Bến Bờ – Ma Văn Kháng full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết]

Bến Bờ – Ma Văn Kháng full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết]

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu thuyết
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn
EPUBMOBIPDFĐỌC ONLINE

Bến bờ là câu chuyên tình nhuốm máu bi tráng của Điền, công an điều tra và Khanh, cô diễn viên xinh đẹp. Cao trào của tiểu thuyết diễn ra khi Khanh suýt bị gã đàn ông con riêng của mẹ kế cưỡng bức. Còn Điền bị ông Hói, thủ trưởng trực tiếp của anh, lộ mặt đê hèn, lợi dụng cơ hội hạ nhục anh.

Điền và Khanh sẽ phản ứng và tiếp tục sống ra sao sau những cay đắng ấy? Tâm hồn cao thượng và lòng quả cảm có giúp anh đứng vững và đối mặt với cái ác hiển hiện trong cuộc sống?

***

Mưa buông hạt từ lúc con tầu khởi hành.

Những hạt mưa cuối thu hiền lành, nhỏ li ti, không trọng lực, bay lơ lửng, kết tụ như bụi, như ở bên kia xứ sở, ở bên ngoài cảm giác. Chúng chỉ hiện diện mỗi khi con tầu tăng tốc độ, hắt số nước tích đọng trên mui sang hai bên, thành những làn nước mỏng tanh; và dựa vào đà chạy của con tàu, chúng quay đảo, đè rạp đám cỏ dại cùng lau lách mọc ở hai bên lề đường. Không gì hắt hiu hơn là những bông lau trắng xám, chúng tự nở hoa, tự bạc đầu. Quẫy động trong luồng gió con tầu tạo ra, những bông lau tỏa ra bóng đêm sớm hơn những ngày thông lệ.

Xuất phát từ lúc sáu giờ chiều ở một ga nhỏ biên giới, con tầu cảm nhận ngay được thân phận lẻ loi trên dặm đường xa. Nó hú còi liên tục và dàn bánh xe guồng rối rít tít mù như trốn chạy khỏi ám ảnh của một cuộc đuổi bắt hãi hùng. Nó làm dậy lên cuộc sống hoang dã hai bên đường. Hai bên đường thuần núi đất và rừng cây gỗ tạp chợt như được đánh thức và lập tức náo loạn lên với những tiếng gào thét, rên rỉ hoặc khoái trá của loài rắn rết, lũ côn trùng đang bắt đầu vào cuộc sát hại lẫn nhau hoặc cặp díp nhau, giẫy lên đành đạch vì lạc thú điên rồ khi trời sửa soạn vào phần đêm.

Náo động từ hai bên đường, ở trong con tầu. Bao giờ cũng vậy, lộn xộn, hỗn loạn là trạng thái thường tình của con tầu ở mấy ga đầu. Người lên tầu còn chưa ổn định được chỗ ngồi, lại bỡ ngỡ trước môi trường mới. Dọc theo các lối đi xẻ giữa hay ở bên cạnh toa, nầm nập khách ngược xuôi đi lại và chỉ cần một người dừng chân để ngó nghé, hỏi han gì đó là đủ gây nên cảnh ùn tắc và ngay tức khắc ồn lên những lời mắng mỏ tức tối rồi. Cảnh sát dã chiến và người nhà tầu vung vẩy cây đèn pin hoặc đèn hiệu trong hộp kính mầu, nổi bật như các hồng huyết cầu trong dòng người chuyển động này, bao giờ cũng len lách vượt lên trong tinh thần chủ động. Rẽ vào một toa nằm để soát vé, giải quyết khiếu nại về sự trùng lắp của một vé ngồi, nhiều nhất là xử lý tình trạng đi tầu không vé, việc này bao giờ cũng gặp khó khăn, khúc mắc. Cũng giống như việc đi lại trên con tầu, lát sau tuy đã thưa người di chuyển, nhưng mọi việc diễn ra cũng không dễ dàng gì, vì con tầu bắt đầu phóng nhanh hơn. Nhất là khi bóng đêm đen tuyền đã phủ trùm toàn bộ cảnh vật. Không hề biết đến việc gì khác, con tầu dường như chỉ có mỗi một nỗi lo là hoàn thành lộ trình càng nhanh càng tốt. Đầu tầu chắm chúi lao hồng hộc và dàn bánh thép của nó càng lúc càng như tự trôi trượt trên mặt đường ray về đêm đã ướt nhoáng nước mưa. Như không có người lái, nó tự động chạy, vẻ như bất cẩn, ở những khúc quanh, vành xe chỉ còn mớm nhẹ vào mặt ray, như sắp buột ra khỏi khẩu độ, phát ra tiếng thép xiết như liếc dao, nghe ghê cả người. Nhiều đoạn, đường gập ghềnh như đường trâu đi trong làng bản, tầu nhảy chồm chồm, các điểm nối giữa các toa chỉ chực buột ra khỏi khớp khóa. Ngồi trong toa tầu mà dập dềnh như ngồi thuyền đè sóng sang ngang sông mùa lũ, như ngồi võng, như cưỡi ngựa. Đường xấu vì làm ẩu, làm vội để lấy thành tích báo cáo, để kiếm chác là một chuyện. Mặt khác, nó xấu kém còn vì bọn trộm cắp phá phách gần đây bỗng hoạt động rộ lên. Đạo chích là những kẻ nhạy cảm vô cùng đối với các khoản sinh lợi. Mà con đường thì cứ phô ra cả trăm, cả ngàn cây số, toàn bộ số tài sản khổng lồ không người canh giữ của mình. Đá có thể lấy về để rải đường, lát sân, đổ bê tông làm móng nhà, trần nhà. Ray, tà vẹt, lập lách, cóc đều có thể bán được tiền. Còn những chiếc guốc hãm các dàn bánh xe ở các toa tầu thì xứng đáng là nguyên liệu loại một để đúc nồi gang, chảo gang cỡ đại hoặc chân bàn máy khâu Trung Quốc, Nga, Phần Lan, loại máy công cụ khi nhập vào nước này vốn chỉ có mỗi cái đầu máy. Khủng khiếp! Nhiều chỗ đá bị moi, hai thanh ray như hai sợi thép căng giữa khoảng trống không điểm tựa đỡ. Ở những đoạn xuống dốc, con tầu mất lực hãm, lao sầm sập vô phương kìm giữ, nó chỉ dừng lại, khi các toa đang trôi tự do bỗng đâm vào nhau loảng xoảng chùn cả lại, vì sức cản của chiếc đầu tầu nặng như một quả núi đá chẹn đường.

Tuy vậy, xóc lắc đều đều thì cũng là một kiểu nhịp điệu. Hiểm nguy liên tục thì cũng trở nên bình thường. Hơn nữa, lúc này vòng bánh xe quay theo cánh tay truyền lực phát tiếng kêu xục xịch đều đặn và tiếng hẫng hụt đứt gẫy cách quãng mỗi khi bánh xe qua điểm nối giữa hai thanh ray đã tạo nên trạng thái điều hòa trong cảm nhận mọi người. Dao động nhịp nhàng tác động vào thính giác hóa ra cũng thành một điệu ru. Hành khách được con tàu ru.

Có thể bạn thích sách  ACCA - Cục Thanh Tra 13 Bang - Ono Natsume Truyện Tranh full mobi pdf epub azw3 [Mystery]

Điền được con tàu ru. Duỗi thẳng chân, ở thế nằm nghiêng, úp mặt vào vách ngăn, trong con tầu xóc lắc liên tục, Điền đã tách mình ra khỏi hiện tại, để con người có thói quen đóng kín của mình trở nên trơ trụi, ở ngoài dòng thời gian. Vốn không dễ ngủ, nhưng Điền đã ngủ. Nói đúng hơn là Điền vừa chủ động vừa bị dìm nghỉm vào mớ tạp âm phát ra của con tàu và hơi mưa mát rượi chốc chốc lại tạt nhẹ vào khuôn cửa sổ tối mờ.

Hơi mưa giải tỏa oi nồng trong toa tầu.

May mà có mưa. Vì toa tầu đã chật hẹp lại đầy người. Mà người thì phát xạ như một hành tinh giầu năng lượng. Đã chật lại oi ngột. May mà có mưa. Mưa tắm mát vỏ con tầu. Mưa xóa nhòa các đường biên không gian, tạo nên cái hư giác là con tầu đang trôi trượt vào bóng đêm mung lung không thanh sắc, hình tướng. Trong mưa, tiếng va đập, rít xiết của con tầu trở nên phẳng bẹt, nhòa mờ, loang rộng. Mưa ru Điền vào giấc ngủ của kẻ lữ hành có cuộc sống phiêu tán đó đây đang rất cần những khoảng khắc tĩnh lặng để nghe được tiếng nói dịu dàng bên trong của một đời sống bình dị, lâu bền.

Thiếp đi thật sâu, nhưng lát sau Điền đã thức giấc bất chợt. Nằm yên, lọc qua mớ tạp âm va đập, nhận ra tiếng hạt mưa đậu nhè nhẹ trên mui tầu, Điền có cảm giác như đã chạm tới nỗi quạnh vắng mênh mang của đời người, lòng chợt dịu mềm đi vì như gặp được niềm tâm cảm; nỗi lo âu có sẵn từ sâu xa bỗng chập chờn ẩn hiện. Trong Điền từ lâu rồi đã tồn tại một cơ chế cảnh báo tự động. Đời sống luôn khắc khoải muôn nỗi lo toan. Điền đã thức giấc vì tiếng quát tháo, hò hét vừa chợt rộ lên ở đâu đó trong con tầu. Giữa đêm đen mù mịt, trên con tầu chạy hộc tốc như bị săn đuổi, tiếng người quát tháo, hò hét như được khuếch đại lên nhiều lần, lại như nhiễm thêm nỗi kinh sợ bàng hoàng.

Ở ga Phố Lu đã xảy ra một vụ cướp giật.

Một viên thiếu tá bị mất chiếc túi dết đựng ba trăm mười lăm triệu đồng tiền lương mới lĩnh của đơn vị. Bọn cướp giật được túi tiền từ toa số 6. Cảnh sát đuổi chúng tới toa số 2, toa Điền nằm, thì mất tích. Chúng đã nhảy xuống tầu hay trà trộn vào mấy chục hành khách cùng toa với Điền vừa thất thần thức giấc? Điền ngồi dậy, nhìn vào khoảng không mờ mờ ánh đèn điện trong toa tầu chỉ thấy những bóng người qua lại mặt mày ngác ngơ hốt hoảng. Người trong khoang tầu nằm cùng Điền đã lục sục thức giấc. Nằm trên chiếc giường cạnh anh, ở tầng dưới cùng là một người đàn ông trung niên. Ông ngáp một cái rõ to rồi nhìn anh, lắc lắc đầu cười: “Thôi, các chú công an chào thua các ông kẻ cướp Việt Nam đi!”.

Một người cảnh sát cầm súng ngắn đi qua, lườm người nọ, lướt mắt qua mặt Điền. Mắt anh ta đánh một tia chớp. Hình như anh ta nhận ra nét quen thuộc trên mặt Điền. Hay là đã có hồi anh ta cùng Điền tham gia chiến dịch săn bắt băng cướp trên các chuyến tầu Nam Định – Vinh? Chà, cuộc sống chứa chất bao điều quái dị. Có thể nào tin rằng bọn lưu manh chuyên nghề này xây nhà, sắm đài, mua xe đạp, xe máy… thuần bằng tiền móc ví hành khách? Buồn thay, cả băng hơn hai chục tên toàn là dân cày nghèo khổ và thợ thuyền.

