Con Rể

Con Rể

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu Thuyết Trung Quốc
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Người ta hay nói “chuột chạy cùng sào” để nói về tuyệt cảnh, về bế tắc, về những lựa chọn ngắc ngoải không có lối ra, ở Hứa Tắc trong cuốn Con rể, mình thấy rõ điều đó. Hứa Tắc, nói không ngoa, khi lựa chọn kết hôn với Thiên Anh, làm rể nhà họ Vương, đã là “chuột chạy cùng sào”. Dẫu nàng không cố ý lựa chọn, nhưng tại thời điểm ấy, cái danh con rể là cánh cửa cuối cùng nối dài thêm những hoài bão, những nguyện vọng, những trách nhiệm mà Hứa Tắc tự giao phó cho mình, đồng thời, cánh cửa đó cũng đóng đinh luôn thân phận nàng, khiến nàng mãi mãi không thể trở mình về làm nữ tử được nữa. Câu chuyện mở ra với hoạt cảnh Hứa Tắc ngoại gia thì lận đận, nội gia thì lục đục, bị nhà vợ chế giễu, bị cha vợ đuổi đánh chạy té khói, còn bị ném cho u đầu chảy máu. Giữa lúc đó, người anh vợ Vương Phu Nam vừa trở về toả sáng như “bạch mã hoàng tử”, thật là, anh vợ với em rể, khoảng cách không chỉ là con lừa non và con ngựa bạch mà họ cưỡi, khoảng cách đó hệt như so con phượng hoàng đỏ rực và con quạ đen cháy khét, mà đáng buồn nhất là chúng lại đứng cạnh nhau. Hứa Tắc làm việc ở Bỉ Bộ, cái chức trách còn chưa được gọi là “quan”, việc nhiều mà lương lại nhẹ, tóc bạc sớm, một đường không thấy cơ hội thăng quan tiến chức. Cơ hội duy nhất nàng lựa chọn cho mình là thi “nâng bậc” thì trong phút chốc bị vỡ thành bọt nước khi chủ khảo thẳng tay đánh “đỗ” thành “trượt”. Thật đúng là, tên nàng có chữ “Tắc”, tắc mãi chẳng thấy thông. Con đường nàng phải đi tiếp theo, ngoài ý muốn của nàng, nằm trong mớ âm mưu dương mưu ở chốn quan trường. Nếu nói kỳ thi nàng bị cố ý đánh trượt là kỳ thi “nâng bậc”, thì kỳ thi nàng bắt buộc phải đỗ, kỳ thi Chế khoa, cũng xem như kỳ thi “công chức” thời bây giờ. Phải làm sao để bước được những bước đi của riêng mình, mà bề ngoài lại có vẻ như mình đã hoàn toàn bị thao túng? Phải làm sao để mục đích của mình đạt được, mà không phá vỡ cái bố cục của “cấp trên”, để mình vẫn như một quân cờ nhỏ bé trên bàn cờ đã được bày binh bố trận? Quan lộ như chiếc thuyền đi trong vũng lầy, khi bước vào ai cũng hy vọng rạng rỡ tổ tông, nhưng càng đi càng xa, trải qua sóng gió, cũng càng xa hoài bão ban đầu. Trên đời này, những việc bản thân có thể thay đổi bằng thực lực quá ít, nếu có bạn đồng hành, liệu có thể cầu mong có chút ít khả thi chăng? May mắn thay cho Hứa Tắc, nàng dù muốn dù không, nàng vẫn có Vương Phu Nam ở bên cạnh. Dẫu ban đầu chỉ là chìa tay bôi thuốc cho nàng, cho nàng cưỡi nhờ ngựa, cầm chân quan phủ cho nàng hoàn thành nốt bài thi, cho nàng thuê con ngựa già mà hắn hết lòng chăm sóc… hay về sau là những gợi ý, những chỉ điểm từ một tiền bối đã lăn lộn chốn quan trường, là ân tình bảo vệ nàng an toàn khi nàng gặp nguy hiểm… với Hứa Tắc, chỗ nào cũng như ẩn như hiện có bóng dáng Vương Phu Nam, như sương sớm mùa thu, như gió mát mùa hè, như trăng ấm đêm đông, như