Trong 5.000 năm lịch sử được ghi lại, Christopher Columbus là một trong các nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất. Dưới ngòi bút của Bergreen, Columbus hiện lên vô cùng thú vị và gây sửng sốt, không hẳn là một người hùng khám phá ra châu Mỹ như cách người ta vẫn nhắc đến – mà là một người đàn ông xuất sắc, táo bạo, hoang tưởng, mâu thuẫn, tàn nhẫn và cũng vô cùng bất hạnh.
Columbus là một nhà thám hiểm có tầm nhìn, một thủy thủ mang trái tim loài sư tử, một hoa tiêu bậc thầy, người giải phóng các bộ lạc bị áp bức. Nhưng ông cũng chính là điềm báo của tội ác diệt chủng, nhân danh một Đấng cứu thế Kitô giáo, ông trở thành kẻ vĩ cuồng mắc kẹt trong tham vọng đế vương.
Tác giả Laurence Bergreen tốt nghiệp Đại học Harvard, là thành viên của các tổ chức PEN American, Hiệp hội Tác giả và là Ủy viên quản trị của Thư viện thành phố New York. Ông cũng được biết đến là một sử gia, nhà viết tiểu sư với nhiều tác phẩm được vinh danh.
Từ những ghi chép của Columbus và những người đồng hành, cùng nguồn tham khảo đa dạng đáng tin cậy, Bergreen đã thuật lại một cách đầy lôi cuốn bốn chuyến hải hành đầy biến động mà từ đó Columbus đã “vô tình” khám phá ra Tân Thế giới – châu Mỹ ngày nay.
Cuốn sách chia rõ ràng thành 4 phần gắn liền với bốn chuyến hải hành sóng gió của Columbus. Từ đó mang lại một cái nhìn đa chiều cho độc giả về Columbus (những tham vọng, công trạng cũng như những tội ác và mâu thuẫn trong tính cách của ông) và di sản mà ông để lại.
+CÁC GIẢI THƯỞNG ĐẠT ĐƯỢC:
• New York Times bestseller
• New York Times Editors’ Choice
+ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA:
“Columbus của Laurence Bergreen hiện lên vô cùng ấn tượng, bí ẩn, táo bạo với sự hoang tưởng và tàn nhẫn. Nổi lên từ câu chuyện này, như một sự bổ sung quý giá cho những áng văn về Columbus, là một hình tượng đầy tính kinh ngạc với những khám phá về một người đàn ông có thể trở thành nhân vật chính trong bi kịch của Shakespeare.”
— Ian W Toll, The New York Times Book Review
“Bản tổng hợp những ghi chép mới và vô cùng phức tạp của Laurence Bergreen — Columbus: Bốn chuyến hải hành — [là] một thiên anh hùng ca đầy say mê, đồng thời cũng là sự tái hiện chân dung của một nhân vật phức tạp, quyến rũ và mâu thuẫn nhất từng dong buồm ra khơi.”
— Jerelle Kraus, USA Today
“Trong bản tường thuật hồi hộp và không thiên vị về bốn chuyến hải hành đến “Tân Thê giới”, Bergreen đã làm hé lộ một Columbus đầy tài năng, quả cảm, thích phiêu lưu và cũng ẩn chứa nhiều những khiếm khuyết. Đây không đơn thuần là một nghiên cứu về tính cách, Bergreen miêu tả tâm tính của Columbus thông qua những hành động của ông, loại bỏ những suy tính đơn giản để phân tích sâu những động cơ thúc đẩy tâm lý.
Những chuyến hải hành, đặc biệt là hai chuyến cuối cùng, chính là chất liệu của một cuộc phiêu lưu vĩ đại, và Bergreen đã truyền tải một cách hiệu quả sự kinh ngạc, mối hiểm nguy, cùng sự hồ hởi đồng hành trong từng chuyến đi khám phá. Tác giả cũng miêu tả sinh động sự biến chất dần của cá nhân Columbus khi ông ngày càng trở nên cứng nhắc, nản lòng và chìm dần vào huyễn hoặc ảo tưởng. Một sự tái thẩm định tuyệt vời về tính cách cũng như sự nghiệp của một nhân vật lịch sử vĩ đại mang đầy tính tranh cãi.”
