Kosuke, chủ một tiệm cầm đồ bị sát hại tại một ngôi nhà chưa hoàn công, một triệu yên mang theo người cũng bị cướp mất. Sau đó một tháng, nghi can Fumiyo được cho rằng có quan hệ tình ái với nạn nhân và đã sát hại ông để cướp một triệu yên, cũng chết tại nhà riêng vì ngộ độc khí ga. Vụ án mạng ông chủ tiệm cầm đồ rơi vào bế tắc và bị bỏ xó. Nhưng với hai đứa trẻ mười một tuổi, con trai nạn nhân và con gái nghi can, vụ án mạng năm ấy chưa bao giờ kết thúc. Sinh tồn và trưởng thành dưới bóng đen cái chết của bố mẹ, cho đến cuối đời, Ryoji vẫn luôn khao khát được một lần đi dưới ánh mặt trời, còn Yukiho cứ ra sức vẫy vùng rồi mãi mãi chìm vào đêm trắng.*** Ra khỏi ga Kintetsu Fuse, Sasagaki Junzo men theo đường sắt đi thẳng về phía Tây. Đã sang tháng Mười mà trời vẫn oi bức khó chịu, mặt đất cũng khô khốc. Mỗi khi có xe tải chạy vụt qua, bụi đất cuốn lên táp cả vào mặt. Ông nhíu mày, đưa tay dụi mắt, thả những bước không thể nói là nhẹ nhàng. Lẽ ra hôm nay ông không phải đi làm. Ông định sẽ thong thả đọc sách vì đã lâu lắm rồi không được động đến sách vở gì cả. Ông còn đặc biệt để dành cuốn sách mới của Matsumoto Seicho[1] cho ngày hôm nay. Công viên xuất hiện ở phía bên phải đường, rộng đủ để cùng một lúc tổ chức được hai trận bóng chày kiểu ba chốt. Mấy trò chơi thường thấy như cầu chui, đu quay, cầu trượt… đều có cả. Đây là công viên lớn nhất trong khu vực, tên chính thức là Masumi. Đằng sau công viên có một tòa nhà bảy tầng, thoạt nhìn hết sức bình thường, nhưng Sasagaki biết, bên trong hầu như trống không. Trước khi được điều đến Sở Cảnh sát Osaka, ông đã công tác ở Phòng Cảnh sát Tây Fuse quản hạt chính khu vực này. Những kẻ hóng chuyện, rất nhanh, đã tụ tập thành một đám đông trước tòa nhà, mấy chiếc xe cảnh sát đậu ở đó hầu như bị đám người ấy vây kín. Sasagaki không đi thẳng về phía tòa nhà, mà rẽ sang con đường phía trước công viên. Từ chỗ rẽ, đi đến cửa hàng thứ năm thì gặp tấm biển “Bánh mực nướng”. Mặt tiền cửa hàng rộng hơn mét tám. Quầy nướng bánh hướng ra đường, phía sau có một người đàn bà to béo ngoài năm mươi tuổi đang đọc báo. Bên trong hình như bán cả đồ ăn vặt, nhưng không thấy bóng dáng đứa trẻ nào. “Bà chủ, nướng cho tôi một cái.” Sasagaki cất tiếng gọi. Người đàn bà vội gấp tờ báo lại. “Vâng, xong ngay, xong ngay đây.” Bà ta đứng lên, đặt tờ báo xuống ghế. Sasagaki ngậm một điếu Peace, bật diêm châm thuốc, đưa mắt nhìn tờ báo, bắt gặp cái tít “Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi công bố kết quả kiểm nghiệm hàm lượng thủy ngân trong sản phẩm thủy hải sản trên thị trường[2]”, bên cạnh có một hàng chữ nhỏ hơn, “Dù ăn một lượng cá lớn vẫn dưới mức cho phép”. Hồi tháng Ba, tòa án đã đưa ra phán quyết cuối cùng cho bệnh Minamata ở tỉnh Kumamoto – cùng với bệnh Minamata ở tỉnh Niigata, bệnh suyễn ở thành phố Yokkaichi, bệnh Itai-itai ở tỉnh Toyama, được gọi chung là “Bốn chứng bệnh lớn do ô nhiễm môi trường”. Kết quả, bên thắng kiện đều là nguyên đơn. Điều này khiến dân chúng trở nên quan tâm hơn đến các vấn đề ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, ngày càng nhiều người nghi ngại rằng các loại cá họ thường ăn đã bị nhiễm độc thủy ngân hoặc PCB[3]. Mực chắc không có vấn đề gì đâu nhỉ? Sasagaki nhìn tờ báo, thầm nhủ. Hai miếng sắt dùng để nướng bánh mực gắn với nhau bằng bản lề, ở giữa kẹp con mực đã tẩm bột và trứng, được đặt lên bếp làm nóng. Mùi mực nướng tỏa ra kích thích cảm giác thèm ăn của Sasagaki. Sau khi làm nóng đủ độ, bà chủ mở kẹp sắt, cái bánh giòn xốp, tròn tròn dẹt dẹt dính trên một miếng sắt. Bà phết lên đó một lớp xốt mỏng, gập lại, sau đó bọc bằng tờ giấy màu nâu, buông một tiếng “Xong rồi” và đưa cho khách. Sasagaki liếc mắt nhìn tấm biển đề “Bánh mực nướng bốn mươi yên” rồi trả tiền. Bà chủ niềm nở nói, “Cảm ơn.” Sau đó cầm tờ báo lên, lại ngồi xuống ghế. Sasagaki đang định đi thì một người đàn bà đứng tuổi dừng lại trước cửa hàng, cất tiếng chào bà chủ. Trên tay bà ta xách cái làn, có vẻ là một bà nội trợ ở gần đây. “Đằng kia đang ồn ào lắm, có phải xảy ra chuyện gì không nhỉ?” Bà ta chỉ tay về phía tòa nhà hỏi. “Hình như có chuyện đấy, vừa nãy có nhiều xe cảnh sát đến lắm, chắc là có đứa trẻ nào bị thương.” Bà chủ nói. “Trẻ con à?” Sasagaki quay đầu lại hỏi, “Trong ấy sao lại có trẻ con?” “Nó đã thành sân chơi của bọn trẻ lâu rồi. Tôi đã lo sớm muộn gì cũng có đứa bị thương mà, quả nhiên xảy ra chuyện, không phải sao?” “Ừm, trong tòa nhà ấy thì chơi được gì chứ?” “Ai mà biết chúng nó chơi gì! Tôi thấy cần phải sửa sang lại từ lâu rồi, nguy hiểm quá.” Ăn xong cái bánh mực nướng, Sasagaki đi về phía tòa nhà. Bà chủ cửa hàng phía sau lưng ông, chắc hẳn sẽ cho rằng ông là một tay trung niên nhàn rỗi, thích hóng chuyện.
Nguồn: https://thuviensach.vn