Người đàn ông trung niên đã leo lên tầng giường trên, gọi mấy ông bạn mình dạy chơi bài và uống trà. Chả còn ai ngủ nữa. Canh bạc ăn nhau về sáng. Bọn bất lương sang nửa phần đêm còn lại càng hoành hành dữ dội. Ở ga Lâm Giang một bà nạ dòng và một cô thiếu nữ Tày bị giật hai sợi dây chuyền vàng. Tên cướp nhảy tầu thật lành nghề, tầu đang chạy với tốc độ sáu mươi cây số giờ, thế mà nó cũng chỉ hơi chuệnh choạng khi chân chạm đất. Trong ánh đèn pin dọi ngược chiều, còn nhìn thấy cái mặt gồ ghề và bộ râu quai nón lục lâm thảo khấu của nó, thấy nó nhe răng cười và giơ hai sợi dây chuyền lên để giễu cợt những người định đuổi bắt nó thò cổ ra ngó nó từ trên các cửa sổ con tầu.

Chuyến tầu đầy những sự cố bất thường. Vì đoạn đường nào cũng có người trình báo mất hành lý, mất ví tiền, sắp vào ga Ngòi Hóp, tầu hãm độc giật cục bất thình lình. Có một người nằm vắt ngang đường tầu. Tài xế phụ và một cảnh sát nhảy xuống. Người nọ là một gã đàn ông trẻ, mặt mũi bặm trợn. Bị dựng dậy, gã nhe răng: “Thằng chủ tịch xã nó chiếm đất nhà em, nó cướp cả vợ em. Em chán đời, em muốn chết. Với lại em muốn thử tài các bác lái đầu tầu anh hùng!”. Đúng là trò lưu manh dở. Anh tài xế phụ túm cổ gã, vung quả đấm: “Tài của tao đây!”. Gã nọ lăn ra đường, giẫy đành đạch, gào: “Ôi giời ơi, nó giết tôi. Mày nôn tiềnđền ông đi không có ốm nặng với ông đấy”. Thật là chẳng còn ra kỷ cương, phép tắc gì!

Thật chẳng còn ra kỷ cương, phép tắc gì. Vì từ ga Cổ Phúc tràn lên cả bọn hơn chục tên thiếu niên ngổ ngáo nhất loạt trọc đầu, áo may ô đen bỏ ngoài quần, tay xăm hình đàn bà cởi truồng. Trưởng tầu đeo xà cột đến hỏi vé thì một thằng lên tiếng, rồi cả đám nhao nhao phụ họa: “Tầu của nhà nước chứ của riêng ông à!”. Được giải thích ôn tồn thì đồng loạt giả ngây: “Nhưng mà bố em bỏ mẹ em đi với con bồ nhí của ông, không cho em tiền mua vé”. Các bà buôn đường dài chứng kiến vở bi hài kịch cười ré lên: “Thôi các anh nhà tầu mấy lỵ cảnh sát ơi! Quên cha nó thằng cùn đi”. Trưởng tầu và mấy anh cảnh sát hợp lực kéo đẩy, dồn cả bọn vào một chỗ để lát nữa tới ga gần nhất sẽ đưa xuống. Thì chúng xô họ, ùa sang toa bên, sau khi phanh ngực áo, nghiến răng: “Tao nhớ cái bản mặt chúng mày nhé. Còn gặp nhau nhiều, nghen”. Ngồi ở tầng giường trên, người trung niên ngó xuống, như nói với Điền: “Thời kỳ mạt thế là đây. Đám dân Việt này hỏng từ gốc rồi, đến Khổng Tử cũng chẳng giáo dưỡng được chúng đâu, có phải không, các vị?”.

