Nhân vật Thanh tra cảnh sát Tư pháp Paris Maigret xuất hiện từ năm 1931, trong tác phẩm Con Chó Vàng. Hình ảnh người thanh tra ngậm tẩu thuốc, trầm ngâm ngồi dệt cái mạng nhện tư tưởng để tìm ra thủ phạm dần trở nên rất quen thuộc. Bằng trực giác bén nhạy, Maigret kín đáo thâm nhập, phát hiện ra những điều kẻ tội phạm che giấu. Lần theo từng dấu vết từng chi tiết nhỏ nhặt, Maigret xem xét tỉ mỉ tình huống, phân tích tâm trạng kẻ tình nghi. Có thể nói công việc điều tra của Maigret là tìm ra sự thật về một con người. Từ phân tích tâm lý, dựa vào chiều sâu trực giác, ông phát hiện ra các tác nhân thúc đẩy kẻ phạm tội. Ông còn lặn lội tới những nơi đầy kịch tính, thị xã tỉnh lẻ dưới mưa, cảng biển mù sương, quán rượu ồn ào ngập khói thuốc, những nhà trọ, khu ổ chuột phức tạp… để tìm ra hung thủ giữa đám đông. Và điều kỳ lạ là sự ngăn cách biên giới, ngăn cách không gian với những người đọc đã bị xóa nhòa. *** Nhà văn Georges Simenon sinh ngày 13.2.1903 mất ngày 4.9.1989. Năm 16 tuổi, Simenon là chàng phóng viên trẻ viết tin vắn cho tờ La Gazette de Liège. Mỗi ngày, ông đạp xe đến các bót cảnh sát, nhà băng, sở cứu hỏa, những cuộc thi thể thao để lấy tin cho báo. Năm 1922, ông tới Paris hoa lệ. Tiểu thuyết đầu tay Trên Chiếc Cầu Vòm Cung được xuất bản tại Liège (Bỉvới bút danh Georges Sun. Nhưng sự thành công chưa vội đến với cây bút trẻ có hàng chục bút danh khác nhau này (Jean du Perry, Gom Gut, Christian Brull…. Mười năm miệt mài viết như người lao động khổ sai giúp ông thành thạo trong “tốc độ” sáng tác. Đây chính là thế mạnh của tác giả “bậc thầy trinh thám” sau này. “Suốt thời kỳ 1928-1931, ông chỉ viết những tác phẩm về Maigret, trung bình mỗi tháng một cuốn”, ông nổi tiếng như cồn khi tiểu thuyết trinh thám Con Chó Vàng (Le chien jaune, 1931được xuất bản, với tên thật Georges Simenon. 11 tác phẩm in năm đó thì 10 cuốn là tiểu thuyết với nhân vật sáng tạo Thanh tra Maigret. Một đời văn với hơn 300 tác phẩm viết bằng tiếng Pháp đã được xuất bản, người ta không khỏi thán phục năng lực sáng tác bền bỉ và trí tưởng tượng phong phú của nhà văn Georges Simenon. Bậc thầy tiểu thuyết trình thám thật sự chinh phục hàng triệu người đọc tại nhiều nước trên thế giới. Hơn 80 tiểu thuyết Thanh tra Maigret không nằm trong thể loại truyện hình sự tầm thường. Giá trị văn học của tác phẩm đã được các nhà phê bình nhìn nhận. Sau ngày ông mất, Đại học Liège ở Bỉ đã thành lập Trung tâm nghiên cứu Georges Simenon và đã xuất bản các tác phẩm nghiên cứu về ông. Cho đến nay, chưa có nhà xuất bản nào tại Pháp in toàn bộ tác phẩm của Georges Simenon. Mới đây, các tiểu thuyết của ông được Nhà xuất bản Ommious in thành 25 tập Tất cả Simenon nhưng chưa đầy đủ. Còn ở Việt Nam mới chỉ có khoảng chục cuốn thuộc thể loại trinh thám hình sự của Georges Simenon. *** Ông cảnh sát trưởng, có thể ông đồng ý là đã đến lúc chúng ta phải nói chuyện nghiêm túc. Ông thị trưởng đã nói như thế với một vẻ lịch sự lạnh lùng, còn Leroy thì chưa đoán được cảm xúc của Maigret ra sao khi nhìn thấy ông tuôn ra một đụn khói của tẩu thuốc lá. Đôi môi của ông cảnh sát trưởng như làn chỉ mỏng màu xám từ từ hé mở, còn cặp mi của ông nhấp nháy đến hai ba lần. Rồi ông rút cuốn sổ trong túi, nhìn xung quanh, nhìn người dược sĩ, người bác sĩ, những kẻ hiếu kỳ… – Xin tuân lệnh ông, thưa ông thị trưởng. Đây là… Ông thị trưởng vội vàng ngắt lời Maigret: – Mong ông vui lòng quá bộ đến nhà tôi, chúng ta cùng uống với nhau tách nước trà. Tôi có xe ở cổng, chờ cho ông ra những mệnh lệnh cần thiết. – Lệnh nào cơ?