Cân Bằng Mong Manh

Cân Bằng Mong Manh

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu Thuyết Phương Tây
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Cân bằng mong manh là tác phẩm về một Ấn Độ trong thời kỳ biến động mạnh mẽ thập niên 70, bao quát toàn bộ những sự tàn bạo và thối nát, phẩm giá và anh hùng tính của một trong những cái nôi văn minh nhân loại này. Địa điểm là một thành phố không tên bên bờ biển. Chính phủ vừa tuyên bố Tình trạng khẩn cấp. Trong bối cảnh đó, bốn con người hoàn toàn xa lạ – một quả phụ cứng cỏi, một cậu sinh viên trẻ bị dứt khỏi vùng đồi núi thanh bình đã sinh ra mình, và hai người thợ may phải trốn chạy khỏi tình trạng bạo lực đẳng cấp nơi quê nhà – bị dòng đời xô đẩy đến với nhau, bị buộc phải cùng chia sẻ một căn hộ chật chội và một tương lai bất ổn. Đẳng cấp, định kiến, trọng nam khinh nữ, sự bành trướng của các tập đoàn nước ngoài, chính phủ hỗn loạn, sự bất an đè lên những người dân bình thường không có gì “chống lưng”… là vũng bùn sâu mà mỗi nhân vật đều vùng vẫy thoát ra. Đã có lúc họ tưởng như đã đứng vững, vươn cao khỏi bùn lầy, nhưng thế đứng của họ là sự “cân bằng mong manh”, có thể đổ sụp bất kỳ lúc nào.Tác phẩm xúc động, kịch tính, gợi nhiều cảm nghĩ sâu sắc về thăng trầm và nỗ lực trong đời người.*** Ám ảnh, bạo liệt, đau đớn, dữ dội là những tính từ để tôi có thể miêu tả về cảm xúc của tôi dành cho Cân Bằng Mong Manh. Quyển sách này thật sự không dành cho tôi, cho những người vốn dĩ đã là nạn nhân hay chứng kiến quá nhiều bi kịch về bất công, về sự tàn nhẫn, về sự độc ác hay từng treo ngược chính mình khi bị cuộc đời dồn ép và quấn quanh cổ mình sợi dây trách nhiệm, tình & lý, đúng & sai. 1. Cân Bằng Mong Manh giúp bạn thấy những đau khổ, cay đắng mà bạn đã & đang trải qua thật ra chỉ là một mảnh vải ghép trong một tấm chăn ghép được đặt tên bạn. Nên niềm vui niềm hạnh phúc cũng vậy, chúng sẽ là những mảnh vải ghép tạo nên sự thú vị của tấm chăn. Nếu chúng ta cắt hết những mảnh xấu đi, tỉa hết những đêm đáng sợ và chỉ may những mảnh đẹp lại với nhau thì kéo sẽ cùn, tấm chăn chỉ còn lại tí vải. Và chúng ta sẽ chỉ có một cuộc đời quá ngắn ngủi. Nói theo cách của Maneck thì: “Cuộc đời có nhiều thứ phức tạp lắm, khó mà lấy kéo chia được. Tốt xấu đan xen thế này. Như những ngọn núi của tớ chẳng hạn. Chúng đẹp lắm, nhưng cũng có thể gây lở tuyết”. Thế nên quy tắc cần ghi nhớ về cuộc sống qua triết lý tấm chăn vải ghép đó là cả tấm chăn quan trọng hơn rất nhiều so với bất kì ô vải đơn lẻ buồn tẻ xám xịt nào. 2. Cân Bằng Mong Manh giúp bạn mở lòng mình ra, ngồi xuống bên cạnh một người nào đó đủ kiên nhẫn, đủ thời gian, đủ tình yêu để nghe bạn kể lại thật chi tiết, thật rõ ràng, thật trung thực về cuộc đời của chính bạn. Điều này theo Valmik- người sửa bản in- là cực kỳ quan trọng đối với sự tồn tại của mỗi con người. Vì khi kể lại tường tận cuộc đời bạn cho một ai đó chịu lắng nghe, bạn sẽ tự nhắc mình nhớ bạn là ai để bạn không tự đánh mất chính mình, bạn giữ được