Agatha Christie được mệnh danh là “Nữ hoàng truyện trinh thám” với số lượng tác phẩm được xuất bản nhiều nhất mọi thời đại, chỉ xếp sau Kinh Thánh và Shakespeare. Tại Việt Nam, nhiều thế hệ độc giả đã đọc và say mê sách của bà. Sách của Agatha có mặt trong nhiều tủ sách gia đình, được thế hệ này truyền sang thế hệ khác. Điều đó cũng đủ để chứng minh các tác phẩm của bà có sức sống và sức hấp dẫn đến mức nào.
Cô Elinor Carlisle đứng một cách bình thản ở vị trí bị cáo trước tòa với tội danh mưu sát tình địch của mình – cô Mary Gerrard. Bằng chứng đã mười mươi – chỉ có cô mới có động cơ, cơ hội và phương tiện giết người.
Tuy nhiên, trong phòng xử án, chỉ có duy nhất một người tin rằng cô gái trẻ đẹp ấy vô tội: Thám tử Hercule Poirot là tất cả những gì đứng giữa Elinor và giá treo cổ.
Là một đứa trẻ nhút nhát, khó có thể diễn tả chính xác ý kiến của mình, ban đầu bà tìm đến âm nhạc như một cách giải tỏa tâm sự và sau này là viết sách. Năm 1914, bà kết hôn với Archie Christie, một phi công chiến đấu. Trong khi đức lang quân bận rộn chiến đấu ngoài chiến trường thì bà làm y tá trong bệnh viện. Chính trong thời kỳ này, ý tưởng viết tiểu thuyết trinh thám đã nảy sinh trong tâm trí bà. Chỉ một năm sau bà đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Những bí ẩn vùng Styles, nhưng phải tới 5 năm sau nó mới được xuất bản (1920).
Trong cuốn sách này, độc giả lần đầu tiên được làm quen với một thám tử lập dị người Bỉ tên là Hercle Poirot với bộ ria ngộ nghĩnh, mái tóc điểm bạc và một tính cách tỉ mỉ, sạch sẽ. Nhưng phải tới năm 1926, những cuốn sách của Agatha mới thu hút được sự chú ý của công chúng khi bà xuất bản cuốn Vụ ám sát Roger Ackroyd. Truyện này được đăng trên một tờ báo tiếng Ireland năm 1938 và được tái bản ba lần.
Nhân vật thám tử Poirot có khả năng phá những vụ án phức tạp và được coi là nhân vật xứng đáng kế vị thám tử lừng danh Sherlock Holmes của nhà văn Arthur Conan Doyle. Christie đã viết hơn 30 tiểu thuyết trinh thám về viên cảnh sát Poirot với những truyện nổi tiếng như The Murder of Roger Ackrovd (1926), Murder on the Orient ExPress (1934) và Death on the Nile (1937). Trong đó có nhiều truyện đã được chuyển thể thành phim.
Năm 1926, hai vợ chồng Agatha ly dị bởi ông chồng ngoại tình. Đã sẵn đau buồn vì mẹ mới mất, Agatha đột nhiên biến mất. Cả nước Anh trở nên sôi sục vì một nữ nhà văn nổi tiếng bị mất tích. Ba ngày sau người ta phát hiện bà tại một khách sạn nhỏ với lời giải thích rằng bà bị mất trí nhớ. Năm 1930, bà tái hôn với một nhà khảo cổ học trẻ tuổi tên là Max Mallowan.
Ngoài nhân vật thám tử Poirot, cô Jane Marple – một nhân vật nổi tiếng và được nhiều độc giả yêu thích – được nữ nhà văn sáng tạo và giới thiệu lần đầu tiên trong cuốn Murder at the Vicarage vào năm 1930. Đây là một phụ nữ trung niên độc thân sống trong một ngôi làng tại St. Mary Mead. Cô không phải là một thám tử nhưng chỉ bằng trực giác nhạy bén và sự tập trung cao độ, cô đã phá được tất cả các vụ án mà cảnh sát chịu bó tay. Nhân vật Jane Marple được Agatha sử dụng trong 12 tiểu thuyết và trở nên nổi tiếng trong Thời đại vàng của tiểu thuyết tại Anh thời kỳ những năm 1920 và 1930.
