Cinque Terre

Chuyện Thường Ngày Ở Huyện

Tác giả:
Thể Loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDF Đọc Online


Trong số những tác phẩm đánh dấu bước chuyển của văn học xô-viết trong những năm năm mươi, “Chuyện thường ngày ở huyện” của Ô-vét-skin là một thành công lớn của văn học xô-viết sau chiến tranh. Ô-vét-skin nổi tiếng là nhà văn luôn luôn nêu ra được những vấn đề mới, cấp thiết, làm cho toàn thể xã hội xúc động. “Chuyện thường ngày ở huyện” cho thấy khả năng của nhà văn biết nhận ra cái mới trong đời sống một cách nhạy bén. Mặc dù tác giả đi sâu vào tình hình một huyện, nhưng hệ vấn đề được nêu ra ở đây vượt ra xa ngoài phạm vi một huyện. Nó bao gồm hàng loạt vấn đề có quy mô toàn quốc, có tính nguyên tắc: nhân tố khuyến khích lợi ích vật chất và ảnh hưởng của nó đối với năng suất lao động, vấn đề kế hoạch hóa trong nông nghiệp, mối quan hệ đúng đắn giữa trạm máy kéo và nông trang, vấn đề xóa bỏ sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị, vấn đề sinh hoạt văn hóa ở nông thôn, sự chọn nghề của thanh niên nông thôn, v. v.. Nếu liệt kê cho hết thì có lẽ ta sẽ được bản mục lục của một tác phẩm “xã hội học nông thôn”. Nên nói thêm một điều về công lao của nhà văn trong việc phát hiện cái mới: những nghị quyết của các hội nghị toàn thể Ban chấp hành trung ương và Đại hội Đảng cộng sản Liên Xô từ năm 1953 đến nay đã hoàn toàn xác nhận sự miêu tả hiện thực một cách chính xác và những kiến giải thông minh của nhà văn. Chẳng hạn, hệ thống trả lương bằng tiền cho nông trang viên – mà trong tác phẩm này mới chỉ là sáng kiến của Crư-lốp, bí thư tỉnh ủy, định đem áp dụng thử ở một số nông trang – thì nay đã được thực hiện trên toàn Liên bang xô-viết. Một điểm then chốt đã làm cho tác phẩm của Ô-vét-skin mang tính Đảng sâu sắc, là ông đã phản ánh được vai trò lãnh đạo quyết định của Đảng trong những tình huống phức tạp nhất, khó khăn nhất. Ô-vét-skin đã thành công trong việc xây dựng hình tượng các cán bộ lãnh đạo của Đảng thời kỳ sau chiến tranh. Nhân vật chính ở đây là các bí thư huyện ủy, bí thư tỉnh ủy. Ô-vét-skin không hề sợ phải miêu tả kỹ lưỡng các cán bộ của Đảng với nội tâm sống động của họ: họ băn khoăn suy nghĩ, đôi lúc cảm thấy mình bất lực nhưng vẫn không ngừng tìm kiếm, họ cảm thụ cuộc sống trong mọi biểu hiện phức tạp của nó. Có một số cán bộ cấp cao (bí thư huyện ủy, bí thư tỉnh ủythực ra đã “chiếm cái chỗ không phải của họ”. Họ là trở ngại lớn cho sự tiến bộ chung của xã hội. Tính cương trực, lòng yêu mến nhân dân và chủ nghĩa xã hội một cách thiết tha của nhà văn đã giúp ông có thái độ dũng cảm, nghiêm túc, đúng đắn đối với việc viết về những hiện tượng tiêu cực trong hiện thực của Liên Xô những năm đó. Nhân vật Mác-tư-nốp, với tư cách là một hình tượng văn học, xứng đáng giữ một vị trí nổi bật trong những hình tượng tích cực của văn học xô-viết. Bạn đọc yêu mến nhân vật này, con người giản dị, chân thực, năng động, gắn bó với cuộc sống và nhân dân, không chịu đựng nổi thói ba hoa rỗng tuếch, căm ghét tính ác độc và thói thờ ơ với mọi người, hết sức quý trọng và nâng đỡ mọi tài năng, xa lạ với thói đố kỵ (thậm chí đề nghị để Đôn-gu-sin lên làm bí thư huyện ủy thay mình vì Đôn-gu-sin có khả năng lãnh, đạo giỏi hơn. Mác-tư-nốp không phải không có thiếu sót. Có những lúc anh hơi “quan liêu” (không rõ hoàn cảnh gia đình người lái xe của mình, hoàn cảnh gia đình của Đôn-gu-sinnhưng anh biết nhận ra thiếu sót của mình, biết “hổ thẹn” về những thiếu sót đó. Đối lập với Mác-tư-nốp là những con người như Boóc-dốp, Mét-vê-đép, Ma-xle-ni-cốp. Họ là những người “thích chức vụ bí thư, nhưng không yêu mến công tác Đảng”. Những nhân vật này cũng được miêu tả một cách toàn diện, có sức thuyết phục, đúng là những con người bằng xương bằng thịt, chứ không phải là những “nộm rơm để đốt cháy”, chẳng hạn, hình tượng Boóc-dốp không chỉ còn là một cá tính, mà ở Liên Xô, nó đã trở thành một điển hình, thành cái gọi là “tác phong công tác Boóc-dốp”. Xung đột giữa tuyến nhân vật tích cực và tiêu cực ở đây không phải chỉ là xung đột giữa các tính cách, mà là xung đột giữa hai nền tảng đạo đức. Đạo đức của chủ nghĩa cá nhân đối lập với đạo đức của chủ nghĩa tập thể, của chủ nghĩa nhân đạo cách mạng; đường lối lê-nin-nít về sự lãnh đạo của Đảng phải chiến thắng đường lối phản dân chủ, quan liêu, hình thức, vi phạm quyền làm chủ tập thể của nhân dân.