Nữ tác giả Akane Chihaya là một tác giả giấu mặt, bà sinh năm 1979 tại Hokkaido, hiện đang sống và làm việc tại Tokyo.. Nhưng suốt năm tháng đi học, bà dành hơn nửa thời gian học sinh của mình tại Zambia (Đông Phi), nơi mà người cha là một bác sĩ thú y. Để con mình không quên đi văn học nước nhà, mẹ của bà, một giáo viên dạy ngoại ngữ đã cho bà đọc những tác phẩm Nhật Bản được giao hàng sang tận Đông Phi.
Akane Chihaya đã học chuyên ngành mĩ thuật và bắt đầu viết lách khi lên đại học. Tác phẩm đầu tay của bà, Iogami (Chúa của loài cá) đã giành giải thưởng Shōsetsu Subaru và Izumi Kyōka dành cho “Cây bút mới” vào năm 2008. Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là Atokata (Vết sẹo), một tuyển tập 6 câu chuyện ngắn về những tổn thương trong các mối quan hệ. Tác phẩm này đã dành được giải Naoki vào năm 2013. (Hi vọng Atokata cũng sẽ sớm được dịch tại Việt Nam)
Otoko Tomodachi (Bạn Khác Giới) được đề cử giải Yoshikawa Eiji cho “Cây bút mới” năm 2015 và giải Naoki năm 2014.
Câu chuyện được kể theo góc nhìn của Aoi Kanna, 29 tuổi, một người vẽ minh họa cho các tạp chí. Dù đã có người yêu là Akihito nhưng cô vẫn có tình nhân là Shinji và một đàn anh, người bạn khác giới Haseo. Người đọc sẽ không chỉ được cảm nhận về tình yêu mà còn một niềm khát khao và theo đuổi công việc, những tố chất được Kanna thể hiện xuyên suốt tác phẩm. Và vì sao tôi lại nói “nên đọc trước tuổi 30”? -Vì cuốn sách đã thể hiện được sự băn khoăn, trăn trở và chút gì đó mơ hồ của tuổi trẻ bên cạnh các câu chuyện về tình yêu.
Đồng thời tác giả cũng đã cho người đọc hiểu rõ hơn về cái “ranh giới” về tình bạn giữa nam và nữ. Một mối quan hệ mãi mãi, bền chặt hơn thứ tình yêu sớm nở chóng tàn. Dù trong xã hội ngày nay, vẫn còn có những định kiến về bạn khác giới, giống như câu nhận xét đằng sau bìa sách, “bạn khác giới, cái từ nghe thật gian xảo”.
#Aoi Kanna
Nhân vật chính của câu chuyện là một cô gái luôn hết mình vì đam mê mĩ thuật, tôi nghĩ là hình tượng của tác giả Akane Chihaya khi bà cũng từng học cao đẳng mĩ thuật. Cô là một người luôn chạy theo chạy theo tiếng gọi con tim mình, thế nên từ lúc nào đó, tình cảm giữa cô và Akihito có phần rạn nứt. Thật sự thì tôi cảm thấy rất khó chịu khi Kanna đi ngoại tình với Shinji, trong khi ở nhà lại có một người luôn ủng hộ và yêu thương là Akihito. Đối với Haseo, cô chính là chỗ dựa tinh thần của anh và Haseo cũng như thế. Dù có vài điểm mà người đọc không thể chấp nhận ở Kanna, nhưng cô cũng chỉ là một người phụ nữ mềm yếu, sống nội tâm, cô độc trong công việc của mình và hơn hết là luôn tiến về phía trước sau những nỗi đau. Tôi tin là nhiều người đồng trang lứa sẽ thấy đồng cảm ở Kanna, nhất là khi họ chuẩn bị sắp bước sang độ tuổi 30.
#Haseo
Là đàn anh thời đại học của Kanna, hai người thường ngủ chung nhưng không hề làm tình. Anh trân trọng Kanna, trân trọng mối quan hệ mình đang có. Anh là một kẻ luôn tốt với mọi phụ nữ, không biết tình yêu là gì, anh luôn đi lăng nhăng với mọi phụ nữ mình gặp. Ngoài ra anh còn là một người luôn âm thầm ủng hộ Kanna từ đằng sau, luôn những điều mà khiến người đọc nghĩ “thực sự 2 người này chỉ là bạn thân thôi à?” Câu nói tâm đắc nhất của Haseo mà tôi còn nhớ, cứ như là một cái tát cho những kẻ lụy tình vậy:
“Đồ ngốc, lưu luyến chỉ dành cho những kẻ rỗi hơi.”
Có lẽ vì câu chuyện chỉ tập trung theo góc nhìn của Kanna, thế nên đời tư của Haseo là một ẩn số với người đọc cũng như Kanna. Anh luôn giấu đi những tâm tư, suy nghĩ của mình để không ai bận lòng về mình. Nhưng thực sự thì anh rất cô đơn, mối quan hệ thân thiết mà anh có chắc chỉ là Kanna và Isawa.
