Con Là Khách Quý

Con Là Khách Quý

Tác giả:
Thể Loại: Tài Liệu Học Tập
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Con muốn một quả bóng thật to! Thật to! Đứa bé gái mặc chiếc váy hồng có đính nơ sau lưng vươn hai tay lên. Người đàn ông phồng má, thổi thật chậm để tạo thành một quả bóng lớn cho bé gái đó. Nhưng ông vừa thổi xong thì một đứa bé trai nhảy lên để tranh quả bóng. Người đàn ông từ tốn nói: “Felix, ta đang thổi quả bóng to này cho Carrie. Con có thể đợi tới lượt, phải không nào?” Cậu bé gật đầu. Nhưng lúc ông thổi xong quả bóng thì cậu bé này lại nhảy lên tranh. Ông quay sang cậu bé và nói: “Ta hiểu, con muốn có quả bóng đó. Nhưng bây giờ là lượt của Carrie. Con có thể đợi tới lượt mình, phải không nào?” Lần này thì cậu bé đứng im, không nhảy lên tranh nữa. Sau khi thổi xong, người đàn ông quay sang bảo: “Cảm ơn con, Felix. Giờ thì ta sẽ thổi cho con một quả bóng thật to nhé.” Tôi ngồi lặng im quan sát mà như thấy thời gian thong dong trôi trước mắt. Vì người đàn ông này đã không tìm đường tắt: Ông không quay sang “ra lệnh” cho cậu bé “Đợi đến lượt đã!” Không giận dữ vì cậu bé không nghe lời. Không thổi đại một quả bóng cho Felix trước cho xong chuyện. Ông cứ đi theo một con đường đã định, nhắc nhở cậu bé, thông cảm với mong muốn của cậu bé, nhưng vẫn kiên định nhắc cậu bé đợi, rồi khen ngợi khi cậu bé ngoan. Tôi không biết người đàn ông này là ai. Đây chỉ là một người đàn ông hết sức bình thường, đang chơi với mấy đứa nhỏ trong công viên, một người đàn ông tôi không biết tên, không biết nghề nghiệp, không biết là bố của Carrie hay của Felix. Nhưng cách ông ta xử lý tình huống với hai đứa trẻ diễn ra trước mắt tôi, đẹp như một đoạn phim tài liệu về cách nuôi dạy trẻ. Lúc này, tôi đã học phương pháp của người Mỹ để luyện Xoài ngủ ngoan và ăn ngoan. Nhưng dần dần tôi nhận ra rằng, cách người Mỹ dạy con không chỉ nằm ở chuyện luyện con ngủ ngoan hay dạy con biết yêu thích việc ăn uống. Mà như một thứ hương hoa phảng phất trong không khí, nó tạo nên một bầu không khí, một môi trường nuôi trẻ mà trong đó, dường như mỗi ông bố bà mẹ tôi gặp lại là một pháp sư, đang đối đãi với đứa trẻ theo một cách “tu luyện” đứa trẻ thành một cá thể lớn lên tự tin, tự lập, đầy cảm thông, có đủ công cụ để hòa nhập với cuộc sống. Và không chỉ đứa trẻ, mà cả những ông bố bà mẹ đó cũng có thời gian để tận hưởng cuộc sống của chính mình. Nếu có thể tóm tắt bằng một từ, tôi nghĩ tôi sẽ mô tả môi trường đó là “healthy” – một môi trường rất lành mạnh để đứa trẻ và cả gia đình phát triển. Với quyết tâm tìm hiểu bằng được điều gì tạo ra thứ “nước hoa” này, như một người học nghề, tôi lẳng lặng tới các vườn hoa, các thư viện, các bảo tàng, lớp học, tham gia các hoạt động nhóm của các bà mẹ… Và tôi cứ lặng lẽ quan sát cách những ông bố bà mẹ này giao tiếp với trẻ. Tôi làm thẻ thư viện và tìm đọc những cuốn sách được coi là cẩm nang nuôi dạy con của người Mỹ. Những lần đầu tới thư viện, những cuốn sách căn bản có sẵn trên giá cũng đã đủ khiến tôi trầm trồ về sự rõ ràng, khoa học và hệ thống trong cách nuôi dạy con của người Mỹ. Khi đã thâm nhập sâu hơn vào cộng đồng phụ huynh ở Mỹ, tôi được giới thiệu tôi những cuốn sách không còn là căn bản nữa mà mang tính chất chuyên khảo, với những nghiên cứu, phân tích tâm lý để giải quyết tận gốc rễ những vấn đề trong nuôi dạy trẻ và cả vấn đề tâm lý của các ông bố, bà mẹ. Tôi thực sự cảm thấy may mắn vì mình đã vô tình có được một điều kiện tuyệt vời để học làm cha mẹ. Chắt lọc những gì mình đã học được trong cuốn sách nhỏ này, tôi hy vọng nó sẽ giúp ích cho các bạn, trở thành một tài liệu để các bạn tham khảo trong hành trình nhiều khó khăn mà cũng rất đổi ngọt ngào này.