Agatha Christie được mọi người tôn vinh là Nữ hoàng truyện trinh thám. Trong suốt cuộc đời mình, bà đã sáng tác 66 tiểu thuyết, rất nhiều truyện ngắn, kịch và hàng loạt tiểu thuyết tình cảm lãng mạn với bút danh là Mary Westmacott. Vở kịch Chiếc bẫy chuột của bà có lẽ là vở kịch trinh thám hay nhất thế giới. Một số tác phẩm của bà đã được chuyển thể thành phim, nổi bật là bộ phim Murder on the Orient Express (Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông) đã đoạt giải thưởng Hàn lâm năm 1974. Tác phẩm của bà được dịch ra hơn 100 thứ tiếng.
Trong suốt cuộc đời mình, nữ nhà văn Agatha Christie luôn căm ghét bạo lực và máu. Bà thường thú nhận rằng không biết gì về những công cụ giết người thông thường. Thậm chí bà cũng chưa từng một lần tiếp xúc với một kẻ giết người.
Để tôi nằm dưới gốc cây bách buồn.
Bay đi, hơi thở chập chờn!
Cô nàng độc ác phủ phàng giết tôi.
Chao ôi, chuẩn bị đi thôi,
Trắng tinh vải liệm dính đầy kim thông.
Hỡi ôi, cái chết não nùng.
Đúng là tôi góp phần chung đây rồi.
SHAKESPEARE – Elinor Katharine Carlisle. Cô bị khởi tố về vụ giết cô Mary Gerrard vào ngày 27 tháng Bảy trước. Cô có phạm tội hay không phạm tội?
Elinor đứng rất thẳng, đầu ngước cao. Một mái đầu duyên dáng, khuôn xương rõ nét gọn gàng. Đôi mắt sâu thẳm, linh động, làn tóc đen nhánh. Lông mày tỉa thành một đường thon mờ nhạt.
Hoàn toàn yên lặng, một sự im lặng hầu như thấy rõ được.
Ngài Edwin Bulmer, luật sư biện hộ, cảm thấy rùng mình hồi hộp. Ông nghĩ “Lạy Chúa, cô ta sẽ kháng biện là có phạm tội mất thôi! Cô ta mất tinh thần rồi.”
Môi Elinor Carlisle mở ra. Cô nói:
– Tôi không phạm tội.
Luật sư rùng mình lại. Ông đưa khăn tay phớt lên lông mày, nhận thấy mình vừa thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc.
Ngài Samuel Attenbury đứng lên, thay mặt cho Vương quyền trình bày những nét chính của vụ án.
– Kính thưa quý vị trong bồi thẩm đoàn, vào ngày 27 tháng Bảy, lúc ba giờ rưỡi chiều, cô Mary Gerrard chết tại Hunterbury, Maidensford…
Giọng ông lướt nhẹ, ngân vang êm đềm, hầu như ru Elinor vào cõi vô tri. Từ lời tường thuật đơn sơ ngắn gọn đó, thỉnh thoảng chỉ có một câu nói xuyên thấu vào tâm trí còn hiểu biết của nàng.
-… Đây là một vụ án đơn giản lạ thường, chẳng có chi phức tạp cả… Trách nhiệm của vương quyền là… chứng tỏ động cơ nào đã thúc đẩy, cơ hội nào đã bày ra… Ta có thể thấy rằng, chẳng ai có động cơ nào để giết cô gái bất hạnh Mary Gerrard kia cả, ngoài bị cáo này ra. Mary là một thiếu nữ trẻ trung, tính tình tốt đẹp, được mọi người yêu mến – có thể nói rằng, cô không có đến một kẻ thù nào ở trên cõi đời này…
Mary, Mary Gerrard! Bây giờ tất cả mọi sự dường như xa xôi cả rồi… Chẳng còn thật nữa…
-… Xin quí vị đặc biệt lưu ý đến những nhận định sau đây:
1. Bị cáo đã có những cơ hội nào và những phương thế gì để đầu độc?
2. Động cơ nào đã khiến cô ta làm như vậy?
