Cuốn sách Ánh sáng trong rừng thẳm vừa ấn hành, tôi rất hạnh phúc và cảm động gửi cuốn sách này đến các bạn Việt Nam của tôi.
Cuốn sách này là kết quả hoạt động khiêm tốn của tôi – một nhà báo, nhà điện ảnh Liên Xô, hết lòng yêu mến đất nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Tôi xin dành cuốn sách này cho những người Việt Nam hào hiệp và cao quý, những chiến sỹ vì tự do, những người lao động.
Tôi tin chắc tôi sẽ trở lại Việt Nam và viết thêm những trang mới về những thắng lợi mới của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hạnh phúc, hòa bình và thống nhất đất nước.
Roman Lazarevič Karmen (16 tháng 11 năm 1906 Odessa – 28 tháng 4 năm 1978 Moskva) là một nhà quay phim và đạo diễn phim Xô viết – một trong những hình tượng có tính ảnh hưởng trong quá trình sản xuất phim tài liệu; mặc dù tính ảnh hưởng tuyên truyền của phim còn phải xem xét, ông có thể được coi là Leni Riefenstahl của Liên Xô, dù so sánh không có tính tuyệt đối.
Karmen là một người tin tưởng tuyệt đối với chủ nghĩa Cộng sản, đi khắp nơi để ghi hình Nội chiến Tây Ban Nha, các trận đánh tại Moskva và Leningrad trong Thế chiến II, chiến tranh Đông Dương lần I, sự vươn lên của chủ nghĩa Cộng sản tại Đông Nam Á những năm 1950 và Nam Mỹ những năm 1960.
Karmen cũng được phép tiếp xúc trực tiếp với các nhà lãnh đạo Cộng sản có tầm ảnh hưởng lớn như Mao Trạch Đông của Trung Quốc, Hồ Chí Minh của Việt Nam, Fidel Castro của Cuba, và Chủ tịch Anh hùng Chủ nghĩa xã hội Chile Salvador Allende.
Tôi bắt đầu ghi chép này ở Moskva trong lúc chuẩn bị cho chuyến đi tới đất nước xa xôi, không giống với những đất nước mà tôi đã tới trong cuộc đời quay phim lâu năm của mình.
Tôi sẽ hoàn thành những ghi chép này cũng ở Moskva, lúc từ Việt Nam trở về sau khi bộ phim được quay xong. Ít nhất cũng phải mất một năm, không thể sớm hơn.
Tôi suy nghĩ rất nhiều về bộ phim sắp làm. Chúng tôi biết quá ít về đất nước mà chúng tôi sẽ giới thiệu cho hàng triệu khán giả. Tôi đọc tất cả các tài liệu về Việt Nam. Các bài báo và các cuốn sách mỏng chỉ cung cấp những thông tin sơ lược về kinh tế và địa lý của đất nước này. Khí hậu nhiệt đới, nhiều rừng rậm. Dân số 23 triệu người (1954). Nhiệt độ trung bình ở Sài Gòn là 25oC. Động vật có khỉ, hổ, voi rừng. Sông Mê Kông có cá sấu.
Thật thú vị và hấp dẫn! Tuy nhiên, đó không phải là mối quan tâm của hàng triệu trái tim đầy yêu thương và lo lắng, đang hướng tới Việt Nam khói lửa.
Máu của những người lính dũng cảm đã nhuộm đỏ dòng Mê Kông và sông Hồng. Những khu rừng trở thành lò lửa của cuộc chiến đấu không khoan nhượng với bọn thực dân. Những thành phố biến thành đống đổ nát. Sử sách cổ của một dân tộc yêu chuộng tự do bị đốt thành tro bay trên mặt đất cháy xém vì bom napalm.
Với một niềm xúc động biết ơn, tôi đã đọc kỹ cuốn sách của Léopold Figuères(2) – một nhà báo Pháp tài năng kể cho thế giới sự thật về cuộc chiến tranh của dân tộc Việt Nam chống lại những kẻ thực dân. Khi từ Việt Nam trở về, Léopold Figuères, người cộng sản ái quốc dũng cảm phải lẩn trốn sự truy lùng của cảnh sát vì chính quyền Pháp đã ra lệnh bắt giam ông. Ông bị tuyên án tử hình vì những bài phóng sự trung thực đăng trên các báo Nhân đạo (L’Humanité) và Tối nay(Ce Soir), khi đại diện cho nhân dân Pháp tố cáo chính sách thực dân tàn bạo của những thế lực phản động đang nắm giữ chính quyền ở nước này.
Tôi đọc và trước mắt tôi hiện ra hình ảnh cao đẹp của nhân dân Việt Nam đang chiến đấu vì độc lập, vì quyền được sống và lao động trên chính quê hương mình. Liệu chúng tôi có kể về Việt Nam sống động như Léopold Figuères đã kể trong cuốn sách của ông không?
Khó khăn lớn nhất của chúng tôi không phải là việc phải vượt qua những gian khổ của thời chiến. Chúng tôi phải vừa làm phim vừa khám phá đất nước này – tìm hiểu về kinh tế, văn hóa, chiến lược và chiến thuật chiến tranh nhân dân.
Hai thành viên của đoàn khảo sát, nhà quay phim Evgenhi Mukhin và Vladimir Eshurin cũng chia sẻ lo lắng này với tôi.
Chúng tôi được gặp gỡ với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô, đồng chí Nguyễn Lương Bằng(3), và có cuộc nói chuyện khá dài với ông.
– Ở Việt Nam, mọi người đang rất mong đợi các đồng chí – đồng chí Nguyễn Lương Bằng nói – công việc của các đồng chí rất nặng nề, nhưng Chính phủ và các tổ chức đoàn thể của chúng tôi sẽ giúp đỡ các đồng chí hết mức có thể trong điều kiện chiến tranh khó khăn. Tôi nghĩ các đồng chí sẽ phải chịu đựng khí hậu của Việt Nam…
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cho chúng tôi rất nhiều lời khuyên bổ ích liên quan đến công tác chuẩn bị cho chuyến đi, bảo quản phim, đóng gói thiết bị. Rồi cả về áo khoác, dép quai hậu, mũ, thuốc kí ninh…
– Các đồng chí đi đúng vào mùa mưa nhiệt đới. Điều này sẽ gây khó khăn cho công việc và việc đi lại của các đồng chí. Nhưng mọi người sẽ giúp đỡ các đồng chí.
Sau khi chúc chúng tôi lên đường bình an, Đại sứ nói:
– Các đồng chí sẽ là những người Xô Viết đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Những người đầu tiên! Mọi người sẽ coi các đồng chí là những người anh em. Các đồng chí sẽ thấy nhân dân chúng tôi yêu quý Liên Xô như thế nào.
Mời các bạn đón đọc Ánh Sáng Trong Rừng Thẳm của tác giả Roman Karmen.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn