Tác phẩm “Chim hót trong lồng” viết về một cô bé rất cảm động. Từ những nỗi niềm của cô bé đó, ông mang theo trong những chuyến vượt biên sau này… có một sự dính líu nào đó trong những hoàn cảnh của những người vượt biên, chắc chắn ông đã gặp những cô bé bất hạnh trên đường đi, ông có liên tưởng đến nỗi bất hạnh mới từ cô bé trong “Chim hót trong lồng”…
***
truyện viết theo thể Nhật ký
(đã xuất bản 16 lần ở VN và 2 lần ở Hoa Kỳ)
Chủ Nhật, ngày 16 tháng 11…
Má ơi,
Thế là hôm nay má không đến con rồi. Con bắt đền má đấy. Cả buổi tối hôm qua con gấp áo ở đầu giường, con đi ngủ rồi mà còn nghĩ đến má. Con cũng nằm mơ thấy má dẫn con đi nhặt lá đa ở trên hồ, nhưng không phải hồ Gươm đâu má ạ. Cái hồ mà lại có khói mờ mờ ở trên mặt nước. Con thì mặc cái váy đầm xanh mà má mới mua cho con. Còn má thì bận quần đen, áo đen. Má đánh môi son làm ai cũng nhìn. Con đang mơ thì Ma soeur Félicité đến đánh thức con dậy. Bà mắng con đi ngủ mà không buông màn. Con tiếc quá, định nằm mơ nữa thì ngủ quên đi mất. Đến sáng hôm nay thì con chờ má hết hơi. Con bắt đền má đấy. Ở ngoài cổng trường bao nhiêu là người đến đón. Sáng nay lành lạnh nên đứng ở trong hiên nhìn ra có nhiều màu áo lắm má ạ. Có một bà mặc áo vét xanh, mà da cũng trắng như má, đứng ôm cái gì ở ngực. Con tưởng là má, nhưng đến lúc mọi người vào sân trường rồi thì hóa ra không phải.
Lũ bạn chúng con tìm được ba má chúng nó, nên hét vang lên rồi chạy nhắng nhít ở trên sân sỏi. Còn con thì cứ nhớn nhác nhìn bà này bà kia, mà chẳng có ai là má cả. Ma soeur Félicité đi tìm hộ con cũng không thấy má. Đến lúc người ta ra hết rồi thì chỉ còn lại mỗi một mình con. Con đứng ở giữa sân nhìn theo mọi người. .Con tức má ghê lắm. Nước mắt con chạy vòng quanh, rồi con ngồi ở ghế đá mà khóc. Soeur Félicité lau nước mắt cho con. Bà ấy dỗ dành mà con vẫn thấy buồn, thấy ghét má. Cả một tuần có một ngày Chủ Nhật, mà má lại không đến tìm con. Ma soeur rủ con lên phòng nhưng con vẫn ngồi ở đấy. Con nhìn những chiếc lá bàng đỏ ối rơi ở trên sân sỏi mà nhớ đến giấc mơ đêm hôm qua. Hôm nay con cũng bận váy đầm xanh mặc áo len trắng. À, dép của con đứt một quai rồi má ạ. Nếu hôm nay mà được ra thì sẽ đem khâu được. Hôm Thứ Năm chơi nhẩy dây ở ngoài sân con bị trẹo chân vì cái quai dép ấy đấy. Nhưng không làm sao má ạ. Con khỏi ngay, chỉ hơi đau đau thôi. Hôm nay má không vào thì con còn phải lê một tuần nữa. Tuần sau đấy má nhé, tuần sau má phải vào với con không thì con khóc đến chiều, đến mai nữa không biết chừng.
