CUỐN BÚT QUAN HOÀI, MỘT TÁC PHẨM CỦA CỤ Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI
Cách đây sáu tháng, tôi mua được ở dưới đường Trần Nhân Tôn một sấp báo Đời Mới của Trần văn Ân, khoảng trên 30 số. Theo thói quen, vừa mang về tới nhà là tôi đã vội lấy băng keo dán cái gáy đã bị rách lỗ chỗ, và rồi, may thay vừa cầm đếm mấy số tôi bỗng thấy rớt ra ở giữa hai số Đời Mới tập thơ Bút Quan Hoài của Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, vì tập thơ này chỉ dày có 48 trang và kích cỡ cũng gần bằng tờ Đời Mới. Tóm lại là người bán sách cũng chỉ tính tiền tôi bằng một số báo Đời Mới. Tôi thích quá và coi đây cũng là một chút duyên nho nhỏ với sách, và thích nhất là cuốn sách lại có mang thủ bút và chữ ký của Cụ Khải đề tặng cho một người tên là Nguyễn Văn Lực.
Tôi chỉ biết Cụ Khải qua một cuốn kiếm hiệp nhan đề là “Thiên Thai Lão Hiệp” mà có lần tôi đã có được ba phần tư bộ từ đầu đến tập ba thì hết, và theo lời người bán thì toàn bộ là bốn tập, nhưng tập bốn của anh ta đã bị mối ăn hết, đành phải bỏ đi. Ngoài ra tôi còn được biết Cụ là tác giả bài thơ Anh Khóa gồm “Tiễn Chân Anh Khóa” và “Mong Anh Khóa” là những bài thơ của một tác giả có phần nào chịu ảnh hưởng của các phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục.
Tôi cũng đã bỏ ra vài tiếng đồng hồ để đọc qua cuốn Bút Quan Hoài đã tình cờ đến với tôi, và bây giờ tôi xin giới thiệu sơ lược cuốn này với các bạn thành viên CLB. Một trong những lý do khiến tôi thích đọc cuốn này vì thấy ở trên bìa sách có đề là cuốn sách đã bị cấm dưới thời thực dân Pháp, hồi năm 1928.
Cuốn sách này dày 48 trang và khổ sách là 16x24cm. Sách được chia làm 8 mục.
Mục thứ nhất mang tựa đề là “Văn Xuôi – Một Bức Thư” và bức thư này nói về “Chủ Nghĩa Cá Nhân Tự Lập”. Đây là một bức thư của một người ký tên là Lam Hồng gửi cho một người tên là Nguyễn Cố, đại ý đề cao việc nên sống tự lập, đừng thèm trông cậy vào ai, vào thế lực nào, nhất là vào ngoại bang. Ở cuối mục này là một vài ý tưởng khá hay, tôi xin ghi lại nguyên văn để chia sẻ với các bạn: “Ỷ-lại người ngoài mà được danh giá là danh giá hão. Ỷ-lại người ngoài mà được hạnh phúc là hạnh phúc vờ. Hạnh phúc vờ, danh giá hão, cũng như anh tượng gỗ, anh tượng sành, người ta để lúc nào thì nguy nga lúc ấy, mà đạp tan đút bếp thì lại hoàn là kiếp vẫn kiếp tro. Cho nên làm người quý ở tự lập”.
Mục thứ nhì mang tựa đề là “ĐIỆU SONG THẤT LỤC BÁT” và là một bài thơ tên là “HAI CHỮ NƯỚC NHÀ” gồm những lời ông Phi Khanh dặn dò Nguyễn Trãi khi ông bị quân Minh bắt giải qua Tàu.
Mục thứ ba mang tựa đề là “THI CA LIÊN HÀNH” gồm những câu thơ song thất lục bát mang tên là “ĐỀ THỦY HỬ” vì Cụ Á Nam có dịch THỦY HỬ ra tiếng Việt. Ở cuối mục thứ ba này có mấy câu rất hay như sau đây: “Có sức khoẻ, làm được việc để kiếm ăn, mà không có tư tưởng tự lập, chỉ làm nô lệ người ta, là loài trâu, loài ngựa. Không có sức khoẻ làm ăn, cũng không có tư tưởng tự lập, chỉ lăn lưng trông bám vào người, sống chết thuộc về tay người khác, là loài ruồi, loài đỉa. Người mà như loài trâu, loài ngựa còn khó lòng sống được với đời, huống chi lại toàn là loài ruồi, loài đỉa, thì còn mong sống làm sao được? Kẻ có thân phải nên nghĩ đó.”
Mục thứ tư mang tựa đề là “PHONG DAO” chỉ gồm những câu phong dao viết bằng thơ lục bát, không có gì đặc biệt, tuy nhiên ở cuối mục thì có câu này khá độc đáo và đầy tính khuyên bảo: “Tiền của là của chung, khi chết đi lại sang tay người khác. Danh dự là của riêng, dẫu nghìn thu vẫn thuộc của mình. Cho nên ở đời quý nhất danh dự”.
Mục thứ năm nhan đề là CÂU HÁT VẶT gồm hai bài thơ: một bài tên là “Nỗi Chị Khuyên Em” là những lời bà Trưng Trắc khuyên bà Trưng Nhị, và một bài thơ thứ nhì nhan đề là “Gửi Thư Cho Anh Khóa”.
Mục thứ sáu mang tựa đề là CA TRÙ THỂ CÁCH (Hát ả đào) gồm vài bài hát ả đào cộng với vài bài thơ Đường Luật Bát Cú.
Mục thứ bảy mang tựa đề là THƠ TRÀNG THIÊN TỨ TUYỆT trong có bài thơ của Cụ Phan Khôi gửi cho Cụ Á Nam khi Cụ dịch Thủy Hử vào năm 1924. Bài thơ này tên là “Đọc bản dịch Thủy Hử, gửi cho dịch giả”.
Mục thứ tám, tức là mục chót mang tựa đề là VĂN LỤC BÁT gồm ba bài thơ lục bát trong đó có một bài Cụ Á Nam lược dịch bài thơ “Océano nox” của Cụ Victor Hugo.
Tóm lại đây là một cuốn thơ cổ vũ lòng yêu nước, cổ vũ việc sống tự lập, sống cho ra đấng nam nhi.
Ngày 19/7, 2008 này CLB sách Xưa & Nay của chúng tôi sẽ đi thăm Nhà Lưu Niệm của Cụ Á Nam ở Bình Triệu, và đây cũng là một dịp để tôi làm một chuyện “ngược đời, vui vui”, đó là việc tôi sẽ mang cuốn Bút Quan Hoài, có thủ bút và chữ ký của Tác giả này, photocopy và làm chuyện ngược đời là tôi sẽ GIỮ BẢN PHOTO CHO MÌNH, CÒN BẢN CHÍNH THÌ SẼ ĐEM TẶNG BÀ LAN HINH, ÁI NỮ CỦA CỤ Á NAM, đơn giản là vì tôi nghĩ rằng Bà Lan Hinh có ưu tiên giữ nó hơn là tôi.
Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI
Vũ Anh Tuấn
Á Nam Trần Tuấn Khải là một nhà thơ biệt phái?
Ông Vũ Ngọc Phan trong tác phẩm phê bình văn học để đời “Nhà văn hiện đại” xuất bản năm 1941 và có ba lần tái bản sau đó, đã nhận xét về nhà thơ kiêm nhà văn Trần Tuấn Khải ở vào thời Đoàn Như Khuê, Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim như trên. Từ “biệt phái” mà ông Phan sử dụng để kết luận khi viết về Trần Tuấn Khải có hơi khó hiểu. Bởi vì chữ “biệt phái” có cả hai nghĩa trắng và đen, được hiểu là “xấu” lẫn “tốt”. Nhưng qua chiêm nghiệm cách phê bình văn thơ của Á Nam, chúng ta có thể hiểu “biệt phái” theo nghĩa “tốt”. Như vậy là nhà phê bình văn học họ Phan đã khen Á Nam về tài làm thơ hơn là viết văn hay dịch thuật. Họ Phan viết: “Ông là một nhà thơ biệt phái cũng như những bài ca có tiếng của ông là những bài mà những tay thợ thơ không tạo nên được”. Và còn cho rằng thơ ca của Á Nam là thứ thi ca đầy những ý tưởng luân lý mà người ta không thấy ở một nhà thơ nào khác trong những thi gia tôi vừa kể trên đây.
Sự nghiệp thơ ca của Trần Tuấn Khải gồm có bốn bài thơ “Anh Khóa” nổi tiếng hơn cả, kế đó là ba tập thơ Duyên nợ phù sinh (1921), Bút quan hoài (1926), Với sơn hà (1936)… Cũng theo ông Phan, thơ Đường của Á Nam không hay bằng thơ Lục bát, vừa nhẹ nhàng vừa thanh thoát, mang nhiều chất thơ và tư tưởng nhân sinh hơn. Như các câu:
Gió đưa ngọn khói lên trời
Em về đằng ấy biết đời nào sang!
…Nước đời như thể nước cờ
Khéo suy thì được mà khờ thì thua!…
Có một điều mà nhiều người không tán thành cách “vay mượn” ý, lời, nội dung và hình thức, kể cả tựa đề bài thơ cùng loại của người khác đã nổi tiếng thời trước như bài Cái quạt trong tập Duyên nợ phù sinh I, mà có tới ba bài về chủ đề này: Khóc cái quạt, Cô hàng quạt và Cái quạt giấy (riêng bài này lại có tới hai bài). Có lẽ nhà thơ Á Nam khoái cái quạt và khoái cách nói về quạt của nhà thơ ngông nữ Hồ Xuân Hương. Bài Cái quạt làm theo thể thơ Đường “Thất ngôn bát cú” hao hao với bài thơ cùng tựa hay nhiều bài thơ khác của nữ sĩ họ Hồ. Chúng ta đọc lại bài Cái quạt của Á Nam sẽ bắt gặp một số ý và từ của nữ sĩ họ Hồ:
Thân em như thể mảnh lông hồng
Phe phất đi về dám quản công
Quyết giải tâm can cùng phủ phế
Nào khi khép mở lúc riêng chung
Trâm vàng còn nhớ câu nguyền ước
Sương trắng mong đền nghĩa núi non
Nung nấu lò tình ai đấy tá
Hỏi rằng có mát mặt hay không?
Ý tứ đều có hai nghĩa giống như của Xuân Hương. Cũng với ý tứ đó, nhà thơ của chúng ta có những câu mang hơi hớm của nữ sĩ họ Hồ, như trong Duyên nợ phù sinh tập II:
Tan sương thiếp dậy thổi cơm
Chàng ơi, mang đó ra đơm cánh đồng
Đói no có vợ có chồng
Hơn ai đệm bọc chăn lồng một thân.
Mặc dù vậy, Á Nam còn có nhiều bài thơ mang tính trào lộng giống như ngụ ngôn nói về thế thái nhân tình kiểu “ngư ông đắc lợi”:
Giống đâu nhí nhắt dại khờ ghê!
Rúc rích tranh ăn chẳng nghĩ gì
Bóc lột lẫn nhau quen thói chuột
Liệu hồn! Mèo nó vẫn rình kia!
Có nhiều bài thơ lục bát nhẹ nhàng đầy chất luân lý dạy đời:
Óc anh như mảnh gương trong
Có lau thì sáng, bỏ không thì mờ.
Nước đời như thể nước cờ
Khéo suy thì được mà khờ thì thua!
Đó là những câu cách ngôn hết sức thực tế và sâu sắc có ý nghĩa muôn đời. Phải sống nhiều trong thực tế và từng trải trong đời thường nên nhà thơ Trần Tuấn Khải mới rút ra được những bài học, những câu thơ ý nhị cho cách xử thế của mọi người mà đời nào cũng còn nguyên giá trị của nó. Khi nghĩ và nhớ về Á Nam Trấn Tuấn Khải thì chúng ta nên nhìn ông về mặt xã hội học, đạo đức học qua những câu thơ nhẹ nhàng có tính giáo dục cao.
Vương Liêm
Á Nam Trần Tuấn Khải và Thơ Ca
Tiểu sử:
TRẦN TUẤN KHẢI (1895 – 1983), bút danh: Á Nam. Người huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Một số bài thơ của ông: “Gánh nước đêm”, “Tiễn chân anh Khóa”, “Mong anh Khóa”… (trong các tập “Duyên nợ phù sinh”, 1923 – 1924; “Bút quan hoài”, 1927), được truyền tụng dưới hình thức ngâm sa mạc, nói về lòng yêu nước một cách bóng gió, có tác dụng giáo dục, tuyên truyền rộng rãi, tránh được kiểm duyệt của Pháp. Thơ Trần Tuấn Khải bao hàm ý bi quan, thiếu giọng hùng tráng, mãnh liệt của thơ yêu nước những năm đầu thế kỷ. Trần Tuấn Khải dịch bộ “Thuỷ Hử” (1925), “Hồng lâu mộng”, “Đông Chu liệt quốc” (1934) và viết một số tiểu thuyết như “Gương bể dâu” (1922), “Hồn hoa” (1925), “Thiên thai lão hiệp” (1935), hình thức cũng như nội dung, chưa tiến bộ bằng các tác phẩm đương thời cùng loại. Sau khi vào Nam năm 1954, Trần Tuấn Khải tham gia các phong trào đấu tranh chống văn hóa nô dịch, phong trào đòi hòa bình, dân sinh, dân chủ. Là chủ tịch danh dự lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc năm 1966 – 1967; cố vấn Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh từ 1975 – 1983.
