Trong ngày quyến luyến chia tay với Việt Nam – Mikhail Samarsky đã chính thức ra mắt quyển sách thứ 3 được yêu thích nhất ở Nga xuất bản tại Việt Nam. Bạn đọc Việt Nam đã rất thân quen với chú chó dễ thương Trison, chú chó dẫn đường cho người khiếm thị thông qua bộ sách “Cầu Vồng Trong Đêm” của nhà văn nhỏ tuổi được mệnh danh là thần đồng văn học đến từ nước Nga – Mikhail Samarsky.
Câu chuyện lần này không xoay quanh cách chú chó và người khiếm thị, mà xoay quanh việc chú chó Trison suýt bị…giết chết! Câu chuyện cực kỳ hấp dẫn và lôi cuốn ngay từ những dòng đầu bởi chú chó Trison nhỏ bé và vì tác giả vô cùng thông minh đã viết nên những câu thoại cho Trison cực kỳ hấp dẫn, lôi cuốn và cả vui nhộn. Mikhail Samarsky với văn phong quen thuộc: trong trẻo, hồn nhiên, tươi sáng, nhưng cũng không kém phần chững chạc trong tư duy logic và bay bổng trong tư duy hình tượng.
Nếu Cầu vồng trong đêm là kết quả của sự xử lý tinh tế nguồn tư liệu thực tế dồi dào mà Mikhail Samarsky đã dày công sưu tập cộng với các chi tiết hư cấu được đưa vào khá nhuần nhuyễn thì ở Chó dẫn đường cho đại gia, ngoài những yếu tố trên, trí tưởng tượng phong phú của tác giả đã góp phần quyết định làm nên thành công cho tác phẩm. Những tình tiết ly kỳ, những chi tiết hấp dẫn đắt giá không thể có được trong bất cứ tư liệu thực tế nào, chỉ có thể là sản phẩm của năng lực tưởng tượng phi thường mà thôi. Tưởng tượng đấy, hư cấu đấy, nhưng rất sinh động, rất đời, rất thực. Và quan trọng nhất – rất nhân ái, nhân văn, nhân bản. Một con chó bị lừa đưa ra khỏi Trường đào tạo chó dẫn đường ư? Bình thường! Nhưng mục đích cú lừa này là gì? Để lấy buồng gan của nó cấy ghép cho con chó cưng của một đại gia. Khác thường! Đại gia nọ vô cùng độc đoán, hung dữ, nhưng bà vợ của ông ta là người nhân hậu, đã tìm cách cứu thoát con chó vô tội, dù biết rằng mình có thể sẽ phải đối đầu với ông chồng “bạo chúa”. Đó là chuyện bình thường. Nhưng phương cách cứu chó của bà ấy mới thực sự khác thường . Khi “âm mưu lừa dối” bị bại lộ, trong cơn tức giận, đại gia “bạo chúa” nọ đã ra lệnh bắn chết con chó. Chuyện không bình thường, vì con chó chẳng có tội lỗi gì trong “âm mưu” này cả. Nhưng người thực thi mệnh lệnh đã tìm cách qua mặt ông chủ để cứu sống con chó. Âu cũng chuyện bình thường, vì đó là “mệnh lệnh” của lương tâm. Nhưng bước ngoặt khác thường lớn nhất là khi vị đại gia nọ gặp tai nạn, bị mù, chính con chó mà ông ta từng ra lệnh giết chết lại trở thành chó dẫn đường cho ông, trở thành một người bạn bốn chân trung thành và thân thiết nhất của ông. Lời sám hối của vị đại gia ở cuối sách cho thấy lòng nhân luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, dù có khi họ độc ác, tàn nhẫn đến đâu đi nữa. Chính vì vậy, Chó dẫn đường, đại gia và nhân quả được độc giả và giới phê bình văn học Nga đánh giá cao.
