Một người cha mất tích bí ẩn, một hành trình truy tìm dấu vết của ông bằng cách lần theo một mẫu xe đạp vào 20 năm sau của đứa con nay đã là nhà văn, một mạng lưới các câu chuyện đan xen của những cảnh đời gắn liền với những con ngựa sắt, Chiếc xe đạp mất cắp là cuốn tiểu thuyết lịch sử kỳ vĩ, đồng thời lại thấm đượm yếu tố kỳ ảo độc đáo, dẫn dắt người đọc qua bao vùng đất và thời kỳ, từ những ngõ ngách của Đài Bắc hiện đại tới rừng bắc Burma trong Đệ Nhị Thế Chiến.
Bằng bút pháp từ tốn mà sâu lắng, lại thành thục nghệ thuật truyện lồng trong truyện, Wu Ming Yi, nhà văn đầu tiên của Đài Loan lọt vào đề cử của giải Man Booker Quốc tế, đã khắc họa tài tình những số phận tình cờ liên đới tới nhau, và thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc về đời sống của con người cũng như của động vật.
Tác giả Wu Ming Yi sinh năm 1971, là nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, giáo sư văn chương, học giả sưu tập bướm, nhà hoạt động vì môi trường, giảng dạy văn chương Trung Hoa và môn Viết sáng tạo tại Đại học Quốc gia Dong Hwa từ năm 2002.
Chiếc xe đạp mất cắp (The Stolen Bicycle) sau khi phát hành đã được dịch sang tiếng Nhật, Anh, Hàn; từng được đề cử giải Man Booker, gây chú ý đặc biệt đối với giới phê bình, báo chí và độc giả phương Tây vì một lối viết lạ lùng, thú vị, một cách thế soi rọi lịch sử đầy mới mẻ và hấp dẫn.
***
Năm 2018, khi tác phẩm “Chiếc xe đạp mất cắp” (Nguyễn Tú Uyên dịch) của Wu Ming-Yi được đề cử vào danh sách giải International Man Booker, độc giả nhận ra có một nền văn học đã tồn tại và phát triển gần chúng ta đến thế mà cũng xa lạ với ta đến thế.
Chính vì vậy, tiểu thuyết “Chiếc xe đạp mắt cắp” của Wu Ming-Yi trở thành một đại diện tiêu biểu, bao quát về lịch sử, phong thổ, tâm tính, bằng cách dùng ngôn ngữ tái dựng đời một con người để phóng chiếu ra vạn con người, gắn mình với những biến cố trải dài trong 100 năm từ đầu thế kỷ XX vắt sang đầu thế kỷ XXI.
Lấy chiếc xe đạp mất cắp làm cớ, Wu Ming-Yi khởi sự hành trình đi tìm kiếm chiếc xe đạp mang tên Hạnh Phúc để làm mối dây xâu chuỗi các câu chuyện, các sự kiện lịch sử xảy ra trên hòn đảo. Từng chương một nối lời nhau để cất lên khúc ca vừa mãnh liệt vừa bi thiết lại trào lộng. Đài Loan được khắc họa như thể cả quá khứ và đồng hiện, nơi mà thế giới tâm linh và hiện thực ngồn ngộn của đời sống quyện chặt với nhau, bằng bút pháp nhuần nhuyễn chuyển dịch từ không gian hiện thực sang không gian huyền ảo.
Độc giả như đứng trên cái lằn ranh hư ảo ấy, với từng không – thời gian chồng chéo lên nhau để nhà văn dẫn dắt qua lại mà vẫn không lạc lối trong những câu chuyện rời rạc như từng mảnh ghép cấu thành bức tranh tổng thể lịch sử, văn hóa Đài Loan.
Không gian mà Wu Ming-Yi miêu tả gợi chúng ta nhớ đến một Đài Loan chuyển mình trong cơn bão lịch sử đã từng thấy trong các phim điện ảnh: “Bi tình thành thị” (1989), “Hỷ mộng nhân sinh” (1993) và “Hảo nam hảo nữ” (1995) của Hầu Hiếu Hiền hay tác phẩm kinh điển “A Brighter Summer Day” (1991) và “Nhất Nhất” (2000) của đạo diễn Dương Đức Xương. Một hòn đảo nơi con người được vây bọc bởi thiên nhiên trong bầu không khí bị đe dọa bởi những biến thiên của thời cuộc.
Mời các bạn đón đọc Chiếc Xe Đạp Mất Cắp của tác giả Wu Ming-Yi & Nguyễn Tú Uyên (dịch).
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn