn tôi những gì mong manh, dễ vỡ, nên tôi sợ bà ạ. Nhưng rồi những gì tôi sợ cũng xảy ra. Anh tôi mất đột ngột trong một tai nạn hết sức thông thường. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không tin đó là sự thật.