Cuốn sách Các nhà khoa bảng Việt Nam này là công cụ tra cứu giúp người đọc tìm hiểu thông tin cần biết về các nhà trí thức Nho học nước ta đã trúng tuyển trong các kỳ thi Đại khoa (tức thi Hội) chính thức do triều đình tổ chức ở cấp toàn quốc.
Từ khoa thi Hội cuối cùng năm 1919 đến nay chỉ mới 87 năm, chưa lâu lắm so với ngót nghìn năm của lịch sử khoa cử Việt Nam. Tuy vậy, trong khoảng thời gian đó đời sống chính trị, xã hội của đất nước đã có những chuyển biến lớn lao khiến cho những thiết chế văn hoá, giáo dục của nó lùi hẳn vào dĩ vãng, thậm chí là rất khó hình dung đối với thế hệ hiện nay.
Con số là ngót 3.000 vị đỗ đại khoa – Nhưng số thực nhiều hơn, chưa biết chính xác. Có thể nói đó là một đội ngũ các nhà trí thức Nho học, những người đã thực sự góp phần xây dựng nền văn hiến vẻ vang lâu đời của dân tộc ta. Để trình bày môi trường và thể chế giáo dục đã đào tạo ra các nhà tri thức khoa bảng đó cần có cả một chuyên sử về giáo dục. Tuy nhiên, do chỗ tập sách này sẽ giới thiệu toàn bộ sản phẩm cao cấp nhất của nền giáo dục đó, cho nên dưới đây chúng tôi giới thiệu tổng quát lịch sử của các kỳ thi đại khoa và nguồn tư liệu sử sách ghi chép các khoa thi đó.