Chó dẫn đường, đại gia và nhân quả không chỉ là một cuốn truyện hành động đầy gay cấn, hấp dẫn, với những pha thoát hiểm ngoạn mục trong đường tơ kẽ tóc mà còn là một câu chuyện tình người, một lời cảnh tỉnh đối với những ai đã lỡ đánh mất lòng nhân chớ nên nhắm mắt chạy theo đồng tiền và niềm vui vật chất mà quên mất rằng sống trên đời cần quan tâm giúp đỡ cộng đồng, giúp đỡ những số phận đáng thương, bất hạnh. Gieo nhân nào ắt gặt quả ấy.
***
Lời khen tặng dành cho tác phẩm “Chó dẫn đường, đại gia và nhân quả”:
“Chó dẫn đường, đại gia và nhân quả là một tuyệt tác. Tác giả Mikhail Samarsky là một con người đặc biệt. Tài năng văn chương và ý thức thiện nguyện phục vụ cộng đồng người khiếm thị của Mikhail rất đáng khâm phục. Tác phẩm của Mikhail không chỉ thuyết phục tuyệt đối giới phê bình văn học mà còn đánh động được con tim người đọc. Đó chính là phần thưởng lớn nhất cho người sáng tác.” – Nghệ sĩ nhân dân Philipp Kirkorov
“Một quyển sách tuyệt vời! Một món quà vô giá cho những ai biết thương yêu, quý mến những “người bạn bốn chân” của loài người. Tác phẩm ngập tràn nhiệt huyết và lòng yêu thương. Mikhail Samarsky – một tâm hồn nhân bản, một tài năng đang phát triển, thăng hoa.” Nhà văn công huân A. Y. Skazhinsky,P. Chủ tịch hội nhà văn LB Nga, Ủy viên Hội nhà báo LB Nga.
“Một tác phẩm giàu kịch tính và đầy chất nhân văn. Tác giả ở tuổi vị thành niên mà viết được như vậy quả là rất đáng khen, rất đáng trân trọng.” – Hội viên Hội nhà văn Nga, Ủy viên Hội nhà báo quốc tế, Nhà văn Vadim Kozlov
“Đọc cuốn sách Chó dẫn đường, đại gia và nhân quả thật hứng thú. Ta cười đó, rồi có khi khóc đó. Thật nhiều cung bậc cảm xúc. Nhưng điều dễ nhận thấy nhất trong tác phẩm là tấm lòng nhân ái của tác giả nhỏ tuổi Mikhail Samarsky dành cho chó dẫn đường, dành cho người khiếm thị và dành cho tất cả mọi người.” -Nghệ sĩ công huân Tachiana Makarova
“Là người khiếm thị, tôi thưởng thức tác phẩm Chó dẫn đường, đại gia và nhân quả qua sách nói. Đó là cuốn sách hay nhất mà tôi từng được nghe (và từng được đọc bằng mắt trước đây, khi tôi chưa bị mù). Xin cảm ơn tác giả Mikhail Samarsky. -Một độc giả khiếm thị
Ngay cả trong những cơn ác mộng kinh hoàng nhất tôi cũng chưa bao giờ nằm mơ thấy những điều đáng sợ đến như vậy. Giả dụ bây giờ tôi thách các bạn đoán xem lúc này tôi đang nằm ở đâu, chắc chẳng ai đoán ra. Ôi, tôi chủ quan quá, có lẽ cũng sẽ có người đoán đúng, rằng tôi đang nằm trên bàn mổ – quả thực, loài chó thỉnh thoảng cũng mắc phải những căn bệnh mà muốn điều trị dứt điểm, đôi khi cũng cần đến sự can thiệp bằng phẫu thuật. Nhưng nếu các bạn nghĩ rằng tôi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nào đó thì quả là lầm to. Tôi khỏe như bò mộng. Hay như lời một bài hát nào đó, tôi “khỏe bằng hai con bò cộng lại”.
Không phải tự tôi thích nằm ườn ra trên bàn mổ. Thực ra, gọi là “nằm ườn” thì chẳng mấy chính xác, vì tôi bị trói chặt đến nỗi muốn vẫy tai còn khó chứ nói chi đến chuyện cử động bốn chân và cả thân mình. Tôi rầu nẫu ruột khi viết về chuyện này, thật đấy, rất buồn và rất đáng sợ: có ai đó đang cần đến buồng gan của tôi. Ôi, ngày trước tôi từng ước ao được hưởng cảnh hưu trí an nhàn sau khi thực hiện xong bổn phận của một con chó dẫn đường, nào có bao giờ nghĩ rằng đời mình sẽ phải kết thúc một cách đớn đau và… vô bổ dưới lưỡi dao mổ của một viên bác sĩ thú y nào đó. Ôi, tức thật, tức thật! Tức muốn chết đi được! Giá chi các bạn biết được rằng trong căn phòng mổ chật hẹp này nồng nặc những thứ mùi vô cùng khó chịu – nào mùi ê-te, mùi thuốc khử trùng, mùi từ những thiết bị y tế quái quỷ gì đó… Những mùi ấy có thể giết chết tôi trước khi ông bác sĩ thú y kịp rạch mũi dao tử thần vào cái hông của tôi.
Tôi nằm đó, trên bàn mổ, và cuộc đời tôi diễu qua trước mắt như một cuốn phim chiếu chậm. Qua những cuốn sách trước đây của tôi, hẳn các bạn biết, tôi đã hút chết biết bao lần. Bọn trộm chó đã nhét tôi vào cốp xe hơi rồi sau đó giam trong một nhà kho tối tăm, ẩm thấp. Một đám trẻ bắn tôi bằng ná cao su, may mà không vỡ đầu, lòi mắt. Rồi đám trẻ bụi đời suýt xả thịt tôi làm món nướng xiên que. Thậm chí tôi còn bị săn lùng bằng súng đạn ria. Mỗi lần như vậy, tôi đều may mắn thoát chết. Chứng tỏ, số tôi hên. Nhưng chỉ hên được đến thế thôi, còn bây giờ là… chấm hết. Ông bác sĩ thú y bảo rằng chỉ khoảng 15 – 20 phút nữa là ông ấy sẽ bắt tay thực hiện công việc. Hừm, “công việc”! “Giết chóc” thì có chứ “công việc” cái nỗi gì! Chỉ được cái khéo đánh tráo khái niệm! Thử nghĩ xem, có thể gọi là “công việc” được hay không khi mà người ta mổ bụng, moi gan một con chó khỏe mạnh bình thường, có khả năng lao động? Có thể điên lên được với những thứ gọi là “công việc” như vậy. Nhưng thôi, biết làm sao bây giờ? Thôi thì còn chút ít thời gian, nếu các bạn muốn, tôi xin tranh thủ kể các bạn nghe chuyện gì đã xảy ra và tại sao tôi lại bị trói cả bốn chân quẳng lên cái bàn mổ chết tiệt này.
Lần gần đây nhất tôi phục vụ ông Vladimir Petrovich, nhân viên cứu hộ thuộc Bộ các tình trạng khẩn cấp. Ông bị mù cả hai mắt trong một lần tham gia cứu nạn. Nhưng rồi sau đó ít lâu, các đồng nghiệp của ông quyên tiền đưa ông sang Đức làm phẫu thuật mắt và kết quả là một con mắt đã phục hồi thị lực. Tôi được trả về trường đào tạo chó dẫn đường.
Sau đó, tôi lại được giao cho một chàng thanh niên mù. Ở trong nhà chàng trai này, tôi cảm thấy không thích thú gì cả, thậm chí còn linh cảm sẽ xảy ra chuyện gì đó không ổn. Khi tham gia huấn luyện cùng với tôi ở trường, anh ta được gọi tên là Vichia, vậy mà khi vừa về nhà, anh ta lại có tên là Koschia. Tôi nghe anh ta gọi điện thoại cho ai đó, nói: “Tao đây, Koschia đây, đến ngay đi, có hàng rồi”. Sau đó anh ta tháo cặp kính đen ra, ném vào xó nhà, ngồi phịch xuống ghế bành, cáu kỉnh lẩm bẩm:
– Đóng kịch bấy nhiêu đó đủ rồi. Chán quá đi thôi.
Tôi nhìn anh ta và hiểu ngay rằng đó là người sáng mắt chứ chẳng phải mù lòa gì cả. Vài phút sau, anh ta quay lại, nhìn tôi trừng trừng rồi quát:
– Nhìn cái gì thế? Người ta sắp đến bắt mày đi đấy.
Chuyện gì thế này? Hóa ra anh ta dùng chữ “hàng” để gọi tôi. Ối cha cha!!! Từ đáy con tim, tôi cảm nhận rằng chuyện này lành ít dữ nhiều. Người ta sắp đến bắt tôi đưa đi đâu? Có nghĩa, họ đâu có cần đến chó dẫn đường? Anh chàng Vichia-Koschia này đích thực là người sáng mắt. Nhưng từ sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn nuôi chút hi vọng là người ta sẽ đưa tôi đến với một người mù nào đó. Tôi cũng thoáng nghĩ, hay là người ta sẽ đưa tôi ra nước ngoài? Nhưng trường tôi là trường quốc gia, chỉ đào tạo chó dẫn đường cho công dân Nga mà thôi.
Tuy nhiên, khi những nhân vật mới xuất hiện trong căn hộ, mọi niềm hi vọng của tôi đều tan biến hết. Giá như các bạn được nhìn thấy những bộ mặt dữ dằn ấy. Đúng là những bộ mặt thú dữ. Nắm đấm của chúng còn to hơn cả cái đầu chó của tôi. Một gã đặt tôi nằm ngửa trên lưng và đưa tay sờ nắn gì đó ở vùng bụng của tôi rồi hỏi anh chàng Vichia-Koschia:
– Nó mạnh khỏe bình thường chứ? Không bị bệnh gì chứ?
– Tất nhiên là nó mạnh khỏe. Sản phẩm của Trường đào tạo chó dẫn đường quốc gia mà lại. Ở trường ấy, đời nào người ta lại đi nuôi nấng, đào tạo thứ chó bệnh? Nói cho mà biết, ở trường còn có cả bệnh viện thú y. Việc tiêm chủng được thực hiện định kỳ, đều đặn theo lịch. Tóm lại, việc chăm sóc sức khỏe cho lũ chó ở đấy luôn được thực hiện trên tầm cao quốc tế.
– Giấy tờ tùy thân của nó đâu?
– Đây, có đây, đầy đủ. – Vichia-Koschia đưa ra các loại giấy tờ.
– Tốt! – Gã trai có bộ mặt hầm hố xoa tay thỏa mãn. – Quan trọng nhất là buồng gan của nó còn xài được, chứ nếu không, sếp sẽ xé xác chúng ta ra làm trăm mảnh. – Rồi hắn quay sang gã trai đi cùng, nói: – Nào, chuẩn bị lồng rọ đi.
Chỉ phút sau, tôi đã phải ngồi trong một cái lồng to vật, bản thân chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả. Ông sếp nào của họ mà dữ dằn đến thế? Tại sao ông ấy lại cần đến buồng gan của tôi? Ông ấy là người thích xơi món lạ hay sao? Ôi! Bất giác tôi cảm thấy đau nhói bên hông. Nếu ông ấy thường xuyên xơi món gan chó thì không biết đã có bao nhiêu con chó oan mạng. Lạ thật đấy. Đúng là đồ quái vật!
Lát sau, tôi, giống như một con báo con beo man dã nào đó, bị nhốt trong cái lồng to tướng và chắc chắn, được người ta đưa ra ngoài sân rồi tống lên một chiếc xe hơi 16 chỗ đã dẹp bớt những hàng ghế sau. Thời gian di chuyển rất lâu, không phải vì đường xa, mà vì kẹt xe liên tục. Tôi ngủ gà ngủ gật, nhưng vẫn nghe được câu chuyện của những tên “lính” áp tải.
– Ông chủ của chúng ta quả là một người cực quái. Nhiều lúc cứ như trẻ con. Thật đấy. – Gã lái xe nói.
– Tại sao mày nói thế?