Có thể bạn thích sách  Tử Vong Khai Đoan - Zhttty full prc, pdf, epub, azw3 [Vô Hạn Lưu]

 

*

*          *

 

Ngoài trời, bóng đêm đang rã ra từng mảng. Và tình trạng hỗn độn hình như đã bớt đi. Vậy mà con tầu thi thoảng vẫn giật đùng đùng. Có lúc nó như một linh hồn bất an, chợt rít ré lên, chợt hùng hùng hổ hổ rồi sau đó lại uể oải lờ ngờ lê dịch từng vòng bánh xe, như một kẻ kiệt lực. Đèn trong khoang tầu đã tắt. Người trung niên và mấy người ở tầng giường trên sau một hồi uống trà, chơi bài đã nằm ngủ lại.

Điền nằm lắng nghe tiếng bánh xe quay vòng, cố tìm thấy ở đó một tiếng nói nội tâm của chính mình. Điền rất thích sự yên tĩnh. Có lẽ vì đối với Điền, sự ồn ào là quá thừa thãi rồi. Điền cần yên tĩnh để thư giãn, để lập lại thế cân bằng giữa thân thể và trí óc. Để có được sự yên hòa giữa cái hỗn tạp, nhộn nhàng, để nhận ra cái mênh mang, thăm thẳm của đời sống tinh thần và cái bến bờ bí ẩn của cuộc đời mỗi người. Điền có cảm giác đã tìm được sự yên tĩnh và thấy mình đang ở trong cuộc phiêu du của con tầu, đang đi tới cái bến bờ xa xăm trừu tượng và rất khó hiểu nọ. Chính lúc ấy, Điền đã phải bật dậy. Ở tầng giường trên Điền, người trung niên vừa giật thột mình, chồm dậy, giọng mê hoảng như vừa qua cơn chiêm mộng.

– Cái gì thế?

– Tôi… tôi…

Mấy người ở tầng giường trên đã thức cả, và sau câu hỏi với người trung niên, họ liền vội vàng kiểm tra mấy bọc hành lý của mình. May, không ai bị mất mát gì.

– Tôi nghe thấy, ông kêu la cái gì kinh hoảng lắm?

– Tôi mơ mà hình như không phải chỉ là mơ. Tôi thấy, rõ ràng là thấy như là có một con bướm. Một con bướm rất to, lọt qua cửa sổ toa tầu, vào khoang tầu này. Con bướm đậu lên mặt tôi.

– Bật đèn lên xem nào! Tiếng công tắc bật khô khan tiếp ngay sau tiếng một ông già.

Con tầu vọt tăng tốc trên quãng đường thẳng. Dàn bánh thép dội lên từ nền đường làn âm thanh như đá đổ. Qua môt cây cầu dài, có cảm giác con tầu đang bị hút xuống một chiều dốc thăm thẳm và mọi người như mất tri giác, cũng bị lôi theo và phó mặc. Bóng đêm đã tan loãng trong những dao động nọ. Ngoài cửa sổ đã thấy lờ mờ khung cảnh miền trung du đồi đất trập trùng, cùng những vạt mây xám nặng nề như những nỗi buồn đau vón cục không thể tiêu tan.

– Tôi có bà cô chết trẻ thiêng lắm. Cứ mỗi khi tôi sắp gặp tai nạn, bà lại hiện về để báo trước. Lần thì bà hiện thành hoa, lần bà hóa thành bướm. Bà hiền lắm. Từ nhỏ đến lớn không cãi nhau với ai một lời.

– Bác năm nay đã bảy mươi chưa?

– Tôi già đến thế kia ư?

– Xin lỗi bác.

