Giới thiệu, tóm tắt, review (đánh giá) cuốn sách Cẩm Nang Đốt Nhà Các Văn Hào New England của tác giả Brock Clarke & ACE Lê (dịch), cũng như link tải ebook Cẩm Nang Đốt Nhà Các Văn Hào New England miễn phí với các định dạng PDF, EPUB sẽ được ebookvie chúng mình chia sẻ trong bài viết này, mời mọi người đọc nhé
Cuốn sách “Cẩm nang đốt nhà các văn hào New England PDF” sẽ mang đến cho bạn những cảm xúc trái ngược khi đọc. Đặc biệt, những người yêu sách sẽ cảm thấy thấm thía hơn với sự đam mê đọc sách của mình, và thậm chí, việc đọc sách đôi khi mang đến trải nghiệm kỳ lạ, như lời của nhà văn Orhan Pamuk đã nói: “Tôi đọc sách và cuộc đời tôi thay đổi”. Tác phẩm này cũng là một sự tri ân và tôn vinh văn chương, cũng như những cuốn sách trong cuộc sống của chúng ta.
Cuốn sách “Cẩm Nang Đốt Nhà Các Văn Hào New England” được kể từ góc nhìn của Sam, bắt đầu với việc anh vô tình đốt chái nhà của văn hào nổi tiếng Emily Dickinson, khiến anh phải chịu án tù 10 năm. Đó là một câu chuyện đầy rủi ro, với những không may kéo theo nhau và ảnh hưởng đến cuộc sống của anh suốt đời.
Sau thời gian thụ án, Sam quyết định thay đổi cuộc đời bằng cách theo đuổi việc học đại học, mặc dù ý định này có vẻ như của cha mẹ anh hơn: “Vì cuối cùng, đi học đại học có ý nghĩa gì nếu không phải để xóa bỏ những ký ức đau buồn và điền vào đó những điều mới mẻ trước khi những kí ức cũ bắt đầu quay trở lại.”
Sam tốt nghiệp, có việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc với hai đứa con. Anh nhìn cuộc sống một cách lạc quan, và cuộc sống trả lại anh bằng những gì tương xứng.
Tuy nhiên, quá khứ không bao giờ chấm dứt hoàn toàn, chỉ cần một khoảnh khắc nhỏ để làm bùng cháy lại, thay đổi mọi thứ của hiện tại thành đống tro tàn. Và đó chính là lúc mọi bí mật, băn khoăn được khơi gợi, khi những bi kịch kéo theo bi kịch, nỗi đau kéo theo nỗi đau. Nhưng cách Brock Clarke viết kéo độc giả đắm chìm vào câu chuyện, không thể rời mắt khỏi từng dòng văn.
Ưu điểm:
Nhược điểm:
Kết luận: “Cẩm Nang Đốt Nhà Các Văn Hào New England” là một cuốn tiểu thuyết hài hước đen tối, châm biếm sâu cay về những mặt trái của xã hội và bản chất con người. Cuốn sách sẽ phù hợp với những độc giả yêu thích thể loại văn chương trào phúng và muốn tìm kiếm một cái nhìn khác biệt về cuộc sống.
Đánh giá: 4.5/ 5 sao
Tác giả Brock Clarke sinh ra và lớn lên ở Massachusetts, hiện đang dạy viết văn tại trường Đại học Bowdoin.
Tôi, Sam Pulsifer, là kẻ đã lỡ tay đốt trụi Dinh thự Emily Dickinson* tọa lạc ở thị trấn Amherst, Massachusetts, nhân đó giết toi hai mạng người để rồi phải ngồi bóc lịch suốt mười năm ròng, và cũng vì vậy, theo lời các học giả văn học Mỹ viết thư chì chiết, sẽ còn phải trả giá đắt suốt quãng đường đời trầy trụa sau này. Sự vụ đó vùng này chẳng ai còn lạ gì, nên tôi sẽ không đi sâu vào nữa. Chỉ nói thêm rằng, nếu có một đỉnh Rushmore* phiên bản Massachusetts tạc lại những tấn bi kịch thảm khốc nhất thì sẽ có tượng nhà Kennedy, kế đến là Lizzie Borden* cầm rìu, rồi tới những phù thủy bị thiêu sống ở Salem, và đứng chót là thằng tôi đây.