– Thì đấy. Ông ấy cứ thích phải có được con chó Labrador to vật này cơ. Phải chi cứ chọn lấy một chú cún con, rồi nuôi dạy từ từ, tùy thích.
– Ôi, mày nói gì vậy? – Gã hộ pháp phản đối. – Con chó của ông ấy đang gặp vấn đề gì đó. Mọi chuyện không đơn giản như mày nghĩ đâu.
– Ôi dào, – một gã khác phẩy tay, – chó với chẳng má. Một khi giàu có thì người ta có thể nghĩ ra đủ mọi chuyện điên.
– Nhìn chung thì mày nói đúng đấy, – gã tài xế gật đầu biểu đồng tình. – Nếu không có tiền, bố bảo cũng chẳng ai dám làm những trò điên như vậy. Một ca phẫu thuật như thế này tốn tiền tấn chứ ít sao, tao biết chứ.
– Thôi đi cha nội ơi, việc quái gì mà cứ phải đếm tiền trong túi người khác. – Một tên trong bọn cười phá.
– Vấn đề không phải là tiền. – Một tên khác chen vào. – Có ai thương xót con chó này không? – Hắn hất hàm về phía tôi. – Lát nữa đây người ta sẽ rạch bụng một con chó vô tội, và thế là xong đời nó…
Tôi nghe những lời ấy mà giật mình. Nhưng cho đến lúc đó tôi vẫn chưa thể nào hình dung ra được người ta cần cái gì ở tôi. Và bỗng nhiên một trong những kẻ áp giải tôi tiết lộ bí mật:
– Thật đáng tiếc nếu lá gan của nó không được cơ thể con chó của ông chủ chấp nhận. Chẳng chắc gì con chó của ông ấy sống được với lá gan của con chó này.
– Ghê nhỉ, – tay tài xế huýt gió ngạc nhiên, – vậy hóa ra chẳng có gì bảo đảm thành công cả sao?
– Tất nhiên là chẳng có gì bảo đảm cả! – Một gã trong bọn gật đầu. – Ông bác sĩ nói rồi – năm mươi/ năm mươi. Việc cấy ghép gan thì ông ấy vẫn tiến hành, nhưng không dám hứa chắc con chó của ông chủ sẽ sống được.
– Bác sĩ gì mà lạ thế! Như vậy là lừa đảo. – Gã tài xế tỏ vẻ bất bình.
– Tại sao mày nói vậy?
– Năm mươi / năm mươi là thế quái nào? Chẳng có chút trách nhiệm nào về lời nói của mình cả. Chẳng khác gì dự báo thời tiết theo kiểu “có thể sẽ mưa, cũng có thể sẽ nắng”. Dự đoán như thế thì ai mà chẳng dự đoán được. Trong trường hợp này cũng vậy.
Cả bọn cười ồ. Nhưng tôi bắt đầu hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chuyện là sao? Phải chăng một tay nhà giàu nào đó muốn lấy buồng gan của tôi cấy ghép cho con chó đang bị bệnh của mình hòng cứu sống nó. Thật nhân đức làm sao! Cứu một con chó bằng cách tống tiễn một con chó khác qua thế giới bên kia. Nhưng điều đáng buồn nhất là thậm chí bác sĩ cũng không xác quyết là con chó nọ sẽ sống nổi sau khi được cấy ghép gan. Và họ đã dối gạt nhà trường bằng cách nào để được nhận tôi về?
Khi đến nơi, người ta chẳng cho tôi ra khỏi lồng. Ông bác sĩ chích cho tôi một mũi thuốc gì đó khiến đầu óc tôi trở nên lơ mơ, lơ mơ, nhìn thấy mọi sự việc xung quanh diễn ra y như trong một cuốn phim chiếu chậm. Tóm lại tôi đã kịp kể các bạn nghe tại sao tôi lại có mặt trên bàn mổ. Tôi thầm từ biệt cuộc đời, thầm gửi lời tạ lỗi đến tất cả những ai mà tôi vô tình xúc phạm, sủa oan. Các bạn biết không, tôi tiếc cuộc sống này quá, chỉ muốn tru lên như chó sói. Xin đừng nghĩ là tôi đớn hèn, tham sống sợ chết. Không, tôi đã chấp nhận số phận. Chỉ buồn là phải chết một cách vô nghĩa và chết như một con chó vô danh… Ôi!!!