— Jay Freeman, Booklist
Tác giả: Laurence Bergreen
“Bạn sẽ không bao giờ vượt qua được đại dương trừ khi bạn có đủ can đảm để rời tầm mắt khỏi bờ”
– Christopher Columbus (1451-1506) –
“Tôi lên đường tìm Ấn Độ và sẽ tiếp tục cho đến khi nào hoàn thành sứ mệnh đó, với sự giúp đỡ của Chúa.” Bằng niềm tin sắt đá, Columbus đã ra khơi theo hướng Tây Nam từ cảng Palos (Tây Ban Nha) với ba con tàu biển – Nina, Pinta và tàu chỉ huy Santa Maria – để đến với miền đất hứa của mình, cũng là Tân thế giới chưa từng được biết đến trong lịch sử. Chính vào buổi sớm mai ngày 12/10/1492 đó, di sảnq và danh tiếng của Đô đốc đại dương Columbus đã bắt đầu, xuyên suốt sự nghiệp của ông, vinh quang và tủi nhục luôn luôn song hành, và cho tới tận ngày nay, cuộc đua ấy vẫn đang được những thế hệ sau không ngừng tiếp nối.
Christopher Columbus sinh năm 1451 tại thành phố Genoa của Italy, năm 1476 ông đến sống ở Bồ Đào Nha và lưu lạc đến Tây Ban Nha. Qua các nơi, ông đã tham gia rất nhiều cuộc viễn du với những người đi biển cho đến khi có được chuyến hải hành đầu tiên với sự trợ giúp của triều đình Tây Ban Nha. Thời kỳ này, Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia giàu có bậc nhất ở phương Đông, nơi bất cứ lái buôn châu Âu nào cũng muốn được đến để trao đổi hàng hóa. Nhưng người ta phải vượt qua rất nhiều lục địa rộng lớn, vượt qua đường đi dài hiểm trở. Một con đường mới, ngắn hơn sẽ là giải pháp tối ưu để khắc phục những điều đó.
Trên tuyến đường biển tương tự với các chuyến du hành của Marco Polo sang đất nước Trung Hoa và tìm kiếm một con đường giàu sang cho bản thân, Columbus đã sa chân vào “một thế giới khác”, nơi không có tấm bản đồ nào dẫn dắt mình. Càng tìm hiểu nhiều, ông càng trở nên kinh ngạc, vì đế chế mà ông đang tìm đã cho thấy nó rộng hơn và đa dạng hơn rất nhiều so với ông hình dung. Columbus ngạc nhiên rằng: “Tôi thấy nhiều cây cối rất khác với cây cối của chúng ta… mỗi cành một kiểu riêng, đây là điều kỳ lạ nhất trên thế giới. Sự đa dạng giữa mọi thứ thật là vô cùng lớn!”. Sự kinh ngạc tột độ và niềm phấn khích tràn ngập trong những ghi chép trong lịch trình đồ sộ của ông.
Tựa như những vần thơ về chuyến phiêu lưu của Odyssey, tôi đắm chìm trong các trang sách và như đang cùng ông phiêu lưu theo những chuyến hải hành. Những ghi chép của ông không chỉ dừng lại nơi cảm xúc choáng ngợp trước vẻ đẹp của thiên nhiên với cát vàng, mây trắng trên những bãi biển vùng Caribbean, đó còn là những thiên sử thi của những con tàu thám hiểm vật lộn trong giông bão giữa biển khơi: “Ông cuộn buồm và gần như đi suốt đêm dưới mấy cột buồm trơ trọi, chỉ giữ lại một mảnh buồm giữa vùng biển động. Đại dương trở nên đáng sợ, và những con sóng chồm lên nhau, dồn ép mấy con tàu”… “những con sóng cuộn cao, bóng tối bao trùm khắp nơi còn đêm đen phủ kín biển cả, chỉ trừ những nơi có ánh chớp lóe lên và tiếng sấm vọng lại”.
