Chiến lược toàn cầu của Mỹ để duy trì vị thế đặc biệt của mình trên thế giới là gì? Bàn cờ lớn chính là câu trả lời.
Khi thế kỷ 20 sắp kết thúc, Mỹ đã nổi lên như một siêu cường duy nhất của thế giới: Không có quốc gia nào khác sở hữu sức mạnh quân sự và kinh tế tương đương hoặc có lợi ích vượt trội toàn cầu. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng mà nước Mỹ phải đối mặt vẫn chưa được trả lời: Chiến lược toàn cầu của quốc gia này để duy trì vị thế đặc biệt của mình trên thế giới là gì? Zbigniew Brzezinski đã giải quyết câu hỏi này ngay từ đầu trong cuốn sách đầy ẩn ý và phá cách này.
Bàn cờ lớn thể hiện tầm nhìn địa chiến lược táo bạo và khiêu khích của Brzezinski dành cho sự ưu việt của nước Mỹ trong thế kỷ 21. Điểm trọng tâm trong phân tích của ông là việc thực thi quyền lực trên lục địa Á-Âu, nơi tập trung phần lớn dân số, tài nguyên thiên nhiên và hoạt động kinh tế của toàn cầu. Trải dài từ Bồ Đào Nha đến Eo biển Bering, từ Lapland đến Malaysia, lục địa Á-Âu chính là một bàn cờ vĩ đại, nơi mà quyền lực tối cao của nước Mỹ sẽ được phê chuẩn và thách thức trong một tầm nhìn dài hạn của những năm sau này. Từ đó, nhiệm vụ mà nước Mỹ phải đối mặt là hiểu về những thay đổi địa chính trị mới trong khu vực này, nhằm đề phòng những đối thủ cạnh tranh mới, quản lý các cuộc xung đột và mối quan hệ ở châu Âu, châu Á và Trung Đông sau sự sụp đổ của Liên Xô để không có siêu cường đối thủ nào phát sinh có thể đe dọa lợi ích sống còn, sự thịnh vượng hay sức mạnh toàn cầu dành riêng cho nước Mỹ.
Tại sao Pháp và Đức sẽ đóng vai trò địa chiến lược quan trọng, trong khi Anh và Nhật Bản thì không? Tại sao việc mở rộng NATO mang lại cho Nga cơ hội để xóa bỏ những sai lầm trong quá khứ và tại sao Nga không thể bỏ qua cơ hội này sang một bên? Tại sao số phận của Ukraine và Azerbaijan rất quan trọng đối với Mỹ? Tại sao Trung Quốc có khả năng trở thành một mối đe dọa? Tại sao nước Mỹ không chỉ là siêu cường thực sự toàn cầu đầu tiên mà còn là cuối cùng – và ý nghĩa của di sản Mỹ là gì?
Những kết luận ban đầu và đáng ngạc nhiên của Brzezinski đã thay đổi những hiểu biết khôn ngoan thông thường khi ông đặt nền tảng cho một tầm nhìn mới và hấp dẫn về lợi ích sống còn của nước Mỹ. Một lần nữa, Zbigniew Brzezinski đã cung cấp một hướng dẫn triết học và thực tiễn để duy trì và quản lý sức mạnh toàn cầu của Mỹ.
+LỜI KHEN TẶNG DÀNH CHO CUỐN SÁCH:
“Công lao to lớn của cuốn sách này nằm ở sự phân tích về triển vọng mang tính chiến lược và các vấn đề nan giải về chính sách của một loạt các quốc gia ở khối lục địa Á-Âu, một sự nghiên cứu tổng thể đầy đủ được thực hiện một cách sáng suốt. Phân tích của Brzezinski về mối quan hệ tay ba giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ – cùng với các khuyến nghị chính sách xuất phát từ đó – là đặc biệt hữu ích.”
– David C. Hendrickson, Foreign Affairs
“Bàn cờ lớn là cuốn sách mà chúng tôi đã chờ đợi: một sự phơi bày thể hiện rõ ràng, cứng rắn, dứt khoát về lợi ích chiến lược của nước Mỹ trong thế giới thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.”
– Samuel Huntington, tác giả của Sự va chạm giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới
“Bàn cờ lớn sẽ làm sửng sốt những bạn đọc còn rụt rè, làm điên đảo những độc giả thiếu sáng kiến, và truyền cảm hứng cho những ai suy nghĩ thấu đáo. Dành cho những người tin rằng Mỹ nên đứng ở vai trò lãnh đạo nhưng không chắc chắn có thể thực hiện điều đó bằng cách nào, cuốn sách cung cấp một tầm nhìn thực dụng và đầy tính thuyết phục. Đối với những người phụ trách quá trình hoạch định chính sách Mỹ, đây là một cuốn sổ tay hướng dẫn bắt buộc.”