màu sắc tươi sáng trong tâm hồn bạn dù đối diện với bất cứ nghịch cảnh nào. Luôn luôn hi vọng- hi vọng để đối trọng lại nỗi tuyệt vọng của chúng ta. Nếu không, chúng ta sẽ lạc lối. Cuộc đời của chúng ta chỉ là một chuỗi những tai nạn- một sợi xích leng keng kết từ những sự kiện tình cờ. Dù vô tình hay hữu ý, chúng nối dài mãi thành một tai hoạ lớn mà chúng ta gọi tên là cuộc đời. 3. Cân Bằng Mong Manh giúp bạn điều tiết lại những suy nghĩ hợm hĩnh đề cao bản thân bạn, những ý nghĩ ban ơn dành cho người thấp hơn bạn hay những câu nói chia sẻ cực kỳ sáo rỗng dành để chia buồn với ai đó. Vì có những nỗi buồn, sự đau đớn mà người khác chỉ cần sự im lặng của bạn, giọt nước mắt lặng lẽ của bạn, sự có mặt của bạn bên cạnh họ là đủ. Vì mọi lời chia sẻ đều sẽ là sáo rỗng, là thổi bùng ngọn lửa thiêu rịu chính họ khi họ đang cố gắng vượt qua nó. Như nỗi đau của Om, của Ishvar. Vì có những người chỉ cần bạn cùng chia đôi miếng bánh đang ăn dở của bạn, chia đôi cốc nước cùng uống với họ là đủ để họ biết ơn bạn. Đủ để họ hiểu bạn yêu quý họ, bạn tin tưởng họ và bạn xem họ như một gia đình. Người ta không cần nói quá nhiều lời yêu thương khi mà hành động lại vô cùng xa cách, dè chừng, nghi ngại. Vì chúng ta, tất cả chúng ta đều là quái thai – chúng ta là thế – tất cả lũ chúng ta. – Theo cách nghĩ của nhân vật Ông Trùm. Nên đừng bao giờ để “quái thai” bên trong bạn suy nghĩ và hành động, đừng đặt mình cao hơn người khác, đừng cho rằng mình xứng đáng được ăn trong một cái chén sạch không xứt mẻ, còn người khác thì không.*** Khi tôi yêu cầu những người bạn Ấn Độ của tôi nêu tên một cuốn tiểu thuyết đương đại thật hay về Ấn Độ, cái tên Cân bằng mong manh thường được nhắc đến. Mùa hè năm 2013, tôi sang Ấn Độ lần đầu và ở hơn một tuần tại Bombay – thành phố được Rohinton Mistry dùng làm bối cảnh cho tiểu thuyết Cân bằng mong manh. Hai tuần ngang dọc thành phố, tôi có cảm giác như sống trong một giấc mơ sắc màu: vây quanh tôi là những tấm sari sặc sỡ, những khoảng vai, cổ và cánh tay rám nắng, những trang sức lóng lánh, những tấm khăn dài hờ hững trùm lên suối tóc đen của những thiếu nữ Ấn Độ. Nhưng cũng chính ở Bombay, tôi không sao thoát khỏi cảm giác tất cả những người tôi nhìn thấy – người đàn ông bán cá dạo trong các khu chung cư, lũ trẻ tắm truồng trong khu ổ chuột bên sông, những người đàn bà bán hoa quả trong chợ, người dạy xiếc khỉ dọc bờ biển, các bà già quỳ rạp người trong các đền thờ, hay những phụ nữ giúp việc lặng lẽ trong các gia đình – đều là những nhân vật mà tôi đã gặp ở Cân bằng mong manh. Từng người trong số họ đều mang những câu chuyện đời thăm thẳm, là những người kể chuyện và nhà triết học đời sống tuyệt vời. Một cuốn tiểu thuyết có khả năng bắt được cuộc sống thật rồi làm bạn nhìn cuộc sống thật khác đi như Cân bằng mong manh dĩ nhiên là đáng đọc. Sách lấy bối cảnh là những thay đổi của Ấn Độ vào giữa thế kỷ 20, đặc biệt là khoảng đầu thập kỷ 70 khi chính phủ của thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, trong