Khoan! Hình như có một cơ hội dành cho tôi chăng? Một người đàn ông và một phụ nữ bước vào phòng mổ và nhìn ngắm tôi một cách chăm chú. Người đàn ông chính là ông bác sĩ, còn người phụ nữ là… là ai tôi không biết. Nhưng trước hết hãy nghe họ nói gì với nhau:
– Bác sĩ Anton, nếu không có bất cứ sự bảo đảm thành công nào thì liệu ca phẫu thuật này có ý nghĩa gì? – Người phụ nữ vung tay, hỏi giọng cáu gắt. – Nuôi một con chó khác có phải hơn không?
– Ôi, thưa bà Olga Semionovna, tôi cũng đã đề nghị như vậy với ông Alexander Mikhailovich rồi đấy ạ.
– Rồi ông ấy nói sao? – Bà Olga nhìn chăm chú vào mắt ông bác sĩ.
– Phản đối thẳng thừng. – Ông bác sĩ chém bàn tay vào không khí. – Ông ấy bảo: “Tôi không biết, ông làm gì thì làm nhưng phải cứu bằng được con chó Grin của tôi”. Ông ấy dứt khoát không chịu nghe bất cứ ý kiến nào khác.
– Nếu sau khi được ghép gan, con Grin vẫn không sống nổi thì sao?
– Có Chúa biết được chuyện gì sẽ xảy ra, – ông bác sĩ nhún vai. – Nếu bà muốn, tôi xin nói thật: cơ hội được tiếp tục sống của con chó Grin là vô cùng thấp.
– Nghe này, nếu… – bà Olga ngừng lời, đắn đo một lát rồi bật ra: – Nếu ta biến con chó này thành con Grin thì sao?
– Như thế nghĩa là thế nào? – Ông bác sĩ há hốc mồm.
– Rất đơn giản! – Bà Olga xoa xoa hai bàn tay vào nhau. – Một con chó cần bao nhiêu thời gian nghỉ ngơi tĩnh dưỡng sau phẫu thuật cấy ghép gan?
– Bà nghĩ ra điều gì thế? – Ông bác sĩ tỏ ra lo sợ.
– Chúng ta có thể giấu nó đi trong khoảng một tháng không? – Bà Olga hỏi.
– Trước hết bà hãy cho biết, bà đã nghĩ ra kế gì? – Ông bác sĩ vẫn khăng khăng ý mình.
– Tóm lại là thế này, – bà Olga nói dứt khoát: – Chúng ta sẽ hủy bỏ ca mổ!
Ông bác sĩ giật mình, xua tay lia lịa.
– Ối, ối, thưa bà Olga Semionovna, làm sao có thể như vậy được? Ông Alexander Mikhailovich lại chẳng moi buồng gan của tôi ra làm món pa-tê chứ ông ấy tha cho à? Không, không được đâu. Tôi không dám chơi trò mạo hiểm ấy đâu.
– Bao nhiêu? – Bà Olga sầm mặt hỏi.
– “Bao nhiêu” gì cơ? – Ông bác sĩ nhíu mày, co rúm người.
– Ông cần bao nhiêu tiền cho sự im lặng của mình? – Bà Olga rít lên.
– Thưa bà Olga Semionovna, xin bà tha cho tôi đi ạ. – Ông bác sĩ lập cập van lơn. – Xin bà hiểu cho…
– Yên tâm đi, bác sĩ Anton, tôi sẽ lãnh nhận mọi hậu quả về mình nếu xảy ra điều tồi tệ. Ngày mai ông sẽ nhận một triệu rúp!
– Vậy rồi chúng ta sẽ làm gì với con Grin? – Ông bác sĩ run rẩy hỏi.