– Vừa tròn sáu chục. Nhưng tôi về hưu được năm năm rồi. Vừa rồi là lên Lao Cai thăm đơn vị cũ. Nghề coi tù mệt mỏi, chóng kiệt lực lắm. Anh tính: suốt ngày tiếp xúc với cái bẩn tưởi. Ông Các Mác chia người thành giai cấp, là căn cứ vị trí của mỗi người trong hệ thống kinh tế – chính trị. Đúng! Còn tính khí con người thì có thể chia hai bậc chính: quân tử và tiểu nhân, hiền lành và độc ác. Tôi không phủ nhận hoàn cảnh xã hội. Còn bất công thì còn nổi loạn. Nhưng, có những người tiên thiên hiền hậu, hảo tâm, thánh thiện như bà cô tôi. Lại có những kẻ vốn sinh ra đã ác độc rồi kia. Cạnh nhà tôi có một thằng bé mà từ lúc nó sáu bảy tuổi tôi đã thấy nó là đứa trẻ tàn bạo. Đồ chơi nào vào tay nó, nó cũng đập phá tan tành mới thỏa thích. Không con mèo con nào sống nổi với nó. Lớn hơn gặp dịp là nó đánh đập bè bạn không tiếc tay. Bố nó nuôi một con béc giê để giữ nhà. Mới mười bốn tuổi đầu mà nó đã nhiễm có cái thú tính tàn ác là đánh chó. Nó xích con chó lại rồi cứ cái roi da đầu có mấu quất. Chuých! Bụp! Chuých! Bụp! Trăm phát không sai phát nào! Con chó sợ rúm lại, thậm chí phát điên mà nó cứ lì ra, như không. Ngày nào không đánh con chó một trận là nó ăn không ngon. Sau này, tôi gặp nó ở xà lim tử hình. Tội nó là giết vợ, giết nhân tình. Hỏi nó, nó cứ nhơn nhơn, chẳng chút ân hận. Mặt nó cũng dị hình dị tướng lắm. Độc ác hiện ra từ cái đầu hói khi mới có ba chục tuổi. Mắt thì mắt rắn. Mũi thì khoằm khoặm. Lại rỗ nữa mới kinh! Chết! Chết! Nó thuộc loại nhân chi sơ, tính bản ác, các anh ạ.

Có thể bạn thích sách  Kim Vân Kiều Truyện PDF EPUB

 

*

*          *

 

Vậy là ngay ở trong khoang tầu có mấy người nằm, chạy từ Lao Cai về Hà Nội đêm nay đã có ít nhất là hai người làm công việc có quan hệ hàng ngày với bọn tội phạm, với cái ác. Điền cũng là nhân viên của ngành công an nhưng khác với ông già giám thị trại tù, Điền đóng vai người trinh sát, điều tra các tội phạm hình sự tức bọn cướp của giết người, gây rối loạn trật tự xã hội và gây nguy hiểm cho đời sống người dân. Hai mươi tư tuổi, Điền tốt nghiệp khóa đào tạo đại học chuyên ngành, tới nay Điền đã già hai tuổi nghề.

Câu chuyện của người giám thị Trại giam vừa rồi, khiến Điền nhớ đến vụ án giết người mà tội phạm là một kẻ vị thành niên. Đây là vụ án đầu tiên anh giữ vai đảm trách chủ yếu trong đời. Anh đã tóm được nó. Đúng thế! Nó là một thằng nhóc, nói đúng hơn là một thân xác vừa trẻ con vừa còi cọc. Nó mới mười sáu tuổi. Người nhỏ tóp, chân tay ống sậy. Mặt choắt, trán dô, mắt lỗ đáo. Thằng lỏi này gọi người lái xe Honđa ôm tên là Ngạc, hai mươi tám tuổi, bảo anh chở nó từ Gốc Riếu đi Cam Đồng. Đi được chừng tám cây số, nó rút búa đập liên tiếp vào đầu anh. Anh chết, nó hất xác anh xuống vực, lấy xe đem về Yên Bái bán lấy tiền ăn chơi. Điền hỏi. Nó kể, kể rất thản nhiên. Rằng em ngồi sau anh ấy. Đến cây số tám, đường xấu, xe bị xóc, nên đi chầm chậm. Trời lúc này đã tối. Em bảo: “Cho xe dừng lại đi, em đánh rơi dép rồi!”. Xe vừa dừng, em liền rút cái búa để sẵn ở túi áo Natô đập mấy nhát vào sọ anh ấy. Anh ấy kêu ối. Em nghĩ: chưa chết đâu. Thế là em đập mấy cái nữa cho chết hẳn!