Một số Tác Phẩm:
Tiễn chân anh Khóa xuống tàu
Anh Khóa ơi! Em tiễn chân anh xuống tận bến tàu,
Đôi tay em đỡ cái khăn trầu, em lấy đưa anh
Tay cầm trầu giọt lệ chạy quanh,
Anh xơi một miếng cho bõ chút tình em nhớ thương.
Anh Khóa ơi! Cái bước công danh ngoắt ngoéo đủ trăm đường.
Anh đi một bước tấm gan vàng em xẻ làm hai
Kìa người ta bè bạn vui cười,
Đôi ta thương nhớ chỉ ngậm ngùi mà đứng trông nhau
Anh Khóa ơi! Còi tu tu tàu sắp kéo cầu
Đường trần em sắp sửa gánh sầu từ đâỵ
Trông anh, em chẳng nỡ rời tay,
Nói riêng em dặn câu này anh chớ có quên:
Anh Khóa ơi! Người ta lắm bạc nhiều tiền,
Anh em ta phận kém duyên hèn mới phải long đong.
Một mình anh nay Bắc lại mai Đông,
Lấy ai trò chuyện cho khuây lòng lúc sớm khuya!
Anh Khóa ơi! Chữ tương tư vai gánh nặng nề,
Giang hồ anh sớm liệu trở về kẻo nữa em mong,
Tính toán sao cho phỉ chí tang bồng ?
Ở nhà em cũng dốc một lòng giữ phận thuyền quyên.
Anh Khóa ơi! Cái máy phân ly sình sịch sắp chia duyên,
Thôi anh ngồi lại, để em bước lên trên mạn bờ,
Gió hiu hiu ngọn nước chảy lờ đờ,
Dưới sông con tàu chạy, trên bờ em với trông.
Anh Khóa ơi! Anh ra đi mây nước muôn trùng,
Em trở về vò võ phòng không một mình.
Với trông theo tàu ngoắt khúc sông quanh,
Sông bao nhiêu nước, giọt lệ tình em bấy nhiêu.
Mong anh Khóa
(Bài này nối vần với bài “Tiễn chân anh Khóa xuống tầu”, in trong quyển Duyên nợ phù sinh I)
Anh Khóa ơi! Lúc đêm khuya em ngồi tựa chốn buồng điều,
Một mình em mở quyển Kim Vân Kiều em đọc em ngâm.
Đọc đến câu “Đã nguyền đôi chữ đồng tâm”,
Giật mình tưởng khách xa xăm em lại sầu.
Anh Khóa ơi! Kể từ khi em tiễn chân anh ra đến bến tầu,
Lời phân ly em chưa cạn mà con tầu nó đã quay đi.
Một mình em vơ vẩn bước ra về,
Với trông mây nước trăm bề em những ngổn ngang.
Anh Khóa ơi! Ở trên đời chi hiếm kẻ giầu sang,
Sao anh không luồn cúi để khuênh khoang cho nó qua đời.
Can chi mà nay ngược lại mai xuôi?
Để buồng không em than thở mà bên trời anh cũng lênh đênh?
Anh Khóa ơi! Cái kiếp nam nhi anh gánh vác đã đành,
Như em là phận gái dễ xuân xanh được mấy lần?
Mới ngày nào đào hạnh vẫn cười xuân,
Mà quyên kêu ve gọi lần lần cảnh đã sang đông.
Anh Khóa ơi! Bấy lâu nay xa cách vân mòng,
Bên đường em trông ngóng, bên sông em đợi chờ;
Đường vắng tanh, sông nước chảy lờ đờ,
Một thương hai nhớ biết bao giờ cho lại gặp nhau?
Anh Khóa ơi! Trời cao cao, nước biển sâu sâu,
Hỏi rằng trời biển thấu nỗi nhau chăng là?
Một mình em thu xếp cửa nhà,
Dạy con em thay bố, nuôi mẹ già em lại thay con.
Anh Khóa ơi! Tính đốt tay đã một năm tròn,
Ăn sương nuốt gió kể cũng hao mòn cái xác con ve.
Nghĩ nguồn cơn khuya sớm đi về,
Một thân em vò võ biết hề than thở cùng ai?
Anh Khóa ơi! Cuộc phân ly con tạo khéo trêu ngươi,
Non cao biển rộng, nợ đời em trả biết bao xong?
Nhớ đến câu “xuất giá theo chồng”
Dẫu trăm cay ngàn đắng cũng dốc một lòng với gánh giang san.
Anh Khóa ơi! Kiếp tài tình đã trót đa mang,
Phụ Bản II
Năm chìm bảy nổi xin anh chàng cũng chớ ăn năn.
Nữa một mai thiên địa xoay vần,
Nụ xanh hoa thắm, gặp ngày xuân ta lại tươi cười.
Anh Khóa ơi! Đường bắc nam bao xiết nỗi ai hoài,
Gạt sầu pha lệ, viết mấy lời tỏ dạ nhớ mong.
Nước non xa muôn dặm vẫy vùng,
Quê nhà đất cũ xin thấu tấm lòng cho ai.
Này hỡi anh Khóa em ơi !!!
* Khoảng năm hai mươi tuổi, tác giả thường giao du với các nhà chí sĩ, những bậc lão thành, cũng như những người thiếu tráng, ngày đêm miệt mài ngâm vịnh văn chương, nghiên cứu các học thuyết đông tây kim cổ. Lúc đó trong đám anh em, có nhiều người vì mang nỗi phẫn uất với bọn thực dân Pháp, trốn tránh đi ra nước ngoài để tìm phương kế cứu giang sơn Tổ quốc. Trong thời gian đó, tác giả cũng có phen lần ra tận biên thùy ở miền Móng Cái, mong do đó lân la sang bên Trung Quốc để tìm kiếm bạn đồng tâm. Chẳng may công chuyện không thành, đành buồn bã quay về. Sau đó còn có nhiều phen lần theo các đường khác để đi (như vào Trung Kỳ, Nam Kỳ) song cũng đều đành thất vọng. Tuy vậy, trong đám bạn bè cùng chí hướng của ông, những người gặp được cơ hội len lỏi ra các nước ngoài cũng không phải là ít. Vì thế, trong lúc tiễn đưa bạn hữu, tác giả đã chan chứa cảm xúc viết ra bài Tiễn chân anh khoá xuống tầu – 1914 để tả tấm lòng tha thiết của mình. Bài hát rất phổ biến trong Nam, ngoài Bắc hồi đó.
(1915)
Gửi thư cho anh Khoá
“Quyển Duyên nợ phù sinh thứ nhất có bài Tiễn chân anh Khóa, đến quyển thứ hai lại có bài Mong anh Khóa, tới nay chưa thấy anh Khóa về. Vậy có bức thư gửi cho anh Khóa”.
Anh Khóa ơi! Cái cuộc phân ly thắm thoắt đã mấy năm rồi;
Em mong, em nhớ, em ngồi, em nghĩ lại thương anh,
Trông bốn phương non nước những mông mênh.
Trời Âu, bể Á, một chiếc thuyền tình anh biết ghé nơi nao?
Anh Khóa ơi! Em nghĩ thương anh cũng bậc anh hào,
Ngang trời dọc đất dễ anh nào đã có chịu thua ai?
Chỉ tiếc thay cho anh sinh chẳng gặp thời,
Để tang bồng nặng gánh, anh phải ngậm ngùi mà bước chân ra.
Anh Khóa ơi! Em nghĩ thương anh cũng một kiếp tài hoa,
Bước đời xô đẩy anh phải xông pha với bước phong trần.
Ngọn gió năm châu dào dạt sóng duy tân,
Tình nhà, nỗi nước, chiếc thân anh lo nghĩ đủ trăm chiều.
Anh Khóa ơi! Kìa con đường văn minh ai chẳng dập dìu,
Riêng anh đây lên giốc xuống đèo thui thủi với gánh giang san.