#Akihito
Đây có lẽ đúng chuẩn kiểu đàn ông tốt mà các bạn nữ bây giờ đang tìm kiếm. Dù nhỏ hơn Kanna một tuổi nhưng anh lại có những suy nghĩ vô cùng chững chạc để sẵn sàng sống chung với Kanna. Anh không muốn ràng buộc Kanna quá nhiều mà để cô tự do trong thế giới của mình, Kanna đi đâu anh cũng không tò mò dù có là qua đêm với ai đó. Các chàng trai đã từng từ chối Kanna khi cô nói mình hay ngủ chung với Haseo dù hai người không làm gì, nhưng Akihito lại là người đầu tiên chấp nhận điều đó. Nhưng mọi sự thoải mái cũng dần tàn khi anh nhận ra Kanna càng lúc càng không cần mình nữa. Trong mối quan hệ giữa hai người thì ngay từ đầu Kanna đã dần lạnh nhạt trước.
#Shinji
Nếu Akihito tốt đến đâu thì Shinji lại là một hình ảnh đối lập. Một gã bác sĩ đã có vợ con nhưng vẫn đi làm tình nhân với Kanna. Dần dần người đọc sẽ thấy đây là một gã đểu cáng thật sự và điều đó đã được Haseo lật mặt một cách vô cùng dễ dàng. Shinji chỉ coi Kanna như một công cụ để thỏa mãn cho nhục dục của mình, thật may mắn rằng Haseo đã cứu Kanna khỏi gã này.
#Miho
Một nhân vật cho Kanna thấy hậu quả nếu như cô muốn vượt lên ranh giới bạn bè. Cũng như Kanna, Miho là một phụ nữ đã có chồng nhưng vẫn đi ngoại tình. Cô cũng từng có một “anh trai”, như Kanna có Haseo, nhưng thay vì duy trì mối quan hệ anh em đó, Miho đã vượt rào. Và kết cục của Miho là hạnh phúc không kéo dài lâu, cô không còn chỗ dựa tinh thần nữa mà luôn trống rỗng trong tình yêu cũng như cuộc sống. Miho và Kanna như hai cục nam châm bắc-nam, cả hai luôn bổ sung các khuyết điểm cho nhau. Nhìn vào Miho, chúng ta có thể hiểu rằng không phải bất cứ ai cũng có thể biến “bạn thân” thành tình yêu, có người hạnh phúc, có người thì không. Ít nhất đến phút cuối, Miho đã lấp đầy được khoảng trống của mình bằng một động lực.
#Cảm nhận cá nhân
Tôi cũng có một người bạn khác giới thế nên ngay từ lúc cầm cuốn sách đã nghĩ là nó rất hợp với mình. Những mối quan hệ bạn bè của tôi chưa đến mức như Haseo và Kanna đâu. Chỉ là một mối quan hệ mà cả hai không ai muốn phải lòng ai thôi, về mặt đó thì tôi khá giống suy nghĩ của Kanna.
Nội dung câu chuyện hấp dẫn, bên cạnh việc nói về các mối quan hệ thì tác giả cũng chia sẻ những cảm xúc của việc vẽ tranh minh họa thông qua nhân vật Kanna. Dù thế nào chăng nữa thì cũng thật khó để nói đây là một công việc ổn định, khi phải chờ những đơn hàng từ các công ty thì bạn mới có việc để nuôi bản thân. Vẽ tranh minh họa đã vốn được coi là một công việc tự do, dù nó phải tốn nhiều chất xám và công sức ra để vẽ. Nếu muốn sống bằng nghề này thì họ phải có một niềm đam mê cực lớn để theo đuổi, dù không phải ai cũng giàu từ nghề này. Người yêu cũ của tôi cũng là một người giống Kanna, hiện cô đang học thiết kế đồ họa dù rằng đã bị người nhà phản đối nhiều vì nghề này sợ không có tương lai. Tôi sẽ chọn làm một Haseo, luôn âm thầm ủng họ những tác phẩm từ đằng sau.
Vì hiện tại tôi vẫn chưa đến tầm tuổi của các nhân vật trong cuốn sách thế nên có những suy nghĩ mà thực sự tôi vẫn chưa thể thấm được. Nhất là “ngoại tình”, một chủ đề mà rất nhiều các tác phẩm Nhật Bản đề cập đến nó như là ăn cơm bữa vậy. Một lần tôi đọc bài báo về “Giới trẻ Nhật nghĩ thế nào về ngoại tình?” Thực sự thì suy nghĩ của người Nhật rất là thoáng, họ cho rằng việc nam nữ mà chỉ làm tình với nhau nhưng có tình yêu xen lẫn thì đó chỉ là phục vụ nhu cầu sinh lý mỗi người. Sẽ có một lúc nào đó một trong hai sẽ tìm một tình nhân để biết cảm giác mới lạ hơn…thật sự thì tôi không thể đồng lòng với suy nghĩ đó lắm, nhưng bên Nhật nó vốn thoáng như thế nên cũng không thể bình luận gì thêm.
Nếu ai muốn tìm một cuốn sách có nội dung tương tự thì tôi xin phép đề cử “Tháp Tokyo” của Ekuni Kaori. Ekuni Kaori cũng là một tác giả có vài tác phẩm lãng mạn nói về những kiểu tình yêu lạ lùng lắm.