Cuốn sách “Cô Gái Thứ Ba” kể về một cô gái trong một gia đình danh giá bí mật mất tích, khiến nhiều người xung quanh cô trở nên nghi ngờ. Trong quá trình điều tra, viên thám tử tư già đã phát hiện ra những âm mưu đen tối khác phía sau.
Cuốn sách “Cô Gái Thứ Ba” không chỉ là một câu chuyện hấp dẫn với những tình tiết ly kỳ và bất ngờ, mà còn là một tác phẩm văn học giúp độc giả suy ngẫm về lòng nhân từ, lòng dũng cảm và sự đấu tranh cho công lý. Agatha Christie đã tạo ra một nhân vật nữ mạnh mẽ và đầy cá tính trong Nick Buckley, giúp độc giả cảm thấy hào hứng và cảm thông với những khó khăn và thử thách mà cô phải đối mặt.
Với phong cách viết sắc bén, tinh tế và logic, Agatha Christie đã tạo ra một câu chuyện trinh thám đầy sức hút và cuốn hút đến từng trang sách. “Cô Gái Thứ Ba” không chỉ là một câu chuyện giải đố mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đầy ý nghĩa và giá trị về lòng can đảm và khả năng tự giải quyết vấn đề.
Nhìn chung, cuốn sách “Cô Gái Thứ Ba” của Agatha Christie là một tác phẩm xuất sắc và đáng đọc, mang lại cho độc giả những trải nghiệm văn học đầy thú vị và ý nghĩa. Agatha Christie đã một lần nữa chứng minh tài năng và uy tín của mình trong việc viết trinh thám, khiến cho người đọc không thể rời mắt khỏi trang sách cho đến khi đọc hết trang cuối cùng.
—-
Tác giả Agatha Christie sinh năm 1890 tại Torquay, Anh. Cha bà tên là Frederick Miller, nên tên khai sinh của bà là Agatha Miller. Trong tuổi thơ, Agatha không được đi học như bình thường mà được gia đình thuê gia sư đến nhà để giáo dục.
Với tính cách nhút nhát và khó diễn đạt ý kiến của mình, Agatha ban đầu tìm đến âm nhạc làm phương tiện giải tỏa cảm xúc, sau đó là viết sách. Năm 1914, bà kết hôn với Archie Christie, một phi công chiến đấu. Trong thời gian chồng bận rộn với chiến trường, Agatha làm y tá trong bệnh viện. Chính trong giai đoạn này, ý tưởng viết tiểu thuyết trinh thám đã nảy sinh trong tâm trí của bà. Chỉ sau một năm, bà hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên “Những bí ẩn vùng Styles”, nhưng phải đến 5 năm sau mới được xuất bản (1920).
Tác giả Agatha Christie được mọi người tôn vinh là Nữ hoàng truyện trinh thám. Trong suốt cuộc đời, bà đã sáng tác 66 tiểu thuyết, nhiều truyện ngắn, kịch và nhiều tiểu thuyết tình cảm lãng mạn dưới bút danh Mary Westmacott. Vở kịch “Chiếc bẫy chuột” của bà được coi là một trong những vở kịch trinh thám xuất sắc nhất thế giới. Một số tác phẩm của bà đã được chuyển thể thành phim, trong đó bộ phim “Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông” đã đoạt giải Oscar năm 1974. Tác phẩm của bà đã được dịch ra hơn 100 ngôn ngữ.
Trong suốt cuộc đời, Agatha Christie luôn căm ghét bạo lực và máu me. Bà thường thừa nhận rằng không biết gì về những cách giết người thông thường và chưa từng tiếp xúc với kẻ giết người.
—
Hercule Poirot ngồi trước bàn ăn sáng. Bên tay phải ông là tách chocolate nghi ngút khói, ông vốn hảo ngọt. Ăn kèm bánh mì brioche. Loại bánh mì này vốn rất hợp với chocolate. Ông gật gù ra chiều ưng ý. Đây là cửa hàng thứ tư mà ông thử mua loại bánh này. Một tiệm Đan Mạch nhưng bán bánh ngon hơn hẳn cái tiệm tự xưng là bánh Pháp gần đó. Ăn bánh hàng ấy cứ thấy như bị lừa.