Nào những khi: xa trông cơn mây kéo, lúc ngồi tựa bóng trăng tàn,
Biết cùng ai bày giãi tâm can cho khách giang hồ?
Anh Khóa ơi! Trông non sông em lại ngán cơ đồ,
Bắc nam anh xuôi ngược, biết bao giờ thoả chí bồng tang?
Cái cõi phù sinh khen con Tạo khéo đưa dường,
Má hồng, mặt trắng, cũng một kiếp đoạn trường ai dễ khác ai?
Anh Khóa ơi! Ngẫm ngàn xưa hào kiệt với anh tài:
Bể dâu chìm nổi, cái bước trên đời ai khỏi gian nan?
Anh nghĩ làm sao cho danh nghiã được vẹn toàn?
Để treo gương hào hiệp với giang san sau này.
Anh Khóa ơi! Nhờ luồng điện trên không em gửi bức tờ mây,
Chân trời, mặt biển, cái lá thư này mong đến tay anh,
Chốn buồng riêng đây em tưởng nhớ xiết bao tình,
Khi vui em muốn khóc, buồn tênh em lại cười!
Anh Khóa ơi! Em cảm thương anh, em lại giận cho trời;
Bức tranh vân cẩu cái tấn trò đời bày xoá như không.
Anh thà như ai câm điếc đã xong,
Chỉ bưng tai nhắm mắt mà ôm lấy miếng đỉnh chung nó cũng qua đời!
Anh Khóa ơi! Thôi, kể bao nhiêu lại càng động mối quan hoài,
Gan vàng dạ sắt nguyện có đất trời xoi xét cho nhau.
Em chỉ nhờ ai xoay lại quả địa cầu,
Cho duyên em gặp gỡ, cho non nước khỏi u sầu với lúc mưa râm.
Anh Khóa ơi! Ở trên đời này được mấy bạn tri âm,
Trời cao bể rộng, cái mối đồng tâm xin anh chớ hững hờ.
Còn non sông, em đây còn quyết chí đợi chờ,
Tầu bay, tầu lặn, đến bấy giờ ta sẽ gặp nhau…
(1922) – Bút Quan Hoài I
Mừng anh Khóa về
“Nhân vừa đây hai bạn làng văn từ Hà Nội vào Nam có nhã ý ghé thăm tôi trong khi đương nằm giường bệnh. Bạn vui cười hỏi: “Nay Anh Khóa đã về, hỏi bà Khóa đã hả lòng chưa?” Nghe câu hỏi bất giác cảm động trong tâm, nên sau khi tiễn bạn, tôi viết vội mấy vần tiếp theo ba bài trước cũng gọi là đáp lại tấm lòng ưu ái của bạn và cũng gọi là đáp lại nỗi lòng căm trước mừng sau để các bạn làng văn cùng rõ”
Anh Khóa ơi! Nhớ từ khi em tiễn chân anh xuống tận bến tầu
Mấy mươi năm đằng đẵng em những ôm sầu trông đợi tin anh
Em giận thay cho lũ xâm lược nó gian manh
Nỡ đem quân gia võ khí đập phá tan tành tổ quốc chúng ta.
Anh Khóa ơi! Cũng vì giang san mà anh phải lặn lội xông pha,
Phất cờ Cách mạng vì nước vì nhà trong bấy nhiêu niên.
Anh quyết một phen làm cho động địa kinh thiên
Quét sạch quân xâm lược để dẹp yên đất nước sau này.
Anh Khóa ơi! nhờ công lao nên mới có ngày nay
Khác nào giấc chiêm bao chợt tỉnh, thấy ngay cái cảnh huy hoàng.
Em đón anh về với bao hy vọng vẻ vang
Với bao cảnh tượng phi thường khác hẳn năm xưa
Anh Khóa ơi! Cả non sông Hồng Lạc tựa say sưa
Tầu bay tầu lặn đón đưa che rợp biển trời,
Toàn nhân dân già trẻ gái trai
Mặt mày hớn hở như đổi cuộc đời xoay lại bể dâu.
Anh Khóa ơi! Từ Ải Nam Quan cho tới Mũi Cà Mau
Cỏ cây sông núi khắp đâu đâu cũng thấy tưng bừng
Từ thành đô cho tới tận suối rừng
Không đâu không hớn hở vui mừng đón tiếp tin anh.