… – Nhưng… kẻ giết người, tên du đãng, cô gái ấy. – À! Vâng! Chà, sở cảnh sát không có gì tốt hơn để làm, đến nỗi chỉ có giám sát các bãi đỗ thuyền quanh vùng. Maigret có cái vẻ rất hồn nhiên: – Còn anh, anh Leroy, anh hãy đánh điện cho Paris là mong họ chuyển Goyard về cho chúng ta, rồi anh đi ngủ đi. Ông ngồi vào trong xe của ông thị trưởng do một người lái xe mặc chế phục màu đen cầm lái. Ở phía trước khu vực Cát Trắng một ít, người ta thấy ngôi biệt thự xây ở ngay vách đá, có dáng như một cung điện của vua chúa. Các cửa sổ đều sáng sủa. Trong khi đi đường, hai người đàn ông không trao đổi với nhau đến hai câu. – Ông cho phép tôi dẫn đường. Ông thị trưởng cởi chiếc áo lông, đặt lên tay một người hầu. – Bà đi ngủ rồi chứ? – Dạ, bà chờ ông Thị trưởng trong thư viện ạ… Người ta đã thấy bà vợ ông Thị trưởng ở đấy. Mặc dù tuổi đã trạc tứ tuần, bà có vẻ còn rất trẻ bên cạnh người chồng đã sáu lăm. Bà gật đầu ra hiệu chào ông cảnh sát trưởng. – Thế nào? Là con người rất lịch thiệp, ông thị trưởng hôn tay bà, vẫn giữ nguyên bàn tay bà trong tay ông và nói: – Bà cứ yên tâm? Một nhân viên hải quan bị thương nhẹ. Và tôi mong rằng sau câu chuyện trao đổi giữa ông cảnh sát trưởng Maigret và tôi, cơn ác mộng không thể chấp nhận được ấy sẽ kết thúc. Bà bước ra, trong tiếng sột soạt của nhung lụa. Một tấm màn cửa bằng nhung xanh buông xuống. Phòng thư viện rất rộng, các bức tường được ốp bằng ván đẹp, trần nhà được ghép bằng những thanh xà lớn như ở các trang viên của nước Anh. Người ta nhìn thấy khá nhiều bìa sách đẹp nhưng những cuốn sách đẹp nhất để ở trong một tủ sách đang kín bao phủ cả một vạt tường. Toàn thể là một sự lộng lấy thực sự, không thiếu vẻ trang nhã, hoàn toàn tiện nghi. Mặc dù đã có hệ thống sưởi trung tâm, vẫn có những súc củi rực cháy trong một lò sưởi lớn. Không có một nét trùng hợp nào với sự xa hoa hão kiểu ngôi biệt thự của người bác sĩ. Ông thị trưởng chọn một điếu thuốc trong hộp xì gà đưa cho Maigret. – Cảm ơn, nếu ông cho phép, tôi sẽ hút cái tẩu này của tôi. – Ông ngồi xuống đi, xin mời ông… Ông dung whisky nhé? Ông quẹt một que diêm, châm một điếu xì gà. Người hầu đến phục vụ họ. Và Maigret có lẽ cố ý, có cái dáng vụng về của một kẻ phàm tục được đón tiếp trong một ngôi nhà quý tộc. Những nét sắc sảo của ông dường như thô hơn; cái nhìn của ông mơ hồ. Chủ nhà chờ người đầy tớ đi rồi mới nói: – Ông cánh sát trưởng, ông phải hiểu rằng không thể nào để cho một loạt vụ ám sát như vậy tiếp diễn. Đấy, chúng ta thấy… thế là năm ngày ông ở đây và trong năm ngày ấy… Maigret rút trong túi ra cuốn sổ tay của chị thợ giặt bọc bằng vải đánh xi: – Ông cho phép chứ? Maigret ngắt lời – ông nói đến một loạt vụ ám sát. Nhưng tôi để ý rằng tất cả những nạn nhân đều sống, chỉ trừ một người chết thôi: đấy là ông Le Pommeret. Về trường hợp người nhân viên hải quan, ông sẽ thừa nhận rằng nếu một kẻ nào thực sự muốn mưu sát ông ta thì hắn đã không bắn vào bắp chân… Ông biết nơi viên đạn bắn ra. Không ai nhìn thấy kẻ tấn công. Hắn đã có đủ thì giờ. Nếu không, hắn chẳng bao giờ cầm được một khẩu súng ngắn chứ?