-… Tôi có phận sự đòi đến trước quí vị những nhân chứng có thể giúp quí vị đi đến một kết luận chân thực về những vấn đề…
-… Về vụ đầu độc cô Mary Gerrard, tôi xin cố gắng chứng minh để quí vị thấy rằng không một ai có cơ hội phạm tội ác này ngoại trừ bị cáo kia ra…
Elinor cảm thấy như bị giam hãm trong một lớp sương mù dày đặc. Những tiếng rời rạc giạt trôi qua lớp sương đó.
-… Báng Xăng-uých… Bột cá nhồi… Tòa nhà trống trải…
Những tiếng ấy đâm thủng tấm mền dày cộm bao phủ ý nghĩ của Elinor – giống như những lỗ kim trên chiếc mạng choàng…
Đây là phiên tòa. Những khuôn mặt. Hàng dãy, hàng dãy những khuôn mặt! Một khuôn mặt đặc biệt với hàng ria rậm đen và cặp mắt tinh anh, minh mẫn, Hercule Poirot, đầu hơi nghiêng, mặt trầm tư, đang chăm chú nhìn nàng.
Nàng nghĩ, ông ta đang cố gắng xem xét vì cớ gì mình lại làm như vậy. Đang cố gắng đi sâu vào đầu óc mình để thấy rõ mình đã nghĩ gì – đã cảm thấy gì…
Mình đã cảm thấy gì ư? Chỉ thấy một cảm tưởng sững sờ hơi nhạt nhòa – hơi tởm lợm…
Kia là khuôn mặt của Roddy (tên gọi thân mật của Roderick) – vẫn khuôn mặt thân yêu ấy với sống mũi dài dài, cái miệng nhạy cảm… Roddy! Vẫn Roddy ấy – từ cái thuở mà nàng còn nhớ nổi – từ những ngày trước kia ở Hunterburry giữa rặng cây phúc bồn tử, trong bãi nuôi thỏ phía trên, trong lạch ngòi bên dưới. Roddy – Roddy – Roddy…
Còn những khuôn mặt khác nữa! Cô điều dưỡng ở Brien, miệng he hé mở, mặt tàn nhang tươi tắn chẩu ra phía trước. Bà điều dưỡng Hopkins xem chừng đắc ý lắm, chẳng chi có thể mủi lòng. Rồi khuôn mặt của Peter Lord – Peter Lord – mới tử tế làm sao, đa cảm biết bao, ân cần an ủi biết bao! Nhưng bây giờ thì xem ra có vẻ như, có vẻ như bị mê mẩn rồi. Đúng thế – bị mê mẩn rồi! Chàng ta đối với tất cả vụ này, bận tâm lo lắng biết bao nhiêu. Trong khi nàng là vai biểu diễn chính, thì lại chẳng hề quan tâm chút nào cả.
Giờ đây nàng, hoàn toàn điềm tĩnh lạnh lùng, đang đứng trước vành móng ngựa, bị kết tội sát nhân. Nàng đang phải hầu tòa.
Có một vật gì lay động; những nếp chăn bao quanh trí não nàng bừng sáng lên – trở thành rặt những hồn ma bóng quế. Nàng đang hầu tòa, còn người ta thì…
Còn người ta thì đang ngả người về phía trước, môi hơi hé, mắt thích thú đăm đăm nhìn nàng, Elinor, với một niềm khoái lạc tàn nhẫn khủng khiếp; họ đang nghe với một hứng vị độc ác, khoan thai, cái con người cao lớn kia đang nói về nàng.
– Những sự kiện trong vụ này có thể theo dõi rất dễ dàng và chẳng có chi cần tranh luận. Tôi xin trình bày trước quý vị, rất là đơn giản. Thoạt tiên là…
Elinor nghĩ. “Thoạt tiên… Thoạt tiên ra sao nhỉ? Đó là cái ngày mình nhận được bức thư nặc danh khủng khiếp ấy. Vụ này bắt đầu là như vậy…”
Mời các bạn đón đón đọc Cây Bách Buồn của tác giả Agatha Christie.