một nỗ lực cứu mình khỏi bị mất quyền, đã ban bố một Tình trạng Khẩn cấp quốc gia. Trong thời kỳ khẩn cấp này, nhiều đảng phái và nhóm hoạt động chính trị bị bắt và bỏ tù, báo chí bị kiểm soát ngặt nghèo, nhưng đặc biệt nhất là một chiến dịch cưỡng chế triệt sản lạ lùng cộng với việc phá các khu ổ chuột để “làm đẹp” đất nước. Trên cái nền lịch sử đó, bốn cuộc đời với bốn xuất thân khác nhau đã hội tụ: Dina, một phụ nữ thuộc tầng lớp trên, muốn sống độc lập với người anh lắm điều sau khi chồng qua đời bằng cách gia công quần áo tại nhà; Maneck, một sinh viên đến ở trọ nhà Dina trong lúc theo học đại học; và hai bác cháu Ishvar và Om vốn xuất thân từ tầng lớp “hạ tiện” của xã hội đến làm thợ may thuê cho Dina. Họ gặp nhau trong căn hộ của Dina, biến căn hộ đó thành một gia đình bất đắc dĩ nhưng đầm ấm. Có điều, sự đầm ấm không kéo dài. Những cơn gió lịch sử của thời kỳ khẩn cấp nhanh chóng thốc vào, cuốn họ lên và quăng quật họ trong bất định. Bỗng nhiên, mỗi ngày của Ishvar, Om, Maneck, và Dina cùng với triệu triệu người Ấn Độ khác chỉ còn thu lại trong những ám ảnh triền miên: ở chỗ nào, ngủ tại đâu, ăn gì, làm thế nào sống sót, để không bị mang đi “triệt sản”? Bất hạnh rơi xuống đầu họ không ngơi nghỉ trong một đất nước mà công bằng và quyền cá nhân tạm thời không tồn tại và không miễn trừ ai nhưng đặc biệt tàn nhẫn với những người ở tầng đáy. Phẩm giá – và sự vị tha cùng hài hước – bỗng nhiên trở nên quá xa xỉ nhưng cũng vì thế mà càng quý giá. Kết thúc truyện, Dina rút cục đã phải trở về nhà sống dưới sự bảo trợ của anh trai; Ishva và Om trở nên hai người ăn xin què quặt sau khi bị cưỡng chế triệt sản; và Maneck, trong một cơn tuyệt vọng sau khi gặp lại Ishvar và Om, đã lao vào tàu hỏa tự tử như Anna Karenina của Tolstoy. Cân bằng mong manh là một cuốn sách không khoan nhượng khi nói về thân phận con người; vì thế mà nhiều nhà phê bình đã ví nó với các tác phẩm của Charles Dicken hay Leo Tolstoy. Một cuốn sách buồn nhưng cũng lấp lánh hy vọng – thứ hy vọng thực chứ không phải hy vọng của văn chương tô hồng. Rohinton Mistry đã rất tỉ mỉ, kiên nhẫn, vững vàng trong lột tả những định dạng khác nhau của sự thống khổ giống nhau và khao khát giống nhau khi làm người. Khi theo chân bốn nhân vật của cuốn sách này trong lúc câu chuyện cuộc đời họ mở dần, bạn chắc chắn sẽ lo lắng cho họ, khóc cười với họ như thể khóc cười cho người thân của mình hay cho chính mình. Không khác họ, mỗi chúng ta có lẽ đều đang cố gắng hết sức để tìm và duy trì một điểm cân bằng mong manh cho cuộc sống của mình – giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa hạnh phúc và bất hạnh, giữa cái có nghĩa và vô nghĩa, giữa cái thuộc về mình và cái thuộc về họ. Theo nghĩa đó, mỗi cuộc đời trở thành một kiệt tác vĩ đại, đáng trọng và đáng thương như nhau. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc của tủ sách “Cánh cửa mở rộng” tiểu thuyết Cân bằng mong manh của Rohinton Mistry qua bản dịch của Nguyễn Kim Ngọc. PHAN VIỆT