Đọc tác phẩm “Chữ A màu đỏ” của Nathaniel từ đầu tới cuối tôi đều cảm thấy trong mình tràn dâng những cảm xúc mãnh liệt. Cái cách kể chuyện và miêu tả tâm lý nhân vật với những đoạn độc thoại nội tâm gay gắt của người phụ nữ ngoại tình chính là những trang văn in dấu sâu đậm nhất trong tôi. Tôi đã phải tập trung tất cả mọi trí lực và cảm xúc của mình để theo dõi câu chuyện hấp dẫn này. Một câu chuyện cảm động về nghị lực, sự can đảm và tình yêu cuộc sống vô bờ bến của một người phụ nữ trót mang tội trong xã hội. Với tôi, nó cũng thật sự là một câu chuyện quá đẹp giữa cuộc sống này, nó đem lại cho tôi nhiều tin yêu, nhiều mạnh mẽ và nhiều hi vọng. Những cuốn sách đã trải qua thăng trầm của thời gian để còn lại, để sáng hơn và đem đến cho những độc giả của hôm nay nhiều trải nghiệm sâu sắc hơn. Một câu chuyện về “Chữ A màu đỏ” khép lại, nhưng đã đem lại cho tôi cái nhìn thấu hiểu hơn đối với số phận và nghị lực của những người phụ nữ ngoại tình. Những người phụ nữ ấy không phải ai cũng xấu xa và đáng trách. Họ có những tâm tư thầm kín mà chỉ khi có được sự thấu hiểu và đồng cảm thực sự chúng ta mới có thể hiểu được. Đây là một trong số những câu chuyện nghiệt ngã nhất về số phận của người phụ nữ mà tôi đã từng được biết. Tôi đã đọc cuốn sách với tâm trạng bế tắc, đau đớn, hận thù và hoàn toàn bất lực. Ngay khi bắt đầu đọc “chữ A màu đỏ” tôi đã ngưỡng mộ cô. Tôi chăm chú theo dõi từng bước chân của chị trên hành trình mà chị đang đi. Tôi không rời mắt khỏi con người chị và những người xung quanh chị dù chỉ một giây phút. Và tôi đã nhận ra rằng ánh mắt của những người bên cạnh chị khi nhìn theo chị đã dần khác. Tôi không còn cảm thấy cái ánh mắt ngột ngạt hằn học và căm giận nữa. Tôi bắt gặp một ánh mắt yêu thương, tha thứ, và đồng cảm. Quả thực cuộc sống, tình yêu và sự hi sinh trong sáng của cô đã khiến cho cộng đồng không thể quay lưng với cô nữa. Cô sống giản dị, điềm đạm như biết bao nhiêu người đàn bà khác. Người đời không còn trách cô nữa. Tôi nghĩ đó là điều đương nhiên cô đáng nhận được với những gì mà cô đã trải qua. Tấm lòng nhân hậu đã khiến cho chữ A màu đỏ trên người cô trở thành một dấu vết phai nhòa của quá khứ xa xôi, mà hiện tại khi nhìn về phía cô gái đã từng mang tiếng ngoại tình, chửa hoang ấy người ta chỉ cảm tháy lòng yêu thương, vị tha, và một nguồn an ủi đồng cảm vô tận với số phận của những người phụ nữ trong xã hội này.*** Chữ A màu đỏ, tiểu thuyết của Nathaniel Hawthorne, xuất bản năm 1850, đã được nhiều nhà phê bình đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất của nền văn học thế giới. Câu chuyện xảy ra ở Boston, thủ phủ ban Massachuselle (thuộc miền New England đông bắc nước Mỹtrong những năm 1640, vào một thời mà xã hội miền này bị giam hãm trong vòng luật lệ và giáo lý nghiệt ngã của nhà thờ Thanh giáo. Một người phụ nữ tên là Hester Prynne, vì một đứa con hoang, đã bị kết án bêu trên bục tội nhân ba tiếng đồng hồ trước công chúng và chịu hình phạt mang một chữ A màu đỏ cài trên ngực cho đến hết đời. chữ A màu đỏ là dấu sỉ nhục về tội ngoại tình (chữ A là chữ đầu từ Adultery: tội ngoại tình. Không ai ngờ được rằng người bố của đứa con hoang ấy lại là người đảm nhiệm phần hồn của Hester Prynne, mục sư Arthur Dimmesdale, một giáo sĩ trẻ đầy tài năng, được con chiên ngưỡng mộ như một vị thiên thần. Hester Prynne chịu đựng nỗi nhục nhã đau đớn. Còn Arthur Dimmesdale, bị sự dày vò khủng khiếp của lòng hối hận, ngày một gầy mòn xanh xao. Thế nhưng quần chúng không hề hay biết gì cả, vẫn sùng kính anh như một vị thánh sống. Giữa lúc đó, xuất hiện thêm một nhân vật, hình thành đủ bộ ba trong diễn biến xung đột của câu chuyện. Đó là chồng của Hester, một con người tuổi đã xế chiều, khô lạnh, dị dạng, mà Hester không hề yêu. Lão đã sống cuộc đời lang bạt, nay vừa