– Trung Tướng William E. Odom, Giám đốc Nghiên cứu An ninh Quốc gia, Viện Hudson
***
NỀN CHÍNH TRỊ SIÊU CƯỜNG
Kể từ khi các lục địa bắt đầu những tương tác chính trị vào khoảng năm trăm năm trước, liên lục địa Á-Âu luôn là trung tâm quyền lực thế giới. Theo những phương thức khác nhau, vào những giai đoạn khác nhau, các dân tộc cư trú tại lục địa Á-Âu – dù phần lớn ở rìa cực Tây Âu – xâm chiếm và thống trị những khu vực khác trên thế giới, khi mà mỗi quốc gia Á-Âu riêng lẻ này đạt được vị thế đặc biệt và thụ hưởng những đặc quyền của “cái ghế” cường quốc hàng đầu.
Thập kỷ cuối của thế kỷ 20 đã chứng kiến một cuộc chuyển dịch kiến tạo liên quan đến một chuỗi sự vụ ngoại giao trên thế giới. Lần đầu tiên một thế lực nằm ngoài lục địa Á-Âu trỗi dậy, trở thành trọng tài chính không chỉ nắm quyền quyết định các mối quan hệ quyền lực trong phạm vi Á-Âu mà còn là cường quốc tối cao trên thế giới. Sự thất bại và sụp đổ của Liên bang Xô Viết là bước cuối cùng để Hoa Kỳ, thế lực ở Tây Bán cầu, nhanh chóng nổi lên để thay thế, thực sự trở thành cường quốc toàn cầu đầu tiên và duy nhất.
Tuy nhiên, lục địa Á-Âu vẫn duy trì vai trò quan trọng của nó về mặt địa chính trị. Không chỉ khu vực ở rìa phía Tây – châu Âu – vốn vẫn là nơi có nhiều cường quốc chính trị và kinh tế của thế giới, mà còn tính cả phần phía đông của nó – châu Á – mà gần đây đã trở thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động trọng yếu, có tầm ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng. Do đó, vấn đề làm thế nào để một nước có phạm vi quan hệ toàn cầu như Mỹ xử sự trong các mối quan hệ quyền lực Á-Âu phức tạp – và đặc biệt liệu nó có ngăn chặn được sự xuất hiện của một cường quốc Á-Âu thù địch và vượt trội hơn không – vẫn là trọng tâm đối với việc thực hiện thế chi phối toàn thế giới của Mỹ.
Thế nên, cùng với việc tập trung cho các chiều kích quyền lực mới khác (công nghệ, truyền thông, thông tin, cũng như thương mại và tài chính), chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn phải duy trì sự quan tâm đến khía cạnh địa chính trị và phải tác động sao cho thiết lập được thế cân bằng lục địa hằng định ở lục địa Á-Âu, với Hoa Kỳ là nước “cầm trịch”.
Lục địa Á-Âu trở thành bàn cờ liên tục diễn ra cuộc tranh giành vị thế thống lĩnh thế giới, và cuộc đấu tranh đó liên quan đến địa chiến lược – sự kiểm soát những lợi ích địa chính trị mang tính chiến lược. Đáng chú ý là vào năm 1940, hai kẻ khao khát quyền lực toàn cầu, Adolf Hider và Joseph Stalin, đã dứt khoát đồng ý (trong cuộc đàm phán bí mật tháng 11 năm đó) rằng không tính Mỹ vào lục địa Á-Âu. Mỗi bên đều nhận thấy rằng sự tiềm nhập quyền lực Mỹ vào khu vực Á-Âu sẽ ngăn cản tham vọng thống trị thế giới của mình. Họ có chung giả định rằng lục địa Á-Âu là trung tâm của thế giới và họ, và người nào kiểm soát được lục địa Á-Âu sẽ kiểm soát toàn thế giới. Nửa thế kỷ sau, vấn đề này đã được xác định lại: vị thế ưu việt của Mỹ trong khu vực Á-Âu có kéo dài không, và kết cục của nó sẽ là gì?
Mục tiêu tối thượng trong các chính sách của Mỹ nên ôn hòa và có tầm nhìn: nhằm thành hình được một cộng đồng quốc tế hợp tác thực sự, phù hợp với các xu hướng dài hạn và với những lợi ích cơ bản của nhân loại. Nhưng trong lúc đó, bắt buộc không được để xuất hiện một đối thủ thuộc lục địa Á-Âu nào, có khả năng thống trị khu vực Á-Âu và do đó cũng thách thức Mỹ. Vì lẽ đó, thiết lập công thức địa chiến lược toàn diện và hoàn chỉnh cho khu vực Á-Âu là mục đích của cuốn sách này.
Zbigniew Brzezinski
Washington D.C.
Tháng 4 năm 1997
Mời các bạn đón đọc Bàn Cờ Lớn của tác giả Zbigniew Brzezinski.