Cây cỏ Việt Nam là một công trình khoa học mang tầm cỡ quốc gia và mang chứa nhiều tâm huyết của giáo sư Ts. Phạm Hoàng Hộ.
Thời kỳ đất nước còn chia cắt, giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã từng nổi tiếng với công trình biên khảo lấy tên là Cây Cỏ Miền Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, giáo sư Phạm Hoàng Hộ vẫn miệt mài làm việc trong những điều kiện khó khăn hạn chế. Ông đã bổ sung vào quyển Cây Cỏ Miền Nam một bộ phận thảo mộc quan trọng ở địa bàn các tỉnh phía Bắc. Với phần bổ sung này, tập sách Cây Cỏ Miền Nam được giáo sư Phạm Hoàng Hộ đổi tên thành Cây Cỏ Việt Nam
Theo giáo sư tiến sĩ Phạm Hoàng Hộ, Việt Nam là đất nước, có một thực vật chúng phong phú hàng đầu thế giới với khoảng 12.000 loài khác nhau. Trong tập sách này chúng ta có thể tìm thấy hàng ngàn giống loài tiêu biểu nhất. Mỗi giống loại được trình bày theo những tiêu chí khoa học với độ chính xác cao. Cũng theo những tiêu chí đó, giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã có một cách trình bày văn bản hơi khác thường. Ông đặc biệt chú ý đến những từ kép và viết chúng thành một từ dính liền ví dụ: bào tử, thứ diệp, bào tử nang… Cũng có những từ được ông thêm vào những dấu gạch nối. Ví dụ: giả-baomô, gân-phụ, hoa-cánh-rời… Những cách viết đó, tuy không phổ biến nhưng chắc chắn không phải là không có ý nghĩa trong những văn bản khoa học.
Nên biết hiện nay trên thế giới chưa dễ đã có mấy quốc gia – kể cả những quốc gia có nền khoa học tiên tiến – có được một công trình sưu tầm biên khảo hoàn chỉnh về thảm thực vật trên đất nước mình. Để có được một công trình khoa học như Cây cỏ Việt Nam, không biết phải tốn bao nhiêu chất xám, thời gian và tiền bạc? Điều may mắn là giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã âm thầm dành hầu hết cuộc đời mình để đầu tư cho công trình này.