VĂN ÁN Có cha yêu thương, có mẹ bảo bọc, đệ đệ quần là áo lụa phải phòng trên. Ba lần bị từ hôn nhưng lòng không hốt hoảng. Quần áo diễm lệ, kim hoàng lương. Có tiền có quyền, ai còn ngóng tìm trai? Đây là câu chuyện của một cô gái xinh đẹp bị từ hôn ba lần cùng một chàng trai ngụy quân tử. Cốt truyện nhẹ nhàng, văn phong thoải mái. Bối cảnh: Cung đình hầu tước, oan gia hoan hỉ, ngọt ngào.*** Sẽ như nào nếu gái đẹp bị từ hôn ba lần và chàng quân tử vạn người mê lấy nhau? Ban Họa, cô quận chúa xinh đẹp, cha mẹ yêu thương, em trai hòa thuận, cơ mà đường tình duyên không được như ý. Ba lần hứa hôn, ba lần từ hôn. Cái danh khắc phu của nàng lan rộng khắp kinh thành, người cười chê “bình hoa có gì hay”, kẻ thủ thỉ “ăn chơi sa đọa thế ai mà dám cưới vào”. Sự đời đâu ai ngờ, chàng rể tài tuấn mà mọi nhà ước ao, quân tử trong quân tử được mọi người kính phục lại ngỏ lời cầu hôn với nàng. Trúc thủy mặc thanh cao phối với mẫu đơn diễm tục, xứng sao? Tôi cho là rất xứng. Ban Họa như một đóa mẫu đơn kiều diễm, nàng xinh đẹp, nàng thích cái đẹp, thích cái phù phiếm. Tôi cho rằng điều ấy rất thực, đơn giản vì phụ nữ hay con gái, ai mà chẳng thích đẹp, chẳng thích mình được người khác vây quanh khen ngợi. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài ngạo nghễ, cao ngạo ấy, nàng lại là người rất thức thời, rất thiện lương. Nàng biết mình nên làm gì để được đế hậu yêu thích, nàng biết mình không cần quan tâm đến những lời gièm pha để bản thân được vui vẻ làm theo ý thích. Có lẽ, Ban Họa chính là hình tượng nữ hiệp trong tâm trí của tất cả mọi người, mạnh mẽ nhưng không ngang ngược, thoải mái nhưng không tùy tiện. Về Dung Hà, đó là một kẻ vô tình cũng rất hữu tình. Chàng lãnh đạm với tất cả mọi thứ, trừ Ban Họa. Ngược đời làm sao khi một quân tử lại ưa những thứ xinh đẹp phàm tục. Nhưng có hề chi, “Chỉ có nàng, dù thế gian có trở nên u ám thì nàng vẫn diễm lệ như tranh.” Là yêu, thì dù là như thế nào, chàng cũng sẽ yêu hết mình, đến mức ích kỷ “Ta muốn trong lòng nàng chỉ có một mình ta.” Tình yêu của chàng dành cho Ban Họa như dòng suối ấm, nhẹ nhàng nhưng nồng nàn. Dòng suối nhỏ không đủ nhấn chìm ta nhưng chính sự ôn nhu ấy khiến ta lưu luyến không quên. Tác phẩm này, mỗi nhân vật là một hoàn cảnh, một cá tính khác nhau. Như vợ chồng Ban gia, dù là quý tộc nhưng lại có một gia cảnh hiếm trong thời ấy, vợ là nhất, chồng không nạp thiếp. Hay Ban Hằng, một cậu em trai con nít nhưng lại rất thương chị. Đọc truyện mà nhiều khi ghen tị với gia đình Ban Họa lắm. Vì thời phong kiến, nhất là lại trong gia đình đế vương, mấy ai giữ được tấm chân tình mà không thay đổi, “dệt hoa trên gấm” sao bằng “đưa than sưởi ấm ngày tuyết rơi”. Hay như những nhân vật Tạ Khải Lâm, Thạch Phi Tiên, các nhân vật này đều đáng thương hơn là đáng trách. Bọn họ, dù muốn hay không, thì đều là những quân tốt trong bàn cờ quyền lực, nơi kẻ chiến thắng luôn là kẻ mạnh. Tạ Khải Lâm, nếu năm đó, chàng có thể kiên trì với quyết định của mình, không sợ lời gièm pha của người đời, thì đã không có một Dung Hà tài tuấn sánh đôi bên Ban Họa trí dũng. Âu cũng do duyên phận mỏng manh giữa chàng và Ban Họa! Vẫn như bao tác phẩm khác, văn phong của Nguyệt Hạ Điệp Ảnh vẫn mượt mà và cuốn hút. Có thể bạn không tin nhưng khi đọc bộ này có những phân đoạn tôi đã khóc. Dù giọng văn và tình huống truyện khá hài hước nhưng điều làm tôi thổn thức lại là những mối quan hệ giữa người với người trong chốn vương quyền, bạc bẽo đến rợn người. Số phận của người dân khi đất nước loạn lạc, “một tướng công thành vạn cốt khô”*, như những con kiến mặc cho kẻ đứng trên cao chà đạp. Nếu bạn đang tìm một tác phẩm ngọt ngào nhưng vẫn ý nghĩa thì tin tôi đi, bộ truyện này không làm bạn thất vọng đâu! Một tác phẩm đáng cho ta bỏ thời gian ra đọc và suy nghĩ!