Uất tức, Điền quát và bật đứng dậy, hai con mắt như hai tia lửa điện phóng thẳng vào mặt tên hung thủ trẻ con. Nó cũng giật mình đứng dậy, sợ hãi run lẩy bẩy. Nó choắt cheo, lép kẹp một khúc xương khô, đứng chỉ đến vai anh. Chỉ cần một quả đấm của anh là nó có thể nằm liệt cả tuần. Thế mà nó lại có thể giết người! Nó cần tiền, nó vốn hư đốn, quen ăn chơi lêu lổng? Không! Không chỉ có vậy! Còn một nguyên nhân nào nữa khiến thằng ranh nổi cơn hung đồ và tợn tạo như thế? Hay nó là đứa lãnh cảm, vô hồn, vì sau khi xác định nó là thủ phạm, theo dõi nó suốt mấy hôm, anh vô cùng kinh ngạc vì thấy nó quá thản nhiên, không hề lộ ra mảy may mặc cảm, áy náy gọi là, điều mà những tên sát thủ già đời cũng khó tránh khỏi. Lúc dẫn nó đi qua mộ người lái xe ôm ở bên đường, anh hỏi nó: “Mộ ai đấy?”. Nó đáp thản nhiên: “Mộ anh lái xe Hon đa ôm đấy mà!”.

“Mày có biết là anh ấy người Hải Dương, đi bộ đội về, gia đình nghèo khổ, phải đem thân lên tận miền rừng núi này làm nghề lái xe ômđể kiếm tiền nuôi vợ con không? Tại sao mày lại giết anh ấy?”. Điền đã gào thét và túm cổ áo nó giật. Nó giẫy, nó kêu: Đau quá! Mặt nó nhăn nhúm. Má nó vạc hai nét vạc sâu hoắm. Điền nhìn hai nét vạc ấy, bỗng sợ hãi, buông tay, sờ lên mép mình. Nó ngồi xuống lí nhí: Em không hiểu tại sao em lại giết anh ấy ạ. Nó đã khai thật. Vì lúc ấy, như có một linh hồn xa lạ nào đó nhập vào nó. Nó bỗng thấy người nó nổi gai xù xì rồi phồng lên to tướng và chân tay bỗng ngứa ngáy, bứt rứt, chỉ muốn đập phá giết chóc. Thế là nó rút cái búa đóng đinh buổi chiều đi làm thuê ở phòng triển lãm thị xã còn để trong túi. Giang tay Điền đã cho nó một cái tát. Nó ngã nghiêng xuống đất, tay đưa lên che má, người co rúm lại, không dám đứng dậy. Còn Điền bỗng thấy người rơn rởn như chạm phải lông sâu róm. Thằng khốn! Một hồn ma bóng quỷ đã nhập vào nó, điều khiển nó, xui khiến nó. Nó không nhận thức được nó. Nó chỉ nhận ra cái bóng chạy ở phía trước nó và lưu lại ở sau nó thôi. Nó là một thực thể chưa hoàn chỉnh, một quái trạng, một thai nhi lọt lòng chưa đủ năm đủ tháng, một thể xác lỏng lẻo hồn vía, trống rỗng và bỏ ngỏ. Nó là đứa trẻ bị đẻ non. Nó chưa hoàn thiện. Và anh lái xe Hon đa ôm buồn thay, con người là vậy đó, cuộc đời thì quá ngắn ngủi, bến đợi thì xa tắp mịt mùng mà cái chết lại rập rình ngắt đoạn bất cứ lúc nào.

Mời các bạn đón đọc Bến Bờ của tác giả Ma Văn Kháng.