Trong Bão, có một hòn đảo, biển và gió, cơ thể những người đàn bà, một đứa trẻ cô đơn không bố, một người đàn ông bị quá khứ gặm nhấm và cơn bão rửa sạch tất cả.
Trong Bão, còn có cả Phi châu, Paris và một đứa trẻ lạc lối khác đi tìm danh tính của mình. Hai câu chuyện đầy chất thơ ấy được thổi đến bằng cơn bão của thế giới của tâm hồn.
Trong Bão, những số phận kì lạ gặp đầy trắc trở của Le Clezio vẫn tìm thấy phép màu, tim thấy điều níu giữ họ lại với cuộc sống, bởi “kí ức không quan trọng,không hậu quả, duy có hiện tại mới là đáng kể”.
Trong Bão, độc giả vẫn tìm thấy chất thơ lãng mạn từ những câu văn giản dị nhưng đầy sức nặng của tác giả từng được nhận giải Nobel Văn chương 2008.
Cuốn sách kể chuyện bằng cách đưa ra các hình ảnh, những gợi mở, niềm hy vọng ở phép màu và những điều hão huyển, và phải nhìn nó qua một tấm màn thi vị hóa. Từ đầu tới cuối, tính nhạc trong từng câu chữ giữ chân người đọc.
***
Bão là tập truyện mới nhất của Le Clézio – nhà văn đoạt giải Nobel năm 2008. Tác phẩm được xuất bản tại Pháp năm 2014, vừa phát hành ở Việt Nam.
Có thể ví hai truyện vừa Bão và Người đàn bà không danh tính trong cuốn sách như một file nén. Với dung lượng trang sách, số con chữ không lớn nhưng nén trong đó những câu chuyện đầy sức nặng và nhiều tầng cảm xúc, triết lý. Và bởi thế, mỗi độc giả có “mã giải nén” của riêng mình.
Là hai câu chuyện độc lập song bằng những chủ đề chung, tác giả đã tạo cho nó một mạch ngầm kết nối: từ cô gái June sống ở một hòn đảo hẻo lánh của Nhật Bản đến Rachel của một vùng đất thuộc địa cũ của châu Phi, từ vùng trời nước hoang sơ đến những thành thị ngột ngạt, và từ một bé gái không cha đến một thiếu nữ không mẹ đi tìm nguồn cội của mình.
Câu chuyện của Bão đưa người đọc đến những vùng đất xa xôi, những xã hội như nằm bên kia nền văn minh, nơi con người đắm mình vào thiên nhiên hoang dã, sống trong nó và chết trong nó. Ở đó, những con người còn rất trẻ đang bước qua lằn ranh mỏng manh giữa ấu thơ và trưởng thành, tâm hồn còn trong sáng vô ngần, nhạy cảm vô ngần, hồ như căng mình ra trước mọi sóng gió cuộc đời, không có khả năng tự bảo vệ khỏi những nỗi đau. Thậm chí họ dấn mình vào nỗi đau: đi tìm nguồn cội, đi tìm danh tính. Trên hết, những cô gái luôn vươn mình tới một thứ tình yêu nguyên sơ, thánh thiện, bất chấp sự già cỗi của những thứ ranh giới, khoảng cách thường tình.
Đó là thứ tình yêu từ cội nguồn sự sống có trong mỗi con người mà cô bé June cảm nhận được. Tình yêu ấy đôi khi làm thương tổn chính các cô gái. Bởi nó mạnh mẽ như bão, hủy diệt như bão, và cũng tái sinh sau bão. Hai cô gái trẻ của Bão mang trong mình một tâm hồn có thể bật lên, tự tái tạo, tự giải thoát mình khỏi nỗi đau và nỗi tuyệt vọng. Cũng nhờ sức sống tươi mới tiềm tàng ấy, Kyo – người đàn ông toan đến hòn đảo hoang vắng để kết thúc cuộc đời – được giải thoát khỏi “nhà tù” của quá khứ, khỏi sự ám ảnh của ký ức và những vết thương. Bão đã rửa sạch tất cả – “ký ức không quan trọng, không hậu quả, duy có hiện tại mới là đáng kể”.
Bão tiếp tục những chủ đề ưa thích của Le Clézio: những thế giới, vùng đất, con người bị bỏ quên, dường như sống bên lề thế giới và nền văn minh. Ông luôn dành một sự ưu ái, trìu mến cho người trẻ và phụ nữ. Có thể thấy trong câu chuyện của ông, họ là những đối tượng dễ dàng bị thế giới nuốt chửng hay làm tổn thương. Nhưng đó cũng chính là những tâm hồn tiềm tàng khả năng tái sinh mạnh mẽ, khơi dậy niềm thiết tha sống ở những con người khác. Bên cạnh đó, chủ đề đi tìm danh tính dường như chưa bao giờ là câu chuyện cũ trong sáng tác của Clézio, nhất là khi con người đang ngày càng đánh mất mình giữa sắt thép, bê tông, phương tiện hiện đại và những thành phố xa hoa, đồ sộ.
