Tập Breakfast at Tiffany’s: A Short Novel and Three Stories xuất bản năm 1958 gồm truyện vừa cùng tên và 3 truyện ngắn “Nhà hoa”, “Cây đàn guitar kim cương” và “Ký ức Giáng sinh”.
Nhân vật chính của Bữa sáng ở Tiffany’s, Holly Nhẹ Dạ, đã trở thành một trong những sáng tạo nổi tiếng nhất của Truman Capote và của văn học hiện đại Mỹ thế kỷ 20. Lối văn của cuốn sách đã khiến nhà văn Norman Mailer gọi Capote là “nhà văn hoàn hảo nhất của thế hệ tôi. Ông viết nên những câu văn hay nhất, đẹp đến từng con chữ, từng nhịp điệu”.
Trong tuyệt tác đầy cám dỗ và nuối tiếc này, Truman Capote đã sáng tạo nên một cô gái mà tên cô đã đi vào thành ngữ Mỹ và phong cách cô là một phần của diện mạo văn học. Holly Nhẹ Dạ biết rằng vĩnh viễn không điều gì xấu có thể xảy ra với mình ở tiệm Tiffany’s; sự cay đắng, hài hước, ngây thơ của cô vẫn cứ mê hoặc lòng người.
Tuyển tập này có thêm 3 trong số những truyện ngắn nổi tiếng nhất của Capote, “Nhà hoa”, “Cây đàn guitar kim cương” và “Ký ức Giáng sinh” mà tờ Satuday Review gọi là “một trong những truyện ngắn cảm động nhất bằng tiếng Anh.” Đấy là câu chuyện về hai kẻ ngây thơ – một cậu bé và một bà già, bạn thân thiết nhất của cậu – trong ngọt ngào có cái lõi sắc cạnh và nghiệt ngã của hiện thực.
Bộ phim Bữa sáng ở Tiffany’s đã được Hollywood tạo thành một biểu tượng phù hoa, không chỉ thời trang mà còn một phong cách sống nổi bật nhất của truyền thông thế kỷ 20. Kẻ nào đủ tỉnh táo trước sự cám dỗ và đủ sức mạnh chống lại những va đập không thương tiếc của đời sống thị thành? Câu chuyện hài hước và sâu cay đã được dựng thành phim năm 1961 với ngôi sao Audrey Hepburn. Sự khác biệt giữa truyện và phim cũng phản ánh quan điểm về những cái kết tốt đẹp (happy-ending) rất đặc trưng của màn bạc Mỹ. Phim và truyện cho đến nay, trở thành một cặp biểu tượng thời trang và văn hóa kinh điển.
Sau truyện ngắn này, nhà văn trẻ tuổi được ký hợp đồng với nhà xuất bản lừng danh Random House để cho ra tiểu thuyết đầu tay Other Voices, Other Rooms(1948).
In Cold Blood (Máu lạnh, 1966) là tiểu thuyết lừng danh nhất của ông, được viết trong suốt bốn năm với sự cộng tác chặt chẽ của Harper Lee, tác giả của tác phẩm Giết con chim nhại. Kiệt tác này tường thuật một sự kiện có thật: vụ ám sát tàn bạo cả bốn người trong một gia đình trại chủ ở Kansas ngay tại nhà họ. Nhà văn, trong khi bám sát các sự kiện và con người có thật, tuyệt đối tôn trọng sự thực, không hư cấu, vẫn dành trọn tâm huyết và trí lực mình để dấn sâu đến tận cùng vào trái tim khối óc các nhân vật liên quan, đặc biệt là hai kẻ tội phạm Richard Eugene Hickock và Perry Edward Smith, đồng thời hết sức dụng công khắc họa khung cảnh, sự việc, diễn biến tâm trạng và hành động với rất nhiều chi tiết, một cách sinh động, bằng thứ ngôn ngữ chính xác, hàm súc, nghiêm khắc, sắc gọn, đầy cảm xúc, đẹp như khối pha lê đẽo thô. Bằng cách “xử lý một sự kiện có thật bằng những kỹ thuật của văn chương hư cấu”, nhà văn muốn tạo ra một thể dung hợp mới, một thứ nằm giữa “chuyện thật trăm phần trăm” và tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm tiêu biểu và xuất sắc khó lòng vượt qua của cái gọi là “báo chí kiểu mới” (new journalism), Máu lạnh là thành tựu lớn nhất, đỉnh cao sự nghiệp của Capote mặc dù không phải tác phẩm cuối cùng của ông.
Tác phẩm khác đáng chú ý của ông gồm có truyện vừa Breakfast at Tiffany’s (1958) và tập truyện ngắn A Tree of Night (1949). Capote hai lần đoạt giải O. Henry Memorial Short Story Prize và là thành viên của Viện Văn chương Nghệ thuật Quốc gia Hoa Kỳ (National Institute of Arts and Letters).
Ông mất ngày 25/08/1984 sau nhiều năm nghiện rượu và ma túy, ít hôm trước sinh nhật lần thứ sáu mươi.
Mời các bạn đón đọc Bữa Sáng Ở Tiffany’s của tác giả Truman Capote.