Và thế là tôi vào tù, và nhờ vị thẩm phán rủ lòng thương mà tôi mới được đày vào một nhà khám với hàng rào an ninh tối thiểu tại thành phố Holyoke. Nơi này rặt những chuyên gia phân tích trái phiếu cùng luật sư, các nhà giao dịch nội nhật, quản đốc thành phố và giám hiệu trường học, thảy đều bị bắt vì tội biển thủ, chứ nào có ai như tôi, một thằng choai choẹt mười tám tuổi đầu chỉ vì lỡ tay làm cháy nhà, chết người, mà hai bàn tay bỗng lấm lem máu và bồ hóng, con tim trĩu nặng và cả đống bài học đường đời giáng xuống đầu trong khi đến mảnh bằng phổ thông còn chưa kịp giắt lưng. Thế là tôi dấn thân vào chốn ngục tù và ra sức cải tạo. Tôi đăng ký học lớp tự rèn luyện mang tên Trường học Bản thân diễn ra hai tuần một lần và tiếp thu được những đức tính đổi đời như lòng kiên nhẫn, nết cần cù, thái độ lạc quan, và cũng ở đây tôi đã thi lấy bằng phổ thông. Tôi còn giao du với nhóm phạm nhân vốn là một đám phân tích trái phiếu ưu tú đến từ Boston, phải vào xà lim vì giao dịch nội gián. Sau song sắt, họ tụ họp nhau lại để viết những pho hồi ký dông dài về loạt can án tày đình, chuỗi phi vụ thác loạn và cả núi tiền – họ dùng từ như vậy đấy – kiếm được nhờ vét kiệt quỹ hưu trí của bao người già cả và đập tan tành khoản tiết kiệm cho đại học của tụi thanh niên. Ở đám này toát lên vẻ tinh tường mọi chuyện và họ có một lô từ vựng để tả những xơ múi béo bở trên đường đời, nên tôi đặc biệt chú tâm vào những buổi động não của họ về việc viết hồi ký, lắng nghe sít sao khi họ tranh luận liệu quần chúng độc giả có cần phải biết về những quãng tuổi thơ đọa đày của họ để thấu hiểu tại sao họ lại cần kiếm nhiều tiền như vậy theo cái cách họ đã làm hay không. Tôi cẩn thận ghi chú lại khi họ xẻ đôi thế giới thành nhóm chộp giật và nhóm bị chộp giật, loại người làm việc xấu theo cách hay ho – ung dung, nhàn nhã – và loại đầu lừa bị dắt mũi cả đời.
“Đầu lừa à,” tôi thắc mắc.
“Ờ,” một gã đáp. “Nghĩa là khù khờ, đờ đẫn ấy mà.”
“Cho một ví dụ đi,” tôi hỏi, và bọn họ soi tôi chòng chọc với những luồng mắt quắc ánh kim xanh, bẩm sinh đã có chứ không cần phải luyện ở Choate hay Andover*. Họ cứ soi mãi cho đến khi tôi vỡ ra rằng chính mình là một ví dụ điển hình chứ chẳng đâu xa. Và bài học họ đã dạy tôi là thế đấy: tôi là một thằng đầu lừa. Vậy nên tôi đành cam chịu sự thật và thôi mơ mộng về việc phấn đấu trở thành một thứ gì khác – một nhà phân tích trái phiếu hay hồi ký gia chẳng hạn – và cứ thế mà tiếp tục. Tiếp tục cuộc sống.
Đáng nói là, ở mỗi người tôi đều học được một thứ gì đó, kể cả từ anh chàng đồng tính cùng dãy xà lim mà tôi toàn phải lẩn tránh, một tay kế toán doanh nghiệp lịch thiệp nhưng không thật thà lắm tại sở Arthur Andersen*, người đến lúc ấy mới chợt khám phá ra xu hướng tình dục thật của mình. Anh ta đã thổ lộ với tôi bằng giọng điệu nghẹn ngào đau đớn rằng anh ta ham muốn tôi – ham muốn tôi, vâng, cho tới lúc tôi thú nhận mình vẫn còn là trai tân, sự thật đấy ạ, và điều này, không rõ vì sao, lại khiến anh ta cụt hứng không ham tôi nữa, như thế hẳn là chẳng ai thèm ngủ với những gã trai hai mươi tám tuổi đầu mà vẫn còn tân, và tôi nghĩ đây cũng là kiến thức bổ ích đấy chứ nhỉ.