Nhưng sau những choáng ngợp và tình cảm dạt dào bộc lộ với cảnh vật và người dân vùng đất mới, lòng tham trong ông và những thủy thủ Tây Ban Nha về vàng, gia vị và nô lệ đã trỗi dậy, hủy hoại họ và hủy hoại cả vùng đất tươi đẹp này. Chỉ có vàng mới đánh thức ông ra khỏi những cơn mơ màng, và khoảnh khắc phát hiện một người đàn ông “đeo một chiếc khuyên vàng ở mũi” có các nét khắc đã khiến ông thay đổi. Từ chuyến hải hành đầu tiên đến chuyến hải hành cuối cùng lần thứ tư, từ pháo đài La Navidad đến thị trấn La Isabela, Columbus đã thiết lập một chế độ khai thác kiệt quệ lượng vàng của hòn đảo. Hệ thống ấy, theo cách nào đó, còn tệ hơn cả chế độ nô lệ, nó đã phá hủy mọi cơ hội để có sự trợ giúp hay hợp tác giữa người Anh-điêng và người Ki-tô giáo trong mọi nỗ lực ngoài việc cống nạp vàng đầy vô nghĩa. Trang sử tăm tối của người Anh điêng cũng đã bắt đầu khi những đoàn tàu của người Ki-tô giáo thâm nhập bãi biển ngày một nhiều, những con tàu mang theo sự tham lam vô độ cùng giấc mơ làm giàu nhanh chóng. Chỉ trong thời kỳ của Columbus, khoảng 50.000 người Anh-điêng bản xứ đã chết bởi nạn đói hành hạ, và khủng khiếp hơn là sự tự hủy diệt. Bị đàn áp với những yêu cầu quá đáng của việc cống nộp vàng, người Anh-điêng đã buông xuôi và tự tử hàng loạt để tránh bị người Ki-tô giáo giết hại hay bắt giữ, để tránh việc chia sẻ đất đai, đồng ruộng, lùm cây, bãi tắm, rừng và phụ nữ của họ với người Ki-tô giáo.
Không còn thứ gì nguyên sơ như cũ, các cuộc thám hiểm của Columbus đã thay đổi Cựu lục địa và Tân thế giới mãi mãi, các tác động của nó vượt qua cả cuộc chinh phục vì đế chế và thương mại. Bên cạnh vấn đề về Ki-tô giáo, nạn nô lệ, vàng hay bất cứ quyền lực nào mà Columbus và Tây Ban Nha có được, sự chuyển giao hai chiều giữa hai lục địa đã mang lại các thay đổi lớn hơn những gì mà họ có thể hình dung. Một khi đã bắt đầu, thời kỳ trao đổi Columbus không bao giờ ngừng lại, và nó tiếp tục với tốc độ luôn tăng lên. “Có lẽ nó sẽ không bao giờ lặp lại theo một cách ngoạn mục như ở Châu Mỹ trong thế kỷ đầu tiên hậu Columbus, cho đến một ngày nào đó diễn ra một sự trao đổi về dạng sống giữa các hành tinh”. Dù tốt hơn hay tệ hơn, thì đây là di sản kéo dài, không ngừng nghỉ, không tránh được, và bao trùm lên tất cả của Columbus.
Một điều rất thú vị, gia sản đáng giá mà Columbus để lại còn là một thư viện khổng lồ gồm 15.000 đầu sách thu hút các học giả từ khắp châu Âu. Thư viện này đã làm nổi bật phương diện ham đọc sách và có học vấn của gia đình Columbus. Tuy Columbus là một nhà hàng hải và được xem như là một người táo bạo, nhưng để chuẩn bị cho những chuyến đi, ông đã nghiên cứu rất chuyên sâu về biển, và trong suốt cuộc đời mình, ông luôn khao khát kiếm tìm và áp dụng những thông tin mới cùng tri thức. Đã hơn 500 năm kể từ chuyến phiêu lưu đầu tiên của Columbus đi tìm kiếm vùng đất mới, tấm gương và những chuyến đi của ông đã trở thành niềm cảm hứng cho nhân loại và cho nhiều thế hệ tiếp theo. Bốn chuyến hải hành của Christopher Columbus đã làm nên một trong những câu chuyện phiêu lưu vĩ đại nhất của lịch sử, như một câu chuyện cổ tích thần tiên đã thành hiện thực. Và đến lượt chúng ta, các bạn hãy cùng tôi giở những trang sách đầu tiên và sẵn sàng phiêu lưu cùng ông nhé!
“Chúng ta rơi vào hoàn cảnh nào cũng không quan trọng, quan trọng là chúng ta sẽ tiến đến đâu.”
– Christopher Columbus –
———
Điểm đánh giá: 9/10
Nhận xét: Với nguồn tài liệu đồ sộ, tác giả đã dệt nên câu chuyện phiêu lưu kỳ thú và chân thực về bốn chuyến hải hành của Chritopher Columbus trên con đường tìm miền đất mới. Cuốn sách là một tài liệu khoa học đầy đủ nhưng đồng thời cũng như một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu kỳ diệu. Nhiều bức tranh và ảnh in màu trên giấy bóng couché, các bản đồ của bốn chuyến hải hành được thể hiện một cách chi tiết, có một số lỗi chính tả nhỏ không đáng kể. Tôi tin cuốn sách này sẽ là niềm cảm hứng đầu năm đầy ý nghĩa để khởi đầu cho những chuyến đi và khám phá của mỗi người.