Mấy hôm nay hơi rét má nhỉ. Đêm nằm má có lạnh không? Cái cửa sổ có kính vỡ má đã bịt đi chưa? Ở đây, hôm Thứ Sáu các Ma soeur cũng phát thêm chăn rồi. Buổi tối lúc tắt đèn, con rúc vào chăn ấm mà nghĩ đến má thì thích lắm. Giá bấy giờ mà được nằm với má, ôm cổ má mà ngủ thì còn thích bằng mấy. Nhưng bao giờ má lại cho con ngủ với má. Con chỉ cần ngủ với má một tuần một lần vào tối Chủ Nhật thôi. Thế mà dạo này má cũng không cho. Con ghét má rồi. Má hay bắt con về trường từ chiều tối hôm trước, làm con sợ cái buồng vắng vẻ này lắm. Những ngày khác còn vui vui, chứ tối hôm ấy thì chỉ có một mình con. Như thế là chẳng có tối hôm nào con được nằm rúc vào nách má cả. Tại sao thế má? Con đoán là tại tối hôm ấy đang ngủ với con, má bỏ ra đi đến gần sáng, rồi con cứ hỏi mãi má phải không má? Nếu đúng như thế thì con hứa sẽ không hỏi má đi đâu nữa. Má cứ đi, nhưng má cho con ngủ với má mỗi tuần một lần là con bằng lòng rồi. Con không sợ ma nữa. Con không bắt đền má nữa, nhé má nhé. Tuần sau nhé, tuần sau má cho con ở lại nhà một tối nhé. Con nhớ cái mùi thơm thơm ở cổ má, con nhớ làn da mịn mịn ở tay má vuốt vào lưng con. Con cũng gãi lưng cho má. Mẹ con mình nằm với nhau như thế có phải là sướng hơn không.
À, tuần này con nhiều bon point lắm má ạ. Soeur Lucie khen này, soeur Antoine cũng khen này, con nhất về dictée, về vocabulaire, còn géographie thì con được thứ ba. Thế là má nợ con một buổi đi chơi chùa đấy nhé. Tuần này con cũng mới học được kiểu thêu point de chainette. Nếu má mua vải cho con thì con viền và thêu mù xoa cho má. Còn hộp thuốc ho thì con đưa các soeur rồi. Mỗi ngày Ma soeur cho con uống hai viên. Uống ba hôm thì khỏi. Má đừng buồn nhé. Ở trong này ấm bằng mấy ở nhà. Vì chỗ nào cũng có cửa kính, không có gió đâu má ạ. Con chỉ lo cho má thôi. Nếu má giầu thì má thuê nhà khác. Ở đây ghét nhất là phải lội bùn những hôm trời mưa. Mà lại còn buồn nữa. Má ở một mình như thế chắc má cũng nhớ con lắm má nhỉ. Còn con thì khỏi phải nói. Lúc nào con cũng nhớ má. Con chỉ mong cho chóng đến ngày Chủ Nhật để về với má.
Lần sau thì má phải vào với con. Con cứ đứng chờ má ở ngoài sân. Nếu má lại không tới thì con cứ đứng cho chết cóng thì thôi đấy. Lá thư này đến mai thì con gửi đi. Con sẽ chờ đến khi cổng trường mở cho mọi người trở về thì con chạy tọt ra thùng thư chỗ cột đèn mà bỏ vào đấy. Con không có tem nhưng mặc kệ cho má bị phạt. Ai bảo má không yêu con gái, má không nhớ con gái của má.
Con hôn má thật nhiều đấy má nhé.
Hạnh
Nhà văn Nhật Tiến tên thật là Bùi Nhật Tiến, sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông bắt đầu sáng tác từ những năm 50 của thế kỷ 20.
Năm 1951, truyện ngắn đầu tay của Nhật Tiến là “Chiến nhẫn mặt ngọc” được đăng trên tờ Giang Sơn. Đây là tác phẩm đầu tiên của ông được đăng trên báo. Sau 1951, Nhật Tiến cộng tác với tạp chí Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh. Ngoài ra, ông còn viết cho các báo Tân Phong, Văn, Bách khoa, Văn Học, Đông Phương. Ông làm chủ bút tuần báo Thiếu Nhi từ năm 1971 cho tới 1975 do nhà sách Khai Trí xuất bản. Năm 1954, ông di cư vào Nam, đầu tiên sống tại Đà Lạt. Hoạt động của ông trong thời gian này là viết kịch cho Đài phát thanh sau đó về Sài Gòn dạy học tại các trường tư thục. Ông viết nhiều thể loại, truyện dài, truyện ngắn, kịch. Ông đã xuất bản trên 20 tác phẩm trong đó nổi tiếng nhất là Những Người Áo Trắng, Chim Hót Trong Lồng, Thềm Hoang, Người Kéo Màn, Giấc Ngủ Chập Chờn.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Mạnh Trinh đã viết về ông: “Có rất nhiều chân dung nhà văn Nhật Tiến: nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, nhà văn của hiện thực xã hôi, nhà văn của lưu lạc xứ người, mà mẫu chân dung nào cũng đều có nhiều cá tính văn chương và trong mỗi dòng chữ mỗi ý tưởng đếu có những thông điệp trao gửi theo..”
Mời các bạn đón đọc Chim Hót Trong Lồng của tác giả Nhật Tiến.