hoa cỏ mùa xuân. Mà Vương Phu Nam cũng không mong cầu nhiều hơn thế, như chàng từng tha thiết thổ lộ: “ta cam nguyện trở thành sương sớm mùa thu của nàng”. Nhưng dẫu bên này có lòng, bên kia có ý, Hứa Tắc cũng không dám bước thêm một bước. Nàng khao khát cái mảnh chân tình ấy như rét nàng Bân thiếu chăn, nhưng cũng chính nàng là kẻ co ro ngồi ngoài hiên chịu lạnh để chôn vùi cái mảnh tình vừa manh nha đâm mầm xanh biếc. Vương Phu Nam, cậu bé con 5 tuổi thuở xưa theo chân cha nàng đòi làm con rể, cậu bé con nhất quyết chăm sóc con ngựa để Vệ tướng quân có thể gả con gái cho hắn, cậu bé con “quách tỉnh” đòi tín vật vì sợ chẳng có gì làm tin, sau này đã thành cậu thanh niên 28 tuổi, dù cho Vệ tướng quân đã mất tích nhiều năm, dù cho con gái ông đã bặt vô âm tín, vẫn nguyện chờ đợi nàng cho đến khi hắn tròn 30 tuổi. Trời cao không phụ hắn, cuối cùng hắn cùng tìm được người hắn chờ. Nhưng tìm thấy thì sao? Không tìm thấy thì sao? “Giữa bọn họ không có hiểu lầm gì hết, nhưng khó đến được với nhau, hắn tiến từng bước thì nàng lui từng bước. Hắn nóng vội tiến lên, nàng đau lòng lùi lại. Hắn không thể ép buộc nàng, mặc dù biết trong lòng nàng cũng cất giấu tình ý. Chặn giữa hai người là dòng sông lớn cuồn cuộn, không chỉ là Thiên Anh mà còn có lý tưởng và hoài bão của mỗi người. Chỉ vì tình nghĩa riêng tư mà vứt bỏ tất cả, dường như là không thể nào”.*** Thiên Anh hung hăng ném ánh mắt coi thường về phía Vương Phu Nam, Hứa Tắc cũng hùa với Thiên Anh để hắn thấy rằng, với họ, lòng tốt của hẳn chẳng qua cũng chỉ là cáo chúc tết gà mà thôi. Thế nhưng, với Vương Phu Nam mà nói, những hành động đó của phu phụ Hứa Tắc không đáng để tâm. Thiên Anh nắm chặt tay Hứa Tắc. Vương Phu Nam lại không mảy may để ý, mở hộp thuốc của mình ra, dùng tay chấm chấm một ít thuốc, thoa lên vên thương trên trán Hứa Tắc. Hứa Tắc khẽ cau mày. Vương Phu Nam chỉ mải chăm chút cho vết thương trên trán Hứa Tắc, nhưng cũng không quên mở miệng: “Thiên Anh kia, nhiều lúc mạnh miệng nhưng ngoài việc giữ được chút thể diện không cần thiết, thì chẳng còn gì. Thừa nhận sự thật thì có gì khó khăn, thuốc của muội tốt hay không tốt, vết sẹo trên trán muội là minh chứng rõ nhất.” Vương Phu Nam thoa thuốc xong thì thản nhiên thu tay về, vẻ mặt rất bình thản, không tỏ ý khiêu khích nhưng lời nói ra lại trái ngược hoàn toàn: “Thuốc của Thiên Anh vừa đưa là thuốc từ mười năm trước, muội phu nếu thấy còn dùng được thì cứ dùng, nếu thấy không được thì dùng cái này.” Vương Phu Nam vừa nói vừa kín đáo đưa hộp thuốc của mình cho Hứa Tắc, cũng không nói thêm lời nào với Thiên Anh, liền đi vòng qua cửa ngách vào nhà, cái túi hình cá màu bạc lắc lư bên hông. “Hắn ta như vậy là có ý gì!” Thiên Anh tức giận đóng sầm cửa lại, lại cau mày quay về phía Hứa Tắc, giằng lấy hộp thuốc trong tay nàng: “Không được phép dùng!” Trên đường chợt có mấy tiếng chó sủa. Hứa Tắc cúi đầu ho nhẹ một tiếng, nhìn hộp thuốc Thiên Anh cầm tới: “Thuốc này chắc đúng là từ mười năm trước.”