Can đảm cãi sếp là một trong số ít cuốn sách bàn luận về nghệ thuật thừa hành, trang bị các kỹ năng cho những người thừa hành với mục đích giúp họ có thể đối mặt và kề vai với lãnh đạo của mình. Hiện nay, có hàng trăm, hàng ngàn cuốn sách viết về đề tài “lãnh đạo”. Tuy nhiên, trong cơ cấu của một công ty đương đại, các nhà lãnh đạo chỉ là thiểu số trong khi đó lại có rất ít đầu sách viết về nghệ thuật thừa hành của các nhân viên. Điều này thật kỳ lạ vì trên thế giới ngày nay, các nhân viên nhiều hơn rất nhiều so với các nhà lãnh đạo. Việc điều hòa mối quan hệ với họ tạo ra bầu không khí bình đẳng để họ có thể dám nói lên những ý kiến của mình về nhà lãnh đạo, cũng quan trọng không kém việc hoàn thiện khả năng lãnh đạo của các “sếp”. Can đảm cãi sếp là một trong số ít cuốn sách bàn luận về nghệ thuật thừa hành, trang bị các kỹ năng cho những người thừa hành với mục đích giúp họ có thể đối mặt và kề vai với lãnh đạo của mình. Tác giả của cuốn sách Can đảm cãi sếp là Ira Chaleff, một nhà tư vấn về quản lý cho các thượng nghị sĩ và các nghị viên Mỹ. Trong quá trình làm việc, ông nhận thấy các chính trị gia này gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì một bầu không khí mà trong đó, đội ngũ nhân viên của họ sẵn lòng cung cấp những thông tin phản hồi trung thực về phong cách lãnh đạo của họ. Điều thú vị là ý tưởng để tác giả Ira Chalef viết cuốn sách này lại có liên quan đến Việt Nam. Ông cho biết ý tưởng viết sách xuất hiện khi ông đọc cuốn Những kẻ nói dối của nhà tâm thần học người Mỹ Scott Peck. Trong cuốn sách nêu lên vấn đề làm người thừa hành có trách nhiệm trong một phân tích sinh động về vụ thảm sát bị che đậy đáng xấu hổ mà lính Mỹ đã làm với những người dân thường ở Mỹ Lai, Việt Nam. Và từ ý tưởng đó, trải qua quá trình quan sát sâu sắc trong một thời gian dài, quá trình đọc, suy ngẫm và trải nghiệm về mối quan hệ lãnh đạo – thừa hành của tác giả, ông đã cho ra đời tác phẩm được đánh giá cao của mình – Can đảm cãi sếp.