Công nghiệp và thương mại là ngành kinh tế trọng điểm, có đóng góp tích cực và chủ động vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và Đại hội XII của Đảng với vai trò là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, trong giai đoạn 2011 – 2020, Bộ Công Thương đã có nhiều chính sách thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp và thương mại như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học – công nghệ vào quản lý nhà nước, xây dựng và triển khai các quy định, quy trình chặt chẽ và khoa học, mặt khác, tích cực chủ động mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế, xúc tiến các hoạt động thương mại. Nhờ đó, ngành Công Thương Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, ngày càng trưởng thành và xứng đáng là một trong những trụ cột xây dựng và phát triển đất nước.
Nhằm khái quát, hệ thống hóa và lưu giữ các sự kiện lịch sử của ngành Công Thương trong 10 năm 2011 – 2020, trên cơ sở đó đánh giá và tổng kết quá trình hoạch định chính sách, triển khai các nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ giao cho ngành Công Thương khẳng định những đóng góp của Ngành đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, đúc kết bài học kinh nghiệm lịch sử để tiếp tục phát huy vai trò của Ngành trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản Bộ sách Biên niên Lịch sử Công Thương Việt Nam 2011 – 2020.
Bộ sách gồm hai tập:
– Biên niên Lịch sử Công Thương Việt Nam 2011 – 2020, tập 1 (2011 – 2015).
– Biên niên Lịch sử Công Thương Việt Nam 2011 – 2020, tập 2 (2016 – 2020).
Các sự kiện trình bày trong Bộ sách mang tính tiêu biểu trong các hoạt động lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ, gồm: điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp cơ khí, luyện kim, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp môi trường, công nghiệp công nghệ cao; cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến công thương mại trong nước, xuất, nhập khẩu thương mại biên giới; phát triển thị trường ngoài nước; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phòng vệ thương mại; các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Cuốn sách Biên niên Lịch sử Công Thương Việt Nam 2011 – 2020, tập 1 (2011 – 2015) hệ thống các sự kiện tiêu biểu trong của lĩnh vực thuộc ngành Công Thương từ năm 2011 đến năm 2015. Đây là giai đoạn ngành Công Thương tập trung vào mở rộng sản xuất công nghiệp; tạo lập mối liên kết giữa nhà sản xuất với tổ chức phân phối và người tiêu dùng để hình thành những kênh lưu thông hàng hóa ổn định, điều tiết thị trường và đẩy nhanh nhịp độ xuất khẩu nhằm thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ, triển khai thực hiện: Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020; Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2022 và tầm nhìn 2030; Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…
Những sự kiện được lựa chọn trong cuốn sách thể hiện vai trò và những đóng góp của ngành Công Thương đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với ngành Công Thương đồng thời, làm nổi bật tính chủ động sáng tạo của Bộ Công Thương trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là trong những thời điểm lịch sử mang tính chất bước ngoặt.
Cuốn sách Biên niên Lịch sử Công Thương Việt Nam 2011 – 2020, tập 2 (2016 – 2020) gồm các sự kiện tiêu biểu của ngành Công Thương từ năm 2016 đến năm 2020. Trong giai đoạn này, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu với xu hướng chuyển dịch khá rõ và rất tích cực, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế, và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm, từ 14,27% năm 2016 lên 16,7% vào năm 2020. Đây cũng là giai đoạn cho thấy rõ sự thích ứng của ngành Công Thương với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiến trình chuyển đổi số quốc gia vào quản lý nhà nước theo mô hình chính phủ điện tử, chính phủ số; sự ra đời và các hoạt động triển khai các chương trình, chiến lược, định hướng phát triển những lĩnh vực thuộc ngành Công Thương như: Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030, Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Qua đó khẳng định vị thế, vai trò của ngành Công Thương không những đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, mà còn trong tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Mặc dù đã nhiều cố gắng trong quá trình biên soạn, biên tập, song nội dung sách khó tránh khỏi những hạn chế. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc để nội dung Bộ sách hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Tháng 4 năm 2023
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT