Những cuộc múa võ như thế thường diễn vào buổi chiều. Nơi diễn thường là bờ sông Tam Bạc, giữa quãng bến tàu Tây điếc(1) và tàu Quảng Đông, hay ở quãng dốc cầu Gióp(2) đồ xuống vườn hoa chợ Ba-ty(3). Người xem có những khách chờ tàu đi Hòn Gai, Móng Cái, đi Nam Định, Thái Bình, những phu khuân vác, chân sào, thợ sắt, thợ nề, đi ở, gánh nước, du côn, bấu xấu. Nhiều khi có cả những thủy thủ tàu Ăng-lê, Ha-lan, Ma-ny, Mếch- xích, họ say rượu lạc đến đây, ngồi trên xe kéo, khật khưỡng như đảo đồng, hay đứng cặp kẻ khoác chặt tay nhau rồi mà vẫn cứ liêu xiêu, xô dụi cả vào người chung quanh.
Nhưng đông nhất vẫn cứ là trẻ con. Toàn những trẻ con lam lũ, tinh nghịch, ngang ngạnh, sục sạo, bạt mang những « lỏi », những « nhau, đặc biệt của đất Sáu Kho, đất Hải Phòng.
Tôi thường đến đây vì đây là độ nghỉ chân cuối cùng của tôi sau một ngày đi tìm việc làm ở các khu sở Dầu, Xi-măng, Cốt-phát trở về nhà. Tôi hay nghỉ ở đây cũng vì cảnh vật sông bến, tàu bè, nhà máy và người đi kẻ lại ở quãng này cứ càng ngày như quen thân với tôi, hứa hẹn với tôi nhiều lắm.
…