Những câu chuyện không có những tình huống gay cấn, tình tiết hấp dẫn hay chi tiết mùi mẫn của Clézio dường như thách thức sự kiên nhẫn của độc giả. Thay vào đó, ông theo sát và xoáy sâu vào những biến động tâm lý bất ngờ của nhân vật: June (Bão) đã mạnh mẽ và quyết liệt ra sao trong niềm tin của riêng mình; Rachel (Người đàn bà không danh tính) đã để mình trôi dạt, lạc lối thế nào trong nỗi cô đơn của mình, trong những ngóc ngách thành phố. Mỗi câu chuyện đều mang đến một niềm xúc động sâu xa bằng lối văn phong giản dị, trong trẻo mà đa thanh. Những câu ngắn đầy chất thơ, chất nhạc. Và những mệnh đề, câu chữ, hình ảnh trở đi trở lại như một giai điệu ám ảnh.
Song, giống như hành trình tự nhiên của một cơn bão, cấu tứ câu chuyện của Clézio nương theo đó đi về phía chân trời hừng sáng sau cơn biến động của đất trời. Ở phía đó, có sự đổi thay, sự tái sinh và có niềm tin không bao giờ lụi tắt. Đó cũng là chất thơ lãng mạn chảy len lách giữa khoảng trắng của những con chữ – là chất thơ của thiên nhiên vĩnh hằng và của từng khoảnh khắc sống.
Clézio được ví như một “nhà văn đi bộ” với lối bút pháp “lãng du”. Mỗi câu chuyện ông kể giống như cất lên một bản du ca u buồn, sâu lắng nhưng đẹp đẽ dành cho những nơi ông từng đi qua, những con người từng gặp gỡ. Đó còn là những lời an ủi dịu dàng, thiết tha dành cho bao tâm hồn cô độc và lạc lõng.
***
Đêm buông trên đảo.
Đêm lấp đầy những chỗ trũng, len lỏi giữa ruộng đồng, một đợt thủy triều bóng tối dần bao phủ vạn vật. Cũng vào thời khắc đó, đảo vắng bóng người. Sáng nào du khách cũng tới trên chuyến phà lúc tám giờ, họ làm đông đúc những không gian trống, họ lấp đầy những bãi biển, họ trôi như một thứ nước bẩn dọc theo cả những con lộ lớn lẫn những nẻo đường đất. Rồi khi đêm tới, họ lại rời khỏi những vũng vịnh, họ lùi ra xa, họ mất tăm. Những con tàu mang họ đi. Và đêm tới.
Tôi tới đảo lần đầu cách đây đã ba mươi năm. Thời gian đã biến đổi mọi thứ. Tôi chỉ loáng thoáng nhận ra những nơi chốn, những ngọn đồi, những bãi biển, và dáng hình của miệng núi lửa sạt lở phía Đông.
Tôi quay lại vì lẽ gì nhỉ? Phải chăng không còn nơi nào khác cho một nhà văn đang kiếm tìm lối viết? Một chốn nương náu khác, xa sự ồn ào của thế gian, đỡ om sòm hơn, đỡ ngạo ngược hơn, một chốn khác để ngồi vào bàn làm việc và gõ lên máy những dòng chữ, đối diện với bức tường chăng? Tôi đã muốn thăm lại hòn đảo này, nơi tận cùng thế giới này, nơi không lịch sử, không ký ức này, một mỏm đá bị dập vùi bởi sóng gió đại dương, rã rời vì du khách.
Ba mươi năm, tuổi đời của một con bò. Tôi từng đến vì gió, vì biển, vì lũ ngựa bán hoang dã lang thang kéo theo dây buộc, vì lũ bò cái ban đêm giữa những nẻo đường, tiếng rống thê thiết của chúng nghe như tiếng tù và báo sương mù, vì những tiếng sủa ăng ẳng của lũ chó bị xích.
Cách đây ba mươi năm trên đảo không có khách sạn, chỉ có các phòng ngủ cho thuê theo tuần gần đê chắn sóng, và những lán gỗ bán đồ ăn bên bờ biển. Chúng tôi đã thuê một ngôi nhà gỗ nhỏ trên đồi, không tiện nghi, ẩm ướt và lạnh giá, nhưng vậy là lý tưởng rồi. Mary Song hơn tôi một giáp, mái tóc tuyệt đẹp đen nhánh gần như ngả biếc, đôi mắt màu lá thu, nàng hát những tình khúc buồn trong một khách sạn dành cho du khách giàu có tại Bangkok. Cớ gì nàng lại muốn cùng tôi tới hòn đảo hoang vu này? Tôi chắc đây không phải ý tưởng của mình, chính nàng đã bàn đến chuyện này trước. Hoặc nàng đã nghe ai đó nhắc đến một đảo đá hoang sơ, mỗi khi có bão là hết đường tới. “Em cần tĩnh lặng.” Hoặc giả đó là ý của tôi, chính tôi đã nghĩ tới sự tĩnh lặng. Để viết, để lại bắt đầu viết sau nhiều năm uổng phí. Sự tĩnh lặng, khoảng cách. Sự tĩnh lặng, trong gió và biển. Những đêm lạnh, những đám sao.