đến đây thì thấy vợ trên cái bục ô nhục. Lão bắt đầu một cuộc săn tìm kẻ tình địch để báo thù. Buộc vợ thề không bao giờ lộ tung tích của lão ra, lão đội cái tên giả Roger Chillingworthe, xuất hiện giữa cộng đồng Thanh giáo Boston với danh nghĩa là một thầy thuốc. Như vậy là tác giả Nathaniel Hawthorne đã bắt đầu câu chuyện ở chỗ mà phương sách xử lý cốt truyện cổ truyền thường kết thúc. Mối quan tâm của Hawthorne không phải là ở giai đoạn diễn biến một cuộc tình duyên éo le, mà là ở tâm lý của các nhân vật trong giai đoạn tiếp sau đầy khủng hoảng quyết liệt, và những vấn đề triết lý sâu xa rút ra từ những tình tiết trong cảnh huống ấy. Hester Prynne nhẫn nhục chịu đựng nỗi đau đớn ê chề trước sự ghê sợ khinh bỉ và nhục mạ của mọi người. Chị không bỏ đi nơi khác để làm lại cuộc đời, mà tiếp tục ở lại giữa mảnh đất đã ruồng rẫy chị, coi đó là một định mệnh. Chị giữ một phong cách giản dị khổ hạnh, tích cực lao động kiếm sống cho mình và cho đứa con gái nhỏ. Con người bị xã hội khinh rẻ đã thể hiện một tấm lòng nồng hậu và nhân đạo, tự nguyện làm một bà phước, tận tụy săn sóc cưu mang những người nghèo khổ, ốm đau. Sau những năm dài, cuộc sống trong sáng của chị đã biện hộ cho chị. Dần dần người ta có thiện cảm với chị, tha thứ cho lỗi lầm của chị. Chữ A màu đỏ chỉ còn là một dấu vết của quá khứ đã lùi xa về phía sau, biến thành một biểu tượng mang một ý nghĩa khác: ý nghĩa của sự tích cực, của lòng thương người, của nguồn an ủi. Trong suốt thời gian Hester Prynne triền miên chịu sỉ nhục thì mục sư Arthur Dimmesdale cũng triền miên day dứt, hối hận trong lòng. Sự hối hận thôi thúc anh bộc bạch tội lỗi, nhưng anh không đủ dũng khí, chỉ dùng được những lời ám chỉ để tự phê phán. Nhưng anh càng tự phê phán thì người ta lại càng kính trọng anh. Và anh thấy khổ sở tự ghê tởm mình. Quá trình dày vò dai dẳng ấy làm anh ngày càng héo hon tiều tụy. Lão Roger Chillingworthe từ khi xuất hiện ở Boston đã tiếp cận Dimmesdale, ngỏ ý muốn chữa bệnh cho anh. Những diễn biến đặc biệt trong sự đau ốm của thể chất và tâm thần anh làm lão sinh nghi, càng quyết tâm thâm dò, tìm hiểu. Nhân dân Boston vui mừng vì Thượng đế đã cho một vị bác sĩ y khoa lỗi lạc đến chăm sóc sức khỏe người mục sư mà họ xiết bao yêu quý. Người ta bố trí cho lão ở chung một nhà với Dimmesdale. Bằng sự sắc sảo của một đầu óc thông thái và quỷ quyệt, lão đã dần dần phát hiện và đi đến khẳng định anh chính là kẻ tình địch mà lão đang săn tìm. Thế là từ đấy lão bám sát anh, báo thù theo cách của lão, dùng mọi thủ đoạn kích động hành hạ cho Dimmesdale thêm đau đớn. Bảy năm đằng đẳng trôi qua với sự im lặng chịu đựng của Hester, với nỗi thống khổ khắc khoải trong tâm hồn Dimmesdale mà lão Chillingworth đã nhai xé cho ngày càng trầm trọng, khiến sức khỏe của anh suy sụp chỉ còn như ngọn lửa chập chờn sắp lụi tàn. Hester Prynne thấy giấu kính tông tích lão chồng cũ không phải là tránh được tai họa cho Dimmesdale, nên chị rút bỏ lời thề, nói cho Dimmesdale rõ sự thực. Hai người nhận thấy âm mưu báo thù của lão Chillingworth còn xấu xa hơn nhiều so với tội lỗi của họ. Họ bàn tính cùng nhau bỏ đi thật xa, làm lại cuộc đời. Nhưng Roger Chillingworth biết được ý đồ ấy. Vậy là chỉ còn một nơi để thoát khỏi tay lão: đó là bục tội hình. Ngay sau buổi thuyết giáo của Dimmesdale trong một ngày hội tụ tập đông đảo quần chúng, Dimmesdale gọi Hester và con gái cùng bước lên bục tội hình, nơi mà bảy năm về trước, Hester một mình chịu hình phạt. Đứng trên bục, Dimmesdale bộc lộ lỗi lầm của mình trước đám đông bàng hoàng sững sốt. Vượt qua được ngưỡng cửa của cuộc đấu tranh nội tâm ghê gớm, dành được chiến thắng trong cơn thống khổ cực độ, chàng mục sư trẻ gục xuống trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của Hester Prynne.
Nguồn: https://thuviensach.vn