Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chính thức giao chức năng, nhiệm vụ giám sát cho các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, chi bộ, coi kiểm tra, giám sát trước hết là nhiệm vụ của các cấp ủy, gắn công tác kiểm tra với công tác giám sát, có giám sát mới phát hiện được các vấn đề mới, khắc phục được thiếu sót, khuyết điểm ngay từ lúc mới manh nha. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 30-7-2007 về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; Bộ Chính trị khóa X đã ra Quyết định số 25-QĐ/TW ngày 24-11-2006 ban hành Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa X; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành bốn hướng dẫn thực hiện công tác giám sát của các cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, các ban của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và của chi bộ. Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Quyết định số 46-QĐ/TW ngày 01-11-2011 ban hành Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI, trong đó có những nội dung bổ sung, sửa đổi về công tác giám sát của Đảng.
Quá trình thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Hướng dẫn của Bộ Chính trị và các hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thực hiện công tác giám sát của Đảng của các cấp ủy, các ban của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và của chi bộ đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng, góp phần phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng của các địa phương, đơn vị và trong toàn Đảng. Tuy nhiên, giám sát là nhiệm vụ mới, chủ thể giám sát còn có những khó khăn, lúng túng về nhận thức, vận dụng thực hiện nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục giám sát, về xác định đối tượng, nội dung giám sát cụ thể đối với tổ chức đảng và đảng viên; đối tượng giám sát còn nhận thức chưa đúng, chưa nắm vững quyền và trách nhiệm của mình khi được giám sát.
Để góp phần thống nhất nhận thức và hành động trong thực hiện công tác giám sát, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Cẩm nang về kỹ năng giám sát của Đảng do TS. Lê Văn Giảng (nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương) và đồng chí Cao Văn Thống (Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương) chủ biên.
Cuốn sách gồm ba phần:
Phần thứ nhất – Một số vấn đề chung về công tác giám sát của Đảng, nêu rõ khái niệm, đặc trưng; vị trí, vai trò, nguyên tắc, hình thức, phương pháp giám sát; phạm vi, chủ thể, đối tượng, nội dung giám sát; sự cần thiết phải giám sát…
Phần thứ hai – Đối tượng, nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm giám sát của Đảng, nêu cụ thể về kỹ năng thực hiện giám sát của từng chủ thể giám sát; trách nhiệm và quyền của đối tượng giám sát.
Phần thứ ba – Một số văn bản về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Cuốn sách là tài liệu thiết thực giúp cho các cấp ủy, các ban của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, chi bộ, cán bộ, đảng viên, cán bộ kiểm tra nghiên cứu, nắm vững, vận dụng thực hiện tốt công tác giám sát theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
Xin giới thiệu cuốn sách và rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc.
Tháng 12 năm 2011
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA – SỰ THẬT