Cuốn sách của tác giả Laurence Bergreen đã chắt lọc từ những tư liệu lịch sử, qua đó soi sáng hình ảnh của một con người đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong 5 thế kỷ qua, Christopher Columbus (Cristoforo Colombo, 1452-1506).
Đấy là một người Ý chính gốc Genova, một nhà hàng hải vĩ đại ở thời của mình, thời đại mà một số quốc gia Châu Âu bước vào thời đại khám phá, với những hạm thuyền đi khắp đây đó để kiếm tìm những vùng đất mới.
Ẩn chứa sau những chuyến đi ấy là các tham vọng mở mang về lãnh thổ, về khai thác vàng và đá quý để đạt tới sự phồn thịnh, cũng như việc tìm các gia vị Châu Âu không có.
Từ một quan niệm sai lầm là cứ đi về phía Tây thì sẽ tới Trung Quốc hoặc Ấn Độ, Columbus và 4 chuyến đi của ông đã gặp một châu lục hoàn toàn mới chắn ngang đường họ ở phía chân trời.
Đấy không phải Trung Quốc hay Ấn Độ, đấy là Châu Mỹ (America), tiếc thay không được đặt tên theo người đầu tiên khám phá nó một cách có hệ thống là Columbus.
Châu Mỹ được đặt theo tên của Amerigo Vespucci, một đối thủ của Columbus, cũng là người Ý, do một sai sót về thông tin của một chuyên gia vẽ bản đồ người Đức sau khi Columbus qua đời (người cũng nghe theo Vespucci, muốn giảm bớt ảnh hưởng của Columbus trong lịch sử khám phá).
Tôi đã đọc một vài cuốn sách viết về Columbus, mỗi cuốn có một góc nhìn riêng về nhân vật lịch sử này. Nhưng cuốn này là hay nhất, vì đã vẽ lên nhiều khía cạnh về Columbus, một người giỏi giang vào thời kỳ đó.
Những câu chuyện cho thấy tham vọng, háo danh, tham lam, có cả những yếu tố về sự tàn bạo, người mà nhiều học giả sau này đã tố cáo Columbus là nhân vật đã thực hiện những vụ giết chóc đối với người da đỏ, đã biến họ thành những người nô lệ.
Trước Columbus, châu Mỹ là một thế giới khác, tất cả đều khác với Châu Âu về mọi mặt, từ nhân chủng học, văn hoá, lối sống, lịch sử, hệ động thực vật, và song song tồn tại với Châu Âu.
Sau Columbus, tất cả đã thay đổi không thể cưỡng được. Bệnh tật, các cuộc khai phá, giết chóc… đã diễn ra.
Nhưng tôi tin là nếu Columbus không sang đó, không làm điều đó, sẽ có những người khác làm, bởi thời đại khám phá và khai thác của giai đoạn đó là như thế, không khác được.
Tôi đã đến thăm nhà ông ở Genova, đã thăm mộ ông ở nhà thờ chính toà Sevilla, Tây Ban Nha, đã xem vài phim truyền hình về ông và các chuyến đi, đã đọc rất nhiều sử liệu về ông và thời đại của ông, và nhận ra rằng, dù thế nào đi nữa thì ông vẫn đi vào lịch sử với tư cách của một nhà thám hiểm đại tài, người tìm ra Châu Mỹ, mở ra những cuộc khai phá và cả chiến tranh trên đó, một con người phức tạp và hội tụ đủ các yếu tố tốt xấu tồn tại trong chính chúng ta.
Hãy đọc cuốn sách này, và cũng nên cám ơn thời mở cửa văn hoá có chọn lọc này, vì nhờ thế, độc giả ham tìm hiểu được đọc nhiều cuốn sách hay được dịch ra tiếng Việt, mở ra trước chúng ta một chân trời tri thức, giống như chính Columbus đã mở ra một thế giới mới, bằng những chuyến vượt biển của mình…
Mời các bạn mượn đọc sách Columbus – Bốn Chuyến Hải Hành (1492-1504) của tác giả Laurence Bergreen & Đặng Tuấn Anh (dịch).