Anh Khóa ơi! hẳn từ đây anh khỏi bước lênh đênh,
Cùng nhau chung hưởng thái bình giữa cõi Á Đông,
Sẽ cùng nhau thắt chặt sợi tơ đồng,
Cùng nhau bồi đắp cơ nghiệp cha ông cho được vẹn toàn.
Anh Khóa ơi! Ta sẽ làm cho nổi tiếng với doanh hoàn
Làm cho dân tộc với giang san rạng rỡ hơn người
Làm cho Bắc Nam xum họp chung vui
Cho nhau hưởng phúc muôn đời,
Anh Khóa em ơi!
Hai chữ nước nhà
Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi giời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu
Ðoái nom phong cảnh như khêu bất bình
Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dậm khơi
Trông con tầm tã châu rơi
Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:
Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay
Trời Nam riêng một cõi này
Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì!
Than vận nước gặp khi biến đổi
Ðể quân Minh thừa hội xâm lăng
Bốn phương khói lửa bừng bừng
Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông!
Nơi đô thị thành tung quách vỡ
Chốn dân gian bỏ vợ lìa con
Làm cho xiêu tán hao mòn
Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!
Thảm vong quốc kể sao xiết kể
Trông cơ đồ nhường xé tâm can
Ngậm ngùi khóc đất giời than
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!
Khói Nùng lĩnh như xây khối uất
Sóng Long giang nhường vật cơn sầu
Con ơi! càng nói càng đau …
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?
Cha xót phận tuổi già sức yếu
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay
Thân lươn bao quản vũng lầy
Giang sơn gánh vác sau này cậy con
Con nên nhớ tổ tông khi trước
Ðã từng phen vì nước gian lao
Bắc Nam bờ cõi phân mao
Ngọn cờ độc lập máu đào còn giây
Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái
Phận liễu bồ xoay với cuồng phong
Giết giặc nước, trả thù chồng
Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi
Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến
Vì giống nòi quyết chiến bao phen
Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên
Gươm reo chính khí nước rền dư uy
Coi lịch sử gương kia còn tỏ
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
Giang san này vẫn giang san
Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?
Con nay cũng một người trong nước
Phải nhắc câu Gia, Quốc đôi đường
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng
Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa xá kể làm chi!
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hy sinh thân thế cũng vì nước non
Con đương độ đầu son tuổi trẻ
Bước cạnh tranh há để nhường ai?
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng tham phú quí mà nguôi tấc lòng
Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục;
Thân tự do chiêu chúc mà vinh
Con ơi nhớ đức sinh thành
Sao cho khỏi để ô danh với đời
Chớ lần lữa theo loài nô lệ
Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai
Đem thân đầy đọa tôi đòi
Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi?
Sống như thế, sống đê, sống mạt
Sống làm chi thêm chật non sông!
Thà rằng chết quách cho xong
Cái thân cẩu trệ ai mong có mình!
Huống con cũng học hành khôn biết
Làm giống người phải xét nông sâu
Tuồng chi gục mặt cúi đầu
Cam tâm làm kiếp ngựa trâu cho đành!
Nỗi tâm sự đinh ninh dường ấy
Cha khuyên con có bấy nhiêu lời
Con ơi! con phải là người
Thì con theo lấy những lời cha khuyên
Cha nay đã muôn nghìn bi thảm
Nói bao nhiêu tâm khảm càng đau!
Chân mây mặt cỏ rầu rầu
Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương!
Lời cha dặn khắc xương để dạ
Mấy gian lao con chớ sai nguyền
Tuốt gươm thề với xương thiên
Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu
Gan tráng sĩ vững sau như trước
Chí nam nhi lấy nước làm nhà
Tấm thân xẻ với san hà
Tượng đồng bia đá họa là cam công
Nữa mai mốt giết xong thù nghịch
Mũi long tuyền lau sạch màu tanh
Làm cho đất động trời kinh
Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày!
Nghĩa vụ đó con hay chăng tá?
Tính toán sao vẹn cả đôi đường
Cha dù đất khách gởi xương
Trông về cố quốc khỏi thương hồn già
Con ơi! hai chữ nước nhà!(*)
(1917)
(*) Nghĩ lời ông Phi Khanh dặn ông Nguyễn Trãi khi ông bị quân Minh bắt giải sang Tàu
LÊ HÙNG DƯƠNG St
Mời các bạn đón đọc Bút Quan Hoài của tác giả Trần Tuấn Khải.