– Thì ông cứ hãy cứu chữa cho nó! – Bà Olga trả lời. – Trong những trường hợp tương tự, người ta sẽ phải làm gì với con chó bệnh?
– Thông thường thì người ta chỉ còn cách đem chôn nó đi mà thôi. – Bác sĩ thở dài nặng nhọc.
– Không! – Bà Olga nói dứt khoát. – Chúng ta sẽ không làm điều ác đó. Ông hãy cứ cứu chữa, tiêm thuốc giảm đau cho nó. Vạn bất đắc dĩ nếu nó không qua khỏi thì hãy để nó chết bằng cái chết tự nhiên. Tuyệt đối không được đem chôn khi nó chưa chết hẳn. Tôi không cho phép làm điều đó!
– Tôi hiểu, – ông bác sĩ gật đầu. – Như vậy là mọi chuyện đã rõ.
– Nó còn cầm cự được bao lâu nữa? – Bà Olga hỏi.
– Nhiều nhất là một tuần, – bác sĩ trả lời, – nhưng chắc chỉ một hai ngày là cùng.
Ông bác sĩ ngồi phịch xuống cái ghế giữa phòng, hai tay ôm đầu.
– Bây giờ thế này, – bà Olga nói giọng ra lệnh, – ông sẽ nói với ông Alexander Mikhailovich rằng ca phẫu thuật đã thành công, nhưng hiện tại không được làm phiền con chó, phải để cho nó nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Sau đó, mọi chuyện hãy đẩy hết qua cho tôi. Hãy nói rằng bà Olga đã đưa con chó Grin ra nhà nghỉ ngoại ô cho nó dưỡng bệnh, nghỉ ngơi sau ca mổ cấy ghép. Những gì tiếp theo hãy để mặc tôi ứng phó với ông Alexander Mikhailovich. Tôi sẽ tìm cách giải thích hợp lý nhất. Còn bây giờ, ông hãy cải trang con chó này – bà Olga chỉ tay về phía tôi – thành một con chó “hậu phẫu”, băng bó kín mít, bôi máu me lên mình nó thật nhiều, khiến ngay mẹ đẻ của nó cũng không nhận ra. Tôi sẽ trở lại sau hai hoặc ba tiếng đồng hồ. Cứ thế mà làm, không được rút lui đâu đấy. Hiểu chưa?
– Thưa bà Olga Semionovna kính mến, nói thực lòng, tôi rất sợ. – Ông bác sĩ run rẩy nói.
– Ông sợ ai? – Bà Olga cười khẩy.
– Tôi sợ ông Alexander Mikhailovich. – Bác sĩ Anton thì thào đáp.
– Điều đó cũng tốt, thậm chí rất tốt! – Bà Olga gật đầu. – Nhưng trong trường hợp này, tốt hơn hết ông phải sợ tôi. Chớ có mà làm hỏng chuyện! – Bà Olga đưa ngón tay điểm mặt, hăm dọa.
– Có chết tôi cũng không dám, thưa bà! – Ông bác sĩ run run thề thốt. – Tôi còn có lối thoát nào nữa đâu.
– Giỏi. Biết thế là tốt! – Bà Olga khen một câu rồi tiến về phía cửa, nhưng ở ngay ngưỡng cửa, bà ấy quay ngoắt lại hỏi: – Hi vọng, trong vòng một tháng, chúng ta có thể biến con chó này thành con Grin chứ? Làm được không?
– Làm được! – Ông bác sĩ trả lời, giọng đã có phần tự tin. – Hai con khá giống nhau. Thực ra cũng cần “cải trang” lại đôi chút, tô màu mấy vệt lông cho giống, cắt xẻ đôi chỗ, kiểu như phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh hình ấy mà. Tai của con Grin có bị sứt sẹo đôi chỗ vì từng cắn nhau với một con chó Stafford, bà nhớ chứ, vì vậy phải chỉnh tai của con chó này sao cho giống. Nhưng mọi công việc ấy chỉ là chuyện vặt. Tôi thuộc từng sợi lông trên mình con Grin mà.