Sau cùng, tôi học được cách chơi bóng rổ từ một bác da đen nọ tên là Terrell, một trong những niềm vui lớn tô điểm quãng đời tù ngục của tôi, cũng là một niềm vui có kết cục đắng ngắt. Terrell, người đã tự biên hàng loạt ngân phiếu cho mình khi còn đảm nhiệm ghế thống đốc thành phố Worcester, nhập khám trước khi tôi mãn hạn tù ba năm, và bất cứ khi nào bác ta hạ gục tôi trong những trận đấu đơn (một việc có tần suất thấp ngay cả khi tôi mới học chơi, vì mặc dù khỏe như vâm nhưng Terrell lại lùn hơn tôi và sở hữu độ linh hoạt của một trụ cứu hỏa chôn trên vỉa hè; thêm nữa bác ta lại già gấp đôi tuổi tôi, hai đầu gối xập xệ và kêu lộp rộp như củi khô khi chạy) – bất cứ khi nào hạ gục được tôi, Terrell sẽ hò hét, “Đàn ông đích thực là ta đây.” Nghe rõ là hay, thế nên sau khi dễ dàng thắng ván đấu cuối cùng, tôi cũng la toáng lên, “Đàn ông đích thực là ta đây.” Terrell quả quyết rằng tôi đã đá đểu bác ta nên nhảy vào thụi đầu tôi tới tấp, và vốn có tật trở nên bị động mỗi khi đối mặt với những cơn thịnh nộ, tôi cứ đứng đực ra đó chịu trận mà chẳng tự vệ gì. Khi bị toán bảo vệ lôi xềnh xệch vào phòng biệt giam, bác ta còn kịp thề thốt sẽ tẩn cho tôi biết tay khi được thả, đúng thật vạ miệng, bởi đương nhiên chính vì mấy câu la lối đó mà bác ta phải bị nhốt lâu hơn bình thường. Đến lúc Terrell được thả thì tôi đã xuất trại và về nhà với bố mẹ.
Sống với hai cụ, ấy cũng không phải một việc suôn sẻ lắm. Trước hết, vụ tôi đốt Dinh thự Emily Dickinson đã khiến họ tan nát tim gan rồi, vì mẹ tôi là giáo viên ngữ văn cấp ba còn bố là biên tập viên nhà xuất bản của một trường đại học trong thị trấn, nên thơ văn bay bướm với họ là tâm là túy; hai cụ chẳng thèm đếm xỉa gì đến phim ảnh hay truyền hình, nhưng hễ bạn xòe ra một bài thơ hay ho là thể nào họ cũng rơi lệ sụt sùi hoặc thở dài tư lự. Thêm nữa, cư dân Amherst làm sao vui vẻ nổi khi tôi thiêu rụi khu tư gia nổi tiếng nhất thị trấn và giết đứt mất hai công dân, thành thử lúc nào họ cũng làm khó dễ bố mẹ tôi. Các bạn sẽ chẳng gặp khó khăn gì khi đi tìm căn nhà cổ lỗ ọp ẹp của gia đình tôi trên con phố Chicopee: nó chính là căn có lối đi luôn bị phun sơn dòng chữ QUÂN GIẾT NGƯỜI! (cái này thì tôi hiểu) hoặc ĐỒ PHÁT XÍT (cái này thì tôi chịu), hoặc một câu nào đó của Dickinson ám chỉ sự trả thù, nhưng các bạn chẳng thể đoán được sự trả thù đó sẽ diễn ra thế nào, vì câu trích thì dài dằng dặc còn nét chữ thì nhòe nhoẹt chẳng ra hồn chữ, có thể là do kiệt sức hoặc quá phấn khích. Rồi khi tôi đi tù về thì còn tệ hại nữa. Chúng tôi bị xỉa xói bởi hội đồng nghệ thuật địa phương và một số bài báo đả kích không mời cũng viết, làm cho những đứa trẻ láng giềng vốn chẳng quan tâm cóc khô gì đến Emily Dickinson hay ngôi nhà của bà cũng bắt đầu ném trứng và chăng giấy vệ sinh lên mấy cây bạch dương thanh cao trước sân, nên suốt một quãng thời gian dài ngày nào trông ngôi nhà cũng như thể là được trang trí cho Halloween vậy. Thế rồi mọi việc trở nên thực sự quá quắt khi có kẻ chọc thủng hết các lốp chiếc Volvo của hai cụ, và một lần nọ trong giây phút cuồng nộ hoặc bi ai vô hạn, ai đó đã liệng nguyên một chiếc dép hiệu Birkenstock qua cửa sổ hiên nhà. Một chiếc của nam giới, chân phải, cỡ mười hai.
Tất cả những việc trên xảy ra ngay trong tháng đầu tiên tôi quay về. Đến cuối tháng, hai cụ gợi ý tôi chuyển ra ngoài sống. Tôi vẫn nhớ đó là hồi tháng Tám, vì lúc đó ba chúng tôi đang ngồi ngoài hiên trước và dãy quốc kỳ được treo lên từ Ngày Độc Lập vẫn còn đang bay phần phật dưới nắng trời lung linh để tiện thể chờ luôn đến Lễ Lao Động, quang phổ rót xuyên qua những tán lá phong và bạch dương tạo nên một cảnh tượng tuyệt đẹp. Bạn có thể hình dung được việc bố mẹ yêu cầu tôi dọn ra ngoài ở đã làm tôi tổn thương đến mức nào, mặc dù Trường học Bản thân đã khuyến cáo rằng cuộc sống sau khi ra tù sẽ không dễ dàng gì và rằng tôi không nên tự đánh lừa mình tin vào điều ngược lại.