Tác phẩm yêu thích nhất của thanh thiếu niên Thái Lan “Nếu cất được thời gian trong chai Điều đầu tiên tôi mong được làm Là chắt chiu dành dụm từng ngày Cho tới khi vĩnh hằng trôi qua Chỉ để dành trọn chúng bên em…” Chai thời gian, ca khúc xưa cũ đã cùng Fatso đi qua tuổi niên thiếu bỗng êm ả vang lên trong một quán cóc nhỏ, gọi về những kỷ niệm… Kỷ niệm mang bóng hình một mối tình đơn phương lặng lẽ, với con đường nhỏ rợp bóng cây kèn hồng còn vương tiếng cười của đám bạn sau giờ tan lớp. Fatso, em gái, những người bạn thân, đã tiến tới ngưỡng cửa trưởng thành trong niềm vui niên thiếu, với cú sốc đầu đời khi gia đình tan vỡ, với cả cần sa, với bao lựa chọn khó khăn, khi vô tình bị cuốn vào những biến cố xã hội. Để rồi khi nhìn lại, chợt thấy tuổi trẻ như một bức tranh ghép với những mảng sáng tối, gợi những nỗi niềm man mác… Chai thời gian, cuốn tiểu thuyết bestseller nổi bật với thế hệ học sinh sinh viên Thái thập niên 1970, khám phá khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái trong một gia đình Bangkok trung lưu, những nhức nhối của hành trình trưởng thành, những giằng xé giữa tình bạn tình yêu trong trái tim tuổi mới lớn. Được khắc họa qua những khúc hồi tưởng đặc biệt ấn tượng và gần gũi, thế giới xúc cảm đó vừa thân thuộc vừa tươi mới, mang thời thanh xuân trở lại ngập tràn tâm hồn người đọc. “Tôi vẫn hay tự hỏi mình câu hỏi cũ ấy, rằng nếu tôi có thể giữ thời gian đứng yên, liệu tôi có thể có được tất cả những gì mình mong ước… Tôi vẫn còn nhớ những ngày chúng tôi đi bộ trên con đường rợp bóng cây kèn hồng; những ngày nắm tay nhau làm thành một đoạn xích để một đứa với ra rìa đầm lầy hái đài sen rồi chia nhau ăn; những ngày túm cặp của nhau không cho đứa nào lên xe buýt trước; và tất cả những ngày Jom cùng tôi sánh bước, khoác trên vai hộp đàn đến quán cóc, nơi mà chúng tôi sẽ nhét hàng đống xu vào máy hát nghe Chai thời gian hết lần này đến lần khác.”*** Ca khúc “Chai thời gian” của Jim Croce phát ra từ chiếc máy hát tự động của một quán cà phê nhỏ ven đường khiến tôi dừng bước. Từ lâu, rất lâu rồi, tôi đã không nghe lại bài hát này, như thể nó đã biến mất khỏi kí ức của mọi người và bị ém nhẹm vào một xó xỉnh tối tăm nào đó. “Này Béo, đừng về vội.” Một giọng nói trong trẻo vang lên từ góc phòng. Tôi ngẩng đầu khỏi hộp đàn vĩ cầm, ngạc nhiên quay về phía người nói. “Chị chưa muốn về nhà.” Chủ nhân của giọng nói xách hộp đàn vĩ cầm đi về phía tôi. “Muốn đi loanh quanh một chút.” “Vậy đi cà phê đâu đó nhé?” tôi gợi ý, đoạn đưa tay gạt một lọn tóc dính trên trán. Chị gật đầu thay câu trả lời. “Tóc cậu lại dài ra rồi đấy.” Chị nhìn tôi. “Tốt nhất là đi tỉa đi.” “Vội gì,” tôi vừa đáp vừa chìa tay đỡ lấy hộp đàn của chị. “Để em cầm.” “Cảm ơn,” chị lầm bầm gỡ cặp khỏi vai tôi. “Bọn mình bỏ đám này vào ô tô đi, đỡ phải vác theo.” “Chị nói cứ như mấy thứ này nặng bằng cả trái đất ấy.” Tôi bật cười bước đi, hai tay duỗi thẳng, mỗi tay xách một hộp đàn vĩ cầm, chị đi đằng sau ôm cặp sách của tôi. “Chú Maen!” chị gọi người lái xe đang ngồi đợi trên ghế băng trước cửa phòng nhạc. “Chú cho cặp sách và hai cái đàn này vào xe đi.” “Vậy còn cô thì sao ạ, thưa cô?” Chú Maen đỡ lấy đàn và cặp, nhìn chị dò hỏi.