Đây là cuốn tiểu thuyết điều tra hình sự viết về chiến công của những người chiến sĩ công an đã dũng cảm, ngoan cường đấu tranh với bọn tội phạm buôn bán và tàng trữ ma tuý, đem lại bao nhiêu bất hạnh và đau khổ đối với những gia đình có con em trót sa vào vòng nghiện ngập. Lồng vào trong đó là những hoàn cảnh, những bi kịch, số phận, cuộc đời của những con người trực tiếp, gián tiếp, bị buộc phải theo hoặc chủ động lao vào guồng xoáy đầy tội lỗi đó. Cuốn tiểu thuyết cho chúng ta hiểu tường tận hơn những công việc, những chiến công đôi khi là thầm lặng, và cả sự hy sinh, mất mát cũng rất thầm lặng, để có thể mang lại yên bình, hạnh phúc cho nhân dân của những người chiến sĩ công an đấu tranh chống tội phạm. Bởi bên cạnh cương vị là một cán bộ làm việc vì nước vì dân, trong gia đình các anh vẫn là những người con, người chồng, người cha. Phải làm sao đây để cân bằng cả hai nhiệm vụ (chưa biết bên nào nặng nề, phức tạp và khó khăn hơnđể có kết quả tốt đẹp cho mình, cho mọi người. Đó là bài toán mà các chiến sĩ phải tìm ra lời giải thích đáng nhất. Và lời giải sẽ được tìm trong bộ tiểu thuyết này. Vẳng nghe đâu đây tiếng hát Ai giữ ngọn lửa qua đêm đen? Ai đếm những bàn chân thân quen, gửi làn hương thầm theo về trong gió, suốt chặng đường gian lao.*** Đêm đã về khuya. Trời cuối thu đầu đông se lạnh. Chạy sát ven hồ Thủy Nguyệt là con đường nhỏ mang cái tên của một danh nhân rất mực tài hoa: Cao Bá Quát. Trên đường, thấp thoáng bóng những đôi trai gái đi như dựa vào nhau để tận hưởng sự êm ả, thanh khiết của trời thu. Cuối phố, nơi có những cây hoa sữa cổ thụ mốc thếch rêu phong là một quán bar khá đẹp mang tên Hoa Sữa. Đây là một biệt thự kiến trúc hoàn toàn Pháp đã có tuổi thọ hơn bảy mươi năm. Chủ của ngôi biệt thự là một nhân sĩ được Nhà nước kính trọng, có lẽ vì vậy mà trong hồi cải tạo tư sản những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, ngôi nhà đã không bị tịch thu. Năm 1990, ông qua đời để lại ngôi nhà cho hai người con trai. Người con cả là một Thiếu tướng quân đội thì được ở toàn bộ ba phòng tầng một và khu sân trước rộng hơn năm chục mét vuông. Người con thứ hai là một kỹ sư hóa chất ở toàn bộ tầng trên. Nhà Thiếu tướng có ít người, hơn nữa ông cũng được quân đội chia cho một khu đất khá đẹp ngoài ngoại ô, và ông đã xây ngôi nhà bốn tầng. Từ khi có ngôi nhà mới ông hầu như không về phố ở nữa cho nên ông đem tầng dưới cho thuê mở quán bar. Người đứng ra thuê là một tay kinh doanh bất động sản khá tiếng tăm tên là Trần Dung và có biệt hiệu là Dung Tỉ Phú. Trần Dung cho sơn sửa lại với một gam màu vàng nhạt và trang trí quanh tường bằng những bức tranh phiên bản của những họa sĩ nổi tiếng như Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh và đặc biệt là âm nhạc trong quán thường là nhạc cổ điển của Mozart, Chopin, Betthoven… Nhờ những cái đó, quán bar này đã tạo ra một bản sắc riêng biệt mà chỉ có những người ưa thích sự sâu lắng, nhẹ nhàng mới lui tới. Bar mở cửa từ 10 giờ 30 sáng và đóng cửa khi nào hết khách, nhưng thường thường là khoảng 12 giờ đêm thì vắng hẳn. Hôm nay cũng vậy, khi con chim cu từ trong chiếc đồng hồ quả lắc mang nhãn hiệu ODO thò đầu ra gáy mười một tiếng thì trong quán chỉ còn lại có bốn người. Hai thanh mến ngồi phía ngoài cửa và uể oải ngáp ngủ, còn phía góc trong của phòng có hai người vẫn đang nói chuyện – đó là một người đàn ông và một phụ nữ. Người đàn ông tên Tiên, biệt hiệu là Tiên Chỉ đã cứng tuổi, có mái tóc chải cẩu thả, mặt tròn, mắt nhỏ và môi mỏng. Tiên Chỉ tên chính là Hoàng Văn Tiên và do anh ta có tật khi nói chuyện cứ hay dùng ngón trỏ chỉ vào người đối thoại nên mới có biệt hiệu là Tiên Chỉ. Tuy nhiên, biệt danh Tiên Chỉ còn mang một ý nghĩa khác. Tiên vốn là một tay giang hồ có tiếng ở thành phố H, đã từng hai lần lĩnh án tù, tuy mỗi lần chỉ vài ba năm. Tiên được coi là thủ lĩnh của một băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên các lĩnh vực cờ bạc, cho vay nặng lãi, bảo kê vũ trường, kinh doanh bất động sản; và ngoài ra, Tiên còn lập cả công ty kinh doanh hàng điện máy, điện tử. Là kẻ mưu mẹo, có ý chí, được giới giang hồ nể trọng, xếp vào hàng chiếu trên, vì thế Tiên Chỉ thường được gọi thêm là “Cụ Tiên Chỉ”. Năm 1996, Tiên ra tù và từ đó người ta thấy anh ta hiền lành hẳn. Tuy nhiên, cảnh sát hình sự thì vẫn coi anh ta là đối tượng điểm. Còn cô gái khoảng gần 40 tuổi – đó là Oanh, biệt hiệu là Oanh Sói. Cũng là một ả giang hồ, là nữ quái nổi tiếng một thời của đất cảng Hải Phòng. Oanh Sói không đẹp nhưng có nét hấp dẫn, đặc biệt là mái tóc cắt tém như con trai và ánh mắt nhìn sắc lạnh. Oanh hút thuốc liên tục và nét mặt xem ra có vẻ căng thẳng: – Em rất cảm ơn ý tốt của anh. Nhưng bây giờ thì em chưa cần… Em muốn phải thanh toán sòng phảng với hắn. – Hắn là ai? Cô cho anh biết. Anh sẽ giúp cô thanh toán món nợ đó? – Chuyện này của riêng em. Em không muốn ai biết và cũng không muốn phải nhờ ai. Tiên nheo mắt nhìn hai gã thanh niên trông còn rất trẻ con đang ngồi phía ngoài: – Đệ tử của em đấy à? – Vâng, em cũng cần phải bảo vệ mình. Em biết có kẻ muốn “chơi” em, nhưng đâu có dễ. Nói rồi Oanh vẫy tay gọi một đứa đến và bảo: – Các em về trước đi. Chị ở đây, lát nữa về sau. Hai gã thanh niên lễ phép chào hai người rồi bước ra. Tiên gật gù, nhìn theo chúng rồi quay lại: – Nếu em đồng ý, anh giao cho em ba sòng ở ngoại thành. Em không cần góp thùng tẩy [1], nhưng được ba chục phần trăm. Chỉ có điều là mấy sòng này đang bị bọn thằng Phướn Chột quấy phá. Em đưa mấy thằng đệ tử của em về, chắc chúng chịu thôi? – Đến như anh mà cũng sợ thằng nào quậy ư? Thế những cảnh sát hình sự chiến hữu của anh đâu rồi?