– Được rồi, cứ thế tiến hành đi. Sáng mai tôi với ông Alexander Mikhailovich sẽ đến. Ông hãy liệu làm sao để chồng tôi không hề tỏ ý nghi ngờ gì cả. Nhớ băng bó thật kỹ con chó “hiến tặng nội tạng” này đấy nhé, – bà Olga mỉm cười và hất hàm về phía tôi, – vì nó sẽ phải đóng vai con Grin sau ca mổ cấy ghép.
– Mọi chuyện sẽ “trên cả tuyệt vời”, thưa bà chủ! – Ông bác sĩ hứa.
– Tôi rất hi vọng ở ông, bác sĩ Anton ạ. – Bà Olga vẫy tay chào rồi bước ra khỏi phòng, khép cửa lại.
Ôi, cuối cùng thì đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Như vậy có nghĩa là án tử dành cho tôi một lần nữa lại được hoãn chăng? Hình như số tôi luôn may mắn gặp được những người tốt bụng như bà Olga Semionovna. Cầu Chúa cho bà sống lâu, bà quả là một người phụ nữ tuyệt vời. Tôi sẽ chịu được ba cái vụ “cải trang” kia, xin bà đừng lo. Sơn sửa màu lông chỉ là chuyện nhỏ. Cần xẻ vành tai một chút cho giống vết thương do bị chó cắn ư? Cũng là chuyện nhỏ! Có xẻ te tua nham nhở ra cũng chẳng sao. Thậm chí cứ việc biến tôi thành giống chó doberman hay chó chăn cừu Trung Á cũng được. Tôi chấp nhận tuốt. Đã có ai nhìn thấy những giống chó ấy chưa? Chúng hoàn toàn không có vành tai, nhưng vẫn sống khỏe như thường. Quan trọng nhất là buồng gan vẫn còn nguyên trong bụng tôi và tôi tiếp tục được sống trên cõi đời này.
Như vậy, tôi sẽ phải sống dưới một cái tên khác. Tên gì ấy nhỉ? Ờ, Grin. Thì đã sao nào. Một cái tên không đến nỗi tồi. Tuy nhiên, nếu tôi tìm được cách trốn thoát và trở về trường, không biết các thầy cô huấn luyện viên có nhận ra tôi không, vì lúc đó tôi đã bị tô lông thành màu khác, có khi trông sặc sỡ như con vẹt chứ chẳng chơi. Nhưng hình như tôi đã thả hồn đi quá xa. Chớ có vội mơ về ngày được trở lại trường. Để còn xem, liệu cái ông… ông gì ấy nhỉ, ờ ông Alexander Mikhailovich bạo chúa ấy có chấp nhận mi là con chó Grin của ông ấy hay không. Nhỡ chẳng may ông ấy phát hiện ra tôi chỉ là con Grin giả, nghĩa là bị đánh tráo thay cho con Grin thật của ông ấy, thì sao? Thôi thì phó mặc rủi may. Giờ đây, mọi sự chỉ có thể trông mong vào bà Olga Semionovna kính mến mà thôi. Một khi đã trót cưỡi lên lưng cọp thì ráng cưỡi cho khéo, chớ để ngã xuống, cọp nó xơi mất. Dĩ nhiên, trong chuyện này, tôi chẳng có tội lỗi gì cả. Người ta nghĩ ra những trò lừa dối gì đó, còn tôi thì lãnh hậu quả. Nhưng biết làm sao giờ, kiểu gì thì giờ đây tôi cũng sẽ phải trở thành con chó mang tên Grin của một đại gia nào đó. Dù sao thì như vậy cũng còn tốt hơn so với việc bị mổ bụng moi gan.
Hai người đàn ông bước vào phòng mổ. Về sau tôi hiểu rằng đó là các phụ tá của ông bác sĩ. Cuộc “lột xác” của tôi bắt đầu.
Mời các bạn đón đọc Chó Dẫn Đường – Đại Gia Và Nhân Quả của tác giả Mikhail Samarsky & Phạm Bá Thủy (dịch).