Ông cảm thấy rất hài lòng. Dạ dày của ông rất yên ổn. Tâm trí cũng bình an, có khi còn hơi quá an bình, ông đã hoàn thành Magnum Opus, bài phân tích về các nhà văn lớn chuyên dòng tiểu thuyết trinh thám, ông đã dám nhận xét khá gay gắt về Edgar Allen Poe, phàn nàn về sự thiếu vắng phương pháp lẫn quy củ trong những trang viết đầy xúc cảm của Wilkie Collins; đồng thời ca ngợi lên tận mây xanh hai tác giả người Mỹ hầu như chưa ai biết đến; và bằng nhiều cách khác nhau tỏ ý vinh danh khi cần thiết và nghiêm khắc khước từ trước những gì ông không thấy xứng đáng. Ông đã thấy bài này trên báo, đã nhìn qua kết quả và, ngoại trừ số lỗi sắp chữ nhiều tới mức đáng kinh ngạc, thì ông cho rằng nó khá hay. Ông thấy hài lòng với thành tích văn học này cũng như đã rất thích thú với việc phải đọc một lượng lớn các tác phẩm, thích thú cả những lúc phải rít lên ghê tởm mà quăng cuốn sách nào đó xuống sàn nhà (dù sau đó ông luôn nhớ đứng dậy, nhặt nó lên và vứt gọn gàng vào thùng đựng giấy phế liệu), và hẳn nhiên ông thích được gật đầu tán thưởng vào những dịp hiếm hoi khi việc tán dương là hoàn toàn hợp lý.
Và bây giờ? Ông đã có một khoảng nghỉ ngơi dễ chịu, rất cần thiết sau những giờ lao động trí óc. Nhưng người ta không thể thư giãn mãi được, rồi cũng phải bắt tay vào việc tiếp theo. Thật không may là ông không có bất kỳ ý tưởng gì cho cái việc kế tiếp ấy cả. Thêm một vài thành tựu văn chương nữa chăng? Ông cho là không. Cứ nên làm một việc thật tốt và rồi sau đó đừng dính dáng đến nó nữa. Đó là châm ngôn của ông. Còn thành thực mà nói thì, ông đã thấy chán. Tất cả các hoạt động tinh thần căng thẳng mà ông đã ấp ủ và theo đuổi đã quá nhiều. Chúng đã khiến ông dính vào những thói quen xấu, và làm ông không thể nào ngơi nghỉ… Thật là phiền nhiễu! Ông lắc đầu và nhấp lấy một ngụm chocolate.
Cánh cửa mở ra và người đầy tớ được huấn luyện bài bản của ông, George, bước vào. Anh tỏ vẻ cung kính và hơi có phần hối lỗi. Anh ho và thấp giọng báo, “Một…” anh dừng lại, “…một cô gái trẻ đến xin gặp ạ.”
Poirot nhìn anh ngạc nhiên và tỏ vẻ không mấy hài lòng.
“Tôi không tiếp khách vào giờ này kia mà,” ông trách.
“Tôi biết, thưa ngài,” George nhũn nhặn.
Chủ và tớ nhìn nhau. Việc trao đổi thông tin giữa họ đôi khi đầy khó khăn. Bằng ngữ điệu hay ám chỉ hoặc một cách chọn từ nhất định, George ngầm tỏ cho ông biết rằng ông có thể moi thêm thông tin gì đấy từ cậu nếu đặt đúng câu hỏi. Poirot ngẫm nghĩ xem trong trường hợp này thì nên hỏi thế nào mới khơi đúng mạch.
“Cô gái trẻ này, cô ấy đẹp phải không?” Ông hỏi một cách thận trọng.
“Theo mắt nhìn của tôi thì không, thưa ông, nhưng thị hiếu thì vốn không thể giải thích được.”
Poirot xem xét câu trả lời của anh. Ông nhớ lại là George có hơi ngập ngừng trước khi nói mấy từ “cô gái trẻ”. George là một người tinh tế trong việc quan sát. Anh có vẻ không chắc chắn về thân phận của vị khách nhưng vẫn mạnh dạn dùng cái xưng hiệu ấy.
“Cậu cho rằng đó là một quý cô trẻ tuổi, chứ không chỉ là, giả dụ như, một người trẻ tuổi thôi?”
“Tôi nghĩ vậy, thưa ông, mặc dù ngày nay để biết chắc được việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng.” George nói bằng giọng áy náy chân thành.
“Cô ấy có nói lý do vì sao muốn gặp tôi không?”
“Cô ấy có nói…” George phát âm các từ một cách miễn cưỡng, như muốn xin lỗi trước về những gì mình sắp nói, “rằng cô muốn tham khảo ý kiến của ông về một vụ giết người cô ấy có thể đã gây ra.”
Hercule Poirot nhìn sững. Đôi hàng lông mày của ông nhướng lên. “Có thể đã gây ra? Cô ấy không biết chắc sao?”
“Đó là những gì cô ấy nói, thưa ngài.”
“Chưa phải nhiều, nhưng có thể sẽ thú vị đây,” Poirot nói.
“Đây có thể… là một trò đùa, thưa ông,” George nói với vẻ ngờ vực.
“Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, tôi cho là vậy,” Poirot thừa nhận, “nhưng mấy ai nghĩ…” ông nâng tách lên. “Hãy cho cô ta vào sau năm phút nữa.”
“Vâng, thưa ngài.” George rút lui.
Poirot uống xong ngụm chocolate cuối cùng, ông đẩy cốc sang bên rồi đứng dậy. Ông bước đến lò sưởi và chỉnh lại hàng ria mép một cách cẩn thận qua tấm gương được đặt phía bên trên. Cảm thấy hài lòng, ông trở lại ghế của mình và chờ đợi sự xuất hiện của vị khách, ông không biết chính xác rằng mình mong thấy điều gì…
Ông đã hy vọng cô gái này có nét gì đó gần với tiêu chuẩn của ông về sự hấp dẫn của nữ giới. Cụm sáo ngữ “vẻ đẹp trong đau khổ” bật ra trong suy nghĩ của ông. Để rồi ông thất vọng khi George trở lại và dẫn theo vị khách; trong thâm tâm ông lắc đầu và thở dài. Không có vẻ đẹp nào cả – và không có nét đau khổ rõ rệt nào cả. Lúng túng và bối rối thì phải hơn.
“Chà!” Poirot ngao ngán. Mấy cô này! Họ thậm chí không buồn cố gắng để làm mình trông được mắt hơn sao? Trang điểm đẹp, ăn mặc hấp dẫn, làm tóc bởi tay thợ tốt, thì có thể cô ấy sẽ trông không đến nỗi. Nhưng nhìn xem cô ấy bây giờ!
Vị khách của ông là một cô gái có lẽ khoảng ngoài hai mươi. Mái tóc rối dài nhìn không ra màu gì xõa trên vai. Đôi mắt to xanh ánh sắc lục không biểu lộ bất kỳ điều gì. Cô đang khoác trên người thứ quần áo được xem là hợp thời với những người thuộc thế hệ của cô. Giày ống da cao màu đen, bít tất len màu trắng in họa tiết, không rõ có sạch hay không, một chiếc váy thiếu vải, và một chiếc áo chui đầu dài bằng len dày trông luộm thuộm. Bất cứ ai cùng tuổi tác và thế hệ của Poirot cũng sẽ chỉ có một mong muốn. Đó là thả cô gái này vào một bồn tắm càng sớm càng tốt. Ông thường có phản ứng kiểu thế khi đi bộ trên phố. Có hàng trăm cô gái trông giống y như nhau. Tất cả đều trông bân bẩn. Tuy vậy – nghe thì mâu thuẫn – cô gái này lại trông như vừa bị dấn nước và được lôi lên khỏi một con sông. Những cô gái như thế này, ông ngẫm nghĩ, có lẽ không thực sự bẩn thỉu đâu. Họ chỉ là đã mất rất nhiều công sức khó nhọc để trông được như vậy.
Mời các bạn đón đọc Cô Gái Thứ Bacủa tác giả Agatha Christie.
Nguồn: https://ebookvie.com